Những 'ổ bệnh' trên đường phố

11/10/2018 - 06:00

PNO - Xác chuột la liệt trên đường phố không được thu gom, miệng cống hôi thối không chịu nổi, rác thải chứa vô số vi trùng… là những nguồn lây lan, phát tán dịch bệnh nguy hiểm.

Xác chuột trên đường không được quét dọn, thu gom, chỉ biến mất sau khi bị cán nát thành bụi.

Hoàng Nhiên – Út Thương thực hiện

Những ổ vi trùng nơi miệng cống

“Mưa xuống thì ngập, nắng lên thì hôi thối không chịu nổi. Ngửi riết cái mùi kinh dị này ai cũng nhức đầu, không bị bệnh mới lạ” - một người dân sống gần miệng cống đối diện nhà số 152 Nguyễn Thượng Hiền, P.5, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - bực dọc nói rồi vội kéo cửa đóng kín lại như muốn chạy trốn mùi hôi từ dưới cống đang bốc lên giữa trưa nắng. Đây là một trong những điểm ô nhiễm mùi hôi triền miên, khiến người dân chịu không thấu, phải làm đơn cầu cứu cơ quan chức năng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, bên dưới miệng cống hôi thối này hiện đã được lót một miếng nhựa mỏng chắn ngang. Dẫu vậy, mùi hôi vẫn len lỏi qua những kẽ hở bốc lên mặt đường, nhất là khi trời nắng gắt. “Chúng tôi làm đơn gửi lên Phòng Quản lý đô thị Q.Phú Nhuận hơn một tuần thì thấy công nhân thoát nước xuống mở nắp cống kiểm tra, sau đó thì thấy dưới nắp cống có lót miếng nhựa. Từ khi có miếng nhựa này, mùi hôi có giảm chút ít nhưng mấy nhà ở gần vẫn không chịu nổi, phải đóng cửa thường xuyên” - một người dân ngao ngán.

Nhung 'o benh' tren duong pho
Xác chuột chết trên đường phố thường không được thu gom, trong khi đây là nguồn lây bệnh rất lớn

Cách hố ga này không xa, trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, cũng có vô số miệng thu nước bị người dân bịt kín để ngăn chặn mùi hôi. “Nắng thì phải ngăn miệng cống lại, mưa xuống thì tháo ra cho nước thoát. Tháo ra, đậy lại rất mất công nhưng không ngăn lại thì mùi hôi bốc lên dữ quá, khách hàng bỏ đi hết” - chủ quán cơm gần miệng hố ga phân bua. 

Thử khảo sát một số khu vực ở nội thành, chúng tôi ghi nhận, có hàng trăm miệng cống bốc mùi hôi nồng nặc khiến người dân chịu không nổi, phải bít lại. Bên cạnh đó, còn có hàng trăm miệng cống bị đọng nước với đủ thứ rác rến, thực phẩm phân hủy lúc nhúc côn trùng. Ở một số miệng cống đọng nước lâu ngày, còn xuất hiện các ổ lăng quăng. “Những miệng cống này chẳng khác gì các ổ vi trùng gây bệnh” - một người dân ở đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, thốt lên như thế.

Xác chuột thành bụi, phát tán khắp nơi

Không chỉ ngao ngán với hàng trăm miệng cống đọng nước ô nhiễm, người dân còn kinh hãi với vô số xác chuột trên đường phố không được thu gom, máu me bê bết. “Xác chuột này tôi thấy từ tuần trước, đến giờ vẫn nằm đây. Nó bị xe cán tới cán lui cả chục ngày rồi. Cứ nghĩ tới cảnh nó nát ra thành bụi mà rùng mình” - một người dân tặc lưỡi khi thấy chúng tôi ghi hình một con chuột cống to bị cán dẹp như tờ giấy, dính trên mặt đường Võ Văn Tần, đoạn gần điểm giao với đường Nguyễn Thượng Hiền, Q.3.

Nhung 'o benh' tren duong pho
Nhiều miệng cống hôi thối, người dân không chịu nổi, phải bít lại

Nhưng, cảnh tượng này hầu như từ nội thành cho đến vùng ven, chỗ nào cũng có. Chỉ cần chú ý quan sát, hễ chạy xe được một đoạn ngắn là thấy xác chuột trên đường. Điều lạ là, hầu hết xác chuột không được người quét rác thu gom mà chúng chỉ biến mất khi bị xe cán qua cán lại nhiều lần, dẹp lép rồi tan vào không khí. Vì sao lại không quét dọn xác chuột trên đường? Một số công nhân vệ sinh nghe hỏi, cho rằng, do… ghê quá. “Chuột mang đầy vi khuẩn lây bệnh, nó lại bị xe cán nát bét như thế nên chỉ nhìn thôi đã thấy sợ” - một nữ công nhân vệ sinh ở Q.Gò Vấp nhăn mặt. 

Nỗi sợ hãi về xác chuột của người quét rác dễ được cảm thông, vì công việc hằng ngày của họ diễn ra trên đường phố, phải đối mặt với vô số nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nhất là từ những đống rác hôi thối “được” tập kết bừa bãi trên đường. Trong khi đó, hiện nay, phương tiện thu gom rác ở nhiều tuyến đường vẫn còn quá thô sơ, đồ bảo hộ lao động của công nhân cũng không mấy chuyên dụng.

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn công tác xã hội và Phát triển cộng đồng phối hợp với Viện Khoa học xã hội Miền Nam thực hiện mới đây, trong số 217 công nhân vệ sinh ở TP.HCM được khảo sát, hầu hết đều mắc bệnh truyền nhiễm. Cụ thể, có đến 64% công nhân bị bệnh sốt xuất huyết, hơn 59% bị bệnh da liễu, hơn 51% bị bệnh phổi - phế quản... 

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI