May mắn vì chính phủ hỗ trợ kịp thời
Có mặt từ sớm tại sân bay quốc tế Nội Bài để chờ đón em gái, chị Lê Thị Hải Yến (huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội) cho biết: “Hai chị em tôi sống ở thành phố Odessa, Ukraine gần 12 năm nay. Cách đây 4 tháng, tôi về nước trên chuyến bay giải cứu người Việt khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành tại châu Âu. Hôm nay, đến lượt em gái tôi cũng về nước trên chuyến bay đặc biệt này”. Theo chị Yến, trong suốt quá trình di chuyển từ Odessa sang Moldova rồi sang Romania, em gái chị luôn được bà con người Việt và người dân địa phương hỗ trợ, giúp đỡ.
|
Nghẹn ngào đón người thân trở về từ Ukraine - Ảnh: Bảo Khang |
Cũng có mặt tại sân bay quốc tế Nội Bài từ sớm để đón gia đình bạn thân, chị Kim Tuyến (huyện Thường Tín, TP.Hà Nội) nói, khi biết gia đình bạn thân đi trên chuyến bay đầu tiên để về nước, chị rất vui mừng và nóng lòng mong được gặp lại bạn: “Từ khi tình hình tại Ukraine căng thẳng, tôi rất lo lắng, thường xuyên nhắn tin hỏi thăm. Rất may, gia đình bạn tôi đã chuẩn bị về tới Hà Nội. Tôi mong những người Việt còn đang mắc kẹt tại Ukraine cũng sẽ sớm được trở về quê hương”.
Vừa đặt chân xuống sân bay Nội Bài trưa 8/3, nhiều người nghẹn ngào sau khi trải qua một hành trình gian khó. Chị Vân Anh (người Việt sinh sống tại thành phố Odessa) kể: “Tôi phải tự lái xe một mình 40km trong nhiều ngày mới rời khỏi Ukraine. Làm việc bên đó gần 20 năm, tôi đã phải bỏ lại tất cả nhà cửa, tài sản để về nước. Chiếc ô tô tôi lái đi cũng phải bỏ lại biên giới. Một thân một mình bên đó, tôi thực sự chỉ muốn được về tới Việt Nam ngay”.
Cầm quyển hộ chiếu và chiếc vé bước ra khỏi sảnh sân bay Nội Bài, chị Vũ Hồng Dương (TP.Hà Nội) cho biết, chị và gia đình may mắn có mặt trên chuyến bay đầu tiên về Việt Nam. Trước đó, gia đình chị - bao gồm hai trẻ nhỏ - phải đi bộ hàng chục cây số từ thành phố Odessa tới biên giới để tới vùng an toàn. “Hơn 30 năm sinh sống và làm việc ở Ukraine, chúng tôi vẫn phải bỏ lại tất cả tài sản để về nước. Nhưng chúng tôi vẫn may mắn khi về tới Việt Nam an toàn. Rất nhiều bạn bè tôi vẫn còn mắc kẹt ở Ukraine và tôi cầu mong họ cũng sớm trở về nước giống gia đình tôi”.
Anh Nguyễn Văn Yên không giấu nổi sự vui mừng khi chờ đón vợ con. Anh cùng vợ con sống tại thành phố Odessa. Một tháng trước, anh về thăm mẹ nhưng sau đó không quay lại được Ukraine do tình hình chính trị căng thẳng. “Một tháng nay, không phút nào tôi yên lòng khi vợ con vẫn đang ở trong vùng căng thẳng. Tôi muốn quay trở lại để chăm lo cho gia đình nhưng không có chuyến bay. Thật may mắn với gia đình tôi vì Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ kịp thời” - anh Yên xúc động.
Trong vòng tay của chồng, chị Trần Thị Thanh - vợ anh Yên - nghẹn ngào: “Tôi không thể tin được mình đã về được đến Việt Nam. Tôi cùng con chỉ biết đi và đi. Dọc đường, chúng tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ mà không biết của những ai. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ những người dân còn ở bên đó: nếu có thể, hãy rời khỏi những vùng nguy hiểm”.
Nỗi niềm những người kẹt lại
Cuộc di tản của đoàn người Việt Nam từ Ukraine sang các nước lân cận kéo dài một tuần nay nhưng vẫn còn nhiều người kẹt lại. Họ có tiền trong tài khoản ngân hàng nhưng không thể rút ra được để lên xe di tản. Qua điện thoại, ông Nguyễn Tuy - ở Kharkov, Ukraine - cho biết ông và con trai đang kẹt ở vùng chiến sự. Hiện Ukraine đang cuối mùa đông, trời rất rét nhưng không có máy sưởi, trong nhà chỉ còn 2kg gạo và ông không biết bao giờ mới có thêm lương thực. Cuộc gọi của chúng tôi với ông Tuy ngắt quãng liên tục. Ông cho biết, thành phố Kharkov mất điện, còn ông đang ở dưới tầng hầm chung cư.
Nữ sinh viên 22 tuổi H.N. cho biết, cô ở Kharkov cùng cha mẹ và em trai, trốn trong tầng hầm chung cư có sàn là đá sỏi, không lò sưởi vì tầng hầm dùng để chứa các loại ống dẫn ga, dẫn nước trong thời bình. Không chỉ người Việt, người Ukraine và một số người dân châu Á sống cùng chung cư đều chịu cảnh tương tự. Tại chung cư này, có tám người Việt. Họ đều buôn bán ở chợ, rút tiền mua hàng nên tiền mặt chỉ còn tương đương 15 triệu đồng Việt Nam. Người Việt buôn bán trong chợ thường gom hàng vào tháng Ba mỗi năm. Gia đình cô cũng chi tiền tỷ để gom vớ ra chợ bán. Nay tiền không còn, nhà bị đánh sập, vốn liếng bao năm gầy dựng mất hết.
“Nếu bom pháo cứ dội mãi thì cũng tới hầm nên mọi người phải di tản gấp. Vừa rời nhà mấy hôm sang Warszawa (Ba Lan), em biết thành phố của mình chỉ còn lại những căn nhà hoang đổ nát. Ngày trước khi em rời đi, em còn nghe tin 30 người mất trong tòa thị chính gần nhà” - H.N. kể. Hiện giờ, cô cùng cha mẹ đang ở trại tị nạn dã chiến do người Ba Lan trưng dụng trường dạy thể thao. Gia đình cô được người dân đón từ cửa khẩu và lo chỗ ăn ngủ. Người Việt gặp nhau trên đất Ba Lan chỉ ôm nhau khóc. Dù đã an toàn, nhưng cha mẹ cô vẫn khóc suốt do tài sản dành dụm bao năm bỗng chốc hóa tro bụi.
Sau khi di tản, gia đình bà Phạm Thị Lan (quê tỉnh Nghệ An) phải bỏ ô tô ở biên giới rồi chia tay nhau. Chồng bà cùng gia đình người con trai bà tìm đường sang Đức kiếm việc làm, còn bà đến thành phố Warszawa, Ba Lan tị nạn. Hơn 20 người chen chúc trong toa tàu chỉ có 12 ghế. Nam giới phải trèo lên bục để hành lý mà ngồi. Trên tàu, ai còn thức ăn thì chia sẻ cho người xung quanh. Bà Lan cứ khóc liên tục vì hoảng loạn và vì bỗng chốc phải sống vô gia cư.
|
Bà Phạm Thị Lan (bìa phải) trong hầm trú ẩn |
Sang Ukraine từ năm 2000, bà Lan dành dụm được vốn mua nhà để dành cho con cái. Giờ ra đi, không biết nhà có bị đánh bom không, nếu còn thì không biết khi nào mới về được. Bà ở lại Ba Lan vì mong được về Việt Nam sớm, chồng và con còn sức khỏe thì mong tìm mảnh đất mới, làm lại từ đầu. Bà không thể lập nghiệp ở tuổi 60 tại Đức một lần nữa. Người Việt ở Ukraine chỉ dùng đồng hryvnia nên bây giờ ai còn lại nhiều tiền cũng không thể dùng được ở nơi khác. Nhà bà Lan cũng chỉ trữ tiền USD ở nhà một ít, còn lại gửi trong ngân hàng hoặc để ở chợ chứ không mang về nhà.
Có vài trăm USD trong tay, bà tự hỏi vay mượn ai để mua vé máy bay về Việt Nam bởi xung quanh, ai cũng như mình. Bà đang mong chờ chuyến bay nhân đạo đưa người về nước từ Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan. Bà cũng đăng ký chuyến bay của tỷ phú Phạm Nhật Vượng như ông đã từng làm khi dịch COVID-19 hoành hành để tìm chút tia hy vọng.
Trong khốn khó, cộng đồng người Việt đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của người dân tại Đức, Ba Lan, Hungary, Czech và các nước lân cận khác. Người bản xứ bỏ ngày làm việc để giúp người từ Ukraine sang. Tình nguyện viên khắp nơi đã tổ chức nhiều đoàn xe đón người ở biên giới. Người Việt xa xứ cũng dọn phòng trong nhà để đưa người đồng hương tị nạn về ở nhờ và cung cấp thức ăn. Ai có sẵn xưởng may, nhà hàng thì nhận đồng hương tị nạn làm việc. Người di tản nếu may mắn thì còn được ở chung với gia đình. Dù làm hết sức mình nhưng những người tình nguyện vẫn không đưa kịp đoàn người tị nạn về cùng lúc được, đành ưu tiên người già, trẻ em và phụ nữ.
Hai ngày nay, chính phủ các nước lân cận đã bắt đầu cho xe ra biên giới đón đoàn người tị nạn từ Ukraine sang. Người di tản sau không còn phải tốn vé tàu đi từ cửa khẩu vào sâu trong các nước nữa. Người Việt ở quê hương cũng đang chờ đồng hương về. Nhiều nhà xe đã thông báo với cộng đồng người Việt ở Ukraine về những chuyến xe thiện nguyện đưa người từ Ukraine hồi hương từ sân bay Nội Bài về nhà.
Bảo Khang - Mỹ Huyền