Những “Nick Vujicic” của Việt Nam

25/05/2013 - 10:21

PNO - PN - Người hâm mộ đang “phát sốt” với sự kiện người không tay, không chân Nick Vujicic đến Việt Nam, mong “chàng trai đặc biệt nhất hành tinh” sẽ truyền cảm hứng sống cho mình. Nhưng trên chính đất nước này, đang có nhiều...

Nhung “Nick Vujicic” cua Viet Nam

Một ngày tháng Tám năm 2012, đoàn làm phim Cuộc đời sau trang sách tổ chức buổi chiếu ra mắt nho nhỏ. Đạo diễn Phan Huyền Thư phân trần: “Tôi chẳng biết chiếu bộ phim này ở đâu! Xin nhờ các bạn báo chí đưa thông tin, nếu có trường học nào muốn cho HS-SV xem phim, tôi sẵn sàng mang đến trường để chiếu; sau đó bán đĩa DVD, lấy tiền mua một cái laptop cho Nguyễn Minh Trí (nhân vật trong phim-PV) và giúp các bạn tật nguyền”. Không biết ước ao đó của người nữ đạo diễn này sau gần một năm đã thành hiện thực? Bao nhiêu trường đã mời chị về chiếu phim? Nhân “cảm hứng Nick Vujicic” về cuộc sống không giới hạn, tôi mạn phép đạo diễn Phan Huyền Thư kể về những số phận đặc biệt trong bộ phim này.

"Cuộc đời sau trang sách là cuộc đời của những người có thân phận đặc biệt, mang những khát khao đặc biệt và dị thường". Lời tự giới thiệu của Sơn Lâm, nhân vật “dẫn chuyện” trong bộ phim 52 phút - đã không dùng từ “tật nguyền” khi nói về mình và những người bạn cùng cảnh ngộ. Là nạn nhân của chất độc da cam, Sơn Lâm chỉ cao 90cm, đi lại phải sử dụng nạng gỗ, nhưng anh đã tốt nghiệp hai trường đại học, là giám đốc một trung tâm đào tạo kỹ năng sống cho sinh viên.

Bộ phim là hành trình Sơn Lâm đi gặp những người bạn chưa từng gặp mặt, nhưng có một điểm chung là đang hàng ngày quên đi những khiếm khuyết của cơ thể để sống một cuộc đời lành lặn và đầy khát vọng. Sơn Lâm phải tìm được Nguyễn Minh Trí, cậu thanh niên vùng sông nước An Giang xa xôi, sinh ra với hai bờ vai phẳng lì, thiếu cánh tay. Trí có bốn anh chị, đều phải bỏ học từ lớp 5 vì nhà quá nghèo, cha mẹ đi làm thuê để lo cho Trí đi học (với mong mỏi em sẽ học đại học!). Trí đang học lớp 11 (thời điểm làm phim), là học sinh giỏi duy nhất của vùng Thạnh Mỹ Tây. Cha mẹ Trí kể, hai tuổi em đã biết tự xúc cơm bằng chân, đến lớp 2 em viết thạo bằng cả chân trái và chân phải. Trí rụt rè và ít nói. Trong bóng tối của căn nhà không có điện, Trí dùng chân gắn lên trán chiếc đèn pin nhỏ tự chế để học bài. Trí chèo thuyền bằng chân, kéo lưới giúp cha cũng bằng chân. Trí luôn cố gắng tự làm mọi việc.

Nhung “Nick Vujicic” cua Viet Nam

Trở về TP.HCM, Sơn Lâm gặp Trần Thị Trà My, cô gái nhỏ có gương mặt đẹp như thiên thần. My không thể nói tròn chữ, đôi chân bị liệt, hai tay co rút. Chỉ với một ngón tay duy nhất cử động được để gõ bàn phím, My đã viết nên những giấc mơ nhân văn sâu sắc. Tập truyện ngắn Ước mơ đôi chân thiên thần của cô nhận giải thưởng Bút mới năm 2008. Cô bảo “Tổn thương là trải nghiệm mà ai cũng phải đối mặt và vượt qua”. Cô gái nhỏ yếu đến nỗi phải đỡ người trong một cái khung sắt mới có thể đứng được, nhưng đã viết sách được hơn 10 năm, chuẩn bị ra tập truyện thứ hai. My cũng là nạn nhân của chất độc da cam nhưng “không muốn sống để minh họa cho tội ác chiến tranh”. Cô muốn mình sống để minh họa cho một chân lý giản dị: Đã sinh ra làm người, phải sống cho có ích!

Người bạn tiếp theo Sơn Lâm tìm đến là Nguyễn Thị Hồng, cô gái suốt 30 năm nằm bất động trên giường, chỉ cử động duy nhất được cơ cổ. Vậy mà Hồng đã học chữ, tập đọc, tập viết và ngậm bút để viết nên hơn 300 bài thơ. Nhà Hồng nghèo lắm. Thời điểm Sơn Lâm đến thăm, Hồng di chuyển trên chiếc xe tự chế: một cái ghế nhựa đặt trên nửa chiếc xe bò, Hồng được buộc vào ghế bằng một sợi dây - có như vậy cô mới dựa lưng được. Người con gái đã gần hết tuổi xuân, từng chuyện phụ nữ nhỏ nhặt cũng phải do người bà đã già yếu chăm chút, nhưng Hồng vẫn làm thơ tình, khao khát được yêu và được thấy một chàng hoàng tử bước ra từ hào quang của cổ tích…

Trở về Hà Nội, Sơn Lâm bắt tay vào một thử thách quan trọng của đời anh: leo lên đỉnh Fansipan - nóc nhà Đông Dương với độ cao 3.143m (ảnh). Cuộc chinh phục này Sơn Lâm tự nhận trách nhiệm “thay mặt cho những người bạn khuyết tật, thể hiện giúp họ ngọn lửa tình yêu sống”. Chặng đường len rừng, leo ngược vách núi, đổ dốc… có thể như một ẩn dụ về chặng đời Sơn Lâm đã trải qua. Phim kết với hình ảnh chàng trai 90cm đứng trên đỉnh Fansipan, lá cờ Tổ quốc quàng trên vai - như một trả lời ngạo nghễ với thử thách của số phận. Trong những cơ thể khiếm khuyết là trái tim kiêu hãnh và không ngừng yêu cuộc sống. Như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, đã bán nốt chút tài sản còn lại để trang trải tiền chạy thận cho cả hai cha con, nằm trên giường bệnh vẫn chia sẻ với Sơn Lâm “bí kíp” yêu đời của mình:

Buổi chiếu đó, nhiều giọt nước mắt đã lặng lẽ rơi. Dưới ghế khán giả, NSND Thanh Hoa chia sẻ: “Tất cả những người lành lặn, khi xem phim này đều phải nhìn lại mình, chúng ta đã sống phí rất nhiều!”. Những câu chuyện về nghị lực diệu kỳ đó, đâu phải đợi Nick Vujicic đến mới khơi dậy, mà nó vẫn cháy âm thầm quanh bạn và tôi!

 Quỳnh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI