“Những người tù không số” và sự vĩ đại của tình mẹ

18/10/2024 - 14:51

PNO - Sáng 18/10, nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam và 14 năm ngày Phụ nữ Việt Nam, Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TPHCM tổ chức chương trình họp mặt, giao lưu “Những người tù không số”.

Các nữ cựu tù chính trị gặp gỡ, trò chuyện

Các nữ cựu tù chính trị gặp gỡ, trò chuyện

Chương trình nhằm tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam khi sa vào tay giặc lúc đang mang thai hoặc đi cùng con nhỏ đã đấu tranh quyết liệt, sống chết với kẻ thù, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tổ chức, bảo vệ mầm sống tương lai của mình.

Mẹ bảo vệ con bằng cả mạng sống của mình

“Những người tù không số” chính là những người con sinh ra trong tù hoặc bị bắt cùng mẹ và lớn lên trong tù, họ không có án tù, không có số tù, nhưng vẫn bị ở tù và chịu số phận của một người tù.

Buổi gặp mặt có 62 nữ cựu tù cùng 66 “người tù không số”; 12 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là cựu tù Côn Đảo, Phú Quốc và các nhà tù khác; 3 anh hùng lao động thời kỳ đổi mới là cựu tù chính trị và tù binh trại giam Phú Tài (Bình Định) và con gái cựu tù chính trị; cùng 327 cựu tù chính trị và tù binh của TPHCM.

Bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó chủ tịch UBND TPHCM (bìa trái) trao quà cho nữ cựu tù chính trị
Bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó chủ tịch UBND TPHCM (bìa trái) - trao quà cho bà Trương Mỹ Lệ - nữ cựu tù chính trị

Tại buổi gặp, bà Hoàng Thị Khánh - Trưởng Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TPHCM - đã nhắc nhớ về sự khốc liệt, đau thương, mất mát của chiến tranh. Đặc biệt, với những nữ chiến sĩ cách mạng khi sa vào tay giặc chẳng may đang mang thai hoặc con còn quá nhỏ bị bắt theo cùng, thì nỗi đau ghê gớm, cùng cực nhất là khi kẻ thù dùng bào thai hoặc đứa con để uy hiếp, lung lạc người mẹ.

Nhiều chị vì con phải tạm thời chấp nhận vào trại thi hành án. Ở trại, các chị vẫn tìm mọi cách để không chào cờ ngụy quyền. Vừa chiến đấu chống sự hành hạ, tra tấn của kẻ thù, vừa ra sức bảo vệ con mình, những nữ tù chính trị đau đớn, giằng xé tâm can. Không phải ai cũng có thể thấu hiểu nỗi đau ấy, không phải lúc nào tổ chức cũng biết và cảm thông.

Chị Nguyễn Thị Hường (bí danh Năm Châu) lúc nào cũng như gà mái mẹ, xù lông giang cánh quyết liệt bảo vệ đứa con gái bé bỏng không cho lũ “diều hâu” bắt con chị đưa vào viện Dục Anh (nơi nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi).

Chị một bên, lũ cai ngục một bên, ra sức kéo đứa trẻ đến nỗi các chị bị giam phía đối diện phải la lên: “Coi chừng con em bị xé làm đôi! Đả đảo đàn áp! Đả đảo đàn áp”. Trước sự phản đối quyết liệt của các nữ tù, địch phải buông con chị ra. Chị đã thắng và ôm chặt đứa con của mình khóc nức nở.

Ban Tổ chức trao quà cho các nữ cựu tù
Ban Tổ chức trao quà cho các nữ cựu tù chính trị

Dì Lê Thị Ba còn đau đớn hơn, con vừa sinh ra thì mẹ không còn sữa, con đói lả khóc đòi sữa mẹ, cũng là lúc dì được tin chồng mình - đồng chí Đoàn Văn Bơ - bị địch tra tấn đến chết.

Trước nỗi đau chồng chết, người vợ tưởng chừng gục ngã, nhưng vì con, vì nhiệm vụ tổ chức giao, dì phải sống. Ra tù, con gái dì chỉ còn như một nhúm giẻ rách, ghẻ chóc đầy mình, nhưng một tay dì đã nuôi, dạy con đến lúc trưởng thành và trở thành đảng viên - đồng chí của dì.

Khi bị bắt, chị Lê Ngọc Hường đang là giao liên nội thành của khối Trí vận. Địch hiểu lơ mơ về công việc của chị nên quyết khai thác thông tin. Chúng đánh chị, còn chị chỉ lo bảo vệ cái bụng bầu - bảo vệ đứa con chưa ra đời của mình. Chị sinh con trong trạm xá của tổng nha cảnh sát, nhưng địch vẫn không ngừng tra tấn chị.

Quá đau đớn, có lúc chị đã có ý định giết cả mẹ lẫn con để bảo toàn tổ chức. Nhưng may sao, địch đã dừng tay vì nghĩ chị không còn gì để khai thác. Chị được gửi con về bà ngoại, nhà nghèo nên con chị ra đời sớm, học hành không đến nơi đến chốn, dù là người lao động chân phương, nhưng thương mẹ, thương luôn lý tưởng của mẹ, cháu vẫn luôn là công dân tốt.

Ngàn lần cảm ơn mẹ đã sinh ra con

Bà Hoàng Thị Khánh chia sẻ: “Chiến tranh đã trôi qua gần 50 năm, những người mẹ - những nữ cựu tù chính trị đó - nay lưng đã còng, chân đã mỏi, mắt đã mờ, có người đã mất; những đứa con bé bỏng ngày nào nay đã trưởng thành, có em đã trở thành ông, bà, cha, mẹ, chú, dì. Buổi gặp hôm nay để nhắc nhớ về những nữ chiến sĩ cách mạng năm xưa trong tù, vừa phải chiến đấu bảo vệ tổ chức, vừa phải chiến đấu bảo vệ đứa con thân yêu của mình.

Sau hòa bình, thương mẹ, hiểu nỗi đau của mẹ, các con - những “người tù không số” không ngừng phấn đấu học tập, công tác. Thời bao cấp khó khăn, nhiều con đến trường với cái bụng trống rỗng, đến nơi làm việc với bộ quần áo vá chằng vá đụp, học và làm để quên đi những hình ảnh hung tợn của cai ngục khi dọa nạt các con, tra tấn đánh đập mẹ trong tù. Tuy đói, cực khổ nhưng các con luôn lấy mẹ làm gương để phấn đấu đi lên.

Tại TPHCM, trong 69 con, trừ 3 con đã qua đời, phần lớn là cán bộ công nhân viên, có những người thành công, vươn lên trong cuộc sống. Chúng ta tự hào trong đội ngũ những “người tù không số” có Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân - người lãnh đạo dung dị, khiêm nhường”.

Những người tù không số - con của các nữ tù được sinh ra trong tù hoặc bị bắt vào tù cùng mẹ - tham gia giao lưu
"Những người tù không số" - con của các nữ tù được sinh ra trong tù hoặc bị bắt vào tù cùng mẹ - tham gia giao lưu

Chị Bùi Thị Xuân Hạnh - con của nữ cựu tù Lê Thị Tâm - xúc động kể về thời gian ở tù cùng mẹ. Bà Lê Thị Tâm tham gia cách mạng từ năm 1946, qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Năm 1966 bà bị địch bắt, bị giam ở nhà lao Thủ Đức, khi đó bà mới biết mình đã mang thai.

Cai ngục biết nên tra tấn bà rất dã man, dùng những cực hình thâm độc để hòng khai thác thông tin. Dù vậy, bà vẫn kiên cường, giữ vững khí tiết người cộng sản, bảo vệ bào thai, và hạ sinh chị Xuân Hạnh vào tháng 3/1967.

Hướng về bức hình cô bé đáng yêu với đôi mắt to tròn, trong trẻo, chị Hạnh kể đó là hình của chị lúc 3 tuổi, đang ở trong nhà tù địch.

“Con như con chim con lớn từng ngày trong ngục tù, nhờ sự yêu thương của các mẹ, các dì. Bộ đồ của con do các mẹ, các dì cắt từng miếng vải vụn để may. Lúc đó con thành cô giao liên nhí trong tù, hằng ngày tung tăng, líu lo chạy trại giam này đến trại giam khác để truyền thư từ, thông tin bí mật.

Đến tháng 2/1970, mẹ bị kết án đày đi Côn Đảo, lo con bị thủ tiêu, mẹ đã liên lạc với tổ chức bên ngoài đưa về Phú Yên cho bà ngoại nuôi.

Năm 1972, mẹ thêu bức tranh trong tù Côn Đảo thương nhớ gửi về con, mong mẹ con sớm ngày sum họp. Sau giải phóng, đến tháng 2/1976 thì mẹ con được đoàn tụ. Ngày hôm nay mẹ không còn nữa để cùng con ngồi chia sẻ những gian lao trong ngục tù đã trải qua, nhưng con xin ngàn lần cảm ơn mẹ đã sinh ra con, bảo vệ con cho đến khi trưởng thành hôm nay” - chị Bùi Thị Xuân Hạnh nghẹn ngào.

Các đại biểu đóng góp ủng hộ đồng bào bão lũ miền Bắc và miền Trung
Các đại biểu đóng góp ủng hộ đồng bào bão lũ miền Bắc và miền Trung

Nhắc về những cựu tù từng vào sinh ra tử vẫn một lòng một dạ theo Đảng, bà Hoàng Thị Khánh bày tỏ mong muốn lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM, các quận, huyện, TP Thủ Đức tiếp tục quan tâm đến đối tượng cựu tù chính trị, trong đó có “những người tù không số”, đúng với chủ trương của TPHCM là không để ai bị bỏ quên, không đối tượng chính sách nào không được chăm sóc, không đối tượng chính sách có công với đất nước nào sống dưới mức sống của người dân trong cùng khu vực.

Cũng tại buổi gặp gỡ, Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TPHCM, các cựu tù, các đại biểu đã đóng góp ủng hộ đồng bào bão lũ miền Bắc và miền Trung. Toàn bộ số tiền hơn 120 triệu đồng sẽ được dùng để sửa chữa nâng cấp 1 trường học dành cho con em người dân tộc thiểu số.

P.Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI