Những nữ anh hùng hành động vì môi trường xanh

28/12/2024 - 21:31

PNO - Tổ chức ký giả châu Âu Euronews Green vừa vinh danh những nữ "anh hùng xanh" có đóng góp lớn cho bảo vệ môi trường trong năm 2024.

Claudia Sheinbaumb - Nhà nữ khoa học khí hậu đầu tiên trở thành Tổng thống

Nữ tổng thống Claudia Sheinbaum - Ảnh: Eduardo Verdugo/AP/Euro News
Nữ tổng thống Claudia Sheinbaum - Ảnh: Eduardo Verdugo/AP/Euro News

Claudia Sheinbaum - Tổng thống mới của Mexico - đã gây nên sự chú ý đặc biệt trong công chúng khi bà đắc cử với vai trò nguyên thủ quốc gia vào hồi tháng 6/2024.

Không chỉ là nữ tổng thống đầu tiên của một nước cộng hòa liên bang thuộc khu vực Bắc Mỹ, bà còn là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới có một lý lịch ấn tượng về khoa học khí hậu trước khi tham gia vũ đài chính trị.

Là một quốc gia giàu có bậc nhất thế giới về trữ lượng dầu mỏ, Mexico vẫn đang phải trải qua thời kỳ khó khăn với thời tiết cực đoan gây nên bởi hậu quả của biến đổi khí hậu. Đây chính là động lực thúc đẩy Sheinbaum từ một học giả và là nhà hoạt động tích cực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quyết định dấn thân vào môi trường chính trị.

Trước đó, bà đã từng đóng góp vào 2 báo cáo quan trọng cho Ủy ban liên chính phủ của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (IPCC). Trong thời gian làm thị trưởng thành phố Mexico từ năm 2018, Sheinbaum đã thí điểm thành công việc đưa xe buýt điện vào vận hành trong hệ thống giao thông công cộng của thành phố cũng như phủ kín thị trường năng lượng dân dụng của thị dân với sản phẩm pin năng lượng mặt trời thông qua việc thúc đẩy các chính sách năng lượng xanh cho thành phố.

Ngay khi tuyên thị nhậm chức Tổng thống, bà cũng đã tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình “nghị sự xanh” với cam kết đất nước sẽ đạt được mục tiêu 45% năng lượng sạch vào năm 2030.

Sheinbaum sẽ có nhiệm kỳ 6 năm để phát triển và thực thi chương trình nghị sự “chuyển đổi năng lượng xanh” đầy tham vọng của mình, bao gồm đóng cửa các nhà máy lọc dầu, chuyển đổi công ty dầu khí do nhà nước quản lý thành nhà cung cấp điện sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Friederike Otto – Lãnh đạo nữ viết sách về môi trường

Nữ chuyên gia về môi trường Friederike Otto - Ảnh: Stefanie Loos/Wikimedia Commons
Nữ chuyên gia về môi trường Friederike Otto - Ảnh: Stefanie Loos/Wikimedia Commons

Nhà khí hậu học Friederike người Đức Friederike Otto hiểu rất rõ về tác động tiêu cực của thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến cuộc sống con người. Là một giảng viên cao cấp tại Viện Grantham về biến đổi khí hậu và môi trường trực thuộc Imperial College London (nước Anh), bà tập trung nghiên cứu về hạn hán, sóng nhiệt và bão - những hiện tượng cực đoan gây nên bởi biến đổi khí hậu.

Otto hiện đang là một trong những lãnh đạo chủ chốt của World Weather Attribution (WWA) - một liên minh quốc tế có nhiệm vụ phân tích và báo cáo những ảnh hưởng có thể xảy ra của biến đổi khí hậu đối tác động đến con người trên khắp thế giới. Bà cũng đã có nhiều đóng góp cho các báo cáo khoa học về môi trường do IPCC chủ trì cùng các ấn phẩm khoa học khí hậu quan trọng khác. Ngoài ra, bà còn là tác giả của cuốn sách khoa học nổi tiếng do mình chủ biên mang tên “Thời tiết giận dữ' (tiếng Anh: Angry Weather).

“Người nghèo dễ dàng trở thành nạn nhân của biến đổi khí hậu nếu chúng ta không có những hành động kịp thời” – bà Friederike Otto nói với hãng tin Euro News.

Tessa Khan và Laura Clarke: Cùng “song kiếm hợp bích” đưa vấn đề xanh và công lý khí hậu ra tòa

Nước Anh trong năm 2024 có tới hai cá nhân được vinh danh là những “người hùng vô danh” vì những nỗ lực của họ trong thúc đẩy việc thực thi luật pháp trong thực tế để góp phần tạo nên tác động lớn cho thế hệ tương lai.

Tessa Khan, nhà sáng lập của tổ chức Uplift - Ảnh: Andrew Perry/Euro News
Tessa Khan, nhà sáng lập của tổ chức Uplift - Ảnh: Andrew Perry/Euro News

Đầu tiên là Tessa Khan, một luật sư chuyên về biến đổi khí hậu quốc tế và là người sáng lập Uplift - một tổ chức hỗ trợ chuyển đổi công bằng với mục tiêu không bị lệ thuộc vào sản xuất dầu khí ở Anh.

Tổ chức của Tessa đã đệ đơn kiện quyết định của chính phủ Anh khi cho phép các công ty năng lượng Equinor và Ithaca Energy phát triển các mỏ dầu khí khổng lồ chưa khai thác ở Biển Bắc.

Trong vụ kiện mang tính bước ngoặt này (dự kiến sẽ có kết quả vào tháng 1/2025), Tessa mong đợi sẽ tạo nên tiền lệ để những người dân có thể thêm niềm tin khi đòi hỏi chính phủ của mình phải chịu trách nhiệm với những hậu quả gây ra do chính sách môi trường không phù hợp của mình.

Laura Clarke, CEO của tổ chức ClientEarth - Ảnh: Laura Clarke/Euro News
Laura Clarke, CEO của tổ chức ClientEarth - Ảnh: Laura Clarke/Euro News

Đồng thanh tương ứng, Laura Clarke - CEO của tổ chức ClientEarth đã được truyền cảm hứng để tiếp tục sử dụng luật pháp chống lại những hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường của các tập đoàn đa quốc gia.

Trong năm 2024, ClientEarth đã thành công trong việc hỗ trợ các nhà vận động ở Hà Lan tiến hành nhiều hoạt động pháp lý nhằn vạch trần hành vi quảng cáo xanh (Green washing) của hàng hàng không lớn KLM cùng nhiều nhãn hàng gắn mác “bền vững” chỉ để phục vụ mục tiêu gia tăng lợi nhuận của mình.

Tori Tsuit - Băng qua đại dương bằng thuyền để đến COP 25

Tô Nghi - Nhà hoạt động vì môi trường - Ảnh: Toritsuit
Tori Tsui - Nhà hoạt động vì môi trường - Ảnh: Toritsuit

Tori Tsui là một nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi người Hồng Kông (Trung Quốc). Trong nhiều năm qua, Tori đã sử dụng mạng xã hội để nói về các vấn đề liên quan đến khí hậu. Cô cũng là người dám mạo hiểm đi thuyền băng qua Đại Tây Dương để đến Chile dự Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25).

Tori Tsui là tác giả của quyển sách “Nó không chỉ xảy ra với bạn” (tiếng Anh: It’s Not Just You) đề cập đến vấn đề sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Tác phẩm này đã được nhà bảo vệ môi trường tuổi teen Greta Thunberg dành những lời bình luận tích cực.

Margaretha Wewerinke-Singh - Luật sư thúc đẩy công lý vì môi trường

Luật sư Margaretha Wewerinke-Singh - Ảnh: Euro News
Luật sư Margaretha Wewerinke-Singh - Ảnh: Euro News

Là cố vấn pháp lý cho quốc đảo Thái Bình Dương Vanuatu, Margaretha Wewerinke-Singh đã làm nên lịch sử bằng vai trò đại diện tham gia vụ án lớn nhất từ trước đến nay về môi trường do tòa án thế giới của Liên Hiệp Quốc (IJC) thực hiện với sự tham gia của hơn 100 quốc gia và các tổ chức quốc tế, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Theo đó, mục tiêu của phiên điều trần của ICJ là nhằm tạo ra một khuôn khổ trách nhiệm pháp lý cho hành động khí hậu giúp các quốc gia dễ bị tổn thương chống lại tác động tiêu cực của tình trạng nóng lên toàn cầu.

Wewerinke-Singh là giảng viên Luật Môi trường tại trường Luật thuộc Đại học Nam Thái Bình Dương (USP). Bà thường xuyên làm việc với giới hoạch định chính sách của chính phủ cùng chuyên gia của các tổ chức phi chính phủ hàng đầu, bao gồm Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, tổ chức Hòa bình xanh (Green Peace) và Oxfam.

Nguyễn Thuận (theo Euro News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI