So với người lao động trực tiếp, công việc nghiên cứu khoa học của đội ngũ này lặng thầm hơn, nhưng không kém phần quan trọng. Mảng công việc mang tính âm thầm này thực chất không kém phần nặng nhọc vì cũng như công nhân vệ sinh, họ trực diện đối mặt với rác thải, nước bẩn, các loại hóa chất thiên hình vạn trạng nên nữ giới tham gia rất ít. Nhưng khi các chị đứng chân vào hàng ngũ này, công trạng cho nghề, không kém nam giới!
Niềm vui sáng tạo
Buổi sáng ngày giữa tháng Mười, ghé Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM, tôi chỉ gặp được sáu kỹ sư, cử nhân đang hý hoáy làm việc trên máy tính. Không khí phòng làm việc thật im ắng, mỗi người một góc, người chăm chăm vào màn hình máy tính với hàng chuỗi số liệu, công thức hóa học. Người lật sột soạt chồng tài liệu cao dày cả tấc… Cử nhân sinh học Vũ Thị Hoài Nhơn, mỉm cười giới thiệu: “Phòng có 50 người, trong đó, chỉ có hơn mười nữ thôi. Các anh thì công tác rải đều bảy chi nhánh, các chị hầu hết làm việc ngay tại công ty. Có ba chị trực các trạm cân rác, còn lại chúng tôi hoạt động tại phòng thí nghiệm, văn phòng, đi nghiên cứu tại các bãi tập kết, trạm trung chuyển rác…
Chị Nhơn chỉ tôi xem bảng phân công công việc trên vách phòng, mỉm cười giải thích lý do vì sao trong phòng vắng ngắt: “Đó chị, hôm nay Thanh Vy đi Bình Hưng Hòa kiểm tra mẫu nước thải, Nhật Ngoan đi Đông Thạnh, Phương Uyên về Hiệp Phước…”.
Chị Nhơn là một trong ba chuyên gia của phòng từng tham gia nghiên cứu và làm ra bộ sản phẩm dung dịch rửa tay sát khuẩn cho các công nhân vệ sinh của công ty dùng phòng, chống dịch COVID-19. Chị nói: “Thời điểm được giao làm bộ sản phẩm này, tôi và hai bạn Nhật Tài và Nhật Ngoan gần như mất ăn, mất ngủ. Thực chất công thức thì WHO đã đưa ra, nhưng để điều chế ra dung dịch rửa tay đạt yêu cầu và phù hợp với điều kiện công tác của công nhân ngành vệ sinh môi trường không phải là chuyện dễ. Còn nhớ chỉ còn chưa đầy một tuần đầu chúng tôi đã có sản phẩm đầu tiên. Chú giám đốc công ty dùng thử sản phẩm xong bảo độ cồn hăng quá. Chú nói: “Thường người ta có thói quen vệ sinh tay xong sẽ đưa lên mũi ngửi, độ cồn như vậy sẽ cảm giác không thoải mái cho người sử dụng”. Còn anh Cao Văn Tuấn, trưởng phòng, thì đòi hỏi dung dịch phải có màu và mùi dễ chịu, lại không cho dùng các chất công nghiệp mà phải thiên về thực phẩm, nguyên liệu từ thiên nhiên… Vậy là nhóm lại miệt mài hơn hai tuần nữa mới ra tới thành phẩm cuối cùng, được cả công ty đồng lòng ủng hộ”.
Cùng song hành với nhóm của Nhơn lúc ấy, còn có một nhóm kỹ sư công nghệ của công ty nghiên cứu về dung dịch diệt khuẩn, nhằm khử trùng các thùng chứa rác, xe chở rác đặc biệt trong mùa dịch COVID-19. Nhóm nghiên cứu này lại cũng có hai nữ là bạn Phương Uyên và Thanh Vy ngày đêm miệt mài trong phòng thí nghiệm, cùng bao áp lực để cho ra đời bộ sản phẩm khử trùng kịp tiến độ mà công ty giao phó. Đầu tháng Tư, phòng ra mắt cùng lúc hai bộ sản phẩm dung dịch rửa tay và nước xịt khử trùng, điều vui là cả hai bộ sản phẩm đều được sự ủng hộ và đánh giá cao của công nhân khi sử dụng. Điều này khiến các nhân viên của phòng lại tràn đầy cảm hứng, các chị bắt tay làm một lúc gần 30 cái máy rửa tay tự động (cơ chế hoàn toàn từ cảm ứng) để lắp đặt ở các văn phòng, trụ sở khắp các chi nhánh của công ty, còn mang tặng một số nơi công cộng cùng phòng ngừa COVID-19. Hỏi các chị sức đâu làm nhiều vậy, các chị nói vui, niềm vui sáng tạo thôi thúc.
Áp lực yêu thương
Sau giai đoạn nghiên cứu đầy căng thẳng đó, các kỹ sư công nghệ, chuyên gia môi trường ấy của công ty lại bắt tay vào những công việc bình thường, cũng đầy tính chất tỉ mỉ và không kém phần căng thẳng. Nhìn nữ kỹ sư Thanh Vy gầy nhom ôm chồng hồ sơ đi vào phòng, chúng tôi hỏi phải chăng công việc nhiều và áp lực quá nên anh chị nào cũng mảnh mai? Chị Nhơn cùng các chị em Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng cười rộ lên: “Cũng có người đầy đặn ạ. Nhưng quả thật công việc nhiều và áp lực vô cùng. Tuy vậy, mỗi đề tài nghiên cứu của nhóm đều mang tính thiết thực, gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, ứng dụng đến từng chi nhánh, thậm chí vì lợi ích của từng người lao động. Nên khi làm, anh em rất hăng say”.
Ngày ngày, các chị tiếp tục đối diện với rác, nghiên cứu, tìm tòi phương án về xử lý 1.000 tấn chất thải rắn, chất thải công nghiệp. Bàn tay các nữ cử nhân công nghệ sinh học, kỹ sư môi trường ấy vẫn chạm vào rác bẩn, nước thải. Mắt các chị vẫn căng lên qua kính hiển vi, soi ra từng tạp chất, gọi tên từng thứ vi khuẩn, vi trùng, chứng kiến sự kỳ ảo, biến hóa của các chất khi tương tác với nhau để tìm ra được chất chống ăn mòn, bảo vệ các thùng chứa rác, chất phụ gia hợp lý làm keo dán để tăng tuổi thọ công cụ vận chuyển rác…
Thậm chí, khi rời công việc về với gia đình, những cái đầu tinh thông ấy vẫn đau đáu với chuyện làm thế nào để xử lý, tái sử dụng những chất thải bỏ đi của các doanh nghiệp ký gửi Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị xử lý hộ…
Chị Nguyễn Thị Quế Lâm, phụ trách chuyên môn của phòng, cho biết nhờ những áp lực, đòi hỏi từ công việc đã khiến không khí làm việc của phòng lúc nào cũng trở nên khẩn trương, sôi nổi. Tuy công việc nặng nhọc và khó khăn nhưng dù bạn là nữ cũng không được ưu tiên gì cả. Bởi khi đã là cử nhân sinh học, kỹ sư môi trường ở phòng chúng tôi, bạn phải bắt tay vào vận hành đầu óc, cùng đồng nghiệp hoàn thành từng cụm đề tài nho nhỏ. Công việc buộc chúng tôi phải làm việc nhóm, và trong nhóm ấy, dù nam hay nữ lãnh đạo đều được tôn trọng như nhau, được các thành viên của nhóm phối hợp nhịp nhàng. Mỗi kỹ sư, cán bộ của phòng đều ý thức mình là mắt xích trong guồng máy chung, không thể lơ là. Tuy nhiên, cũng vui khi là nữ, chúng tôi luôn nhận được sự đồng lòng hỗ trợ của các chú, các anh lớn tuổi có bề dày kinh nghiệm đã nhiệt tình hướng dẫn.
|
Nhóm truyền thông về phân loại rác tại nguồn do nữ kỹ sư Nguyễn Thị Quế Lâm - Bí thư Đoàn Thanh niên, cũng là người phụ trách chuyên môn Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng của công ty điều hành góp phần tích cực vào hoạt động ngành vệ sinh môi trường |
Đánh giá về những đóng góp của lực lượng nữ cán bộ, nhân viên, kỹ sư của phòng, ông Cao Văn Tuấn - Trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng - cho biết: “Tuy số lượng không nhiều nhưng các nữ cử nhân, kỹ sư đều nằm trong các nhóm nghiên cứu, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng lẫn cấp bách của phòng. Ưu điểm của nữ là tính chịu khó, bền bỉ, không bỏ cuộc giữa chừng. Nhờ những đóng góp của các chị, nhiều nghiên cứu mang tính ứng dụng cao của phòng đã được triển khai và tiết kiệm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty số tiền không nhỏ. Như đề tài vá thùng chứa rác bằng vật liệu PU vào năm 2017 đã giúp tái sử dụng hàng ngàn thùng hỏng hóc. Đề tài về phương pháp đốt để xử lý máu heo, chung tay cùng thành phố giải quyết đợt heo dịch bệnh năm 2017. Đề tài sử dụng nguồn hóa chất thải bỏ tái chế thành dung dịch khử mùi bùn vừa giúp ngăn thải ra môi trường lượng hóa chất độc hại, vừa có thể giúp cho công nghệ xử lý mùi hiệu quả hơn…”.
Nhiều lần nhắc về đội ngũ cán bộ nữ chuyên gia công nghệ môi trường, kỹ sư môi trường trong các hội nghị khoa học, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc công ty, luôn đánh giá rất cao nỗ lực của các chị. Ông nói: “Mỗi thành quả lao động của đội ngũ nữ trí thức này đóng góp cho công ty không thua gì nam giới. Nhưng tôi vẫn cảm kích và trân quý thành quả đó hơn khi so cùng sản phẩm của các đồng nghiệp nam. Bởi bên cạnh việc nghiên cứu, sáng tạo, thì các chị còn gánh nặng bởi hai từ “thiên chức”. Người ta vẫn nói, giới tính như một rào cản khiến các chị khó dấn thân. Tuy vậy, khi xem lại thành quả của các nữ trí thức công ty mình, tôi nghĩ, giới tính chỉ là rào cản hữu hình khi nghiên cứu, sáng tạo luôn luôn ở thể vô biên. Chúng tôi thật lòng cảm ơn các chị cùng những đóng góp miệt mài, thầm lặng cho ngành vệ sinh môi trường, mảng công việc luôn phải đi đầu nhưng thường hay bị nhớ đến sau…
Hạnh Chi
Được tài trợ