Những nữ sinh về nhà chồng ở tuổi 13, 14

26/05/2023 - 06:27

PNO - Nhiều học sinh ở huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An thành vợ, thành chồng ở tuổi 13-14. Dịp tết vừa qua, Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Na Ngoi có 11 học sinh “dựng vợ, gả chồng”, nhỏ nhất là nữ sinh lớp Sáu, bị “bắt vợ”về nhà chồng cách trường hơn 80km.

Chồng 15, vợ 14 tuổi

Chưa đăng ký kết hôn do không đủ tuổi, C.Y.T. bế con 2 tháng tuổi đến UBND xã hỏi thủ tục khai sinh cho con để hưởng các chế độ bảo hiểm
Chưa đăng ký kết hôn do không đủ tuổi, C.Y.T. bế con 2 tháng tuổi đến UBND xã hỏi thủ tục khai sinh cho con để hưởng các chế độ bảo hiểm

Tan trường, L.Y.D. - học sinh lớp Tám, ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn - đứng ngó nghiêng trước cổng trường chờ chồng cùng về nhà. Chồng của D. là học sinh lớp Chín cùng trường, 2 người trở thành vợ chồng sau dịp tết Nguyên đán vừa qua. Hơn 11g trưa, sương mù vẫn giăng khắp núi đồi. Cầm lấy chiếc cặp sách của vợ, L.B.C. hối thúc D. “về nhanh coi mẹ nấu cơm chưa”.

Mới 15 tuổi, L.B.C. đã quen với cuộc sống tự lập, thậm chí còn thay cha mẹ chăm 2 em mỗi ngày. Chị H.Y.X. - 31 tuổi, mẹ của L.B.C. - cho hay, chán cảnh làm nương rẫy, mấy năm qua, vợ chồng chị vào miền Nam làm thuê, giao lại toàn bộ việc nhà cho C. quản lý. Dịp tết Nguyên đán vừa qua, vợ chồng trở về nhà ăn tết thì thấy nhà mình đã có con dâu trưởng. 

Chị X. nói: “Mình về nhà mới biết chứ con có nói đâu. Con nó đã muốn lấy vợ thì mình cũng chịu”. Vợ chồng chị X. đã tổ chức đám cưới đơn giản với vài mâm cơm, mời họ hàng đến chung vui, ra mắt con dâu.
Làm dâu ở tuổi 14, D. khá vô tư. Sau bữa cơm trưa, cô nói mẹ chồng rửa bát giúp mình rồi đi thẳng vào phòng, soạn sách vở để chuẩn bị đi học. “Đợt nghỉ tết vừa rồi, mấy bạn khác lớp em cũng lấy chồng mà” - D. hồn nhiên nói. Theo chị X., chị cũng lấy chồng năm 15 tuổi, nên chị xem như nhà có thêm đứa con, chẳng ép con dâu phải làm nhiều. 

Căn nhà nhỏ nằm ở lưng chừng núi của chị X. gần đây rôm rả hơn khi có thành viên mới. Anh chị ngăn một góc nhà làm không gian riêng tư cho con trai và con dâu. Khi được hỏi đã sẵn sàng làm bà nội chưa, chị X. tỏ ra vừa mừng, vừa lo. Chị nói “sợ con dâu còn trẻ quá, chưa biết làm mẹ” nhưng rồi lại tặc lưỡi: “Cứ để tự nhiên thôi”. 

Bạn bè cùng trang lứa với chị X. (30-31 tuổi) nay đều đã lên chức bà. Mỗi lần gặp nhau, chị chỉ biết cười trừ trước câu hỏi bao giờ mới chịu có cháu bồng. “Bạn cùng tuổi giờ 3-4 cháu cả rồi. Nhiều lúc họ cười, trêu mình chuyện chưa có cháu, đâm ra cũng buồn” - chị X. nói.

Dù rất muốn tiếp tục tới trường sau khi bị bắt vợ, nhưng X.Y.N. - học sinh lớp Bảy, Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn - lại không may mắn như L.Y.D. Ít tháng trước, cha của N. phải đến trường xin lại sách vở của con để gửi sang nhà chồng bên Lào với hy vọng con “tự học thêm tại nhà”.

N. trong đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi. Cha N. là cán bộ xã nhưng cũng đành bất lực do con gái bị “bắt vợ” khi ông đang đi công tác. Khi ông biết tin thì mọi chuyện đã an bài, bởi theo phong tục người Mông (H’mông), “nhà trai đã bắt vợ thì con gái không được về nhà cha mẹ đẻ nữa”.

Dịp tết vừa qua, Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Na Ngoi có 11 học sinh “dựng vợ, gả chồng”, nhỏ nhất là nữ sinh lớp Sáu, bị “bắt vợ”về nhà chồng cách trường hơn 80km. Ông Phạm Mạnh Hùng - Hiệu trưởng trường này - nói: “Chúng tôi đã nỗ lực tuyên truyền nhưng năm nào cũng xảy ra tình trạng này. Thương nhất là em N. Em học rất giỏi, đang được bồi dưỡng để chuẩn bị đi thi học sinh giỏi thì bị bắt vợ về tận bên Lào”.

Khó dẹp nạn tảo hôn

Mang thai tháng thứ tư, nữ sinh V.Y.G. phải nghỉ học, cùng mẹ chồng thêu vải mỗi ngày
Mang thai tháng thứ tư, nữ sinh V.Y.G. phải nghỉ học, cùng mẹ chồng thêu vải mỗi ngày

Sau vài tháng “chát chít” với nhau qua mạng xã hội, V.Y.G. - học sinh lớp Chín, trú xã Mường Lống - đồng ý để một nam sinh lớp Mười “bắt vợ”. Sau vài tháng về nhà chồng, G. phải nghỉ học do ốm nghén. Không đến bệnh viện thăm khám, G. cũng chỉ được nhà chồng áng chừng có bầu khoảng 4 tháng, trùng với thời gian em về nhà chồng. 

Thấy đám bạn í ới gọi nhau đi học ngoài đường, G. đánh thức chồng dậy lên rẫy làm việc, còn mình đưa đồ nghề ra hiên nhà phụ mẹ chồng thêu vải. Cũng như nhiều thiếu nữ người Mông khác ở xã vùng cao này, G. cho rằng, kết hôn ở độ tuổi này là lẽ thường. Vợ có thai, chồng của G. cũng đành nghỉ học để ở nhà vừa chăm vợ, vừa lên rẫy làm việc kiếm thu nhập. 

Theo thống kê của Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn, sau dịp nghỉ tết Nguyên đán vừa qua, 154 học sinh các trường THCS trong huyện nghỉ học để lập gia đình hoặc đi làm, hầu hết là người Mông. 

Tập tục của người Mông là kết hôn sớm để thêm thành viên, tăng sức lao động. Nhưng hiện nay, hầu hết các cặp học sinh kết hôn với nhau là do thích nhau rồi về nhà bắt cha mẹ tổ chức đám cưới. Khi cả 2 đã ưng thuận, nam sinh sẽ đến nhà nữ sinh “bắt vợ”, đem về nhà mình.

Xã Mường Lống có gần 100% cư dân là người Mông. Ông Và Chá Xà - Chủ tịch UBND xã - nói, “cuộc chiến” với nạn tảo hôn rất cam go. Mỗi năm, xã có trên 20 cặp thành vợ chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn. UBND và các đoàn thể trong xã đã vận dụng nhiều biện pháp nhưng không mấy hiệu quả bởi hủ tục còn quá nặng nề. 

Ông lý giải hiện tượng học sinh THCS đã lập gia đình: “Con trai người Mông muốn lấy những cô gái trẻ. Vợ mình phải là người con gái chưa ai đụng vào, mình là người sở hữu đầu tiên. Khi chưa có nhiều người tán tỉnh thì cưới về, vợ chồng sẽ hạnh phúc hơn. Còn con gái 18 tuổi là bị chê rồi”.

Ông Và Chá Xà nói thêm, nhiều nữ sinh đi chơi rồi đồng ý để bạn trai “bắt vợ” về nhà chồng. Sau một số nghi thức xua đuổi những điều không may mắn, cô gái bước vào nhà trai và chính thức trở thành người nhà đó. Ông nói về tập tục của người Mông: “Dù chưa làm gì nhưng khi đã bước vào nhà trai thì cô gái này đã thành ma nhà đó, có chết thì cha mẹ đẻ cũng không cho ở nhà mình nữa, phải tổ chức ma chay ở nhà trai”.

Nhiều cô gái trẻ người Mông tập trung lại vừa trông con nhỏ, vừa thêu vải kiếm tiền
Nhiều cô gái trẻ người Mông tập trung lại vừa trông con nhỏ, vừa thêu vải kiếm tiền

Cũng theo ông, với người Mông, nếu đã bị “bắt vợ” mà quay về nhà mình thì cô gái đó xem như đã qua 1 đời chồng, ít ai còn “nhòm ngó”. Gần đây, khi học sinh yêu nhau rồi “bắt vợ”, hiếm có phụ huynh nào phản đối mạnh do sợ các em ăn lá ngón tự tử. Thực tế, ở Mường Lống, từng có nhiều cái chết thương tâm chỉ vì cha mẹ ngăn cản con cái yêu nhau.

Ông Vi Mỹ Sơn - Phó ban Dân tộc tỉnh Nghệ An - cho rằng, trong thời gian qua, dù đã rất nỗ lực nhưng các giải pháp phòng, chống tảo hôn cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động nên hiệu quả chưa cao: “Theo tôi, thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền, chính quyền địa phương cần chỉ đạo cơ quan công an xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự vài trường hợp để răn đe”. 

Bài và ảnh: Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI