Những “nhà giáo trẻ” mặc áo xanh tình nguyện

03/11/2023 - 06:21

PNO - Họ là những sinh viên đến từ chương trình “Gia sư áo xanh”, chuyên phụ đạo kiến thức cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TPHCM vào mỗi mùa hè.

 

Ngọc Trân và cô học trò nhỏ của mình - Ảnh: T.T.
Ngọc Trân và cô học trò nhỏ của mình - Ảnh: T.T.

Rồi mình cũng là cô giáo

Cầm trên tay bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Thành đoàn TPHCM tại lễ tổng kết chương trình “Gia sư áo xanh” năm 2023 vào ngày 29/10, ký ức của 3 lần tham gia chương trình chợt ùa về đầy ắp trong tâm trí Nguyễn Ngọc Trân (22 tuổi, ngụ quận 6, TPHCM).

Lần đầu tiên Trân tham gia chương trình là vào năm 2021, khi đang học năm thứ hai ngành sư phạm tiểu học, Trường đại học Sư phạm TPHCM. Chương trình được triển khai dưới hình thức online, mỗi “gia sư” dạy kèm 1 học sinh trong 2 tháng. Nhưng khi biết “học trò” đang ở trọ cách nhà mình chưa đầy 10m, Trân đã đến dạy trực tiếp.

Ngày đầu gặp phụ huynh và học trò, Trân không khỏi xót xa khi biết ba em mất do COVID-19, mẹ làm công nhân nên mỗi ngày em phải ở nhà một mình. Vừa vào lớp Một đã phải học online, không có ai giúp nên em tiếp thu chậm chạp. Cảm thương hoàn cảnh của em nên dù bận rộn học và làm thêm, Trân vẫn dành thời gian nhất định mỗi ngày để dạy em học.

Những ngày mẹ em đi làm về trễ, Trân đón học trò qua nhà mình để tiện chăm sóc. Sau 2 tháng ngắn ngủi, cô học trò nhỏ đã tiến bộ thấy rõ. Tiếng Anh bé đã có thể nghe và phát âm được những từ, câu ngắn. Hiện, bé đã học lớp Ba và chuyển về huyện Hóc Môn sống, nhưng vẫn thường xuyên liên lạc để hỏi bài cô Trân.

“Mỗi khi nghe bé ríu rít đọc bài hay mẹ bé cảm ơn vì con học tốt, tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Tôi thấy tiếc vì đã không tham gia từ khi còn học năm nhất” - Trân chia sẻ. Vậy rồi 2 năm tiếp theo, dù lịch trình dày đặc, Trân vẫn tham gia chương trình với vai trò trưởng trạm. Ngoài việc phải đến địa điểm hoạt động từ sớm để chuẩn bị chỗ dạy và học, sắp xếp nhân sự, lên ý tưởng giảng dạy… Trân kiêm cả việc hỗ trợ cho những học sinh tiểu học. 

Giờ đây, Ngọc Trân đã ra trường và trở thành một cô giáo tiểu học thực thụ. Những tháng ngày được làm “gia sư áo xanh” không chỉ là hành trang làm nghề mà còn là phần ký ức rất đẹp trong thanh xuân của cô. 

Vui vì được sẻ chia

Tham gia dạy tại khu lưu trú số 48 (đường Trần Thanh Mại, quận Bình Tân), Nguyễn Thiên Phú - sinh viên năm hai ngành ngôn ngữ Trung Quốc, Trường đại học Sư phạm TPHCM - tự hào chia sẻ: “Khi biết đến chương trình, tôi đã không ngần ngại tham gia, vừa để lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, vừa để thỏa mãn đam mê dạy học của mình”. 

Hè 2023, trong không gian chưa đến 15m2 được chủ khu lưu trú cho mượn, cứ mỗi chiều thứ Ba và thứ Năm hằng tuần, nhóm của Phú gồm 10 sinh viên tình nguyện chia nhau hỗ trợ 16 học sinh. Dù đang nghỉ hè với gia đình ở TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), nhưng Phú vẫn chạy xe đi về để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhiều lúc đi giữa đường thì trời đổ mưa, đi thêm một đoạn trời lại nắng, lên tới nơi đầu tóc đã rối bù, mệt mỏi. Nhưng chỉ cần nhìn thấy các em đang chờ, Phú như được tiếp thêm năng lượng.

Phú được giao kèm 2 học sinh chuẩn bị lên lớp Mười. Lần đầu gặp gỡ, Phú đã vô cùng xúc động khi biết các em chỉ có sách cũ chứ không đủ tiền mua sách giáo khoa chương trình mới. Ngay lập tức, Phú đã nhờ em gái đang học cấp III liên hệ với bạn bè, xin được 2 bộ sách cho các em. Để các em phát triển cả kiến thức lẫn kỹ năng, nhóm của Phú thường chỉ dạy trong vòng 45 phút, thời gian còn lại tổ chức các hoạt động về an toàn giao thông, chủ quyền biển đảo, đạo đức và pháp luật… 

Lâu dần, tình cảm thắm thiết hơn, Phú mới nghe 2 học trò của mình nói rằng chỉ định đi học 1 buổi rồi nghỉ, nhưng vì thấy anh, chị nhiệt tình, dạy dễ hiểu nên đã đi học đều đặn suốt 2 tháng trời. Đêm ấy, Phú vui không ngủ được. Niềm vui lại càng lớn hơn khi Phú nhận được bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Thành đoàn TPHCM. 

Không chỉ dạy kiến thức, lớp học của Nguyễn Thiên Phú (thứ hai từ phải sang) còn cung cấp nhiều kỹ năng sống cho học sinh - ẢNH: T.T.
Không chỉ dạy kiến thức, lớp học của Nguyễn Thiên Phú (thứ hai từ phải sang) còn cung cấp nhiều kỹ năng sống cho học sinh - Ảnh: T.T.

Giúp người là giúp mình

Không học sư phạm, nhưng Võ Thị Thùy Trang - sinh viên năm ba ngành lịch sử Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM - cũng bén duyên với chương trình “Gia sư áo xanh” và trở thành một “cô giáo trẻ” đầy nhiệt huyết. 

Qua nhiều buổi tập huấn, Trang đã được trang bị đầy đủ về kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, ứng dụng công nghệ thông tin… và cả chuyên môn, kinh nghiệm để có thể giảng dạy hiệu quả. Hè vừa qua, nhóm của Trang hoạt động ở làng thiếu niên Thủ Đức (TP Thủ Đức). Mỗi tuần, nhóm dạy 3 buổi vào thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu, mỗi buổi kéo dài chừng 2 giờ đồng hồ. 

Dành thời gian tìm hiểu, Trang biết được rằng dù các em ở đây nhận được sự quan tâm rất lớn từ thầy cô và những người nuôi dưỡng. Dù vậy, sự thiếu thốn tình cảm của ba mẹ đã khiến các em có phần nhạy cảm hơn với mọi thứ xảy ra xung quanh, nhất là những em đang trong độ tuổi dậy thì. Do vậy, bên cạnh việc kèm cặp về kiến thức, Trang luôn cố gắng hỏi han nhiều hơn về đời sống tinh thần của các em. “Mấy hôm nay em có chuyện gì vui không? Em thích làm việc gì nhất? Em lo sợ điều gì nhất…?” - Trang vẫn hay hỏi những người bạn nhỏ của mình như vậy.

Những lúc có lịch học trùng vào ngày hoạt động, Trang ngồi trên giảng đường mà lòng cứ thấp thỏm, tiếc nuối. Để rồi trong ngày sau đó, Trang dành nhiều thời gian hơn để giảng dạy và làm thân với các em. Khi các em mất tập trung hoặc đùa giỡn trong giờ học, cô giáo trẻ cũng chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở. Bởi Trang biết, đó là những giây phút hạnh phúc mà các em đang có. 

Giúp 1.260 học sinh lấy lại kiến thức

“Gia sư áo xanh” là chương trình tình nguyện thường niên do Ban Công nhân lao động Thành đoàn TPHCM phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM và Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM tổ chức lần đầu tiên năm 2012. Chương trình đã trở thành 1 trong 6 chiến dịch tình nguyện hè của thanh niên, sinh viên thành phố vào năm 2022.

Năm 2023, chương trình đã có sự mở rộng hơn, không chỉ hỗ trợ học sinh là con công nhân, người lao động mà còn giúp đỡ những học sinh, đội viên có hoàn cảnh khó khăn tại các quận, huyện và TP Thủ Đức. Chương trình đã có hơn 1.231 lượt sinh viên tình nguyện đăng ký, giảng dạy cho 1.260 học sinh với 122.117 buổi, tương ứng khoảng 93.544 giờ giảng. 

“Điều tuyệt vời nhất của chương trình đó chính là những sự gắn kết yêu thương, sự tử tế được tạo dựng từ các em học sinh, các bạn sinh viên tình nguyện, quý phụ huynh và chủ khu lưu trú, khu nhà trọ… và sẽ còn tiếp tục được lan tỏa” - ông Trương Tấn Nghiệp - Trưởng ban Công nhân lao động Thành đoàn TPHCM - chia sẻ.

 Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI