Những “nụ hôn” bằng mắt dỗ dành nhân loại giữa cơn đại họa

17/04/2020 - 09:31

PNO - Cặp đôi chỉ còn được nhìn nhau qua lớp kính bảo hộ, nhưng tình yêu được biểu lộ rực rỡ, sâu lắng trong thinh lặng…

Trái tim thế giới đang xao động bởi bức ảnh nữ điều dưỡng Mindy Brock (38 tuổi) cùng chồng Ben Cayer (46 tuổi) giữ chặt và nhìn vào mắt nhau xuyên qua lớp kính kín mít của bộ đồ bảo hộ. Họ đang cùng nhau “chiến đấu” tại tuyến đầu chống vi-rút SARS-CoV-2 của Bệnh viện Đa khoa Tampa, Florida (Hoa Kỳ). Bức ảnh do điều dưỡng trưởng Nicole Hubbard chụp vào một buổi sáng.

Cặp đôi của Florida đã cùng nhau sẻ chia một tổ ấm, một nghề nghiệp và giờ đây, một nhiệm vụ. Họ cùng gánh vác công việc tiềm ẩn rủi ro cao là đặt ống thở cho bệnh nhân trong các ca phẫu thuật. Bệnh nhân của họ có thể là các nạn nhân tai nạn giao thông hoặc những trường hợp cần phẫu thuật khẩn cấp vì vỡ mạch máu não. Hiện tại nhiều bệnh viện ở Mỹ đang phải ưu tiên nhường chỗ cho các bệnh nhân của đại dịch COVID-19, chỉ một vài cơ sở như Bệnh viện Đa khoa Tampa mới được chỉ định thực hiện những ca cấp cứu cần can thiệp ngoại.

“Nụ hôn” bằng mắt của vợ chồng Mindy Brock và Ben Cayer lan tỏa cảm xúc yêu thương, chung tay và tràn hy vọng trong đại dịch COVID-19 - Ảnh: NICOLE HUBBARD
“Nụ hôn” bằng mắt của vợ chồng Mindy Brock và Ben Cayer lan tỏa cảm xúc yêu thương, chung tay và tràn hy vọng trong đại dịch COVID-19 - Ảnh: NICOLE HUBBARD

Như thế, bất kỳ ai trong số các bệnh nhân của họ cũng có thể đang mang mầm bệnh. Việc đặt ống vào đường miệng, xuống đường thở đòi hỏi phải tiếp xúc gần. Vi-rút có trong dịch tiết, nước bọt có sức lây lan ở mức độ rất cao dù có các thiết bị bảo vệ. Để “bảo toàn lực lượng”, bệnh viện đã giảm số nhân viên làm công việc đặt nội khí quản trước khi phẫu thuật xuống mức tối thiểu, bằng cách lập ra biệt đội “airway team” gồm những “chiến binh tinh nhuệ” đảm đương nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm này. Thế mà trước đó, vợ chồng Brock - Cayer đã không đắn đo để cùng gật đầu đồng ý tình nguyện ở lại với bệnh viện trong biệt đội mới thành lập.

Một điều tế nhị thú vị, vào buổi sáng đúng ngày tấm ảnh ra đời, cặp đôi đã kết hôn được 5 năm cãi vã trong lúc lái xe đi làm. Ngoài những lo toan về chuyện cơm áo, chính quyết định tham gia biệt đội cũng góp phần khiến cả hai căng thẳng. “Chúng tôi đã cãi nhau. Nhưng sau đó, chúng tôi lại tìm thấy nhau giữa các ca phẫu thuật. Sự căng thẳng tan chảy”, Brock nói. Tất cả những điều họ đã tranh luận vào buổi sáng hôm đó trở nên quá tầm thường so với những gì họ đang đối diện để nhận ra ý nghĩa của nhau, của trách nhiệm. Họ quay sang nhìn sâu vào mắt nhau vì xung quanh rất nhiều người bệnh không lo lắng về tình trạng nhiễm vi-rút bằng nỗi sợ hãi đơn độc khi việc thăm viếng đã bị hạn chế nghiêm ngặt. “Chúng tôi có những người đàn ông vạm vỡ run rẩy vì không ai trong gia đình có thể có mặt cạnh họ”, Brock giải thích cho ánh nhìn của hai vợ chồng vào khoảnh khắc như thể một sự biết ơn vì anh và em đã ở đây, hiện diện cùng nhau.

Chúng ta hẳn chưa quên hình ảnh y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận ôm nhau òa khóc khi ca mắc số 36 - bệnh nhân COVID-19 cuối cùng của tỉnh - có kết quả âm tính lần 2. Đoạn video ghi lại khoảnh khắc đó cũng đã dậy lòng dư luận hồi đầu tháng này.

Cơ quan tôi cũng có đồng nghiệp chỉ được gặp người yêu vài tuần một lần. Anh là bác sĩ đang phải “cắm trại” sẵn sàng cho các phương án chống dịch của địa phương. Những lần trùng phùng, người nọ đồ bảo hộ che kín, kẻ khẩu trang đứng ngoài, ở giữa là lớp kính cách ly. Ánh mắt nhìn nhau dù là màu gì cũng chỉ một thông điệp: bình an nhé, ta yêu nhau! 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI