Những nội tướng thông thái của các 'chiến binh' chiến trường

10/05/2017 - 16:17

PNO - Tự tin, tài năng, say đắm và đầy yêu thương, sự hòa quyện những phẩm chất tinh quý ấy ở người đàn bà ở hậu phương đã giúp giây phút thăng hoa của một chính trị gia càng khắc sâu ý nghĩa.

Họ là người vợ, người mẹ chọn gia đình là đích đến lớn nhất cuộc đời, từ đó lan tỏa sức mạnh mềm, gửi đi thông điệp thể hiện quyền năng riêng có của người phụ nữ: chở che cho mái ấm gia đình, nơi trú ngụ yên bình nhất của những “chiến binh” chính trường. 

Nhung noi tuong thong thai cua cac 'chien binh' chien truong
Vợ chồng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: L’Express

Bầu cử tổng thống Pháp đi vào lịch sử với vị tổng thống trẻ tuổi nhất từ trước đến nay, ông Emmanuel Macron (39 tuổi). 65% số phiếu thuộc về ông Macron vì họ tin vào sự đĩnh đạc, trẻ trung, tinh thần lạc quan và đầy nhiệt huyết mà ông thể hiện xuyên suốt chiến dịch tranh cử.

Điểm nhấn làm nên hình ảnh độc đáo của vị tân tổng thống không gì khác chính là phu nhân Brigitte Trogneux hơn ông 24 tuổi, từng là giáo viên dạy văn và kịch cho ông Macron khi ông 15 tuổi.

Không xuất hiện ồn ào nhưng mỗi thời khắc xuất hiện bên cạnh ông Macron, hình ảnh cùng phong thái của bà Brigitte đã chuyển tải thành công câu chuyện một nữ nội tướng toàn tâm toàn ý vun vén cho sự nghiệp của chồng.

Ít ai biết, để có một Emmanuel Macron lôi cuốn và thu hút trong từng bài hùng biện là sự “rèn giũa”, đòi hỏi chỉn chu ở mức tuyệt đối từ bà Brigitte. Khi còn là cô giáo của ông Macron, bà dạy ông từ cách nhấn nhá, đài từ đến phong cách xuất hiện trước đám đông, làm sao sử dụng ngôn ngữ cơ thể thể hiện sự tự tin và thuyết phục người khác. 

Nhung noi tuong thong thai cua cac 'chien binh' chien truong
Hình ảnh bà Akie Abe tham dự hội thảo về thực phẩm hữu cơ ở Anh mới được đăng trên trang facebook cá nhân của bà - Ảnh: Facebook

Ông Emmanuel Macron được cho là một chính trị gia tay ngang vì từ đầu, ông không định hướng mình theo đuổi con đường trở thành chính khách. Chính bà Brigitte Trogneux là người kề vai sát cánh với chồng ở từng vị trí ông theo đuổi.

Năm 2015, khi chồng nhận ghế Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật số, bà nghỉ việc, dành hết tâm sức đỡ đần ông. Thậm chí, bà Brigitte còn xuất hiện trong một số cuộc họp cùng chồng và chính ông phải thừa nhận: “Tôi cần biết chính kiến của vợ, điều đó quan trọng với tôi”.

Sau chiến thắng ở vòng một của cuộc bầu cử, ông Macron nắm tay vợ lên sân khấu cảm ơn cử tri ủng hộ và không ngại thừa nhận: “Nếu không có cô ấy sẽ không có tôi hôm nay”. Nhiều cộng sự của ông Macron từng tiết lộ bà Brigitte là mẫu phụ nữ sẵn sàng can dự vào công việc của chồng và giữa họ là sợi dây liên kết, niềm tin tuyệt đối. 

Trong một lần hiếm hoi chia sẻ với truyền thông, bà Brigitte cho biết, mỗi tối vợ chồng bà thường trò chuyện, cùng nhau đưa ra những câu hỏi nhận diện vấn đề đối phương gặp phải và tìm hướng giải quyết. Đó là cách mà Brigitte “nhiếp chính” cho chồng mình. Với người đàn bà này, mục tiêu tối thượng là bảo vệ ông Macron. Trước ống kính máy ảnh, họ chưa bao giờ ngần ngại dành cho nhau những cử chỉ thân mật, nồng thắm. 

Quyền lực nội tướng không phải là sự thể hiện lấn lướt mà đó là nghệ thuật ứng xử tinh tế, nâng vị thế người chồng bằng cách tự mở rộng con đường dấn thân của chính người phụ nữ ấy.

Đó là câu chuyện của phu nhân Thủ tướng Nhật Bản, bà Akie Abe. Khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình, bà Akie âm thầm theo học thạc sĩ tại Đại học Rikkyo, chuyên ngành nghiên cứu thiết kế xã hội. Song song đó, bà mở một nhà hàng thực phẩm hữu cơ tại trung tâm Tokyo, tạo một hình ảnh tươi mới của phu nhân thủ tướng hiếm có ở Nhật Bản. 

Trên trang facebook cá nhân với gần 140.000 lượt theo dõi, bà Akie thường xuyên đăng tải những hoạt động xã hội cá nhân và những quan điểm có lúc trái chiều với nội các chồng mình điều hành. Nội tướng Akie vui vẻ chia sẻ: “Tôi muốn đưa ra góc nhìn khách quan nhất về những quyết sách của chính phủ. Có thể gọi tôi là “phe đối lập” của nội các cũng không sao”.

Ý tứ thông minh của bà Akie càng khiến mọi người ngầm hiểu bà đang củng cố chính sách tôn trọng quyền độc lập của nữ giới, xóa bất bình đẳng giới mà Thủ tướng Abe tâm huyết theo đuổi nhiều năm qua. 

Cuối tuần qua, trong lễ nhận giải thưởng “Courage Award” (do Thư viện Tổng thống John F. Kennedy trao tặng) nhằm vinh danh nỗ lực đem lại chính sách có lợi cho nhân dân, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama không quên dành những lời chân tình gửi tặng người vợ yêu quý Michelle Obama.

Trong suốt tám năm ông cầm quyền, bà Michelle khiêm tốn nép mình sau những lời khen tặng, lảng tránh lời thừa nhận từ chồng rằng bà chính là vị cố vấn sống còn của ông. 

Nhung noi tuong thong thai cua cac 'chien binh' chien truong
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama may mắn tìm thấy người phụ nữ trọn vẹn với tình yêu của mình - Ảnh: Getty Images

Trong bức tâm thư gửi tạp chí Glamour tháng 8/2016, ông Obama viết: “Michelle phải chu toàn công việc bận rộn, cân bằng với việc chăm sóc gia đình. Cô ấy đã phải để ý đến kỳ vọng của mọi người xem mình có làm tốt cả hai nhiệm vụ công việc và gia đình hay không”.

Ít ai biết, bà Michelle đã đưa ra điều kiện ông Obama phải cai thuốc lá thì bà mới chính thức ủng hộ cuộc đua vào Nhà Trắng của chồng. Giữ đúng lời hứa, bà xuất hiện trên cương vị là một nhà hoạt động xã hội, một luật sư để nói về làn gió mới thay đổi trong tư duy và xã hội Mỹ, về nữ quyền.

Tất cả như vốn liếng dành dụm gầy dựng nên niềm tin mà cử tri dành cho chồng bà, ứng cử viên Barack Obama khi ấy. Điều mà nội tướng này làm được là truyền cảm hứng cho rất nhiều tầng lớp người dân, vun đắp cho họ niềm tin dám thay đổi, dám gạt bỏ mọi rào cản và định kiến.

Sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2016, nhiều người lập chiến dịch kêu gọi bà ra tranh cử tổng thống năm 2020 nhưng bà đã khéo léo từ chối. Hơn ai hết, bà hiểu rõ, món quà ý nghĩa nhất là hạnh phúc của một nội tướng phía sau mái ấm bình yên. 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI