Những người thúc đẩy quyền của phụ nữ

26/12/2017 - 15:39

PNO - Ngày 20/12,Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN TP.HCM đã tổ chức buổi đón tiếp đoàn nữ đại biểu Mỹ hoạt động trong các tổ chức xã hội để trao đổi kinh nghiệm hoạt động xã hội và hoạt động bảo vệ quyền lợi của lao động nữ.

Nhung nguoi thuc day quyen cua phu nu
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP.HCM - giới thiệu về hoạt động Hội qua các thời kỳ


“PHỤ NỮ VIỆT NAM LUÔN MẠNH MẼ, TỰ TIN”

Với vai trò là trưởng đoàn, bà Alicia Nicole Schwartz - Giám đốc các dự án đặc biệt, người phát ngôn Liên minh quốc gia Người giúp việc gia đình - mong muốn dành thời gian tưởng niệm dì Đặng Hồng Nhựt - nhà hoạt động cách mạng, nữ cựu tù chính trị - đã qua đời vào ngày 13/12 vừa qua. Nhân chuyến viếng thăm, đoàn mong muốn được hiểu rõ hơn về bức tranh hoạt động xã hội và phong trào phụ nữ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Có mặt trong buổi đón tiếp đoàn, các nữ cựu tù chính trị thời kháng chiến chống Mỹ gồm dì Nguyễn Thị Kim Yến, dì Nguyễn Thị Bé Bảy và dì Phạm Lệ Tâm đã kể cho đoàn nghe hoạt động tải đạn, tải thương, vận động binh lính của chính quyền Sài Gòn trở về với nhân dân; những gian khổ, đau đớn khi bị bắt bớ, tù đày. Dì Bảy đúc kết: “Chúng tôi sinh ra ở một đất nước có mấy ngàn năm đấu tranh không ngừng. Thời nào cũng có những người phụ nữ mạnh mẽ đứng lên dẫn dắt, lãnh đạo đấu tranh. Truyền thống đó đã nung nấu trong tim chúng tôi. Hơn nữa, chúng tôi được thế giới ủng hộ, trong đó có người Mỹ”.

Nhung nguoi thuc day quyen cua phu nu
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại phòng truyền thống của Hội LHPN TP.HCM

Nghe những câu chuyện của ngày hôm qua được kể từ chính cuộc đời hoạt động của các nữ cựu tù chính trị, bà Estela Vazquez - Phó chủ tịch điều hành Liên hiệp Nhân viên y tế miền Đông nước Mỹ (1199 Seiu) - vô cùng xúc động: “Các chị là tấm gương trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước ở Việt Nam. Tôi sinh năm 1948, nghe các chị chia sẻ về cuộc đời mình, tôi thấy được cổ vũ rất nhiều. Tôi sẽ chia sẻ câu chuyện của các chị khi trở về Mỹ và có thêm động lực để tiếp tục đấu tranh giành quyền con người”. Với âm giọng lơ lớ, bà hô to lời cảm ơn bằng tiếng Việt: “Cảm ơn các đồng chí anh hùng”.

Chia sẻ trong nước mắt, cô Cathy Lam Dang - Giám đốc điều hành Ủy ban Phòng chống bạo lực đối với người châu Á - cho biết: “Bản thân tôi là một Việt kiều thế hệ thứ hai. Câu chuyện của các chị, các cô đã giúp tôi cảm thấy gắn kết nhiều hơn với đất nước, cũng như giúp các thế hệ Việt kiều hiểu và yêu hơn đất nước mình. Tôi tin rằng phụ nữ Việt Nam luôn mạnh mẽ, tự tin, thể hiện bản lĩnh của mình dù trong thời đại nào”.

TỪNG BƯỚC KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ 

Tại buổi gặp gỡ, bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP.HCM - đã báo cáo tóm tắt về hoạt động của Hội LHPN TP.HCM hiện nay, trong đó tập trung vào công tác giảm nghèo và thúc đẩy tỷ lệ nữ tham gia vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp. Hiện ở TP.HCM, phụ nữ chiếm 30%-40% đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ đại biểu nữ trong các cơ quan dân cử; cụ thể, nữ chiếm 30% đại biểu Quốc hội tại TP.HCM (9/30 đại biểu), gần 44% đại biểu HĐND cấp thành phố (46/106 đại biểu), gần 40% đại biểu HĐND cấp phường xã. 

Để đạt được những kết quả như vậy, theo bà Hoa, Hội đã có sự chuẩn bị kỹ về nguồn nhân lực, tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo để luôn có lực lượng cán bộ nữ hội đủ đức, tài giới thiệu ra ứng cử. Hội cũng tạo điều kiện cho các nữ ứng cử viên thể hiện được uy tín, đại diện cử tri qua những hành động cụ thể. 

Trao đổi về kinh nghiệm tham gia ứng cử, bà Trần Thị Phương Hoa - đại biểu HĐND TP.HCM - cho rằng, bản thân ứng cử viên phải tạo sự ảnh hưởng lớn cho giới của mình bằng việc quan tâm đến các chính sách, luật pháp bảo vệ con người, môi trường cũng như sự phát triển bền vững của xã hội; phải thể hiện năng lực, uy tín với cử tri.

Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Linh - đại biểu HĐND Q.Bình Thạnh - chia sẻ cách cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc xã hội trong vai trò là nữ đại biểu HĐND quận: “Bản thân tôi có hai con nhỏ, nên phải tranh thủ sự hỗ trợ từ phía gia đình, sự ủng hộ và chia sẻ từ người chồng. Tôi luôn bàn bạc với gia đình để có sự sắp xếp, phân công công việc phù hợp, từ đó có thời gian để thực hiện tốt hơn trách nhiệm xã hội của mình”. 

Đoàn đại biểu hoạt động trong các tổ chức xã hội của Mỹ cũng chia sẻ một số thành tựu về hoạt động hỗ trợ người giúp việc gia đình cũng như đấu tranh để người thu nhập thấp có được nơi ở ổn định trong tình hình nước Mỹ không có một luật pháp thống nhất về nhà ở cho tất cả các bang. Người da trắng giàu hơn có hiện tượng lấn chiếm dần vào khu vực người thu nhập thấp đang ở, và trong luật pháp ở cấp độ bang, phần lớn người giúp việc gia đình không được bảo vệ.

“Tuy nhiên, đã bắt đầu có sự nhân nhượng giữa luật pháp và công đoàn khi chúng tôi nỗ lực đấu tranh. Hiện nay, người ta bắt đầu công nhận những quyền của người giúp việc như chế độ nghỉ hưu, thu nhập ngoài giờ. Nỗ lực của chúng tôi chưa mang lại hiệu quả về mặt chính trị ở cấp độ liên bang, nhưng hiện nay cũng đã có 8/50 bang ở Mỹ có đạo luật để đảm bảo quyền của người giúp việc gia đình” - bà Alicia Nicole Schwartz cho biết. 

 Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI