Những nhà hát nằm yên trên giấy

20/09/2017 - 11:57

PNO - Nhiều nhà hát lớn, nhỏ dần biến mất hoặc trở thành nhà sách, nhà kho, vũ trường, quán cà phê…

Để bù đắp cho sự thiếu hụt ấy, TP.HCM đã có chủ trương xây dựng những nhà hát mới hiện đại. Đến nay, sau mười năm, ngoài nhà hát Hưng Đạo đã hoàn tất nhưng không phù hợp với nhu cầu của sân khấu cải lương, những nhà hát khác vẫn đang nằm trên giấy.

Nhung nha hat  nam yen tren giay

Những nghệ sĩ xiếc từng đoạt giải cao ở các cuộc thi quốc tế vẫn phải biểu diễn trong ngôi nhà xập xệ, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào

Trong các đơn vị nghệ thuật công lập của TP.HCM, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO) có lẽ là đơn vị có nhiều hoạt động nổi bật nhất với những chương trình biểu diễn kết hợp giữa nghệ sĩ của nhà hát và nghệ sĩ quốc tế. Những năm nay, HBSO đã tổ chức khá thành công chương trình Giai điệu mùa thu với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ quốc tế. Dù vậy, HBSO vẫn nằm trong danh sách những nhà hát “vô gia cư” ở TP.HCM.

HBSO hiện duy trì ba suất diễn/tháng tại Nhà hát TP.HCM. Đây là địa điểm HBSO thuê của Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh TP.HCM với giá 16 triệu đồng/suất, chưa kể chi phí vận chuyển trang thiết bị, nhạc cụ… từ trụ sở của HBSO trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10, đến Nhà hát TP.HCM, chi phí thuê địa điểm luyện tập cho các chương trình biểu diễn.

Năm 1999, trong quy hoạch phát triển cơ sở vật chất ngành văn hóa thông tin đến năm 2010 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã có kế hoạch xây dựng nhà hát cho HBSO. Nhưng đến lúc này - gần hết quý III/2017, kế hoạch xây nhà hát cho HBSO vẫn đang ở vạch xuất phát.

Trong quy hoạch đầu tiên, nhà hát cho HBSO sẽ đặt tại số 23 Lê Duẩn (khi đó là trụ sở Công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM). Năm 2008, nhà hát dự kiến được xây ở công viên 23/9. Sang năm 2011, quy hoạch nhà hát chuyển đến khu đô thị mới Thủ Thiêm - Q.2. Chỉ một năm sau đó, có thông tin nhà hát sẽ trở lại Công viên 23/9. Giờ thì quy hoạch "nhà" của HBSO là ở Thủ Thiêm. Giám đốc HBSO - NSND Trần Vương Thạch - bức xúc: “Cứ mỗi lần chuyển địa điểm, toàn bộ hồ sơ xây dựng nhà hát phải quay lại từ đầu do không gian mới, quy hoạch mới… thiết kế cũng phải mới. Dự án xây nhà hát cho HBSO ở Q.2 nay trở lại bước đầu tiên”.

Nhung nha hat  nam yen tren giay
Nhạc sĩ Trần Vương Thạch: “Cứ mỗi lần chuyển địa điểm, toàn bộ hồ sơ xây dựng nhà hát phải quay lại từ đầu..."

Được biết, kế hoạch xây nhà hát cho HBSO đang trong giai đoạn trình UBND TP.HCM phê duyệt. Sau đó sẽ tổ chức thi mô hình kiến trúc, rồi trưng bày, lấy ý kiến… Nếu mọi việc diễn tiến thuận lợi, sau khoảng bảy năm nữa, HBSO sẽ có nhà. Nếu có trục trặc hoặc thay đổi thì… chưa biết tới bao giờ.

Cùng tình trạng với HSBO còn có Nhà hát nghệ thuật Phương Nam (NHPN). Trước khi hai đoàn rối, xiếc sáp nhập thành NHPN, năm 2003, chính phủ Bỉ đã ngỏ lời tài trợ cho Đoàn xiếc TP.HCM một phần trong dự án xây dựng nhà hát xiếc đa năng hiện đại nhất Đông nam Á tại Trường đua Phú Thọ (Q.11). Công trình trên diện tích 10.000m2, cao 9 tầng, 2 hầm với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 34.000m2. Phòng biểu diễn chính có sức chứa trên 2.000 chỗ ngồi, có thể cùng lúc bố trí các chương trình biểu diễn xiếc và nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn đa năng khác.

Tại thời điểm đó, kinh phí xây dựng nhà hát dự kiến khoảng 300 tỷ. Đến năm 2005, kinh phí tăng thành 500 tỷ do phải chỉnh sửa, mở rộng một số hạng mục. Hai năm sau, con số này nhảy lên mức 700 tỷ và hiện nay nhà hát xiếc đa năng dự kiến sẽ được xây dựng với kinh phí gần 1.500 tỷ đồng. Dù vậy, chưa có điều gì chắc chắn về thời điểm khởi công. Thậm chí khả năng nhà hát không được duyệt cũng có thể xảy ra.

Nhung nha hat  nam yen tren giay
Bên trong Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM

Bỏ qua những chuyện đã diễn ra từ hơn mười năm trước, dự án xây nhà hát xiếc đa năng từng được dự kiến khởi công tháng 9/2015. Đến tháng 5/2016, Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM cho biết vẫn đang chờ ý kiến chấp thuận về quy hoạch của Sở Quy hoạch - kiến trúc. Hơn một năm sau, dự án chỉ đi được đến giai đoạn trình Thủ tướng.

Nếu mọi việc suôn sẻ, nhà hát sẽ xuất hiện vào năm 2022. Rất tiếc, buổi họp ngày 30/8 giữa Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM với NHPN và các sở ngành liên quan không cho thấy sự suôn sẻ. Đã 14 năm, nhà hát xiếc đa năng vẫn nằm yên trên giấy, khu đất quy hoạch vẫn “án binh bất động”. Các nghệ sĩ xiếc đang phải biểu diễn ở một nhà bạt đã mua cách đây hơn 20 năm mà lẽ ra chỉ có thể sử dụng trong bảy năm! 

Sau nhiều lần mừng hụt, nghệ sĩ vẫn long đong biểu diễn ở những địa điểm thuê mướn hoặc trong “ngôi nhà” xập xệ, rệu rã của mình. Hơn mười năm, những nghệ sĩ hừng hực lửa đam mê, từng hào hứng đợi chờ rồi thất vọng, giờ đã toan về già. Với họ, chuyện có một nhà hát để thỏa sức làm nghề giờ nghe như chuyện… không tưởng.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI