Phóng viên: TPHCM hôm nay là một trong những đô thị hiện đại bậc nhất cả nước nhưng chỉ mới vài thập niên trước, vẫn còn những vùng đất khét tiếng với nạn cờ bạc, buôn ma túy hay những khu ổ chuột. Ở thời mà ông còn làm lãnh đạo thành phố, việc xóa bỏ những “điểm đen” này ra sao?
Ông Phạm Chánh Trực: Nếu chỉ lùi vài ba chục năm thì có lẽ chưa thấy hết gốc rễ của vấn đề mà phải là năm, bảy chục năm về trước. TPHCM xưa nay vẫn là vùng đất tập hợp các nguồn di dân từ khắp nơi trong cả nước. Ngay chính tôi cũng từ đồng bằng sông Cửu Long lên thành phố, ở lại 67 năm qua.
|
Ông Phạm Chánh Trực trong lần đến thăm Báo Phụ nữ TPHCM - Ảnh: Phùng Huy |
Nếu nói đến tầng lớp dưới cùng của xã hội về nghèo đói, tệ nạn thì gần như thời kỳ nào cũng có. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp hay chống Mỹ, người dân chịu nhiều tầng áp bức, số hộ nghèo đông nên không tránh khỏi tệ nạn. Nông thôn bị tàn phá, đánh chiếm, nhiều người tìm cách tới Sài Gòn bằng ghe xuồng lớn nhỏ, sống ở các kênh rạch thuộc quận 4, quận 1, quận 8, quận 7, huyện Bình Chánh... Dân mới đầu cắm sào trên sông, sau bắt đầu làm nhà trên kênh rạch, hình thành các khu “ổ chuột”.
Họ là dân xứ nông nghiệp, lên thành phố thì không có ruộng vườn, việc làm nên nghèo đói. Dân nghèo thành thị cũng bắt đầu gia nhập nhóm này khiến tình hình trộm cướp, tệ nạn càng căng thẳng. Tuy nhiên, chính những vùng đất tập trung dân lao động tứ xứ ấy lại là địa bàn mà cơ sở cách mạng bám vào bởi vừa có thể hoạt động kín đáo, vừa dễ vận động người dân.
Đến ngày 30/4/1975, thành phố được giải phóng, chính quyền về tay nhân dân, tạo ra khí thế cách mạng ngất trời. Sau những ngày vui, nhân dân cùng lãnh đạo thành phố bắt tay vào xây dựng đời sống mới nhưng khó khăn bộn bề. 10 năm đầu sau giải phóng, đời sống người dân đói khổ do không có kế sinh nhai, cộng thêm những tuyên truyền, lừa mị của các thế lực chống phá. Tệ nạn từ đó bùng phát trở lại. Ở một số địa bàn, các trùm giang hồ nổi lên, làm mưa, làm gió. Chính quyền lúc bấy giờ dùng các biện pháp giáo dục, tuyên truyền đi đôi với đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn.
* Theo ông, đâu là yếu tố giúp công cuộc hồi sinh những vùng đất dữ thành công?
- Trước hết là nhờ dân. Dân là yếu tố quyết định. Nhân dân thành phố có truyền thống nghe theo cách mạng, đi với cách mạng và cùng cách mạng đấu tranh hết thế hệ này đến thế hệ khác. Vì truyền thống tốt đẹp sẵn có nên khi Đảng, đoàn thể đi vào vận động, người dân nghe theo. Trẻ nhỏ có thầy cô dạy bảo. Lớp trẻ có đoàn thanh niên đến chia sẻ, động viên. Những bà nội trợ thì có chị em hội phụ nữ tác động, đồng hành. Lúc khốn cùng, vì miếng ăn, người dân gây ra các tệ nạn nhưng khi giác ngộ, được hướng dẫn, chăm lo việc làm thì dân nghe theo. Tôi thấy chính người dân đã quyết định vận mệnh của mình.
Yếu tố thứ hai là cán bộ. Bác Hồ từng nói: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong”. Nếu ở thành phố hay các quận huyện, các phường, khu phố mà có các cán bộ hết lòng vì dân, lăn xả vận động, kiên trì thuyết phục tới nơi tới chốn thì nhất định cuộc hồi sinh sẽ thành công.
* Thực tế, đã có những vùng đất mà phải mất hàng chục năm mới có thể dẹp sạch tệ nạn...
- Xin khẳng định là không có một thành quả nào dễ dàng đạt được. Chính quyền thành phố đã có nhiều năm dài làm công tác giáo dục, phân tích cho người dân biết đúng, sai. Nhiều lãnh đạo qua các thời kỳ đã tìm mọi giải pháp để ổn định kinh tế bởi chỉ khi đời sống no đủ hơn, người dân mới không lầm đường, lạc lối. Và một trong những biện pháp quyết định cuối cùng chính là áp dụng pháp luật, đẩy mạnh tính răn đe. Khi cái lợi từ ma túy quá lớn, người dân khó lòng từ bỏ để làm ăn lương thiện. Do đó, chính quyền phải can thiệp bằng việc vây ráp, bắt những kẻ đầu sỏ, chặn đứng những hành vi sai trái.
* Đến nay, có những vùng đất dữ nào của thành phố mà ông rất ấn tượng về sự thay đổi?
- Tôi từng ở quận 4 trong thời gian hoạt động cách mạng. Tôi ở sâu trong một con hẻm mà người dân tận dụng những thùng gỗ thông đựng vũ khí của Mỹ để làm đường đi, bên dưới là sình lầy, phía trên là rác. Ngày đó, dân quận 4 chống chính quyền rất dữ, thậm chí có những cuộc đình công của công nhân bốc vác ở cảng Sài Gòn.
Đối diện quận 4, Thủ Thiêm cũng có thể gọi là vùng đất dữ vì hoang vu, phức tạp, giang hồ tụ tập. Dân ăn cắp đồ của tàu bên này quăng xuống sông, chia nhau đẩy qua bên Thủ Thiêm. Tôi cũng từng ở rạch Thị Nghè giai đoạn Mậu Thân. Những năm đó, rạch ô nhiễm ghê gớm. Tôi sống cùng một gia đình nọ nhằm né tai mắt của địch. Nhà ở trên rạch nên chỉ cần dỡ sàn nhà lên là chui lọt xuống kênh. Tôi từng phải lội xuống nước, lặn đi nơi khác để an toàn hoạt động. Khi ấy ở quen, tôi không thấy mùi hôi. Đến sau ngày giải phóng, tôi về thăm lại mới ngỡ ngàng vì nước ô nhiễm, bốc mùi nhưng người dân chịu đựng bao năm thành quen. Người cộng sản đâu thể để đồng bào mình sống khổ như vậy nên rất lưu tâm vấn đề khơi thông, giải quyết các tuyến kênh rạch.
* Những nỗ lực của người dân và lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đã giúp tạo nên TPHCM hiện đại, nghĩa tình như hôm nay. Quá trình gìn giữ những thành tựu đạt được chắc cũng quan trọng không kém, thưa ông?
- Cuộc sống vẫn đang vận động mỗi ngày nên việc tiếp tục xây dựng, cải tiến, hoàn thiện là điều đương nhiên phải làm. Bên cạnh việc giám sát, rà soát để đảm bảo tệ nạn không tái diễn, tôi xem công cuộc chỉnh trang đô thị là một việc lớn cần làm. Chỉnh trang từ kiến trúc, môi trường, an ninh trật tự đến văn hóa... Thành phố từ chiến tranh tới giờ chưa có cuộc đại chỉnh trang mà chỉ tiến hành ở một số khu vực.
TPHCM nay có hơn 10 triệu dân. Tôi nghĩ cần thiết phải có những giải pháp nhanh hơn và mạnh hơn trong việc chỉnh trang, sắp xếp lại hạ tầng. Hiện cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn ở chung với nhà dân, nguy cơ cháy nổ rất cao; nhà cao tầng lổn nhổn trong khi cảnh quan xung quanh còn nhếch nhác, chưa phù hợp; bảng quảng cáo loạn ngôn ngữ, thiếu bản sắc... Muốn thành phố hiện đại, nghĩa tình, đáng sống thì phải đi từ từng việc nhỏ nhưng đừng hứa mà cần nỗ lực làm ngay.
* Xin cảm ơn ông.
Diễm Mi (thực hiện)
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024. Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây. |