Nhà thờ Lớn Hà Nội
Nằm giao giữa 3 tuyến phố Nhà Chung, Nhà Thờ và Lý Quốc Sư, Nhà thờ Lớn mang đậm nét nhất những đặc trưng của kiến trúc Gothic châu Âu với bức tường xây cao, có mái vòm và nhiều cửa sổ. Nhà thờ được xây dựng mô phỏng Nhà thờ Ðức Bà Paris nhưng có sự giao thoa với phương Ðông, giữa văn hóa Thiên chúa giáo và Phật giáo, có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m, hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá.
|
Nhà thờ còn có một bộ chuông Tây, gồm bốn quả chuông nhỏ và một quả chuông boòng lớn, trị giá 20.000 franc Pháp thời đó. Ðặc biệt là chiếc đồng hồ lớn gắn giữa mặt tiền nhà thờ. Ðồng hồ có báo khắc, báo giờ, hệ thống chuông báo được liên kết với 5 quả chuông treo trên hai tháp. Phía sảnh trong nhà thờ có một cửa đi lớn, hai cửa nhỏ hai bên tháp. Các cửa đi và toàn bộ các cửa sổ đều cuốn nhọn theo nghệ thuật Gothique, kết hợp với các cửa cuốn nhọn là các bức tranh Thánh bằng kính màu, tạo ra nguồn ánh sáng tự nhiên bên trong lòng nhà thờ. Khu cung thánh được trang trí theo nghệ thuật dân gian truyền thống, chạm trổ hoa văn bằng gỗ sơn son thếp vàng rất tinh vi độc đáo.
Nhà thờ Trà Cổ
Nhà thờ Trà Cổ được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ 19 và được trùng tu năm 1995. Nhà thờ có hàng trăm bức phù điêu và một quả chuông 80 năm tuổi. Bởi kiến trúc đẹp, cổ kính, nhà thờ Trà Cổ lâu nay được coi là điểm tham quan nổi tiếng của vùng Trà Cổ, Móng Cái.
Không gian văn hóa nghệ thuật và sự giao thoa của kiến trúc Tây-Đông được thể hiện rõ nét khi bước vào bên trong thánh đường. Các bức tường được trang trí bằng hàng trăm bức phù điêu lớn, những đường nét chạm trổ tinh xảo độc đáo trên nền tường được đắp bằng đá vôi trộn với vỏ sò, hến đập nhuyễn. Tòa chầu bốn cột sơn son thếp vàng, ban thờ chính sơn son thếp vàng dáng dấp điển hình của nghệ thuật điêu khắc Việt cổ cùng với tháp chuông gần trăm tuổi đã mang lại một nét riêng biệt cho nhà thờ Trà Cổ khiến nó được đánh giá là một công trình nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa đồ sộ và đẹp nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, năm 2017, nhà thờ đã bị phá bỏ hoàn toàn để xây dựng mới.
Nhà thờ Bùi Chu
Thuộc giáo phận Bùi Chu, nhà thờ được xây dựng vào năm 1885 bởi Đức Giám mục Wenceslao Onate Thuận với chiều dài 78m, rộng 22m, cao 15m, tháp cao 35m. Về kiến trúc, nhà thờ nổi bật với gam màu thổ hoàng; dưới là hàng cột lim đen bóng đặt trên các trụ đá cổ bồng trạm trổ tinh tế; trên là mái vòm hình ô – van đậm phong cách kiến trúc Ba-rốc (tiếng Bồ Đào Nha, nghĩa là những viên ngọc quý) nhưng vẫn gợi dáng dấp tam quan Đông Phương cổ kính. Đầu nhà thờ là nhà xứ, có tháp chuông đồng hồ hiệu Farnier đã có từ năm 1848.
Mới đây, theo thông tin từ Giáo phận Bùi Chu, giáo xứ sẽ quyết định đập bỏ nhà thờ này vào 13/5 tới, và xây mới lại với lý do nhà thờ hiện đã hư hỏng nhiều. Trước điều đó, hơn 20 kiến trúc sư đã ký tên vào "đơn đề nghị cứu xét" gửi Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, kiến nghị tạm dừng phá dỡ nhà thờ Bùi Chu để chờ đánh giá toàn diện của Hội đồng di sản quốc gia.
Nhà thờ đá Sapa
Toạ lạc ở vị trí đắc địa: phía sau là núi Hàm Rồng che chắn, phía trước có khu đất rộng, Nhà thờ Đá là điểm đến không thể bỏ qua khi tới Sa Pa. Nhà thờ được xây theo hình thập giá của kiến trúc Gothic La Mã. Kiến trúc đó thể hiện ở mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn… đều là hình chóp. Nhà thờ được xây bằng đá đẽo, liên kết với nhau bằng hỗn hợp của cát, vôi và mật mía.
Nhà thờ Phát Diệm, Ninh Bình
Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm tọa lạc trên diện tích 22 ha ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội khoảng 120km. Đây là một công trình độc đáo vì có sự kết hợp giữa kiến trúc châu Âu và đình chùa truyền thống ở Việt Nam với thiết kế hình mái cong, có tượng thánh giá ngự trên đài sen. Quần thể nhà thờ được bố trí trên một mặt bằng tổng thể hình chữ “Vương”, không gian đóng mở theo phong cách tạo cảnh phương Đông rất rõ nét, trước có hồ, sau có núi, thể hiện tư duy, quan niệm của người Á Đông “Tiền có thủy, hậu có sơn”- mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp, an lành cho cuộc sống hiện tại và mai sau.
Nhà thờ Gỗ, Kon Tum
Nhà thờ Gỗ có tháp chuông cao vút, mái nhọn, khung cửa hình vòm và hàng cột to tròn. Giáo đường mang đặc trưng kiến trúc Roman còn hoa văn trang trí, điêu khắc trên gỗ mang dáng dấp của văn hóa bản địa. Tường và mái nhà thờ là đất sét và rơm đắp nên. Đất trộn rơm bện lại thành khối và đắp lên nhau tạo thành bức tường vững chắc, gắn kết với cột kèo gỗ tạo thành mô-típ kiến trúc độc đáo.
Bên trong nhà thờ, hệ thống cột gỗ, rui mè chạm khắc nét hoa văn thể hiện chất đôn hậu, khoẻ mạnh của người Tây Nguyên. Khu hoa viên của nhà thờ có nhà rông mái cao, các bức tượng tạc từ rễ cây làm không gian mang đậm màu sắc đại ngàn.
Nhà thờ Domain de Marie
Du khách thường gọi nhà thờ Domain de Marie ở Đà Lạt là nhà thờ Mai Anh. Được xây dựng từ năm 1930 đến 1943, nhà thờ Domaine de Marie là sự kết hợp hài hòa giữa các kiểu kiến trúc phương Tây với kiến trúc dân gian của dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên.
Bố cục kiến trúc nhà thờ có nhiều điểm cách tân so với các nhà thờ cổ điển phương Tây, có hai đường bậc thang đi lên cửa chính và nhập lại ở sảnh chính. Vì chỉ dùng duy nhất một màu vôi hồng đậm để quét tường, nên dưới ánh nắng nhà thờ như sáng rực hẳn lên.
Nhà thờ Con Gà
Nhà thờ Chính tòa Ðà Lạt hay còn gọi là nhà thờ Con Gà (vì trên đỉnh tháp chuông có hình con gà lớn) được xây dựng từ năm 1931 đến 1942, có chiều dài 65m, chiều rộng 14m và cao 47m. Phần phía trên của tường được lắp 70 tấm kính màu mang dấu ấn của kiến trúc nhà thờ châu Âu thời Trung cổ.
Đây là công trình kiến trúc tiêu biểu, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt. Tượng một con gà được đặt cách mặt đất 27m, làm bằng hợp kim nhẹ rỗng bên trong được tráng phủ một lớp hoá chất đặc biệt đồng dài 0,66m, cao 0,58m quay quanh một trục bạc đạn để chỉ hướng gió. Con gà vừa là biểu tượng của người Pháp, vừa được hiểu là biểu tượng của sám hối (theo kinh Tân Ước).
Nhà thờ Đức Bà
Nhà thờ Đức Bà ban đầu có tên là Nhà thờ Saigon, được xây dựng bằng gỗ, hoàn thành vào năm 1865, sau hai năm xây dựng. Năm 1876, Thống đốc Nam kỳ Duperré đã tổ chức một kỳ thi vẽ đồ án thiết kế nhà thờ mới. Vượt qua 17 đồ án thiết kế khác, đồ án của kiến trúc sư J. Bourard với phong cách kiến trúc Roman cải biên pha trộn nét phong cách kiến trúc Gothic đã được chọn. Năm 1887, nhà thờ chính thức được xây dựng, 3 năm sau hoàn thành và có tên là Vương cung Thánh đường.
Theo thời gian, nhà thờ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các hạng mục phụ. Tường của nhà thờ được trang trí nổi bật 56 cửa kính mô tả các nhân vật hoặc sự kiện trong Thánh Kinh, 31 hình bông hồng tròn, 25 cửa sổ mắt bò bằng kính nhiều màu ghép lại với những hình ảnh rất đẹp. Tất cả các đường nét, gờ chỉ, hoa văn đều tuân thủ theo hình thức Roman và Gothic, tôn nghiêm và trang nhã.
Đến năm 1958, bắt đầu xây thêm tượng Đức Mẹ Hòa Bình, một năm sau thì hoàn tất. Từ đó, nhà thờ có tên là Nhà thờ Đức Bà.
Đại Ngọc