PNO - Để mỗi con đường, góc phố, công viên luôn xanh - sạch - đẹp và thành phố như được khoác “chiếc áo mới” vào các dịp lễ tết... là nhờ có sự góp sức của rất nhiều người, trong đó có các nữ công nhân cây xanh - những con ong chăm chỉ và lặng thầm.
Từng có nhiều năm làm công nhân may, nhưng khi chuyển sang làm công nhân cây xanh chị Tôn Nữ Hoàng Nhung ngày càng yêu thích và gắn bó với công việc
Nghề “chăm con mọn” Làm nghề chăm sóc mảng xanh đòi hỏi phải có đôi bàn tay khéo léo và có kiến thức, kỹ năng về đất, về cây. Nếu nam giới thường được giao phần chăm sóc các loại cây cao lớn, cho bóng mát hoặc có độ che phủ nhất định thì cánh chị em được ưu ái giao việc “làm đẹp” cho những mảng xanh mặt đất. Các chị nhận nhiệm vụ trồng và chăm sóc cây/hoa/kiểng… trên các tuyến đường, công viên của thành phố. Theo ông Vũ Duy Công - nhân viên kỹ thuật của Xí nghiệp Công viên Cây xanh 5 (Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM), khi tiếp nhận công việc, các chị đều được trang bị một số kiến thức, kỹ năng căn bản về cắt tỉa, chăm sóc cây xanh. Tuy nhiên, quá trình làm việc, quan trọng vẫn là “nghề dạy nghề”.
Hạ tầng quanh cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất ít nhiều được xem là bộ mặt của TP.HCM, bởi mang đến ấn tượng ban đầu về thành phố trong du khách, đặc biệt là khách quốc tế, khi đặt chân đến. Theo ông Công, tuyến đường Trường Sơn dẫn vào sân bay luôn được đầu tư, chăm sóc kỹ bởi một đội ngũ nữ công nhân cây xanh có tay nghề, giàu kinh nghiệm. Chị Nguyễn Thị Huyền, 37 tuổi, với 18 năm trong nghề, là một trong số ấy. Từ nhiều năm qua, chị được lựa chọn cho công việc chăm sóc các thảm cỏ, bồn hoa và một số vựa kiểng trang trí khu vực đường Trường Sơn ngay lối vào sân bay. Chị Huyền cho biết: “Công việc không quá vất vả, áp lực, nhưng giống như chăm con mọn, phải để ý từng chút và phải “nhanh tay” thì mới làm hết việc”.
Hằng ngày, 7 giờ sáng, chị Huyền cùng các đồng nghiệp có mặt ở nơi làm việc, bắt đầu nhổ cỏ, dặm cỏ, trồng hoa, cắt tỉa lá/cành rồi bón phân… để giữ cho từng thảm cỏ, bồn hoa, vựa kiểng luôn xanh tốt, đều và đẹp mắt. Do là khu vực cửa ngõ nên hầu như tháng nào cũng phải thay mới các loại hoa, tiểu cảnh và kiểu dáng cho các vườn hoa, vựa kiểng. Công việc được khoán theo diện tích, khu vực. Cuối tháng, chủ đầu tư là Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM sẽ nghiệm thu, xếp loại và thanh toán lương.
Nói về “nghề dạy nghề”, chị Tôn Nữ Hoàng Nhung, 52 tuổi, nhân viên cây xanh, làm việc ở công viên Lê Văn Tám (Q.1), đúc kết: “Bón phân thì hiểu cây, trồng cây thì hiểu đất”. Cụ thể, theo chị Nhung, ngày tháng gắn bó với công việc giúp chị thêm kiến thức, hiểu rõ loài cây nào trồng trên đất nào thì phù hợp, bón phân và liều lượng ra sao để cây phát triển tốt. Loài hoa ngắn ngày như cúc thì cần tưới sáng sớm và chiều tối. Những cây dài ngày như lài trâu thì chỉ cần tưới hai ngày/lần, trừ cao điểm nắng nóng thì mỗi ngày tưới một lần. Hoa sứ vốn không ưa nước nên mỗi tuần tưới một lần vẫn được. “Cũng phải để ý sâu bệnh. Cây nào có sâu loại đó. Với cỏ thì khi mưa xuống sùng xuất hiện nhiều, nếu không diệt, chúng sẽ ăn rễ khiến cỏ chết. Riêng sứ phải kiểm tra tình trạng sâu bệnh hằng ngày, hoa rụng phải nhặt ngay, nếu không sẽ gây sâu bệnh cho cây” - chị Nhung chia sẻ.
Ở các công viên, ngoài chăm sóc các mảng xanh, các chị còn quét dọn, vệ sinh ghế đá, thùng rác, hồ bơi, các dụng cụ thể dục ngoài trời… Thi thoảng, thành phố có lễ hội, cần làm mới các tiểu cảnh, vựa hoa/kiểng, hoặc phải thu dẹp cây cối để lấy mặt bằng tổ chức các sự kiện, các chị sẽ vất vả hơn. Công việc diễn ra ngoài trời nên chuyện vất vả mưa nắng đã trở nên quen thuộc.
Càng gắn bó, càng yêu nghề
Giống như mọi ngành nghề, công nhân cây xanh cũng cần có sự yêu thích và có tâm trong công việc. “Cũng mệt nhọc, cũng say nắng hoặc nhiễm mưa lạnh, nhưng khi nhìn lại vạt hoa cỏ tinh tươm, đẹp mắt, tôi lại thấy vui và hạnh phúc” - chị Đinh Thị Như Huế, 38 tuổi, làm việc tại công viên Lê Văn Tám - nói. Theo chị Huế, niềm vui và tự hào đối với công việc còn là những lúc chị nhìn thấy người dân đến ngắm nhìn hoặc chụp ảnh các vạt cỏ, luống hoa do chị chăm sóc. Hạnh phúc đó đã khiến chị và nhiều đồng nghiệp thêm động lực và quyết tâm theo nghề.
Chị Đinh Thị Như Huế cho rằng, công việc dù khá bận rộn nhưng chị vẫn có thể thu xếp để chăm lo cho con cái và gia đình
Năm 2003, vừa tốt nghiệp cấp III, chị Huế xin vào làm công nhân Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM và được phân về chăm sóc mảng xanh ở công viên Lê Văn Tám. Ban đầu, chị Huế dự định sẽ chỉ làm một thời gian rồi chuyển sang buôn bán. Vậy mà đến nay đã 19 năm chị gắn bó với nghề. “Ý nghĩ tìm một công việc khác đã không còn khi tôi nhìn từng luống cỏ xanh mướt, từng chiếc lá lớn lên hay đóa hoa mới hôm qua còn là nụ nay đã nở thành hoa rất đẹp. Nhìn thành quả, tôi lại càng thấy yêu hơn việc mình làm” - chị Huế chia sẻ.
Dù có hai con nhỏ đang học lớp Một và lớp Chín, nhưng chị Huế khẳng định với tính chất công việc, chị hoàn toàn thu xếp được vai trò là người vợ, người mẹ của gia đình. Hơn 16 giờ, tan giờ làm, chị về đón con, đi chợ và lo bữa cơm gia đình. Với chị Nhung, trước khi trở thành công nhân cây xanh, chị có nhiều năm làm công nhân may. Công việc thường xuyên phải tăng ca và chịu nhiều áp lực nên năm 2013, biết Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM tuyển lao động, chị đã xin vào. Theo các chị, mức thu nhập tăng theo thâm niên giúp họ duy trì được cuộc sống, nhưng hơn hết là được làm việc trong điều kiện không khí trong lành, đồng nghiệp cởi mở, hòa đồng, khiến họ thoải mái về tinh thần.
Yêu công việc, nên vào những thời khắc cuối năm, giao thừa, khi người người quây quần bên gia đình thì các chị vẫn còn cần mẫn với từng vạt cỏ, luống hoa để hoàn thành “chiếc áo mới” cho thành phố. Mới đây, sau thời gian dài giãn cách xã hội dài ngày, khi trở lại với nhịp sống bình thường, bước ra đường, vào công viên, mọi người không khỏi ngỡ ngàng trước sự gọn gàng, xanh - sạch - đẹp. Đó là kết quả từ những tháng ngày các chị đã miệt mài làm việc với tinh thần vượt khó để góp phần duy trì vẻ đẹp của thành phố.
Những năm gần đây, khoai mỡ được giá, nhiều hộ đã tăng sản lượng. Với giá bao tiêu là 9.000 đồng/kg, người trồng khoai sẽ có lời khoảng 20 triệu đồng/1.000m2.