PNO - "Những nụ hôn điện ảnh'' là một cuốn sách của hoài niệm, của Paris xưa cũ, của điện ảnh thời kỳ trắng đen, của ánh sáng và bóng tối, của những chuyện đã qua và của cuộc tình đã chấm dứt.
Cuốn tiểu thuyết Những nụ hôn điện ảnh của Eric Fottorino, đoạt giải Femina năm 2007, là một tác phẩm văn chương đậm dấu ấn điện ảnh. Tác giả đã kể về hành trình nhân vật chính ngược dòng quá khứ, truy tìm đáp án cho sự khiếm khuyết về nguồn gốc bản thân, mò mẫm lần theo những mẩu ký ức đứt đoạn và những kỷ vật của người cha quá cố, nhằm bắt được hình bóng người mẹ mà bản thân chưa từng biết tên biết mặt.
Song hành với cuộc viễn du về quá khứ là một mối tình vụng trộm, cuồng say, đầy đam mê. Và điện ảnh, phủ bóng lên toàn bộ tác phẩm với sự xuất hiện dày đặc của những tựa phim kinh điển, những cái tên danh tiếng, với những câu chuyện về các bộ phim, về ánh sáng và những cảnh quay.
Nhân vật chính của tác phẩm là Gilles Hector, một luật sư có cha là nhà nhiếp ảnh trường quay, đồng thời là nhà chỉ đạo ánh sáng nổi tiếng, đã tham gia vô số bộ phim kinh điển trong thời kỳ “Làn sóng mới” của điện ảnh Pháp. Như phần dẫn nhập đầu sách, anh ta luôn “lánh xa người bố đang hiện hữu và không ngừng tìm kiếm người mẹ đã biệt tích”. Anh chưa từng hay biết gì về mẹ của mình, cho đến một hôm bố anh thổ lộ rằng anh “được sinh ra từ một nụ hôn điện ảnh”. Bởi vậy mà Gilles Hector có một niềm tin vô cùng kiên định rằng mẹ anh hẳn phải là một minh tinh màn bạc.
Đem theo niềm tin ấy và nỗi khao khát tìm được khuôn mặt nữ diễn viên có thể là mẹ của mình, anh thường xuyên đến rạp chiếu bóng, xem lại những bộ phim trắng đen cũ kỹ. Anh đắm mình trong những rạp phim ngày này qua tháng khác nhưng vẫn không kiếm tìm được hình bóng người mẹ mà anh mong chờ. Thay vào đó, anh lại bắt gặp được một Mayliss quyến rũ, xinh đẹp, có chút gì đó âu sầu với nỗi sợ hãi thường trực về sự trôi chảy của thời gian, sự già đi, tàn lụi và chết. Thế rồi, như một lẽ tự nhiên, họ hấp dẫn nhau, lao vào một cuộc tình ngang trái nhưng mê đắm, cuồng nhiệt giữa một chàng luật sư và một người phụ nữ đã có chồng.
Gilles Hector đã cùng lúc chạy đuổi theo hai người đàn bà: một là người tình mà anh si mê, hai là người mẹ bí ẩn. Khi sa đà vào cuộc tình cuồng say, đắm đuối bên Mayliss, sự tìm kiếm của anh với người mẹ phần nào bớt thường xuyên hơn trước. Anh chỉ có được manh mối quan trọng, thứ manh mối rõ ràng nhất sau những năm tháng dài tìm kiếm trong mơ hồ, vào thời điểm anh cố gắng làm điều gì đó để “cai nghiện” Mayliss.
Anh không truy vấn đến tận cùng về người mà anh ngờ ngợ có thể là mẹ mình. Có thể bởi dẫu khao khát tìm kiếm đến đâu thì khi cầm trong tay chiếc chìa khóa mở ra sự thật, người ta đều lưỡng lự, sợ hãi rằng những điều sắp phát hiện ra sẽ khiến họ thất vọng. Hoặc có lẽ chỉ đơn giản bởi bí ẩn đẹp nhất, hấp dẫn nhất là khi nó vẫn còn nguyên tấm màn bí mật. Gilles Hector, đối với cả hai người đàn bà, đều điên cuồng truy đuổi bằng tất cả say mê, khao khát, tò mò, để rồi cuối cùng anh nhận ra bản thân hài lòng với sự vắng bóng và những con người vắng bóng.
Những nụ hôn điện ảnh là một cuốn sách của hoài niệm, của Paris xưa cũ, của điện ảnh thời kỳ trắng đen, của ánh sáng và bóng tối, của những chuyện đã qua và của cuộc tình đã chấm dứt. Ta như thấy thấp thoáng bóng dáng những sáng tác của Patrick Modiano, khi Paris thế kỷ XX, khi nước Pháp hào hoa, lóng lánh trong thời đại tuyệt đẹp của nó sống dậy cùng với ký ức đổ bóng trên khắp các cung đường, đại lộ, trong rạp chiếu bóng, những căn phòng và hiện hữu trên những tấm ảnh, cuộn phim, sổ ghi chú…
Nhưng với Eric Fottorino, cuộc truy đuổi về quá khứ, cuộc tìm kiếm hình bóng đã vắng mặt, thậm chí chưa từng hiện hữu hay nói cách khác là không có bằng chứng rõ ràng cho sự hiện hữu, còn gắn với điện ảnh. Chạy dài suốt tác phẩm, những cái tên danh tiếng của điện ảnh thế kỷ XX, từ đạo diễn tới diễn viên, lần lượt được đề cập như François Truffaut, Eric Rohmer, Jean Eustache hay Martine Carol, Audrey Hepburne…
Tác giả Eric Fottorino
Dấu ấn điện ảnh xuyên suốt tác phẩm còn thể hiện qua việc chính các nhân vật cũng cảm tưởng như thể họ đang ở trong khuôn hình của những bộ phim. Khi Gilles Hector và Mayliss quấn quýt bên nhau, ánh sáng tuyệt diệu, máy quay như bắt trọn những khoảnh khắc hạnh phúc của hai người. Khi họ xa nhau là những khoảng gián đoạn khắc khoải, giây phút chia ly là tiếng hô cắt tàn nhẫn của đạo diễn. Và rồi khi họ gặp lại nhau, theo một thói quen đã thỏa thuận, Mayliss sẽ mặc lại đúng chiếc váy lần trước họ gặp nhau, nhằm “nối lại mạch phim nơi chúng mình dang dở”. Ngay cả nhân vật cũng ý thức rằng họ đang biến đời thực thành những cuộn phim để có thể tùy ý vứt ra khỏi khuôn hình những khoảng thời gian không mấy vui vẻ, giữ lại những phút giây hạnh phúc, ráp nối và tạo ra một bộ phim hoàn hảo.
Với tất cả những điều này, Những nụ hôn điện ảnh không chỉ là cuộc hành trình truy tìm những manh mối thất lạc của quá khứ, chắp nối và lấp đầy những khoảng rỗng của ký ức, mà còn là sự tri ân, tôn vinh tới điện ảnh, đặc biệt là những nhà chỉ đạo ánh sáng lẫy lừng đứng sau vẻ đẹp của mỗi thước phim. Chắc chắn rằng những ai đã trót say mê chất hoài niệm của Patrick Modiano, thì cũng sẽ say mê cuốn tiểu thuyết của Eric Fottorino, như cách bố của nhân vật Gilles Hector đã say mê ánh sáng, gương mặt của những nữ minh tinh, và đặc biệt là cách Gilles Hector say mê cô nàng Mayliss.