“Ăn với cá, ngủ với cá”
Sáng sớm thức dậy, việc đầu tiên của vợ chồng chị Phan Trần Diễm Nhi (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM) là ra trại ngắm cá rồi mới bắt tay vào chăm sóc. Nhắc lại cơ duyên đưa mình đến với nghề nuôi cá cảnh, chị Nhi nở nụ cười tươi tắn rồi cho biết: chồng chị có sở thích nuôi cá cảnh.
Trong thời gian đi học sư phạm, chị tình cờ thấy giống cá betta nhập rất đẹp, màu sắc rực rỡ, nên đã mua về cho nuôi thử nghiệm. Và may mắn đã đến với chị khi cá sinh sản tốt, có màu sắc đẹp, nên nhận được nhiều lời khen. Nhận thấy tiềm năng của nghề nuôi cá cảnh, đặc biệt là dòng cá betta, vợ chồng chị quyết định mở rộng quy mô, phát triển đàn bằng cách lấy nguồn thu từ cá để đầu tư trại cá.
 |
Cuộc sống của vợ chồng chị Phan Trần Diễm Nhi (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi) đã khấm khá nhờ nghề nuôi cá cảnh |
Trong giai đoạn nuôi thử nghiệm, chồng chị Nhi vẫn làm bảo vệ, còn chị vẫn dạy học để có thu nhập ổn định. Tranh thủ thời gian rảnh, vợ chồng họ bắt tay cải tạo lại mảnh vườn, nuôi cá trong từng chậu nhựa tái chế và xây dựng 4 hồ cá để nuôi thử bằng bạt, mỗi hồ rộng 1,5 - 2m2.
Vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm, khoảng 1 năm sau thì cá bắt đầu sinh sản, nhưng cái khó là anh chị chưa tìm được đầu ra. Không nản lòng, vợ chồng họ chủ động liên hệ chào bán cá cho các cửa hàng cá cảnh gần nhà, bán cá cảnh ngay tại nhà và tích cực rao bán trên các hội nhóm cá cảnh. May mắn một lần nữa lại mỉm cười, họ nhận được nhiều đơn hàng thu mua, trong đó có cả những đơn hàng xuất khẩu và được duy trì ổn định suốt từ năm 2023 đến nay.
Qua hơn 5 năm khởi nghiệp với nghề nuôi cá cảnh, chị Nhi đã phát triển trại cá tạm bợ ban đầu thành hơn 270 hồ xi măng kiên cố trên khoảng 1.000m². Mỗi tháng, trang trại của chị xuất bán khoảng 1.000 con cá betta trống ra thị trường TPHCM và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, khoảng 500 con cá mái cũng được xuất khẩu mỗi tuần thông qua một đơn vị thu mua. Với quy mô hiện tại, chồng chị Nhi phải nghỉ làm bảo vệ để dành thời gian cho trại cá. Riêng chị vẫn gắn bó với trẻ mầm non.
Hiện tại, trại cá mang lại cho vợ chồng họ nguồn thu nhập ổn định 30 - 40 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ mọi chi phí như thức ăn, thuốc men và nhân công. Đây là một nguồn thu nhập mơ ước, giúp gia đình chị ổn định cuộc sống và có điều kiện phát triển. Dù vậy, chị Nhi vẫn tiếc nuối khi nhiều lần không đáp ứng được các đơn hàng lớn, vì cá không kịp lớn và không đáp ứng đủ các bảng màu khách yêu cầu.
Nhắc đến những vất vả của nghề nuôi cá, chị cho biết: nghề nuôi cá cảnh, đặc biệt là ở môi trường đô thị, tiềm ẩn không ít khó khăn. Thời tiết thay đổi, mưa thất thường hay nắng nóng nhiều, cá dễ bị nhiễm nấm. Để khắc phục tình trạng này, chị Nhi đã dùng mái che bằng lưới, đảm bảo môi trường thông thoáng, tránh để nước bị rong tảo quá nhiều gây ngộp ô xy cho cá. Khoảng 6 tháng - 1 năm phải thay con giống để nâng chất đàn.
Ngoài ra, nghề nuôi cá cần tỉ mỉ và mất nhiều thời gian, phải “ăn với cá, ngủ với cá”. Sáng sớm, phải đi mua thức ăn cho cá. Phải cho cá con ăn dặm bằng một loại trứng nhập khẩu. Đến đêm, phải thay nước cho cá và ngồi đợi, bởi nước chỉ được xả từ từ để tránh làm sốc cá. Tùy đơn hàng, có những đêm vợ chồng chị phải thức trắng để đóng gói cá, đảm bảo kịp giao cho khách.
Trong quá trình phát triển nghề nuôi cá cảnh, vợ chồng chị Nhi được chính quyền địa phương quan tâm, giới thiệu và kết nối với các trại cá cảnh trên địa bàn. Trại cá của chị cũng trở thành điểm đến tham quan, học tập kinh nghiệm cho những nông dân đang có ý định chuyển đổi, phát triển nông nghiệp đô thị.
 |
Trại cá cảnh của chị Phan Trần Diễm Nhi (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi) là điểm đến tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều người dân địa phương |
“Thất bại là mẹ thành công”
Trời đứng nắng, trên những luống cải mầm xanh non, vài công nhân đang cố cắt cho hết luống. Trong nhà, anh Vũ Tiến Dũng - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất Thương mại Dịch vụ Long Phát (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) - đang kiểm tra hàng để giao cho khách. Anh Vũ Tiến Dũng cho biết: “Mỗi ngày, HTX Long Phát cung cấp cho thị trường, từ các cơ sở nhỏ lẻ đến chợ đầu mối, khoảng hơn 1 tấn rau cải mầm và các loại rau ăn lá khác.
Chỉ tính riêng 2 nhà vườn của anh tại xã Thới Tam Thôn và xã Trung Chánh, mỗi ngày đã thu hoạch hơn 500kg. Số còn lại được thu gom từ vườn của các thành viên trong HTX. Tất cả các loại rau của HTX đều tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn VietGAP”.
Để có được những thành quả trong nghề trồng rau, anh Vũ Tiến Dũng đã phải “trả giá” qua nhiều vụ mất trắng. Vốn là thầy giáo dạy THCS ở một vùng quê Quảng Ngãi, vợ chồng anh tìm đến TPHCM để tìm kiếm cơ hội đổi đời. Với đôi bàn tay trắng, anh Vũ Tiến Dũng đi làm thêm đủ thứ nghề, còn vợ anh thì xin đi cắt rau thuê.
Loay hoay suốt 4 năm, vợ chồng anh may mắn được một gia đình nông dân quý mến gợi ý đi thuê đất trồng rau rồi tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng rau mầm. Ban đầu anh chỉ dám thuê mảnh vườn khoảng 1.700m2 để trồng thử nghiệm và bắt đầu dò dẫm.
Bắt tay trồng luống rau đầu tiên, anh Vũ Tiến Dũng cẩn thận chuẩn bị hạt giống, đất, bón lót, gieo hạt, phủ trấu… Các công đoạn được làm đúng quy trình với sự “cầm tay chỉ việc” của những người đi trước, nhưng anh vẫn gặp thất bại liên tục ở những vụ mùa đầu tiên.
Anh Vũ Tiến Dũng nhớ lại: “Có lúc bỏ ra hơn 100 ngày công chăm sóc, đến ngày thu hoạch thì phát hiện rau bị nấm mốc, gốc bị úng. Nhìn luống rau mướt rượt, vậy mà cắt vào mới 2 tiếng, rau đã nhũn ra. Những ngày mưa kéo dài, nước ngập trắng vườn, không thấy rau đâu”. Nhưng mỗi lần thất bại, anh Vũ Tiến Dũng lại lặng lẽ nghiền ngẫm, đúc rút cho mình những bài học. Rồi anh lân la học hỏi kinh nghiệm của các bác nông dân trong xóm ấp, tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức, lớp dạy nghề trồng rau mầm… Dần dà, sự cần cù và ham học hỏi đã giúp anh hiểu rõ, quen dần với thổ nhưỡng, thời tiết của vùng đất trù phú Hóc Môn.
Sau 2 năm kiên trì gieo trồng và tích lũy kinh nghiệm, anh Vũ Tiến Dũng đã có thể chủ động được sản lượng rau cung cấp cho thị trường. Anh bắt đầu chạy khắp thành phố, liên hệ các quán ăn, nhà hàng, khu chợ... để chào hàng. Nhờ sự cần mẫn đó, anh đã xây dựng cho mình được lượng khách hàng khá đông lấy rau mỗi ngày.
Công việc thuận lợi, anh mạnh dạn thuê thêm đất, mở rộng diện tích canh tác các loại rau mầm, rau ăn lá trên 15.000m2. Trong quá trình phát triển, anh bắt đầu kết nối và nhận bao tiêu cho nhiều hộ nông dân với quy mô vừa và nhỏ. Được vài năm, anh được Hội Nông dân huyện Hóc Môn giới thiệu và bắt đầu tiếp cận với mô hình HTX. Thấy đây là mô hình có thể huy động và phát huy được sức mạnh tập thể, anh Vũ Tiến Dũng đã vận động các hộ nông dân cùng trồng rau và cho ra đời HTX Long Phát vào năm 2024. Qua 1 năm hoạt động, HTX có 10 thành viên, đang có chiều hướng phát triển tốt.
Suốt chặng đường dài bám đất làm nông, anh Vũ Tiến Dũng đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ những người nông dân chất phác, giàu kinh nghiệm cũng như sự tiếp sức từ các đơn vị hỗ trợ khuyến nông. Chỉ tay về mảnh vườn phía xa, anh cho biết: “Tôi vừa được Hội Nông dân huyện hỗ trợ 50% chi phí đầu tư hệ thống tưới nước bán tự động trên diện tích 2.000m2. Một phần diện tích khác cũng được tôi đầu tư hệ thống tưới này để đỡ một phần sức lực”.
Nhìn lại hành trình đã qua, những giọt mồ hôi, những đêm trăn trở, những thất bại tưởng chừng như muốn bỏ cuộc, anh Vũ Tiến Dũng chia sẻ: “Tất cả đã được đền đáp bằng những vụ mùa bội thu, sự tin tưởng của khách hàng và cuộc sống ngày càng ổn định”. Thu nhập bình quân hiện tại của 2 vợ chồng anh từ 40 - 50 triệu đồng/tháng. Quả là một khoản thu nhập mơ ước của bao người nông dân!
Trang Nguyễn