Những nỗi sợ hãi trong nhà

02/09/2018 - 12:00

PNO - Con anh, con em lại đang trong tuổi dậy thì đầy nhạy cảm. Phải làm sao để vừa bảo vệ con gái và cả hạnh phúc của cha mẹ?

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em là một người mẹ đơn thân có con gái 12 tuổi. Em mới kết hôn được gần một năm, với người đã ly hôn, có một con trai 15 tuổi. Em may mắn gặp một người rất yêu thương con gái riêng của vợ. Trong thời gian quen nhau trước khi cưới, anh đã khiến con bé yêu thương và kính trọng anh thật lòng, như một người cha. Cũng vì lý do đó mà em quyết định lập gia đình với anh, các điều kiện về kinh tế không phải là quyết định. 

Nhung noi so hai trong nha
 

Nay về sống chung với nhau trong một nhà, con gái em không thể ngủ chung với em được nữa. Nhà của chồng em, chúng em sắp xếp hai vợ chồng ở một tầng, còn phòng ngủ của con trai, con gái ở một tầng. Thời gian gần đây, con bé than phiền anh Hai (con trai riêng của chồng em) hay vô phòng nó lục lọi đồ đạc, nhiều khi khuya con bé đang ngủ anh Hai cũng vô phòng. 

Em ngại chồng em nghĩ em phân biệt con anh con em, nên chưa biết nói thế nào với anh, chỉ khuyên con bé đi ngủ thì bấm khóa cửa phòng lại. Nhưng nhiều hôm con bé ở nhà học bài, hai vợ chồng đi làm vắng, cũng chỉ có anh Hai ở nhà với em. Bọn trẻ đang lúc dậy thì, bồng bột và khó kiềm chế bản thân, hơn nữa bây giờ những thứ linh tinh đầy trên mạng, em rất lo lắng, sợ lỡ có chuyện gì xảy ra thì không biết làm sao. Hoàn cảnh của em bây giờ khó xử quá, chẳng lẽ lại mang con đi nơi khác? Xin chị cho em lời khuyên. 

Thảo Vi (TP.HCM)

Em Thảo Vi thân mến, 

Những lo lắng của em là chính đáng. Nhiều trường hợp cha mẹ quá vô tư, đã để con gái mình trong hoàn cảnh không thể phòng vệ, dẫn đến hậu quả con bị quấy rối, bị xâm hại. Nhưng trong truyền thống văn hóa Việt Nam, nhất là tế nhị như trường hợp của em, cho dù chỉ đề cập đến khía cạnh nguy cơ, cũng là một khó khăn rất lớn, hàm ý quy chụp, xúc phạm, thậm chí nặng nề hơn. Chồng em có thể không chia sẻ nỗi lo lắng này của em, trường hợp xấu nhất, gia đình mới của em biết đâu vì vậy mà tan vỡ. 

Tuy nhiên, mình không thể thấy nguy cơ trước mắt mà không có biện pháp nào phòng ngừa. Song song với việc xây dựng tình cảm trong sáng, thương yêu gắn bó giữa hai anh em, em cũng cần phân định ranh giới, ngăn ngừa những rủi ro, nguy cơ khác. Nếu có thể sắp xếp lại phòng ốc trong nhà, cho con gái em ở khác tầng, đừng quá gần gũi với anh Hai, sẽ tốt hơn. 

Con gái bắt đầu lớn, em phải dạy con cách tự vệ: ăn mặc trong nhà kín đáo, buổi tối ngủ khóa cửa phòng, nếu là chìa khóa cũ của nhà thì phải đổi. Hạn chế tối đa những lúc phải ở nhà một mình với anh Hai, trường hợp bất khả kháng thì khóa cửa phòng lại, chỉ cho con cách phòng vệ nếu cháu đang ở nhà một mình mà anh Hai đột ngột trở về nhà… Những điều trên nên dạy con một cách bình thường, không nhấn mạnh vào anh Hai, mà là trong bất kỳ trường hợp nào con cũng phải chú ý giữ gìn như thế. 

Dạy con, nhưng cũng phải gìn giữ cho con. Các giải pháp trên cũng chỉ là tạm thời. Nếu em vẫn cảm thấy lo lắng sợ hãi, thì nên tìm một người, có thể là người giúp việc, người bà con nào đó, ở nhà với con mình trong thời gian này. Có đông người trong nhà, sẽ đỡ lo hơn nhiều, cho đến khi em thấy tình hình đỡ hơn, hoặc đến khi vợ chồng em đủ hiểu nhau để có thể trao đổi thẳng thắn về những chuyện này và tìm ra giải pháp phù hợp. Những nguy cơ cũng sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian, nếu mình chú ý giữ gìn cho qua được thời gian này, tình hình sẽ chuyển biến tốt hơn. Bọn trẻ vẫn là bọn trẻ thôi, với trách nhiệm của người làm mẹ, em bình tĩnh giải quyết từng việc, để ý mọi chuyện trong tình thương cả hai đứa con nhé. 

Chúc em hạnh phúc trong hạnh phúc của cả gia đình.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gửi về:
hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI