Những người vợ tảo tần của các thương binh

21/07/2023 - 06:24

PNO - Ngày 20/7, Hội LHPN TPHCM tổ chức buổi họp mặt với 50 phụ nữ là vợ thương binh nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023).

Vợ chồng đồng cam cộng khổ

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cõng chồng là ông Võ Văn Thanh từ xe lăn vào hội trường để cùng tham dự buổi họp mặt. Bà Ngọc xúc động: “Hội phụ nữ tổ chức họp mặt vợ thương binh, nhưng chồng tôi vẫn muốn đi chung để vui cùng vợ”.

Ông Thanh là thương binh 1/4 với mức độ thương tật 91%, có 7 năm tham gia chiến trường Campuchia. Năm 1986, trong một trận chiến, ông bị trúng mìn, mất 2 chân, bể xương chậu, đứt dây thần kinh trụ tay trái. Sau khi bị thương, ông được đưa về nước điều trị nên có dịp quen biết bà Ngọc. Cả 2 cảm mến nhau rồi nên duyên vợ chồng. 

36 năm nên nghĩa vợ chồng, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhiều lúc phải chạy cơm từng bữa, nhưng vợ chồng luôn yêu thương, sống có trách nhiệm. Vợ chồng bà Ngọc - ông Thanh hiện đang sống trong một căn phòng trọ tại phường 3, quận Gò Vấp. Bà Ngọc đi phụ quán ăn để có thêm mỗi ngày 100.000 đồng trang trải cuộc sống. 2 con gái đã lập gia đình. 

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cõng chồng là ông Võ Văn Thanh - thương binh 1/4 - đến tham gia buổi họp mặt của Hội LHPN TPHCM với 50 phụ nữ là vợ < 2-3 thương binh vào ngày 20/7
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cõng chồng là ông Võ Văn Thanh - thương binh 1/4 - đến tham gia buổi họp mặt của Hội LHPN TPHCM với 50 phụ nữ là vợ < 2-3 thương binh vào ngày 20/7

Là vợ một thương binh có thương tật 91%, bà Ngọc vất vả hơn nhiều những phụ nữ khác. Không chỉ gánh vác hết chuyện lớn nhỏ trong nhà, bà còn là “đôi chân” cho chồng. Bà cõng ông đi khắp nơi. Đặc biệt, trong 9 năm trở lại đây, bà càng vất vả khi hằng tháng phải đưa ông Thanh vào bệnh viện để chạy thận. Bà nói: “Chỉ cầu mong chồng có sức khỏe, vợ chồng vui vẻ sống đến già”. 

Trường hợp khác là bà Phạm Mỹ Lan - vợ thương binh 1/4 Lê Văn Miền. Ông Miền tham gia cách mạng, bị thương ở cột sống, dẫn đến liệt 2 chi. Sau nhiều năm điều trị trong rừng, ông Miền được đưa ra Hà Nội để tiếp tục điều trị. Ngày giải phóng, ông được đưa về miền Nam sum họp với gia đình. Gặp lại con, mẹ ông Miền khóc hết nước mắt, nhưng cố giữ tinh thần lạc quan để động viên con. 

Những năm 1980, bà Lan làm công tác phụ nữ, thường xuyên tới lui thăm nom các gia đình thương bệnh binh nên đã gặp và cảm mến ông Miền. Dù không đồng tình, nhưng trước sự quyết tâm của bà Lan, gia đình bà cũng đã thuận theo. Vợ chồng họ sinh được 1 người con và sống hạnh phúc cho đến hiện nay. Bà Lan nói: “Tôi cảm mến vì anh ấy hiền lành. Tôi nghĩ, cả đời anh đã hy sinh cho cách mạng, từng trải qua gian khổ, chắc chắn anh sẽ là người có đạo đức tốt. Tôi cũng tin rằng, được trở thành vợ chồng với nhau cũng là một cái duyên”. 

Suốt 40 năm chung sống, ông Miền thường nói với vợ: “Tôi biết bà lấy tôi đã chịu nhiều thiệt thòi”. Mỗi lần như vậy, bà Lan lại động viên chồng: “Đã chọn anh làm chồng, em sẽ luôn ở bên cạnh chăm sóc anh. Vợ chồng đồng cam cộng khổ, mọi khó khăn rồi cũng qua”. Những năm sau đó, bà Lan vẫn tiếp tục đi làm.

Ở nhà, vợ chồng họ cùng tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi heo và giặt quần áo cho những người xung quanh để có thêm thu nhập. Dù sức khỏe không tốt nhưng ông Miền luôn cố gắng phụ giúp vợ mọi việc trong nhà… Đến nay, cuộc sống của gia đình họ khá đủ đầy. 

Tiếp nối công tác đền ơn đáp nghĩa

Ngoài buổi họp mặt nói trên, trong ngày 20/7, Hội LHPN TPHCM đã đến thăm các Mẹ Việt Nam anh hùng và các nữ thương binh trên địa bàn quận 3. Tại nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bê (83 tuổi, ở phường 5), bà Trịnh Thị Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - ân cần thăm hỏi và chúc mẹ sức khỏe, sống vui cùng con cháu.

Mẹ Bê kể: “Mẹ có 4 người con thì 3 đi bộ đội. Mẹ tiễn con đi chiến trường Campuchia khi các con tuổi mới đôi mươi và 7 tháng sau thì nhận được tin sét đánh: 2 con hy sinh. Mẹ như đứt từng khúc ruột, đêm ngày nhớ thương…”. 

Hội LHPN TPHCM và các đại biểu tặng quà cho vợ chồng bà Nguyễn Thị Bích Ngọc và ông Võ Văn Thanh - thương binh 1/4
Hội LHPN TPHCM và các đại biểu tặng quà cho vợ chồng bà Nguyễn Thị Bích Ngọc và ông Võ Văn Thanh - thương binh 1/4

Đoàn của Hội LHPN TPHCM cũng đến thăm bà Cao Thị Xiếu (tên thường gọi là Võ Thị Nga) - thương binh 2/4, cựu tù chính trị, sống tại phường 4, quận 3. Từ quê hương Đồng Khởi Bến Tre, thuở thiếu thời, bà Nga theo gia đình đi làm giao liên cho cách mạng. Đến năm 1962, bà thoát ly gia đình vào xưởng chế tạo vũ khí thô sơ của xã, rồi vào đặc công. Năm 1967, bà Nga tham gia lực lượng vũ trang tuyên truyền đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Tháng 11/1969, trong lúc đang vận chuyển vũ khí thì bà Nga bị địch bắt. Chúng đưa bà đi nhiều trại giam khác nhau rồi đày bà ra Côn Đảo. Suốt 6 năm tù đày, đòn roi của kẻ thù khiến bà mất thính lực cả 2 tai. Bà Nga nhớ rõ: “Ngày giải phóng, cửa ngục được phá, ai cũng mừng rỡ chạy ùa ra, còn bà nằm liệt một chỗ, nên được các chiến sĩ khiêng ra bằng võng, chuyển vào bệnh viện”. 

Sau ngày giải phóng, bà Nga dần hồi phục sức khỏe và tiếp tục tham gia công tác tại quận 3. Khi về hưu, bà lại tiếp tục tham gia câu lạc bộ nữ tù, câu lạc bộ truyền thống kháng chiến, tổ trưởng tổ dân phố và tích cực đóng góp vào các hoạt động xã hội. Đến năm 2015, khi sức khỏe không còn cho phép bà mới nghỉ hẳn. 

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cho biết: thời gian qua, các cấp hội phụ nữ luôn coi trọng công tác đền ơn đáp nghĩa, thường xuyên phối hợp thực hiện công tác tri ân người có công với cách mạng bằng hình thức hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, thăm hỏi, tạo điều kiện cho phụ nữ các gia đình chính sách được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm. 


Thiên Ân

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI