Những nữ chính khách Việt Nam ở hội nghị Paris

30/01/2023 - 06:14

PNO - Trong những năm diễn ra Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973), phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã gây ấn tượng sâu sắc với bạn bè quốc tế về trí tuệ, bản lĩnh, sự cởi mở, thân thiện và tính kiên định. Trong phái đoàn, có 5 phụ nữ. Ngày 17/1 vừa qua, khi Bộ Ngoại giao tổ chức họp mặt kỷ niệm sự kiện lịch sử này, chỉ còn 2 nhân chứng sống là bà Nguyễn Thị Bình và bà Đỗ Duy Liên.

5 gương mặt nữ trong phái đoàn ngoại giao

Hội nghị Paris kéo dài từ năm 1968 đến năm 1973, được coi là cuộc đàm phán hòa bình dài nhất trong lịch sử nhân loại. Trong danh sách ban đầu, phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam gồm 15 người, trong đó có 4 phụ nữ, sau đó thay thế, bổ sung thêm 1 vị. Cụ thể, ngoài giáo sư Nguyễn Thị Bình là phó trưởng đoàn, đoàn còn có các bà Đỗ Duy Liên (tên thường gọi là Tư Duy Liên), Phạm Thanh Vân (tên thường gọi là Bình Thanh) và bà Nguyễn Ngọc Dung. 

Đến năm 1969, chồng bà Đỗ Duy Liên là ông Lê Duy Nhuận (Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam) hy sinh nên bà được tổ chức điều về nước công tác để tiện chăm sóc 3 con nhỏ. Tổ chức đã cử bà Nguyễn Thị Chơn (Năm Chơn, thuộc Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định) sang dự hội nghị thay bà Đỗ Duy Liên. 

Bà Nguyễn Thị Bình (áo xanh, ngồi giữa) tại cuộc họp mặt kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức ngày 17/1 vừa qua tại Hà Nội ẢNH: TTXVN
Bà Nguyễn Thị Bình (áo xanh, ngồi giữa) tại cuộc họp mặt kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức ngày 17/1 vừa qua tại Hà Nội - Ảnh: TTXVN

Khi đó, bà Nguyễn Thị Bình là Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời. Bà Nguyễn Ngọc Dung và bà Phạm Thanh Vân đã tập kết ra Bắc từ năm 1954, sống và làm việc ở miền Bắc rồi từ đó qua dự Hội nghị Paris. 

Bà Tư Duy Liên và bà Năm Chơn chiến đấu ở chiến trường miền Nam, đều từng bị bắt năm 1967 và bị tù đày, tra tấn dã man để moi tin tức (bà Duy Liên từng bị đốt cả 10 đầu ngón tay), đều thuộc diện trao đổi tù binh tháng 3/1968, được đưa ra Bắc chữa bệnh. Hai bà đến hội nghị để nói với thế giới sự thật từ chiến trường, từ đó giúp nhân dân thế giới hiểu rõ, ủng hộ cách mạng Việt Nam.

Những ngày tháng cam go nhưng đầy tự hào

Trong quá trình diễn ra hội nghị, tần suất làm việc của các thành viên trong phái đoàn - bao gồm 5 thành viên nữ - luôn dày đặc. Ngoài những phiên họp vào thứ Năm hằng tuần, các thành viên trong đoàn liên tục tiếp xúc với các nhân vật nổi tiếng trên thế giới đến tìm hiểu lập trường của chính phủ ta và trả lời những câu hỏi nhạy cảm của báo chí. 

Từ phải sang trái: Các bà Nguyễn Thị Bình, Đỗ Duy Liên, Phạm Thanh Vân (đứng sau)  và ông Huỳnh Thế Cuộc - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TPHCM

Từ phải sang trái: Các bà Nguyễn Thị Bình, Đỗ Duy Liên, Phạm Thanh Vân (đứng sau) và ông Huỳnh Thế Cuộc - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TPHCM

Phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chủ yếu vận động chống chiến tranh ở Việt Nam, làm cho dư luận quốc tế hiểu và ủng hộ Việt Nam. Do đó, mỗi thành viên phải luôn sáng suốt, tỉnh táo, kiên định để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đôi khi, chỉ một tên gọi, một khái niệm đưa ra bàn hội nghị hay cuộc họp báo, các thành viên cũng phải thức trắng đêm trăn trở, thảo luận. 

Sau này, bà Nguyễn Ngọc Dung nhớ lại: “Nói là dự hội nghị nhưng chúng tôi phải đi khắp nước Pháp rồi thay phiên nhau đi các nước châu Âu, châu Mỹ để giới thiệu giải pháp 10 điểm mà Chính phủ Cách mạng lâm thời nêu ra tại bàn đàm phán của Hội nghị Paris. Xen kẽ vào đó là các hoạt động vận động phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam”.

Trong hồi ký của mình, bà Nguyễn Thị Bình kể: “Chúng tôi sống rất đạm bạc. Có những nhà báo muốn quay phim cảnh sinh hoạt, ăn ở của phái đoàn “Việt Cộng”, chúng tôi kiên quyết từ chối, lấy lý do phong tục Việt Nam không cho phép đưa công khai sinh hoạt riêng tư của phụ nữ. Thực tế là chúng tôi khó lòng cho họ xem chỗ ở của tôi và Bình Thanh (Phạm Thanh Vân) bởi trên gác thượng sát mái, chỉ có 2 cái giường sắt như ở bệnh viện. Có nhà báo tò mò hỏi tôi đi may áo dài ở đâu, làm tóc ở đâu, chăm sóc sắc đẹp ở đâu, tôi tìm cách đối đáp cho qua chuyện”.
Bà Nguyễn Ngọc Dung từng kể với chúng tôi: “Khó khăn lắm, nhưng chúng tôi yêu thương nhau lắm bởi mấy chị em cùng nhau nương tựa, đấu tranh cho mục tiêu, lý tưởng chung”. 
Nhắc kỷ niệm về mẹ nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris, bà Vũ Thanh Xuân - con gái bà Phạm Thanh Vân - nói: “Chúng tôi vô cùng tự hào về mẹ và những đồng đội của mẹ. Chiến tranh qua đi nhưng tình đồng đội, đồng chí, tình chị em của mẹ và các cô, các dì vẫn luôn thắm thiết, vẹn nguyên”. 

Hiệp định Paris về Việt Nam là hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, do chính phủ của 4 bên tham chiến (Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa) ký kết tại Paris (Pháp) ngày 27/1/1973.

Chúng tôi luôn hãnh diện, tự hào về mẹ

Chị em chúng tôi xa mẹ từ lúc 3-4 tuổi và gặp lại mẹ sau 8 năm tại Hà Nội. Thế mà chỉ được hơn 2 tháng, cuối tháng 10/1968, mẹ lại một lần nữa xa các con, lên đường đến Paris nhận nhiệm vụ mới (lúc đó, mẹ vẫn đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô). Chỉ có kinh nghiệm chiến đấu trong lòng địch, chưa từng hoạt động ngoại giao, mẹ vẫn đĩnh đạc, tự tin bước vào mặt trận mới, góp phần khẳng định vị thế của người chiến sĩ, người phụ nữ Nam Bộ trên trường quốc tế: rất đẹp và cũng rất trí tuệ, kiên cường. 
Chúng tôi vô cùng tự hào về mẹ. Mẹ đã góp công sức trong một hội nghị lịch sử góp phần chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho đất nước. Nhưng trên hết, chúng tôi luôn hãnh diện và tự hào về cách sống, tình yêu thương mà mẹ và các cô, các dì dành cho nhau, cho lớp con cháu chúng tôi.
Ông Lê Thái Hỷ - nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, con trai bà Đỗ Duy Liên

Diễm Chi

 

 
TIN MỚI