Những nữ cựu binh vô gia cư

11/05/2013 - 06:50

PNO - PN - Chị Tiffany Jackson thường nhớ lại thời vàng son của mình khi mới rời quân ngũ. Giờ đây, sau nhiều năm vật lộn với đời thường, chị không còn căn hộ riêng nữa mà phải ngủ ngoài đường cả năm trời.

Cũng như nhiều bạn đồng ngũ khác, Tiffany bước vào thế giới của những kẻ vô gia cư mà trong đó, các nữ cựu binh đang chiếm tỷ lệ gia tăng cao nhất. Cuộc đời của họ chẳng còn giống như xưa, giờ họ chìm trong rượu, ma túy, thất nghiệp, ngủ qua đêm trong xe hơi, hay những nhà kho bỏ trống…

Trong số 141.000 cựu binh Mỹ sống cảnh vô gia cư vào đầu năm 2013, có khoảng 10% là phụ nữ, tăng 7,5% so với năm 2009, một con số có lẽ rất “ấn tượng” nếu biết rằng nữ quân nhân Mỹ hiện chiếm 14% quân số trong quân đội và 18% trong lực lượng vệ binh quốc gia.

Nếu lý do chính để các nam cựu binh Mỹ rơi vào cảnh không nhà là những sang chấn tâm lý mà họ chịu đựng trong những cuộc giao chiến đẫm máu thì khởi đầu phổ biến nhất của con đường đưa các nữ cựu binh Mỹ ra đường phố là hậu quả của những hành vi quấy rối và tấn công tình dục mà họ phải chịu đựng trong thời gian tại ngũ.

Nhung nu cuu binh vo gia cu

Nữ quân nhân Mỹ... 

Nhung nu cuu binh vo gia cu

... Không ít người sống cảnh vô gia cư (ảnh minh họa: Internet)

Một nghiên cứu cho biết, 53% nữ cựu binh không nhà từng trải qua những sang chấn tâm lý do bị quấy rối hoặc tấn công tình dục trong thời gian tại ngũ, trong khi nhiều người nhập ngũ với mong muốn thoát khỏi những xung đột và bạo lực gia đình! Trong hơn 20 nữ cựu binh được phóng viên New York Time phỏng vấn đầu năm 2013, có 16 người tiết lộ họ bị tấn công tình dục ở những cấp độ khác nhau trong thời gian phục vụ quân đội.

Tiffany Jackson đã cố gắng nhưng không thể quên được cái buổi tối tháng Tám ở căn cứ quân sự Suwon (Hàn Quốc), khi một gã lính Mỹ đè chị ra hãm hiếp trên sàn xi măng của nhà vệ sinh nữ khai nồng nặc. Để quên đi nỗi cay đắng, chị đã nhờ tới cocain trong suốt hai năm trời. Trong bảy năm sau khi rời quân ngũ, cảm giác đau đớn tủi nhục vẫn ám ảnh Tiffany, dù chị đã được bồi thường.

Nhưng, đó chưa phải là tất cả. Nữ thượng sĩ Jennifer Cortez (ảnh), 26 tuổi, đã hai năm nay không tìm được việc gì để kiếm sống. Chị ngủ nhờ nhà mẹ ruột, trên một tấm nệm trải trong phòng khách, bên cạnh chiếc bàn nhỏ để chiếc hộp với 12 tấm huân chương chị được tặng trong tám năm phục vụ đất nước, trong đó lấp lánh hai huân chương trong thời gian tại ngũ ở Iraq. Sau những vinh quang ấy, công việc của một nữ nhân viên vệ sinh lau sàn nhà quả là quá sức chịu đựng của chị. Jennifer không có gì gọi là của riêng, trừ bộ huân chương và chiếc xe hơi mà chị dùng làm nhà khi không muốn làm phiền cha mẹ.

Nhiều nữ cựu binh chưa đến nỗi phải ra đường nhưng sức khỏe bấp bênh của họ khiến triển vọng mờ mịt đó không còn xa. Ở tuổi 30, nữ cựu binh Iraq Michelle Mathis là mẹ của ba đứa con. Kể từ khi giải ngũ năm 2005 với vết thương ở đầu, đến nay mẹ con chị đã chuyển nhà bảy lần. Từ một chuyên gia về vũ khí hóa học, nay Michelle phải dùng thiết bị định vị giúp tìm đường đến cửa hàng thực phẩm hay đến trường đón con. Chị không có tiền để thuê người trông con, bản thân chị đi khám bệnh phải mang theo đứa con út mới đầy năm.

Michelle, Tiffany hay Jennifer đều đang trông chờ vào lời hứa chấm dứt tình cảnh “cựu binh không nhà” vào năm 2015, với hứa hẹn 13% số phiếu cấp nhà sẽ dành cho các nữ cựu binh và khoảng 1/3 trong số đó là những bà mẹ.

 Thái Ân (NYT)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI