Những nhà khoa học nữ nghiên cứu sự thay đổi của Trái đất từ Bắc Cực

16/11/2024 - 06:02

PNO - Trong cái lạnh giá khắc nghiệt của Bắc Cực, những nhà khoa học nữ đang âm thầm theo đuổi các nghiên cứu về tình trạng biến đổi khí hậu, ghi nhận những thay đổi dù nhỏ nhất có thể đe dọa đến sự tồn tại của cuộc sống con người.

Ny-Ålesund là một trong những khu định cư cực Bắc trên Trái đất. Đây là một tiền đồn nghiên cứu quốc tế nằm giữa những ngọn núi phủ tuyết và các vịnh băng giá của Svalbard - quần đảo thuộc Na Uy ở Bắc Băng Dương. Vào những tháng mùa đông, đây là nơi lạnh giá, khắc nghiệt. Mặt trời không bao giờ mọc khiến các ngôi nhà cộng đồng chìm trong bóng tối xanh ngắt của một đêm vùng cực vô tận. Tình trạng biến đổi khí hậu đã gây ra những tác động rõ rệt đến khu vực này: nhiệt độ ở Svalbard đang tăng nhanh hơn 4 lần so với mức tăng trung bình toàn cầu.

Kỹ sư Susana Garcia Espada trong trạm  của Cơ quan Lập  bản đồ Na Uy  - ẢNH: ESTHER HORVATH
Kỹ sư Susana Garcia Espada trong trạm của Cơ quan Lập bản đồ Na Uy - Ảnh: ESTHER HORVATH

Sự xuất hiện của sứa mũ sắt tại vùng biển Bắc Cực xa xôi này khoảng 10 năm trước là minh chứng cho tình trạng ấm lên. Đất đóng băng vĩnh cửu liên tục tăng nhiệt độ, đe dọa xảy ra tình trạng giải phóng các bon vào khí quyển. Nhiệt độ không khí trung bình đã tăng lên khoảng 7oF (13,8 độ C) kể từ đầu thập niên 1970. Mùa hè năm ngoái, một đợt nắng nóng cực độ đã khiến các chỏm băng của quần đảo tan chảy trên diện rộng.

Bất chấp những thay đổi đang diễn ra trong khu vực, hàng chục nhà khoa học trong đó đa số là phụ nữ, từ hơn 10 quốc gia đã tập trung ở đây để nghiên cứu về tình trạng biến đổi khí hậu.

Nhà khoa học khí hậu Inger Hanssen-Bauer - làm việc cho Viện Cực Na Uy - đã đến Ny-Ålesund vào mùa đông 1983. Lúc đó, bà là người phụ nữ duy nhất tại trạm. Đến năm 1998, có thêm Julia Boike - một nhà nghiên cứu nữ của Đức - bắt đầu thu thập dữ liệu về lớp đất đóng băng vĩnh cửu. Vào năm 2023, nhóm nghiên cứu của bà đã đạt đến số lượng 3 thành viên là nữ. Boike cho hay: “Biến đổi khí hậu đã làm lượng mưa tăng lên và thời gian tuyết phủ đã bị thu hẹp. Băng biển đang giảm, đồng nghĩa gấu Bắc Cực ở trên cạn nhiều hơn, khiến công việc thực địa chúng tôi trở nên khó khăn vì không thể đến địa điểm nghiên cứu của mình trong hoàn cảnh những con gấu săn mồi kề cận”.

Năm 2021, nhiếp ảnh gia người Hungary Esther Horvath - chuyên chụp các chuyến thám hiểm khoa học ở vùng cực - đã đến để ghi lại cuộc sống của những nhà nghiên cứu nữ tại đây. “Tôi luôn tưởng tượng về việc cảm nhận cái lạnh buốt giá trên khuôn mặt. Tôi thậm chí không dám mơ một ngày nào đó sẽ trải nghiệm điều này” - Horvath nói.

Thu thập dữ liệu ở vùng cực là cách các nhà khoa học nghiên cứu xem thế giới đang thay đổi thế nào. Các nghiên cứu như vậy rất quan trọng đối với cuộc sống lâu dài của con người trên Trái đất. Nữ kỹ sư Susana Garcia Espada - quản lý trạm nghiên cứu của Cơ quan Lập bản đồ Na Uy - hiện đang quan sát những thay đổi liên quan đến các vì sao. Bằng trắc địa, các nhà khoa học như Espada có thể theo dõi những thay đổi về hình dạng, trường hấp dẫn và các vấn đề liên quan sự quay của Trái đất. Cách này còn giúp họ theo dõi chính xác hơn mực nước biển dâng và băng tan.

Charlotte Havermans - nhà động vật học biển của Đại học Bremen (Đức) - thì đến đây vào thời điểm Bắc Cực ấm lên và hệ sinh thái đang thay đổi đáng kể. Các nhà khoa học bắt đầu ghi nhận sự xuất hiện của sứa mũ sắt - một loài thường chỉ thấy ở vùng nước ấm hơn. Havermans dùng một tấm lưới để lấy mẫu sứa. Cô sử dụng DNA môi trường để phát hiện các loài động vật ở vùng nước ngoài khơi Ny-Ålesund và mô hình hóa dự đoán về sự phát triển của chúng ở Bắc Cực.

Trong khi đó, Ingrid Kjerstad - điều phối viên nghiên cứu Viện Cực Na Uy - đến thăm Gåsebu (một túp lều cách Ny-Ålesund 2 dặm) cùng chú chó Yukon và đã quyết định lưu lại đó lâu hơn dự định. Nữ nghiên cứu sinh ngành sinh học biển Marie Koch - thuộc Viện Alfred Wegener - đang theo đuổi nghiên cứu việc nước ấm lên ảnh hưởng như thế nào đến sinh lý và hành vi ăn uống của loài ăn tạp có gai là nhím biển. Đây là loài quan trọng trong nghiên cứu Bắc Cực. “Mối đe dọa của biến đổi khí hậu luôn hiện hữu. Điều này khiến việc hiểu tất cả các bộ phận nhỏ bé của hệ thống này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết” - Koch nói.

Nam Anh (theo NG, Nature)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI