|
Nguyễn Phước Ngọc Hương (thứ hai từ phải sang) trong ngày chia tay ngôi trường cấp III để vào đại học |
Không có máy tính vẫn đạt giải thưởng tin học
Thỉnh thoảng, mượn tạm chiếc laptop cũ của mẹ, Nguyễn Phước Ngọc Hương - sinh viên năm nhất Trường đại học (ĐH) Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM - cho biết, cái máy “chập cheng” đã khiến em nhiều lần dở khóc dở cười. 1 bài tập được giảng viên cho thời gian 15 phút, thì Hương mất 10 phút ngồi nóng ruột nhìn nó “xoay vòng vòng”. Đến khi chiếc laptop đã sẵn sàng thì các bạn gần như đã hoàn thành bài tập.
Là sinh viên duy nhất trong số 80 sinh viên ngành khoa học máy tính của trường chưa có máy tính, nên những ngày này, Hương vẫn cố gắng thu xếp thời gian để đi làm gia sư, gom góp mua 1 cái máy tính có cấu hình cần thiết cho việc học. Lịch học của em gần như kín mít cả ngày, có khi kéo dài từ 8g sáng đến 8g tối. Thế nhưng, Hương vẫn cảm nhận em đang dần bắt nhịp với việc học và không gặp quá nhiều khó khăn.
Có ba làm công nhân Công ty Nissey Việt Nam và mẹ là giáo viên mầm non, gia đình thuộc diện hộ nghèo của thành phố, nên nhiều năm nay, Hương đã quen với việc học tập trong điều kiện thiếu hụt. Không có nhà nên cả gia đình em hiện sống nhờ nhà ngoại tại quận 8, cùng với các cậu, dì. Ngôi nhà độ chừng 25m2 là nơi chung sống của nhiều gia đình, thế nên một góc học tập dành cho Hương cũng là điều xa xỉ. Vậy mà, vượt lên những cản trở đó, Hương luôn đạt thành tích khiến gia đình bất ngờ.
Như năm học lớp Tám, Hương đăng ký thi rồi đoạt giải Nhì môn tin học cấp thành phố mặc dù nhà không có cái máy vi tính nào để thực hành. Lên lớp Chín, Hương lặng lẽ đăng ký thi lớp Mười vào Trường phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TPHCM với mục đích ban đầu là “để biết sức mình tới đâu”.
Thi thử mà đậu thật, Hương trở thành 1 trong 5 thành viên nữ ít ỏi của lớp chuyên toán với hơn 40 học sinh. Trong 3 năm học tại ngôi trường điểm nổi tiếng của thành phố, điểm trung bình hằng năm của Hương luôn đạt 9 trở lên và luôn xếp vị trí nhất, nhì lớp. Năm học lớp Mười hai, điểm trung bình cả năm của Hương là 9,4.
Kỳ tuyển sinh ĐH vừa qua, Hương đăng ký xét tuyển ở 3 trường, là Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM và trúng tuyển cả 3 với số điểm rất cao. Tuy nhiên, cảm giác thích những gì liên quan đến lập trình, máy tính nên Hương chọn Trường ĐH Bách khoa để theo đuổi. Ngoài ra, sinh viên năm thứ ba của ngành học này có cơ hội sang Nhật thực tập có lương cũng là một trong những nguyên nhân khiến cô nữ sinh quyết định lựa chọn, để san sẻ gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Hương cho biết, học phí ngành học của em hiện tại hơn 50 triệu đồng/năm, con số khá cao so với mức thu nhập 10-12 triệu đồng/tháng của cả ba mẹ cộng lại. Trong khi Hương vẫn còn 1 đứa em đang học lớp Chín, do đó, đầu năm học này, ba mẹ phải chạy vạy vay mượn để có tiền đóng học phí cho Hương.
Nhưng dù vất vả bao nhiêu, thì đối với ba mẹ Hương, thành tích học tập của con như một liều thuốc bổ giúp họ có thêm niềm vui và sức mạnh để cố gắng làm việc. Tự hào về cô con gái giỏi giang của mình, chị Nguyễn Thị Anh Đào - mẹ Hương - kể: “Trong kỳ thi đánh giá năng lực vừa rồi, con bé đáp ứng được điều kiện đầu vào tiếng Anh của trường (7.0 IELTS) trong khi gia đình chưa có điều kiện cho con đi học trung tâm ngày nào. Dù lịch học rất nặng, con cũng lên kế hoạch tự học tiếng Nhật với quyết tâm sẽ đi Nhật vào năm thứ ba”.
Trong khó khăn càng mạnh mẽ
|
Nguyễn Lê Thảo Vy tranh thủ những lúc cửa hàng vắng khách để coi lại bài vở chuẩn bị cho đợt kiểm tra sắp tới |
Chị Đào còn cho biết thêm, vì gia đình khó khăn nên bao nhiêu năm nay, Hương cứ gom góp những nguồn học bổng hỗ trợ từ địa phương, mỗi năm 1-2 triệu đồng, rồi dành dụm những phần thưởng hỗ trợ từ công đoàn công ty, trường học của ba mẹ để đóng học phí và mua sách vở cần thiết. “Lay lắt vậy mà con bé vào được ĐH với tính cách ngày càng mạnh mẽ” - chị Đào nói thêm.
Chia sẻ bí quyết để có thành tích học tốt như bao năm nay, Hương cho biết, em đã đặt ra tính kỷ luật cho bản thân, đó là không phải lúc nào muốn học thì học, không muốn thì nghỉ mà phải đạt được mục tiêu từng ngày.
Bên cạnh đó, Hương còn học cách quản lý, phân bổ thời gian hợp lý ở tất cả môn học để tránh việc học lệch. Ngoài ra, vì không có tiền đi học thêm, nên Hương tranh thủ mọi cơ hội ở lớp để học thêm từ bạn bè, thầy cô. Về nhà, cô nữ sinh nghèo tìm tòi học thêm trên mạng để củng cố thêm những gì mình đã học, đã biết.
Không xem khó khăn của gia đình là rào cản, mà ngược lại Hương cảm nhận đó là cơ hội để em trở thành một cô gái mạnh mẽ và tự lập, luôn tận dụng mọi cơ hội để vươn lên, phát triển bản thân.
“Em luôn tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn các bạn và sự cố gắng mỗi ngày giúp em cứng cỏi hơn để khi đương đầu với một khó khăn nào đó, em không chới với. Như nhiều năm học trong không gian sinh hoạt ồn ã của gia đình đã luyện cho em khả năng tập trung cũng như khả năng thích nghi tốt. Hiện nay, em có thể học tập ở bất cứ không gian, điều kiện nào” - Hương cho biết.
Còn Nguyễn Lê Thảo Vy - sinh viên năm nhất ngành công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM cũng đã trải qua 12 năm học đầy khó khăn trong ngôi nhà 15m2 với 10 nhân khẩu tại khu giải tỏa Mả Lạng (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1).
Ba là công nhân, mẹ là nhân viên giữ xe cho một bãi xe tư nhân tại quận 4, nên khi học xong cấp III, Vy đăng ký học tiếng Nhật với dự định sẽ đi xuất khẩu lao động tại Nhật, phụ giúp ba mẹ trang trải kinh tế gia đình. Tuy nhiên, kỳ thi ĐH với tâm lý “thi cho biết với bạn bè” lại mang đến cho Vy kết quả khá bất ngờ khi em có đến 2 môn học đạt điểm số cao nhất trường.
Không nỡ nhìn con gái từ bỏ ước mơ vào giảng đường, anh Nguyễn Tấn Hải - ba Vy - thuyết phục con ở lại với lời hứa sẽ cố gắng lo học phí cho con.
Để bớt phần nào khó khăn cho gia đình, mỗi ngày, Vy thức dậy sớm để kịp đón chuyến xe buýt từ quận 1 ra TP Thủ Đức để học rồi chiều về, tranh thủ buổi tối, làm nhân viên cho một cửa hàng tại quận 1. Không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi nên tranh thủ lúc nào cửa hàng vắng khách, Vy lại lấy tập vở ra xem.
Nguyễn Phước Ngọc Hương và Nguyễn Lê Thảo Vy là 2 trong số 30 nữ sinh ĐH sẽ được Báo Phụ nữ TPHCM trao học bổng “Nữ sinh hiếu học vượt khó” đợt 3 - năm 2022 diễn ra vào ngày 20/11 sắp tới. Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - cho biết, học bổng của báo nhằm hỗ trợ phần nào học phí cho những nữ sinh là con em công nhân - những người gặp nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19. Trong tình hình học phí ĐH tăng cao, những suất học bổng là sự chia sẻ, động viên, giúp các em yên tâm thực hiện ước mơ của mình. |
Nguyệt Minh