Những nữ điều dưỡng kiên cường chống dịch COVID-19

12/05/2022 - 05:57

PNO - Bên cạnh các bác sĩ đang tập trung điều trị, điều dưỡng đóng vai trò như một mắt xích quan trọng, ngày đêm chăm sóc người bệnh để họ mau hồi phục.

Chăm sóc bệnh nhân như người thân

Rảo một lượt qua các giường, kiểm tra lại sinh hiệu các bệnh nhi, điều dưỡng Nguyễn Trần Ái Nương - Điều dưỡng trưởng Khoa COVID-19, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) - mới yên tâm ngồi vào bàn xem tiếp y lệnh của bác sĩ, sắp xếp hồ sơ trước khi tan ca. Chị nói, yêu nghề điều dưỡng một phần do gia đình vun đắp, một phần muốn gắn bó với bệnh nhi, nhất là trải qua đợt dịch COVID-19 khốc liệt vừa rồi, chị thấy mình càng phải tiếp tục phấn đấu để làm tốt hơn nữa.

Nhớ lại “cuộc chiến” vừa qua, chị Nương cho biết, trong thời điểm bệnh viện được lệnh thành lập đơn vị COVID-19, các bác sĩ, điều dưỡng đã dồn hết cho tiền tuyến. Cố làm tốt vai trò lá chắn tại bệnh viện, các chị bắt tay vào dọn dẹp, chuẩn bị liên tục ba ngày đêm mới tạm hoàn thành; vừa xong buổi tối, 7g sáng có ca F0 đầu tiên. Chị kể: “Lúc này, đơn vị được xem là hàng rào chắn dịch cho bệnh viện, nhưng thực ra mỗi ca trực, cố lắm cũng chỉ có hai điều dưỡng, trực liên tục 24/24 từ chăm sóc bệnh nhân đến làm hồ sơ, thủ tục hành chính, sàng lọc bệnh, chuyển ca nặng… Ngoài ra, trung bình đơn vị có khoảng 50 bệnh nhi F0, chưa kể người nhà chăm bệnh nhi, nếu cũng trở thành F0, các điều dưỡng phải chăm cả người lớn và trẻ em. Về sau, đơn vị được tăng cường nhân sự nhưng lúc này đã có hơn 100 bệnh nhi cần chăm sóc”.

Các điều dưỡng khi ở tiền tuyến (trong ảnh: các bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu bệnh nhân ở Bệnh viện  Hồi sức COVID-19 TP.Thủ Đức) - ẢNH NHÂN VẬT CUNG CẤP
Các điều dưỡng khi ở tiền tuyến (trong ảnh: các bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu bệnh nhân ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.Thủ Đức) (Ảnh nhân vật cung cấp)

Quay cuồng với tiếng khóc của trẻ, tiếng máy móc thúc giục liên hồi mỗi khi có bé trở nặng, cha mẹ nhắn tin vào ứng dụng điện thoại, gọi đường dây nóng… các chị hầu như quên ngày đêm, không dám cởi bộ đồ bảo hộ bởi sức chịu đựng của bệnh nhi vốn yếu, nếu rơi vào nguy kịch, bé sẽ không đợi nổi… Giai đoạn đỉnh điểm, phần lớn trẻ dương tính có nhiều bệnh nền, bệnh tim bẩm sinh, suy thận mạn, nhiều khi trẻ đang cười với các cô điều dưỡng, quay lại đã… “đi” rồi.

Đêm đó hơn 22g, vừa tan ca về, chưa kịp ngủ, điện thoại điều dưỡng Nương reo vang, một em bé sáu tuổi bị di chứng não, COVID-19 trở nặng. Điều phối nhân sự, thiết bị qua màn hình, lòng chị Nương như lửa đốt, mặc dù trước đó, bé trai đã được tiên lượng rất nặng. Hơn hai tiếng hồi sức cấp cứu, bác sĩ tuyên bố bé tử vong. Trong lúc đồng nghiệp lo hậu sự cho bé trai, một bé gái năm tuổi bị suy thận mạn, COVID-19 cũng chuyển biến nặng. Các thiết bị của bé trai, dồn hết cho bé gái nhưng cũng không thể cứu kịp. Điều dưỡng Nương không thể ngăn dòng nước mắt…  

Chỉ cần bệnh nhân hồi phục

Từ khi Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP.Thủ Đức) thành lập đến lúc ngừng hoạt động, điều dưỡng Phan Thanh Loan cùng đồng nghiệp tại Khoa ICU (Hồi sức tích cực) mới  trở về nhà. ICU là nơi chăm sóc, điều trị F0 nặng nhất. Bệnh nhân không thể tự vệ sinh, mọi việc từ lau người, thay tã, giúp bệnh nhân uống sữa, thở máy… đều một tay các điều dưỡng trực tiếp làm. Nếu không bằng tình thương, không xem bệnh nhân là người thân, sẽ khó chu toàn.

Theo điều dưỡng Loan, giữa lằn ranh sự sống và cái chết, bất kỳ nhân viên y tế nào vào tua trực đều không thể ngồi yên. Chỉ cần một chút lơ là, bệnh nhân rơi vào nguy kịch ngay. Các chị không sợ phải lau dọn vệ sinh, hút đàm nhớt, xoay trở người cho bệnh nhân… mà sợ nhất là khi người bệnh ra hiệu cần giấy bút để ghi lại những dòng nhắn gửi cuối cùng, hay những lúc phải trao di vật cho người thân. Bên cạnh người hiểu, cảm thông, cũng có người thân của bệnh nhân không chấp nhận sự thật, mất bình tĩnh, có lời lẽ quá khích… với các điều dưỡng. Lúc này, các chị lại lặng lẽ bước vào trong, tiếp tục công việc của mình. 

Dịch bệnh tạm yên, điều dưỡng Nguyễn Trần  Ái Nương càng cố gắng nâng cao nghiệp vụ,  phục vụ tốt hơn cho bệnh nhi - ẢNH: PHẠM AN
Dịch bệnh tạm yên, điều dưỡng Nguyễn Trần Ái Nương càng cố gắng nâng cao nghiệp vụ, phục vụ tốt hơn cho bệnh nhi - Ảnh: Phạm An

Mấy ai biết được, để cấp cứu bệnh nhân nặng, chuẩn bị chu toàn tiếp nhận bệnh từ bệnh viện dã chiến chuyển đến, quay cuồng với y lệnh và đôi khi là… bận khóc, ủi an đồng nghiệp trước một ca bệnh ra đi chóng vánh, các chị quên cả việc ăn uống, ngủ nghỉ. Tuy vậy, chị Loan bộc bạch: “Niềm vui của điều dưỡng không phải là bệnh nhân nhớ đến mình, mà chỉ cần ê-kíp làm tốt, cùng bác sĩ giúp người bệnh hồi sinh”.

Trong lúc đồng đội ra “tiền tuyến”, lực lượng điều dưỡng nơi “hậu phương” liên tục lên các phương án, huy động toàn lực cho “tiền tuyến”. Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh - Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - nhớ lại: “Có lần, lệnh điều động được gửi vào buổi tối, để kịp tiếp nhận bệnh, ê-kíp đi ngay trong đêm. Mọi người không ai bảo ai, bắt tay vào kê bàn ghế, phân luồng di chuyển. Rạng sáng, bệnh nhân được đưa đến.

Lúc đó rất bị động, bởi thiếu thốn thiết bị, vật tư. Nhưng khó khăn nhất là người bệnh gần như chỉ nghe lời bác sĩ, ít ai chịu nghe điều dưỡng. Có lúc bệnh nhân phản ứng rất mạnh, không chấp nhận điều dưỡng chăm sóc vết thương, truyền thuốc mà chỉ đòi bác sĩ...”. Dù vậy, các điều dưỡng vẫn kiên nhẫn lấy tình thương xoa dịu nỗi lo, sẵn sàng nhường phần cơm, chăm lo thuốc thang cho bệnh nhân... Dần dần, mọi người có sự thấu hiểu, tin tưởng và phối hợp hơn.

Trong bộ phương tiện phòng hộ màu xanh, trắng những dòng mồ hôi tuôn chảy, những đôi tay nhăn nheo dưới lớp găng tay, các điều dưỡng không một lời than phiền, vì mục tiêu giúp bệnh nhân hồi phục trở lại. Giờ đây, khi dịch bệnh đã đi qua, cuộc sống bình thường trở lại, các chị trở về đơn vị, vẫn lặng thầm, ân cần chăm sóc bệnh nhân. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI