Trong đợt dịch bệnh bùng phát này, cơ quan tôi và chồng tôi đều cho nhân viên làm việc ở nhà. Hai cô con gái sáu tuổi, tám tuổi của tôi là người mừng nhất. Vì mọi năm, hè là hai bé được gửi cho cô giáo quen giữ và dạy học. Còn năm nay, vừa sợ dịch bệnh, vừa có một tháng hè ngắn ngủi, nên vợ chồng tôi quyết định cho con ở nhà, hưởng trọn “combo” ăn, ngủ, chơi cùng ba mẹ.
Chiều nào, vợ chồng tôi cũng dẫn hai con xuống công viên chung cư chơi. Trong đợt giãn cách xã hội, người dẫn bọn trẻ xuống sân chơi không còn là người giúp việc như trước đây nữa, mà là cả cha lẫn mẹ.
Có nhiều đứa trẻ tôi vẫn thường nói chuyện, nhưng bây giờ mới biết mặt ba/mẹ chúng. Dù họ đeo khẩu trang kín mít, nhưng tôi vẫn nhận thấy niềm vui của những gia đình nhỏ này qua đôi mắt họ cười.
|
Ảnh minh họa |
Có gia đình ba người đứng ba góc và chuyền banh cho nhau. Những khi trái banh bị đá trượt đi xa, cả ba cùng lúp xúp đuổi theo, tiếng cười giòn tan của họ khiến nỗi lo dịch bệnh đang bủa vây ở nhiều nơi tạm tan biến. Cách đó vài mét là một ông bố đang chơi cầu lông với cậu con trai khoảng mười tuổi. Còn người vợ và cô con gái tầm bốn tuổi đứng tập thể dục và có nhiệm vụ nhặt cầu.
Mỗi lần cô con gái đưa trái cầu, ông bố nháy mắt cảm ơn và cúi xuống hôn con. Còn người mẹ thỉnh thoảng lại tinh nghịch tung trái cầu lên không trung cho hai cha con tranh nhau. “Mẹ thiên vị ba nghen” - tiếng cậu con trai vờ trách khi trái cầu được tung gần ông bố. Cả nhà lại cười giòn tan.
Tôi nhìn kỹ ánh mắt người mẹ thấy giống người quen nên hỏi: “Phải cô Thùy dạy Trường Lê Thành không?”. Cô giáo cười gật đầu và kéo khẩu trang xuống. Chúng tôi biết nhau đã nhiều năm, vì cô dạy trường của hai con gái tôi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi mới gặp được cả gia đình cô.
Con đường nhỏ bên hông chung cư, có một ông bố đang dạy hai cậu con trai trượt patin. Đây cũng là hai đứa trẻ tôi quen mặt, nhưng chưa bao giờ giáp mặt ba chúng. Trong lúc hai cậu con trai trượt patin khắp sân, thì ông bố cần mẫn dạy những đứa trẻ khác. Anh tỉ mỉ đặt nhiều chiếc ly sắc màu tạo những cung đường zíc zắc để tập cho bọn trẻ. Những ông bố bà mẹ của mấy đứa trẻ khác đứng vỗ tay, reo hò khi con vượt qua chướng ngại vật.
Hai con tôi mê tít, tranh nhau lượm những chiếc ly bị ngã đặt lại chỗ cũ. Người đàn ông cười hỏi: “Hai con muốn học, nói ba mẹ mua giày chú dạy cho”. Mẹ của bé Na - bạn con tôi bảo: “Chị cho con học đi, anh Thành nhiệt tình lắm. Ảnh dạy miễn phí cho bất kỳ bé nào thích học patin. Mấy đứa nhỏ con em giờ trượt ngon lành rồi”.
Tôi nhìn theo năm đứa trẻ đang lả lướt trên những đôi giày có gắn bánh xe. Bên ngoài, các phụ huynh đứng theo dõi. Chỉ những ánh mắt giao tiếp với nhau, nhưng chứa tất cả sự hào hứng, niềm vui.
|
Ảnh minh họa |
Mùa dịch khiến bao người lo lắng, chỉ có những đứa trẻ là hồn nhiên và vui vẻ. Mọi năm, vào dịp hè, các con sẽ được gửi về quê, hay gửi cho cô giáo, vì cha mẹ còn phải đi làm. Nhưng trong mùa dịch này, rất nhiều gia đình chọn cách làm ở nhà và giữ con bên mình. Có những ông bố bà mẹ vô cùng bất ngờ, vì nhờ ở nhà với con, họ đã khám phá ra những năng khiếu và những điều rất thú vị từ chúng.
Thế giới của Vy - con gái chị Vân - một nhân viên truyền thông chỉ có xem ti vi, điện thoại, chơi game. Lần này ở nhà, chị bắt con cai công nghệ, thay vào đó, chị rủ con cùng làm bếp, mẹ con nói chuyện với nhau nhiều hơn. Chị chỉ con làm sushi đúng kiểu chơi đồ hàng. Chị bày con cắt dưa leo, cà rốt, bơ thành những miếng nhỏ xíu, và con gái chị còn giành phần thực hiện công đoạn cuộn cơm mà con gọi là “nghệ thuật sắp đặt”.
Nhìn dĩa thức ăn được bài trí xinh xắn, chị Vân tròn mắt ngạc nhiên, còn con gái thì nhún vai: “Con xem trên YouTube đó”. Những bữa làm bếp sau, chị Vân phát hiện con gái chị rất thích và có khiếu trình bày món ăn. Trước đây, nấu ăn xong là chị cứ trút hết vào tô, dĩa rồi dọn ra, giờ con gái chị giành phần trang trí, và nhất định phải đặt thức ăn trên một chiếc mâm trắng cho đẹp.
Sự thay đổi tích cực không chỉ ở nhiều gia đình, nhiều đứa trẻ ở thành thị, mà còn cả ở nông thôn, vùng quê hẻo lánh. Trong chuyến về quê mới đây, tôi đến tiệm của cô em họ để làm tóc. Đây là cách tôi ủng hộ em ấy. Vì gia cảnh em khó khăn, vợ chồng cứ lục đục, suýt thôi nhau mấy bận.
Thật ra, vợ chồng em tôi đều có công việc ổn định, vợ mở tiệm tóc, chồng có quán cà phê ngay trước sân nhà. Nhưng vợ chồng cứ cắn đắng, đánh chửi nhau suốt ngày, chẳng ai chí thú làm ăn. Vợ thì chê chồng cộc tính, cù lần, không biết làm ra tiền, dù được giao quản lý quán cà phê. Chồng chê vợ không đứng đắn, không chăm lo cho gia đình, rảnh rỗi là tụ tập bạn bè nhậu nhẹt. Không khí trong nhà lúc nào cũng căng thẳng.
Lần nào ghé thăm, tôi cũng thấy vợ chồng chiến tranh lạnh, còn cô con gái ba tuổi cứ ôm chân mẹ khóc nhè, trong khi mẹ bận làm tóc cho khách. Nhưng lần này, vừa bước vô tiệm, tôi ngạc nhiên khi Kem khoanh tay chào tôi rõ to, rồi con bé tiếp tục chải tóc, mặc quần áo cho búp bê thay vì khóc nhè và bám mẹ như trước.
Ngạc nhiên hơn khi chồng của em, sau khi bưng nước mời tôi liền quay sang hỏi vợ: “Em uống sinh tố bơ không, anh làm cho?”. Em cười: “Dạ, cảm ơn anh”. Điều này chưa từng xảy ra, ít nhất là trong những lần tôi ghé qua nhà.
Thấy tôi thắc mắc, em kể: “Đợt giãn cách xã hội trước, em không có khách và cũng không đi chơi. Ở nhà, em mở nghe mấy chương trình thuyết pháp về hôn nhân, gia đình, cuộc sống của nhiều nhà sư. Nghe nhiều, em thấy hình như em sai rồi. Em thấy mình có máu sân si, nhất là với chồng. Em nhìn chồng người ta giỏi giang, ngọt ngào với vợ là về chê trách chồng mình.
Buồn chán chồng, nên em đi chơi với bạn bè, vậy là chồng em ghen. Gia đình em cứ lục đục suốt, nên con em lúc nào cũng ủ rũ, không chơi với ai và không bao giờ tự chơi.
Em chợt nghĩ: nếu chẳng may bị dịch bệnh mà chết thì sẽ hối tiếc nhiều lắm. Em thấy có lỗi với con, vì không cho con niềm vui, một gia đình thuận hòa; em cũng nhận ra những cuộc đi chơi, nhậu nhẹt đó thật vô bổ. Vậy là em không đi chơi nữa, em chơi với con nhiều hơn.
Chồng em thấy em ở nhà thì cũng hết ghen, vợ chồng nói chuyện nhiều hơn và em thấy ổng cũng được, luôn để ý đến sở thích của vợ. Em không dám tin có ngày gia đình em được vui vẻ thế này.
Em nói ai chửi em thì em chịu, chứ nhờ có dịch bệnh mà vợ chồng em nhận ra nhiều điều, và tụi em đã sửa đổi” - cô em ít học của tôi bộc bạch.
Có nhiều gia đình yên ấm hơn chỉ vì chồng không đi nhậu, dành thời gian nhiều hơn cho gia đình. Nhiều đứa trẻ trở nên giỏi giang hơn, bởi được cha mẹ học cùng mỗi ngày. Nhiều đứa trẻ cũng hạnh phúc hơn, khi được trò chuyện, chơi đùa với cha mẹ, và cha mẹ cũng tạm gác lại công việc, cũng như thế giới ảo đầy quyến rũ.
Lẽ ra, loài người phải nhận ra điều này mà không đợi lời nhắc từ một đại dịch.
Thùy Dương