Những nhầm lẫn dễ gặp khi tự test nhanh COVID-19

15/03/2022 - 06:09

PNO - Chị Đ.L.H., 40 tuổi, ngụ tại quận 3, TPHCM, phân vân về độ chính xác của hình thức test nhanh bằng nước bọt và chọc mũi. Chị H. cho biết, do có các triệu chứng của COVID-19 nên chị đã test nhanh bằng nước bọt hai lần trong hai ngày liên tiếp, nhưng kết quả vẫn âm tính. Đến ngày thứ ba, chị tự test bằng cách chọc mũi thì lên hai vạch đỏ rõ ràng.

Không chỉ chị H. mà anh P.M.T., ngụ tại quận 7, cũng không tin tưởng vào kết quả test nhanh. Con gái anh, mười tuổi, bị sốt, ho, nhưng hai ngày liên tiếp test bằng cách chọc mũi vẫn âm tính. Đến sáng ngày thứ ba, anh đưa bé ra phòng khám gần nhà để nhân viên y tế test nhanh thì hai vạch hiện rõ. Anh H. lo lắng, không biết do que test rởm hay do anh làm sai cách, và nếu căn cứ trên kết quả test nhanh tại nhà thì sợ rằng dịch bệnh đã lây lan khắp nơi. 

Test nhanh cần làm đúng cách để cho ra kết quả chính xác
Test nhanh cần làm đúng cách để cho ra kết quả chính xác

Cũng thế, chị N.T.H., ngụ huyện Nhà Bè, xác định mình dương tính với COVID-19 qua test nhanh tại nhà. Khai báo với y tế địa phương, chị được hướng dẫn sau bảy ngày nếu test âm tại nhà hai lần liên tiếp thì là khỏi bệnh. Tới ngày thứ bảy và thứ tám, chị test tại nhà và kết quả đều một vạch. Sợ vẫn có nguy cơ lẫy nhiễm vi-rút cho con nhỏ nên chị H. tự đi làm xét nghiệm PCR thì kết quả là dương tính. 

Ngoài ra, trên mạng internet còn có nhiều suy diễn về màu sắc của vạch trên khay test nhanh liên quan đến nồng độ vi-rút thấp hay cao, gây hoang mang cho mọi người.

Theo bác sĩ Võ Thanh Hùng - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, test nhanh chỉ để trả lời câu hỏi có nhiễm hay không nhiễm, chứ màu sắc của vạch thứ hai không liên quan tới nồng độ virus. Muốn biết được nồng độ virus cao hay thấp thì phải làm xét nghiệm bằng phương pháp PCR.

Tiếp đến, khi tự test nhanh, mọi người hay hiểu khi cho ra kết quả âm tính là chưa bị bệnh. Điều này là không chính xác. Nếu kết quả test nhanh dương tính thì xác định ta đã mắc bệnh, còn âm tính thì chỉ là chưa phát hiện. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng âm tính giả khi test nhanh như: mới mắc bệnh, nồng độ virus thấp, test nhanh chưa lên được (nhưng test PCR thì dương tính). Theo bác sĩ Hùng, kể từ khi có triệu chứng bất thường, ngày đầu tiên và ngày thứ hai test nhanh khó lên hai vạch. Ngoài ra còn do kỹ thuật lấy mẫu không đảm bảo. Vì thế, khi tự làm test nhanh tại nhà cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và làm đúng kỹ thuật cũng như thời gian đọc kết quả. 

Cuối cùng, dù test chưa ra dương tính nhưng cơ thể đã có triệu chứng bất thường như ho, sốt, sổ mũi thì ta cũng nên thận trọng 5k, tự theo dõi thêm vài ba ngày rồi test lại. Làm như vậy để bảo vệ cho người xung quanh được an toàn. Độ đặc hiệu của test nhanh là khoảng hơn 80%, do đó vẫn có số ít phần trăm sai số.

Thanh Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI