Những nụ cười rạng rỡ sau khi vợ tặng chồng một phần gan

24/07/2018 - 13:35

PNO - Mất 4 năm lay hoay tìm kiếm gan để điều trị ung thư, anh V. không ngờ chính người vợ xinh đẹp của mình là người có gan thích hợp nhất.

Bị viêm gan B từ khi chào đời, nhưng đến năm 30 tuổi, anh T.V.V. (48 tuổi, nhà ở Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) mới bùng phát bệnh. Căn bệnh chuyển biến khá nhanh khiến anh xơ gan, ung thư gan ngay sau đó. Năm 2014, nhận thấy căn bệnh ung thư gan chưa di căn, bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chỉ định anh V. phải ghép gan càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, sau 4 năm, bệnh viện vẫn chưa tìm được gan thích hợp nhất để ghép. Tình trạng xơ gan của anh ngày càng nghiêm trọng, nếu tiếp tục không tìm được gan, anh chỉ sống thêm 1 năm. Song, người có gan phù hợp, sẵn sàng tặng một phần cơ thể của mình cho anh V. vẫn chưa xuất hiện. Cả nhà anh đau đáu đợi tin.

Nhung nu cuoi rang ro sau khi vo tang chong mot phan gan
Chị Hường cười rạng rỡ khi chia sẻ về việc tặng một phần gan cho chồng

Nhìn qua hai đứa con nhỏ dại, chị Trương Kim Hường (33 tuổi vợ anh V.) ngỏ ý với bác sĩ để tặng gan của mình. Các bác sĩ lập tức tiến hành các xét nghiệm cần thiết cho anh - chị. “May mắn, kết quả xét nghiệm cho thấy chị Hường có cùng nhóm máu cũng như tình trạng sức khỏe đều phù hợp để hiến gan cho chồng mình”.

Sáng 16/6, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã mời 11 chuyên gia ghép gan từ Hàn Quốc sang tiến hành phẫu thuật cắt – ghép gan cho vợ chồng anh V. Sau 8 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã thực hiện cắt một phần lá gan của chị Hường (50% - 60% thể tích gan ban đầu), sau đó tạo hình và ghép thành công cho anh V.

Một tuần sau mổ, chị Hường xuất viện. Sức khỏe anh V. cũng dần hồi phục, được chuyển đến khoa Ngoại Gan – Mật – Tụy để tiếp tục điều trị. Hiện anh V. đã có thể đi lại và sinh hoạt bình thường. Đây là ca ghép gan đầu tiên các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thực hiện thành công từ người cho sống.

Nhung nu cuoi rang ro sau khi vo tang chong mot phan gan
Bác sĩ Long (đứng giữa) hỏi thăm sức khỏe anh V.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Công Duy Long, Phó khoa Ngoại Gan – Mật – Tụy, vì gan có khả năng tái sinh nên phần gan còn lại trong cơ thể chị Hường sẽ phát triển lớn hơn để đáp ứng như cầu cơ thể, đảm bảo sức khỏe chị không bị ảnh hưởng sau khi hiến gan.

Về phía anh V., phần gan ghép đã được dung nạp tốt. Nghĩa là anh V. có thể tiếp tục sống lâu dài cùng gia đình, chất lượng sống cũng được cải thiện vượt bậc. Anh sẽ đến bệnh viện tái khám thường xuyên trong một năm đầu sau ghép để tầm soát bệnh. 

Ghép gan thành công 80% giúp người bệnh khỏi hẳn xơ gan, ung thư gan, khả năng khỏi hẳn viêm gan B cũng rất cao.

Nhung nu cuoi rang ro sau khi vo tang chong mot phan gan
Sau nhiều năm chiến đấu và chờ đợi, gia đình anh V. đã cùng nở nụ cười rạng rỡ.

Chị Hường vui mừng: “Lúc mới nghe anh ấy bị ung thư gan, tôi hoang mang lắm. Cả tôi và chồng đều tuyệt vọng vì sợ anh mất. Thương nhất là hai con còn quá nhỏ, chỉ mới 11 và 7 tuổi. 4 năm chờ đợi cuối cùng chính tôi là người thích hợp nhất. Vừa nghe bác sĩ thông báo, tôi mừng rơi nước mắt, không thấy sợ mà chỉ hy vọng chồng mình sớm khỏi bệnh”.

Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ: Gan là cơ quan chức năng quan trọng, nếu suy gan, ung thư, hay các biến chứng nặng nề khi sử dụng thuốc điều trị bệnh thì phương pháp ghép gan là biện pháp tối ưu nhất.

15% người Việt bị nhiễm viêm gan B, nếu phát hiện trễ, hoặc bệnh nhân không tuân thủ những liệu trình điều trị, khi bị xơ gan sẽ rất khó khăn. 

Nhung nu cuoi rang ro sau khi vo tang chong mot phan gan
Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Hiện ghép tạng không dừng lại ở các bệnh nhân cùng huyết thống, cùng nhóm máu, riêng chỉ định ghép gan còn được mở rộng hơn nếu điều trị bằng thuốc không còn đáp ứng. Nhưng khó khăn lớn nhất là phong tục, văn hóa của người dân ảnh hưởng đến việc hiến tạng khi còn sống và cả lúc đã mất.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI