Sư cô Thích nữ Huệ Đạo, Trụ trì Ni viện Phước Long, Q.9, TP.HCM đã nói như trên trong ngày hội “Nữ tu thành phố làm công tác xã hội từ thiện” năm 2019 diễn ra hôm 6/9 tại tỉnh Bình Phước.
Không gia đình
Từng có chồng và hai cô con gái song sinh, nhưng ở tuổi 51, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai chỉ còn lại một mình. Chị nói, hạnh phúc như nắm sương mù, cố gắng thế nào cũng không giữ được.
Sinh ra ở Tây Ninh, chị Mai bị liệt tay trái, yếu một bên người. Mẹ mất sớm, cha đi bước nữa, nên 10 tuổi, Tuyết Mai bỏ nhà xuống Sài Gòn nhặt ve chai kiếm sống. Tuổi trưởng thành, chị quen một người đàn ông cùng cảnh ngộ rồi ở với nhau. Anh qua đời vì bệnh phổi đúng lúc chị mang thai. Chị không biết nên làm gì và sống tiếp như thế nào.
|
Ni sư Thích nữ Tín Liên thăm hỏi, động viên người già neo đơn, người khuyết tật không nơi nương tựa đang sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp |
“Năm 1989, tôi sinh hai con, mang về Tây Ninh nhờ má sau chăm sóc rồi trở lại Sài Gòn, mưa nắng, đêm ngày cắm mặt vô mớ ve chai để quên đi nỗi đau. Đến một ngày bừng tỉnh, thấy cần phải có con thì đã muộn. Ba tôi đã mất. Má dẫn hai đứa nhỏ đi đâu không rõ” - chị Tuyết Mai bộc bạch.
Cũng như chị Mai, ký ức của bà Phạm Thị Thu, 78 tuổi, là những mảnh ghép rời rạc một quãng ngắn hạnh phúc và cuộc đời dài lang bạt. Không nhà cửa, vợ chồng bà thuê phòng trọ ở Q.3. Chồng làm nghề sửa xe, còn bà ở nhà nội trợ. Biến cố đến với gia đình bà khi cậu con trai 11 tuổi mất do bị điện giật. Rồi chồng bà qua đời sau thời gian dài chống chọi bệnh tim. Bà chỉ còn cô con gái. Cứ ngỡ hai mẹ con sẽ ở vậy nương tựa vào nhau, nhưng con gái bà quyết tâm lấy chồng nước ngoài để xuất ngoại. Người thân duy nhất đi biền biệt không về, bà Thu trả phòng trọ, ra đường. “Q.1, Q.8, Q.Gò Vấp, tui đi hết cô à. Ngày lượm ve chai, tối ngủ vỉa hè. Thỉnh thoảng, các nhóm từ thiện ghé cho hộp sữa, bịch cháo, ít quần áo cũ. Đi hoài rồi cũng mỏi gối chồn chân, may sao được đưa vô đây” - bà Thu nhớ lại.
Nơi những người như chị Mai, bà Thu coi là chốn nương thân cuối cùng là Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) ở xã Minh Đức, H.Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Chị Mai đã sống ở đây được 17 năm, còn bà Thu đã sống 21 năm.
Đừng tuyệt vọng
Tại buổi nói chuyện chuyên đề “Tìm lại chính mình”, thay cho những báo cáo dài dòng, thạc sĩ Hà Trung Thành - giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM - đã cho mọi người xem bộ phim ngắn Gánh xiếc bươm bướm.
Nội dung phim xây dựng từ nguyên bản cuộc đời Nick Vujicic - người đàn ông không tay, không chân đã vượt qua mặc cảm để sống lạc quan và thành công. Nick đóng vai chính trong phim này. Hàng trăm ánh mắt chăm chú, thỉnh thoảng có tiếng sụt sùi. Chị Tuyết Mai thốt lên: “Người ta vậy mà vẫn sống tích cực, trong khi tôi từng buông bỏ bản thân”. Thạc sĩ Hà Trung Thành trấn an: “Đừng tuyệt vọng. Không ai hoàn hảo cả. Trong từng giai đoạn cuộc đời chúng ta có thể đã hành động sai trái, suy nghĩ tiêu cực, nhưng quan trọng là hiện tại mình chọn thái độ sống như thế nào. Nếu có cây bút, cuốn sổ trên tay, các anh chị hãy viết nhật ký đi, kể lại sai lầm của mình, những buồn vui trăn trở đã qua hoặc kỳ vọng tương lai. Biết đâu, một ngày kia cuốn nhật ký sẽ đến tay người khác, và họ sẽ không mắc phải những sai lầm tương tự. Đọc sách, giao tiếp cởi mở, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, rèn luyện thể thao hằng ngày cũng rất tốt...”.
Ni sư Thích nữ Tín Liên và 44 nữ tu khác đã đến từng dãy ghế, dành nhiều thời gian để động viên mọi người hãy chấp nhận và yêu thương bản thân cả phần tốt lẫn chưa tốt.
Theo ông Nguyễn Văn Quân - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp - nơi này đang quản lý, nuôi dưỡng 542 người là người già neo đơn, người khuyết tật, lang thang, cơ nhỡ, không có nơi ở ổn định. Mặc dù trung tâm luôn tạo điều kiện cho các anh chị em còn trẻ, khỏe hồi gia, học nghề, giới thiệu việc làm, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Tinh thần bất ổn, tự ti về quá khứ khiến họ khó hòa nhập xã hội. Do trú đóng tại vùng sâu vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, lại quản lý cả đối tượng lang thang trong độ tuổi lao động nên công tác vận động và tiếp nhận nguồn lực từ thiện cho nhóm này còn hạn chế.
Giáo sư Khương Đang - Phó trưởng ban đại diện Hội thánh Cao Đài, Ban Chỉnh đạo TP.HCM - cũng là “người quen” của ngày hội nữ tu làm từ thiện, nói: “Mình không trách người lang thang, vạ vật ngoài đường được, bởi mỗi hoàn cảnh đều có cái khó, cái khổ riêng. Tại TP.HCM, chúng tôi có 20 thánh thất, 3 nhà tu với khoảng 6.000 nữ tín đồ. Chị em rất nhiệt tình làm công tác từ thiện”.
Cho đến nay sư cô Thích nữ Huệ Đạo đã có gần 30 năm sống với triết lý “gieo mầm thiện là nguyện ước” và là một trong những gương mặt gắn bó với ngày hội "Nữ tu thành phố làm công tác xã hội từ thiện" từ những ngày đầu. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, ở Q.Phú Nhuận, một tín đồ của sư cô Huệ Đạo, bộc bạch: “Tiếp xúc với những cảnh đời không may tôi cảm thấy yêu quý và trân trọng hơn những gì mình đang có”.
Năm nay Thành Hội nhận được sự đóng góp nhiệt tình của nữ tu các tôn giáo, cả tiền mặt và hiện vật. Ngoài 542 phần quà (bàn chải và kem đánh răng, khăn mặt, dép, thịt hộp, bánh ngọt) được trao cho các anh chị em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp, chúng tôi cũng đã tặng trung tâm 3.000kg gạo, 500 chai nước mắm, 300 lít dầu ăn, 254 thùng mì gói, 2 máy tập thể dục cùng một số hiện vật khác và tiền mặt với tổng trị giá 407,99 triệu đồng. Ngày hội “Nữ tu thành phố làm công tác xã hội từ thiện” là minh chứng sinh động cho tư tưởng nhập thế tích cực, ích đạo lợi đời bằng những đóng góp cụ thể của nữ tu các tôn giáo. Bà Đỗ Thị Chánh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM |
Bài và ảnh: Mẫn Nhi