Người thành phố dễ thương lắm
Trời nắng như đổ lửa, tôi chạy xe máy từ quận 8 qua cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh có việc. Tới TPHCM sống gần 7 năm rồi nhưng ít khi đi qua Thanh Đa nên tôi không biết đường, bèn tra Google Maps nhưng vẫn lơ ngơ.
Tới một ngã ba dừng đèn đỏ, tôi không biết nên quẹo hay đi thẳng, liền hỏi chị bên cạnh. Chị lắc đầu kêu không rành đường. Cách đó mấy chiếc xe, một anh nói to: “Phải đi đường bên kia nha, chạy thẳng một đoạn thì có cái hẻm, cô quẹo vô rồi chạy ra là tới đường lớn, qua cầu thì tới Thanh Đa”. Tôi rối rít cảm ơn anh. Vừa xong thì đèn xanh, dòng xe cộ hối hả ào đi trên con đường nườm nượp xe máy, ô tô. Trời nắng chói chang, ai cũng vội vã.
“Cô đi theo tôi nè, chút nữa nhớ quẹo vô hẻm, gặp đường lớn, quẹo trái qua cầu là tới Thanh Đa nha”. Hóa ra, người đàn ông kia lo tôi không nghe rõ nên vẫn chạy theo để chỉ dẫn. Anh ta khẩu trang kín mít, chạy chiếc xe máy cũ, trông giống bao người đang hối hả đi làm. Tôi quẹo vô hẻm, qua tới Thanh Đa rồi, trời nắng to mà sao lòng mát dịu. Thành phố mình sao có nhiều người dễ thương thế.
|
Vợ chồng chị Nhi, anh Quang (thứ ba, thứ tư từ phải qua) tặng quà cho các bệnh nhi ở Khoa Nhi - Nhiễm, Bệnh viện quận 8, TPHCM dịp tết Trung thu |
Công việc khiến tôi thường xuyên chạy xe máy ngoài đường. Trên đường, gặp chợ, tôi thường ghé mua rau củ để tối về nấu cơm. Hôm ấy, tôi đi ngang chợ Rạch Ông, quận 8. Chọn xong rau củ, kêu tính tiền, mở ba lô ra mới thấy quên chưa rút tiền mặt nên thiếu hơn 10.000 đồng.
Tôi vội hỏi số tài khoản ngân hàng của chị để chuyển khoản. Chị hàng rau cười: “Chị không rành vụ này. Có lần chuyển nhầm cho người ta nên giờ sợ, không dùng nữa. Em cứ mang rau về đi, lúc nào chạy ngang qua thì trả”.
Tôi nói: “Em ít đi chợ này, biết bao giờ mới gặp chị mà trả?”. Chị ta liền treo bịch rau lên đầu xe tôi: “Đi về đi kẻo nắng, lúc nào đưa chị cũng được, không nhất thiết phải ngày mai hay mốt”. Người thành phố mình lạ ghê.
Vị ngọt sau ly chè bưởi
Lại nhớ đợt TPHCM giãn cách xã hội do dịch COVID-19 năm 2021, tôi đang làm việc, bỗng chị Nhi bán chè bưởi gọi điện thoại, giọng sốt sắng: “Bây giờ chị muốn nấu chè tặng cho các bác sĩ, điều dưỡng. Cô biết bệnh viện nào đang cần không?”. Lúc bấy giờ, muốn ra ngoài mua hộp cà phê hòa tan về tự pha cũng khó, huống chi chè bưởi, nên bệnh viện nào cũng quý.
Tôi gửi địa chỉ, số điện thoại xong, vợ chồng chị hì hục mang đậu, đường, bưởi đang trữ sẵn ở nhà nấu rồi chồng thì cầm lái, vợ ngồi sau xe máy, chở hơn 100 ly chè bưởi tới các bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở quận 5.
Mấy hôm sau, chị lại gọi: “Chị lại nấu chè nữa đây. Cô giới thiệu cho chị bác sĩ ở bệnh viện nào với, chị mang chè biếu các bác”. Cứ thế, tôi không nhớ trong suốt đợt giãn cách xã hội, vợ chồng chị đã tự tay nấu, chở bao nhiêu ngàn phần chè mang đi tiếp sức cho những người ở tuyến đầu.
Chị Nhi là Lương Thị Nhi và chồng là Lê Văn Quang đều là thạc sĩ, đều có việc làm với thu nhập tốt trong các công ty nhưng từ tháng 3/2018, họ quyết định cùng nghỉ việc, mở quán chè bưởi Mẹ Siêu Nhân ở đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh để có nhiều thời gian ở bên con trai út Lê Quang Thạc vốn sinh ra đã bị bệnh não hiếm gặp lissencephaly (còn gọi là não phẳng, não mịn, não trơn).
Chị Nhi và anh Quang vừa bán chè, vừa dạy con học, cùng con chơi, đưa con đi bơi, tham gia nhiều hoạt động ngoài trời. Anh chị tham gia câu lạc bộ gia đình siêu nhân của những người có con bị bệnh não để tìm hiểu các tài liệu về bệnh lissencephaly cũng như kinh nghiệm của những ông bố, bà mẹ trên thế giới để hỗ trợ con tốt nhất.
Tới nay, thi thoảng chị Nhi lại gọi điện cho tôi, hỏi xem nơi nào đang cần quà tặng tết Trung thu, những nơi khó khăn để chị ghé tặng những phần chè bưởi mát lạnh. Trong nhiều chuyến đi, bé Thạc và anh trai cũng có mặt, cùng đàn, hát, tặng quà cho các bạn nhỏ bằng tuổi mình.
Hạt tử tế nảy mầm, nhân lên
Hôm rồi, tôi được gặp, trò chuyện với người được mọi người gọi là “hiệp sĩ giữa đời thường”. Anh là Mai Lê Duy Quang - công nhân xây dựng. Hôm 8/8, đang đi trên đường, gặp vụ 8 ô tô đụng nhau, bốc cháy trên cầu Phú Mỹ (quận 7), anh Quang và nhiều thanh niên khác đã lao tới, đập kính, cắt dây đai an toàn, cứu được tài xế chiếc ô tô bị xe tải và một ô tô con khác kẹp cứng, trước khi ngọn lửa đỏ bao trùm. Anh Quang quê ở tỉnh Quảng Ngãi, thuê trọ ở TP Thủ Đức để tiện đi công trường, còn vợ và con gái trọ ở huyện Bình Chánh.
|
Anh Mai Lê Duy Quang - người dũng cảm cứu tài xế trong vụ tông xe liên hoàn trên cầu Phú Mỹ ngày 8/8 |
Điều làm tôi xúc động là khi nghe anh nói mình chỉ làm những gì mà một người bình thường sẽ làm trong lúc ấy. Khi cứu xong tài xế ô tô ra ngoài, anh đắp tạm chiếc lá lên vết thương ở tay rồi tới chỗ làm, không nghĩ gì về chuyện vừa xảy ra. Nhiều anh em phóng viên đi tìm nhưng anh tránh mặt bởi cho rằng việc cứu người của mình là bình thường, không có gì lớn lao.
Anh chỉ đồng ý gặp khi một phóng viên đồng hương Quảng Ngãi thuyết phục rằng nên xuất hiện và chia sẻ lại câu chuyện để cùng nhân lên những điều tốt đẹp, tử tế trong cuộc sống. Khi nhận được sự hỗ trợ vật chất từ các tổ chức, cá nhân, anh Quang cho hay sẽ dành một phần tiền nhận được đi thăm hỏi, động viên tài xế mà mình đã cứu hôm trước bởi tài xế này cũng lái xe thuê, có con nhỏ, vợ đang mang bầu.
Anh Mai Lê Duy Quang tâm sự, anh đã sống ở TPHCM hơn 20 năm nay và coi đây là quê hương thứ hai bởi nơi đây đã cho anh và vợ con cuộc sống ổn định; người dân trong thành phố đối xử nhân ái, bao dung, độ lượng với nhau. Họ phát cơm miễn phí, đặt bình trà đá miễn phí trước nhà, xúm nhau hỗ trợ người gặp tai nạn trên đường… Những điều tử tế ấy như những chiếc hạt nhỏ bé, được gieo xuống đất ẩm rồi từ từ đâm chồi, nảy lộc thành những cái cây tử tế, thiện lương.
Mẹ tôi nghĩ rằng người thành phố đẹp vì họ thanh lịch, ở nhà lầu, đi xe hơi, ăn chơi ở những nơi sang trọng. Tôi nói với mẹ rằng, người thành phố đẹp vì dù sinh ra ở thành phố hay từ miền quê nào tới đây, dù ở nhà lầu hay ở phòng trọ, đi xe hơi hay chạy xe máy cũ, làm ở công ty lớn hay ngồi vỉa hè bán rau củ, đều có trái tim rộng mở, bao dung và những thế hệ sau lại nhân thêm những nhịp đập yêu thương…
Bảo Vy
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây |