Cha không truyền, con tự nối
Trong không gian triển lãm Tranh dân gian kính Việt Nam tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, chàng trai với nước da ngăm tự tin giao lưu, giới thiệu về hàng loạt tác phẩm lớn, nhỏ với rất nhiều kiến thức lẫn sự tự hào. Đó là Trần Xuân Duy năm nay 29 tuổi, đang sống tại Cần Đước, Long An. Cha anh là nghệ nhân tranh kính Trần Văn Nhanh, đang ngồi cách đó chừng chục mét, diễn giải, hướng dẫn cho rất đông người lớn, trẻ nhỏ về cách làm loại tranh này.
|
Nghệ nhân Trần Văn Nhanh có hơn 30 năm làm nghề vẽ tranh kính |
Hơn 30 năm trước, ông Nhanh là thợ làm biển quảng cáo. Nhờ khéo tay, ông tự mày mò, quan sát và làm được tranh kính. Tranh kính chia làm nhiều loại: dùng để trang trí nhà cửa, hàng quán, tranh thờ… Trong đó, tranh thờ thường có kích thước lớn, nhiều chi tiết nên cách vẽ rất kỳ công, mất nhiều thời gian. Đặc biệt với tranh thờ đề tài phong cảnh, đòi hỏi sự tỉ mỉ, để có thể phác họa chân thực, sinh động.
Không chỉ dùng để trang trí, tranh kính còn có những bài học về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín… được gửi gắm qua những câu đối, mẩu chuyện trên tranh. Vì lẽ đó, tranh kính từng rất được ưa chuộng. Điểm khó của dòng tranh này là nghệ nhân phải vẽ ngược, để khi hoàn thành, nhìn vào sẽ thuận chiều. Từ bản phác thảo trên giấy, nghệ nhân vẽ lên kính, sau đó đi các nét đen, rồi vẽ màu cho từng chi tiết. Để tăng độ lấp lánh, nghệ nhân có thể sử dụng thêm vỏ ốc, xà cừ. Nam Bộ là vùng phát triển thịnh hành của dòng tranh này, ở nhiều địa phương như Bình Dương, An Giang…
Thuở tranh kính thịnh hành, người làm tranh rất bận rộn, đặc biệt vào những dịp tết, khi người dân có nhu cầu thay tranh, trang trí nhà cửa. Tranh kính cũng theo ghe tàu ngược xuôi các dòng sông đến nhiều nơi. Ông Nhanh kể, thập niên 1990, số lượng tranh ông làm ra đếm không xuể.
Trần Xuân Duy không thể quên những ngày cha, mẹ phải thức đến tận 3, 4g sáng để hoàn thành tranh kịp giao cho khách hàng. Trong ký ức của Duy, nhà lúc nào cũng chất đầy các loại sơn đủ màu sắc. Từ nhỏ, anh đã phụ giúp cha một số việc lặt vặt như: tô viền trắng, tô những vị trí chỉ cần 1 màu… Khi thành thạo, anh được học kỹ thuật loang màu, vẽ nét cho tranh… “Kỹ thuật loang màu trên tranh kính rất khó nên đến bây giờ tôi vẫn còn phải học để hoàn thiện” - anh nói.
|
Trần Xuân Duy - con trai nghệ nhân Trần Văn Nhanh - hiện vẫn cùng cha giữ nghề làm tranh kính |
Đến năm học lớp Chín, Mười, anh mới vẽ được bông sen, hoàn thiện các họa tiết hoa văn ở góc các bức tranh lớn, hoàn thành hoành phi, câu đối. Nhưng khi Trần Xuân Duy lớn cũng là thời điểm tranh kính không còn thịnh hành như trước. Số người đặt tranh giảm dần, bởi hiện tại nhà cửa phần lớn được xây dựng theo phong cách mới, nhu cầu trang trí hiện đại. Tranh kính không còn thích hợp để đặt trong không gian này.
Dẫu vậy, vẫn còn người dùng tranh này nên gia đình anh vẫn còn bám trụ với nghề. Tuy số khách giảm nhưng số tiền thu về cho mỗi tác phẩm được nhiều hơn trước, do người tiêu dùng hiểu được giá trị của một sản phẩm thủ công độc đáo. Điểm hạn chế của tranh kính là khó vận chuyển đi xa nên có nhiều đơn hàng ở xa, gia đình nghệ nhân Trần Văn Nhanh vẫn không thể nhận.
Trần Xuân Duy đã tốt nghiệp đại học ngành dược, hiện mở tiệm thuốc tại nhà. Song song đó, anh cân đối thời gian để cùng cha làm tranh. “Nghề dược là tôi lựa chọn. Còn nghề làm tranh cha không truyền tôi cũng muốn giữ gìn, vì đó cũng là nét văn hóa đẹp” - anh chia sẻ.
Những người ngoại đạo
Nguyễn Đức Huy (25 tuổi) nói anh từng không biết tranh kính là gì và cũng chẳng nghĩ chúng sẽ trở thành một phần cuộc sống của anh như hiện tại. Năm 2013, sau lần gặp nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng ở triển lãm do ông thực hiện, Nguyễn Đức Huy và một số người trẻ bắt đầu biết đến dòng tranh dân gian này. Anh thấy ấn tượng, bắt đầu tìm hiểu, sưu tập. Thời gian này, thấy nhiều gia đình không còn lưu giữ tranh kính Huy càng mong muốn sưu tầm. Thời gian đầu, anh lượm nhặt, mua với giá vừa phải.
Qua thời gian, bộ sưu tập của anh tăng lên gần 80 tác phẩm với nhiều kích cỡ. Tuy nhiên, sau đó, anh chọn lọc lại vì điều kiện hạn chế về không gian lưu trữ. Qua quá trình kết nối, Nguyễn Đức Huy quen biết Trần Xuân Duy và được dịp tiếp cận với nghệ nhân Trần Văn Nhanh. “Bác không cầm tay chỉ việc. Tôi quan sát và biết được công đoạn, sau đó về nhà tự mày mò làm theo. Từ những nét cọ đầu tiên đến ngày hoàn thiện tác phẩm thứ nhất, tôi mất khoảng 3 tháng” - Nguyễn Đức Huy kể.
Theo anh, tranh kính không quá khó nếu muốn làm một tác phẩm đơn giản. Người vẽ có thể tự do phát triển các ý tưởng chứ không chỉ rập khuôn. Nguyên liệu để làm tranh cũng không quá đắt tiền. Tuy nhiên, kỹ thuật loang màu là thách thức lớn, đòi hỏi sự khéo léo, nhanh nhạy, đều tay… Đây là yếu tố tạo nên chiều sâu cho tranh. Đặc biệt, những sai sót trên tranh rất khó sửa, nên cần cẩn trọng. Quá trình sưu tập, học làm tranh, Huy nói anh có thêm niềm vui trong cuộc sống, rèn thêm sự điềm tĩnh, kiên nhẫn, đặc biệt được kết nối với những người trẻ yêu mến văn hóa truyền thống.
|
Nguyễn Duy Linh đã đến tìm hiểu khoảng 2.000 ngôi nhà cổ ở miền Nam, ghi chép được nhiều tư liệu về tranh kính |
“Tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, văn hóa truyền thống càng bị mai một. Điều đó thôi thúc tôi phải tìm hiểu, học làm nghề này thật nhanh. Ít nhất để sau này vẫn sẽ còn những câu chuyện hay để kể với người đi sau. Văn hóa là cái phải hiểu mới yêu được, nên trước tiên phải có kiến thức, hiểu đúng. Giữ gìn văn hóa sẽ bắt đầu từ những việc rất nhỏ” - Nguyễn Đức Huy nói.
Nguyễn Duy Linh lớn lên ở Vĩnh Long, cũng có sở thích sưu tầm, tìm hiểu về tranh kính. Trong gia đình anh có tác phẩm đã tồn tại hơn 60 năm. Linh kể, nơi anh sống có 2 nghệ nhân làm tranh kính, từng học nghề ở vùng Bà Vệ (An Giang) sau về lại quê nhà làm nghề. Hiện 1 người đã qua đời. Nhờ quá trình lui tới tìm hiểu, ghi chép thông tin, anh cũng dần học được kỹ thuật làm tranh, nay có thể vẽ một tác phẩm hoàn chỉnh.
Nghệ nhân làm tranh kính hiện tại đều từ hơn 40 đến khoảng 70 tuổi. Nếu không có thế hệ kế thừa, khoảng 30 năm nữa, nghề này sẽ đứng trước nhiều nguy cơ lớn hơn nữa. Nghệ nhân muốn sống được với nghề thì phải có thị trường. Vì thế, chúng tôi luôn mong song hành với sự phát triển của thị trường tranh thì tranh kính sẽ có khởi sắc hơn. Bà Nguyễn Thị Thu Hoà - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội |
Anh cũng đã đi tham quan khoảng 2.000 ngôi nhà cổ tại nhiều địa phương ở miền Nam. Từ đó có thêm tư liệu ghi chép về tranh kính. “Nếu để người trẻ chọn nghề làm tranh kính làm kế sinh nhai hiện rất khó. Vì thế, chúng tôi học chỉ với mong muốn được lưu giữ lại văn hóa” - anh chia sẻ.
Những người trẻ này không chỉ sưu tầm, tìm hiểu về tranh kính mà còn tìm hiểu sự đa dạng của văn hóa vốn có sự liên kết chặt chẽ nhiều loại hình với nhau. Nghệ nhân vẽ tranh kính ngày trước làm theo vụ mùa, có khi đi vẽ đồ gốm, phông màn sân khấu… Vì thế, họ chọn tìm hiểu, ghi chép lại những hiểu biết này. “Hành trình này chúng tôi mong sẽ kéo dài và có thể lan tỏa rộng rãi hơn, đặc biệt với những người trẻ” - Nguyễn Đức Huy nói.
Thành Lâm