Trong số những tác phẩm đầu tiên của giải thưởng Văn học Tuổi 20 lần VII (2021) vừa được công bố, tập truyện ngắn Lũ chim thích chọn cành khô được viết từ một cây bút trẻ đang sống ở nước ngoài: Mai Thanh Nga. Cô là kỹ sư viễn thông, hiện sống và làm việc tại Anh, đã từng có những tác phẩm được xuất bản tại Việt Nam: Chộn rộn xứ người, Trái tim trên những cung đường…
Lần trở lại này là câu chuyện về những người trẻ, mang trong lòng cảm giác ly hương và cả những vụn vỡ không thể nói thành lời khiến tâm hồn họ chìm đắm vào những suy tưởng, lẫn lạc lối. Những trang viết của Mai Thanh Nga như một cuộc nhận diện vào bên trong mỗi người, theo cách mà cô bộc bạch: “Tôi luôn tự hỏi mình là ai khi không có những danh xưng mọi người đặt cho mình.
Mỗi con người gồ ghề như một viên đá đa diện, mà cũng cay xè như một củ hành tây, khi bóc tách hết mọi lớp lang ấy thì tôi là ai, và sự tồn tại của mình là gì?”. Một cách viết phân tích tâm lý nhân vật, chậm rãi, nhẹ nhàng nhưng cuốn hút. Từ chàng trai trẻ mang hai dòng máu, lại ước muốn đến một đất nước khác để chạy trốn nguồn cội lênh đênh của mình trong Kẻ mê Nhật Bản, đến Đứa con gái gốc Việt sống giữa đất nước văn minh hiện đại nhưng bị bỏ quên trong sự thiếu quan tâm của chính những người thân thuộc. Những “kẻ đi trốn” hiện thực để được tìm thấy chính mình.
Góc nhìn của một ngòi bút xa xứ chuyển tải nỗi niềm tha hương của người trẻ lẫn người già trong những truyện ngắn khác: Đường tới Cambrige, Rau muống ngoài vườn, Căn bếp Pháp… Cho dù có khoác lên mình chiếc áo của văn minh phương Tây, nói sõi thứ tiếng không phải tiếng mẹ đẻ, cố ép mình vào khuôn khổ lịch lãm của văn hóa Pháp, thì những con người mang tâm hồn Việt vẫn neo giữ trong tâm thức mình về những giá trị truyền thống quê nhà.
“Cô muốn đào một cái lỗ trong vườn, hét vào đó “truyền thống, truyền thống” rồi chôn nó lại, cho nó chết theo các loài giun sán, nhưng cô biết nó sẽ len lỏi chui lại vào những mầm cây, bung tỏa thành nụ, thành hoa, thành quả, ra sông, ra suối, bốc hơi lên trời, thành mây, thành mưa, tưới tắm cho cuộc đời những kẻ lưu lạc” - trích Rau muống ngoài vườn, Mai Thanh Nga.
Ngòi bút xa xứ chuyển tải vào trang viết những con chữ vừa trực diện, vừa nhiều ẩn ngữ. Sau Người lạ (tác phẩm được trao giải nhì của Mai Thảo Yên vào năm 2018), giải thưởng Văn học Tuổi 20 một lần nữa giới thiệu đến bạn đọc trẻ câu chuyện của một cây bút đang sống ở xứ người. Nếu nhân vật trong Người lạ phản chiếu bóng dáng cuộc sống thật của tác giả ở một đất nước xa lạ, thì Lũ chim thích chọn cành khô của Mai Thanh Nga thể hiện thế giới quan của một ngòi bút trẻ nhìn về những thân phận ly hương. Văn học xa xứ đã có những cái tên thành danh: Thuận, Phan Việt, Amanda Huỳnh, Nguyễn Thanh Việt, Nguyễn Phan Quế Mai…
|
Tác phẩm của những người trẻ viết từ xứ người góp phần làm đầy những gam màu trên văn đàn trẻ |
Giải thưởng Văn học Tuổi 20 tiếp tục tìm thấy những ngòi bút mới đầy triển vọng. “Hiện thực được người trẻ tiếp nhận, chuyển tải vào trang viết rất độc đáo, thú vị. Những người trẻ đi, sống và làm việc ở nước ngoài rất nhiều. Văn học trẻ nhờ đó mà xuất hiện lớp những người viết mới từ các nước, phản ánh những góc nhìn đa chiều của thế hệ trẻ” - ông Dương Thành Truyền, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Quyền Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, nhận định.
Không chỉ là những ghi chép trên đường du ký, tác phẩm của những “công dân toàn cầu” đang ngày càng khẳng định bản lĩnh của ngòi bút, của tư duy sáng tạo và cả cách nhìn nhận thế giới, những vấn đề xã hội. Lê Nguyễn Nhật Linh sau thành công với cuốn sách đầu tay Đến Nhật Bản và học về cuộc đời bán rất chạy vào năm 2017, trở lại với cuốn Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi (Nhà xuất bản Trẻ), đề cập đến vấn nạn trầm cảm trong cuộc sống hiện đại.
Kể câu chuyện của chính bản thân mình và kinh nghiệm nhìn thấy từ những người xung quanh, cuốn sách này đã được đón nhận như một tiếng chuông gióng lên cho sự thấu hiểu của mỗi người về bệnh trầm cảm. Những chuyến đi làm hành trang, tri thức được làm đầy lên bằng năm tháng sống ở xứ người, Lê Nguyễn Nhật Linh có cái nhìn thấu đáo về những vấn đề phổ quát của xã hội. Thế giới được nhìn thấy qua lăng kính người trẻ có lúc là những cung đường tràn đầy ánh sáng, nhưng cũng có khi là một thế giới nội tâm cần được giãi bày.
Tác giả sinh năm 1987 Đinh Hằng, sau gần bảy năm kể từ thành công của cuốn Quá trẻ để chết cũng trở lại với cuốn sách mang hơi hướng của truyện ký - du ký Người tình Havana (Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Đến sống và quan sát đất Cuba trong một thời gian dài, Đinh Hằng gửi đến bạn đọc trẻ một câu chuyện tình lãng mạn, mê đắm trong bối cảnh của thủ đô Havana nhiều màu sắc từ kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật đến lối sống. Cách tác giả kể một câu chuyện và thể hiện quan điểm riêng của mình trong cuốn sách, cũng gần như gửi gắm một “tuyên ngôn” về tự do, về những lựa chọn mà mỗi người đều có thể tự quyết định, nắm bắt vận mệnh của mình.
Những người trẻ đi, sống và viết, họ không ngại kể câu chuyện, trải nghiệm của chính mình để từ đó chuyển tải đến bạn đọc trẻ tinh thần, thái độ sống mạnh mẽ hoặc những lựa chọn, góc nhìn khác biệt. Và chính “lớp trẻ” dấn thân theo một cách rất khác thế hệ các nhà văn đi trước này, đã mang đến cho văn đàn những cuốn sách thật đa dạng, từ đề tài đến văn phong, tư duy đến những chiều kích lý giải, nhận diện cuộc sống. Nếu nói văn chương phản ánh thời đại, thì cùng với những người viết trẻ trong nước, lực lượng sáng tác từ những “ngòi bút thiên di” đã cùng góp phần lấp đầy những gam màu có phần mới lạ trên bức tranh chung về văn học trẻ.
Cầm Thi