Những nụ cười trên kênh Cái Nạp

27/04/2020 - 06:59

PNO - Người cựu binh hải quân Joe Muharsky trở lại Việt Nam cùng với cháu ngoại của ông và được đón tiếp thân tình. Cháu bé như người trung gian, cầu nối của tình người vượt lên thù hận...

Đứa bé đâu chừng một tuổi, bụ bẫm, mắt như viên bi xoe tròn, lọt thỏm giữa lòng một ông già xa lạ. Kế ông là ông ngoại bé, rồi bà, mẹ và những người xung quanh. Nó ngồi yên, đưa mắt nhìn. Ống kính dừng lại hơi lâu trên gương mặt thiên thần. Chuyện như bao chuyện khác người lớn bồng bế con thơ.

Đúng vậy mà không phải vậy. Bé cùng ông và gia đình đi nửa vòng trái đất, đến Cái Nạp, một con kênh xa xôi hẻo lánh nơi cuối trời Cà Mau. Nơi đó, năm 1969, trong một đợt càn của tuần duyên Hải quân Mỹ, một ngôi làng đã bị thiêu trụi. Trên tàu đó, có ông ngoại bé. Trả lại món nợ, tàu đã bị lực lượng du kích địa phương phản kích khiến nó trúng đạn, nhiều người bị thương.

Phải suy nghĩ rất lâu, ông ngoại bé mới trở lại. Không hẳn là chuyến đi thăm lại chốn cũ, mà là cuộc thám hiểm chính mình, rà xem tâm can mình vốn không ngừng bị ám ảnh đạn bom chiến tranh, bị lý tưởng tuổi trẻ một thời quay lại hành hạ, bị ý nghĩ ngây thơ đến trơ khốc là cầm súng đánh nhau, bị cơn… điên “không suy nghĩ gì cả’’ vốn như bản năng tự vệ cứ đêm đêm hiện về phá tan giấc ngủ, nó sẽ như thế nào trong mình.

Ông đã trở lại và được đón tiếp thân tình. Người chỉ huy trận chống càn năm xưa, một ông nông dân Nam Bộ rặt ri, đón ông, cùng người của ngôi làng bị thiêu trụi thuở đó. Những cái bắt tay thật chặt. Tiếng cười ấm áp vang lên. Một cây mai hoàng hậu được họ xúm lại trồng để làm kỷ niệm.

45 năm, đủ để ba thế hệ ra đời. Cháu ngoại ông một tuổi, nếu 45 năm sau cháu quay lại thì lúc đó, đoạn phim này có khiến cháu nhớ điều gì không? Lọt thỏm trong lòng người xa lạ, cháu không khóc. Nếu có khóc, cũng là phản ứng sinh học trước người lạ, nhưng không ai khóc cả, vì 45 năm đủ để nước mắt khô đi, cho mầm xanh trên ký ức đủ lả bóng, mầm xanh có tên "hòa bình, yêu thương và tha thứ".

Hết trên tay ông già, cháu được ông ngoại bế. Đây là chi tiết trong bộ phim Trở lại Việt Nam của đạo diễn Bob Judson, là cựu binh tham gia chiến tranh Việt Nam năm 1968. Người cựu binh hải quân ngày đó tên là Joe Muharsky, tham chiến từ 1967-1969 từ khu vực Đà Nẵng đến Cà Mau. Cháu bé như người trung gian, cầu nối của tình người vượt lên thù hận. Trung gian chứ không phải đường biên giới, không phải là bức tường mềm. Mọi thứ như tan đi, không lằn ranh, không vật chỉ dấu, khi trẻ thơ tượng trưng cho tương lai, bình yên trong mắt bao người.

45 năm, cây đã xanh lại những cánh rừng. Làng đã mọc trên hố bom. Trường đã vang lên trên xác chết. Câu chuyện hòa bình đến từ cháu bé đến từ Mỹ, khát vọng thân ái và đoàn kết đến từ nụ cười trẻ thơ, một lần nữa nói thêm một tín điều ở tương lai, rằng tại sao chúng ta, chính người Việt, vẫn còn nhìn nhau trong ngờ vực? 

Hãy nhìn thẳng vào hai phía, nhìn vào lòng người, hố bom thù hận vẫn còn trong lòng một số con dân Việt. 45 năm rồi, quá khứ không quên, nhưng hãy để nó ngủ yên. Tự tính con người là khi nhìn lại cơn sốc chết chóc mà có tay mình tham gia, lòng họ sẽ sợ hãi và buồn bã, từ đó sẽ mở lối cho họ đi về ngã đường của im lặng, chưa hẳn là sẽ yêu thương ngay, nhưng chắc chắn ngón tay siết cò sẽ không nhấn thêm lần nữa.

Nước mắt có thể làm gỗ đá lay lòng, huống là người. Từ trong khởi thủy, nhân loại luôn nhầm lẫn, để rồi sau đó họ dò bước tiếp đi, mỗi chặng đường là một thức nhận. 45 năm, bao mùa hoa đã nở trên môi người, dẫu còn đó bao xót đắng, muộn phiền, cách biệt, nhưng có một đại lộ của khoan hòa nhân ái đã thực sự mở ra… 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI