Những người trẻ tình nguyện phục chế ảnh liệt sĩ

26/07/2023 - 06:01

PNO - Cầm bức ảnh phục chế có màu, rõ nét trên tay, những bà mẹ liệt sĩ đã rơi lệ khi nhìn thấy gương mặt con trai mình chân thực, tràn đầy sức sống. Những bức ảnh được các bạn trẻ phục chế miễn phí như những cây cầu nối liền, đưa các anh hùng liệt sĩ trở về với gia đình.

Mẹ khỏe hơn từ ngày có ảnh 2 con trai

Cẩn thận lau lại bức ảnh chân dung 2 con trai, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Xoan - 101 tuổi, ở xã Quảng Đại, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa - đặt chúng ở đầu giường mình. Cụ Xoan có 2 người con trai thì cả hai đều đã hy sinh, gồm liệt sĩ Nguyễn Hữu Đàn - sinh năm 1949, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ - và liệt sĩ Nguyễn Hữu Dậy - sinh năm 1958, hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam.

Nhóm TeamLee chụp ảnh lưu niệm cùng Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Xoan - Ảnh do nhóm TeamLee cung cấp
Nhóm TeamLee chụp ảnh lưu niệm cùng Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Xoan - Ảnh do nhóm TeamLee cung cấp

Anh Phạm Sinh Hùng - 32 tuổi, cháu ngoại cụ Xoan - kể, từ ngày có ảnh 2 con trai để bên cạnh, cụ Xoan dường như khỏe ra, vui hơn: “Ngày nhận được bức ảnh này, chúng tôi ai cũng bật khóc vì quá xúc động. Bà tôi đã lẫn nhưng khi nhìn ảnh, vẫn chỉ tay nói “đây là thằng Đàn, còn đây là thằng Dậy”.

Dù 2 liệt sĩ hy sinh đã lâu nhưng phải cách đây vài năm, gia đình mới có điều kiện cất bốc phần mộ của 2 anh từ tỉnh Quảng Trị và tỉnh Kiên Giang về nghĩa trang gần nhà theo mong ước của cụ Xoan. Phần mộ đã gần nhà, tiện cho việc hương khói, nhưng anh Hùng vẫn cứ trăn trở bởi chỉ có phần mộ liệt sĩ Nguyễn Hữu Dậy có ảnh thờ, còn liệt sĩ Nguyễn Hữu Đàn thì không. “Thực ra, ảnh của bác Dậy cũng mờ lắm, chúng tôi đã từng đưa sang Nga để thuê thợ phục chế ảnh nhưng vẫn không ưng ý” - anh Hùng nói.

Mới đây, khi biết đến TeamLee - một nhóm bạn trẻ chuyên phục chế ảnh liệt sĩ miễn phí ở TP Hà Nội - anh Hùng liền liên hệ, nhờ hỗ trợ. Anh kể: “Bác Dậy không có ảnh nên chúng tôi phải đưa ảnh cha bác Dậy cho nhóm phác họa theo. Sau mỗi lần nhóm vẽ xong, tôi mang đi hỏi người thân, bạn bè của bác xem có giống không. Lúc đầu, ảnh không giống lắm. Sau nhiều lần sửa đi sửa lại, mọi người mới gật đầu bảo giống trên 90%. Được vậy, ai cũng vui lắm rồi”. 

Sau khi tận tay trao ảnh cho gia đình đặt lên bàn thờ và phần mộ 2 liệt sĩ, các thành viên trong nhóm TeamLee vẫn còn trăn trở khi chứng kiến cảnh cụ Xoan đăm chiêu nhìn ảnh 2 con trai mình. Không lâu sau đó, nhóm đã hoàn thành bức ảnh cụ Xoan với khuôn mặt phúc hậu ngồi giữa 2 cậu con trai có nét mặt toát lên sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ. Ảnh rõ từng chi tiết, sống động, được nhóm TeamLee đóng khung cẩn thận, trao tận tay cho gia đình. 

Anh Hùng nhận xét: “Bức ảnh rất đẹp và có hồn. Trước, bà cứ gọi nhầm tôi là “thằng Dậy”, nhưng giờ có ảnh, bà không nhầm nữa. Tôi đặt ảnh ngay bên giường bà nằm để bà nhìn con cho đỡ buồn”.

Để lớp trẻ biết ơn sự hy sinh của lớp trước

Trong 2 năm qua, nhóm TeamLee đã phục chế được hàng trăm bức ảnh liệt sĩ. Anh Lê Quyết Thắng - quê ở tỉnh Nghệ An, Trưởng nhóm TeamLee - cho hay, những ngày này, anh cùng 9 thành viên trong nhóm rất bận rộn với việc phục chế ảnh. Hàng ngàn thân nhân các liệt sĩ từ khắp nơi đã gọi điện, nhắn tin nhờ nhóm hỗ trợ. 

Các thành viên nhóm Skyline luôn hỗ trợ nhau để có những bức ảnh chân dung liệt sĩ đẹp nhất,  chân thực và sống động nhất - Ảnh do nhóm Skyline cung cấp
Các thành viên nhóm Skyline luôn hỗ trợ nhau để có những bức ảnh chân dung liệt sĩ đẹp nhất, chân thực và sống động nhất - Ảnh do nhóm Skyline cung cấp

Là người chuyên thiết kế nội thất, anh Lê Quyết Thắng hay dùng năng khiếu vẽ và khả năng đồ họa của mình để chỉnh sửa ảnh miễn phí cho mọi người qua mạng xã hội, thường là ảnh người thân đã khuất của các gia đình, hoặc ghép ảnh người đã mất vào ảnh tập thể để các gia đình được “đoàn viên”. Anh nhận được nhiều lời khen và ngày càng có nhiều người nhờ anh chỉnh sửa ảnh hoặc phục chế ảnh liệt sĩ. 

Năm nay 38 tuổi, là trụ cột kinh tế trong gia đình nên anh Thắng phải chia thời gian hợp lý để vừa làm công việc chuyên môn kiếm tiền, vừa tiếp tục phục chế ảnh miễn phí. Anh kể: “Những lúc đến nhà trao ảnh liệt sĩ cho người thân, thấy họ ôm di ảnh khóc, chúng tôi cũng không cầm được nước mắt. Đây cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục thực hiện dự án này”. 

Anh Thắng nói, việc làm của anh và nhóm TeamLee là nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng thời còn nhằm lan tỏa những hình ảnh đẹp tới cộng đồng, đặc biệt là những bạn trẻ: “Các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cả tính mạng để đổi lấy hòa bình, độc lập cho dân tộc nên lớp trẻ phải luôn trân trọng, biết ơn họ”.

Sau gần 2 năm gia nhập nhóm TeamLee, anh Nguyễn Hữu Thưởng - 32 tuổi, quê ở TP Hà Nội - kể, nhiều lần chứng kiến những giọt nước mắt của gia đình liệt sĩ khi “gặp lại” người thân, anh mới thực sự hiểu hết ý nghĩa công việc mình đang làm. Anh Thưởng làm trong ngành xây dựng, tình cờ thấy một bức ảnh chân dung liệt sĩ do anh Thắng phục chế, đăng trên Facebook, liền bị thu hút. Anh kể: “Trước đó, mình vẫn quen nghĩ ảnh liệt sĩ là ảnh đen trắng, mờ mờ. Nhưng khi nhìn ảnh màu do anh Thắng phục chế rất có hồn, mình tìm hiểu thêm. Thấy công việc ý nghĩa nên mình xin gia nhập nhóm”.

Năm 2022, nhóm TeamLee đã phục chế thành công chân dung 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh và 13 liệt sĩ hy sinh tại Truông Bồn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Những bức ảnh này được tô màu, đóng khung cẩn thận trước khi trao tặng cho ban quản lý các khu di tích trưng bày.

Ông Phan Trọng Lộc - Giám đốc Ban Quản lý khu di tích lịch sử Truông Bồn - nhận xét, ảnh chân dung 13 liệt sĩ hy sinh tại Truông Bồn được nhóm TeamLee phục chế rất đẹp, có hồn, toát lên được thần thái, sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ. “Những bức ảnh này đang được treo trong phòng truyền thống của khu di tích. Nhiều du khách khi đến đây đều khen và bảo rằng không ngờ có thể được nhìn ngắm chân dung các anh hùng liệt sĩ rõ nét và chân thực như vậy” - ông nói. 

Quyết tâm phục chế 50 ảnh liệt sĩ trong tháng Bảy

Ngoài nhóm TeamLee của anh Lê Quyết Thắng, còn có nhóm Skyline chuyên phục chế miễn phí ảnh liệt sĩ, do anh Phùng Quang Trung - 28 tuổi, quê ở tỉnh Hải Dương - thành lập vào tháng 4/2023. Anh cho biết, để khắc họa chân dung chân thực nhất, các thành viên trong nhóm phải trao đổi với thân nhân liệt sĩ rất nhiều. Có những liệt sĩ không có ảnh hoặc ảnh quá cũ, mất hết chi tiết, các thành viên Skyline phải tìm đến tận nhà gặp người thân để tìm nét tương đồng rồi mới phác thảo chân dung, dùng công nghệ dựng ảnh.

Nhóm phục chế ảnh của anh Trung có 9 thành viên, có người đang là sinh viên, có người làm công ty, lái xe tải… nhưng đều có chung tấm lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ. Do phải đi làm vào ban ngày, nhóm chỉ có thể thực hiện dự án của mình vào ban đêm. Trung bình, việc phục chế mỗi bức ảnh mất khoảng 5-6 giờ, nhưng có bức phải mất vài ngày. Anh Trung cho hay: “Tháng Bảy này, chúng tôi đặt mục tiêu phục chế 50 bức chân dung liệt sĩ để kịp trao tận tay cho người thân trước ngày 27/7. Bởi thế, mấy hôm nay, anh em tranh thủ làm đến tận khuya, có hôm làm xuyên đêm”.

Theo anh, mỗi bức tranh được phục dựng đều ẩn chứa một câu chuyện ở trong đó. Cũng nhờ vậy, những người trẻ như anh mới thấu hiểu hết được những tang thương, mất mát không gì bù đắp nổi mà chiến tranh đã gây ra. “Càng làm, mình càng thấy yêu thích vì công việc này không chỉ mang lại niềm vui cho nhiều người mà còn vô cùng ý nghĩa, bày tỏ lòng tri ân của mình với các liệt sĩ” - anh tâm sự. 

Phan Ngọc

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Y Huynh Niê 02-03-2024 04:14:21

    Qua bài viêt bản thân tôi rất vui mừng có các nhóm đã cố gắng làm những công việc rất có ý nghĩa, Đúng như anh Trung nói, mỗi bức tranh được phục dựng đều ẩn chứa một câu chuyện ở trong đó. Cũng nhờ vậy, những người trẻ như thế hệ 7x; 8x; 9x... mới thấu hiểu hết được những tang thương, mất mát không gì bù đắp nổi mà chiến tranh đã gây ra. Bản thân tôi càng tìm hiểu, thu thập các thông tin về các liệt sĩ mình càng thấy yêu thích vì công việc này không chỉ mang lại niềm vui cho riêng gia đình chúng tôi mà còn vô cùng ý nghĩa, bày tỏ lòng tri ân của mình với các liệt sĩ. Khi có ảnh để thờ thì lớp lớp các thế hệ trẻ tiếp tục thờ các anh hùng liệt sĩ '' các liệt sĩ trở thành bất tử ''

  • Y Huynh Niê 01-03-2024 05:37:57

    Bản tôi làm một giáo viên dạy cấp 2, lập gia đình với cháu nội của liệt sĩ, vợ tôi làm chi hội trưởng hội phụ nữ, không có nghề khác. Tôi rất tư hào về người vợ tôi siêng năng, cần cù, chịu thương, chịu khó. Tôi thấy phải làm nhiều việc để bù đắp phần nào cho sự thiệt thòi của gia đình vợ tôi vì vậy tôi mới nhờ nhóm phục chế ảnh của ông chúng tôi là liệt sĩ Y Sơi Niê, sinh năm 1919, hy sinh 1962.Từ trước đến giờ chưa có ảnh để, đây là rất khó cho nhóm,người duy nhất giống với ông là con gái đầu lòng của Ổng là H Rung Ayun
    Nếu nhóm giúp được gia đình chúng tôi rất cảm ơn. Việc làm này ngoài việc thờ cúng còn giáo dục tinh thân giác ngộ Cách Mạng cho dòng tộc, cho thế hệ trẻ noi theo.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI