“Bỏ” con mình để chăm con người
Thuộc đất Mường Khương - một trong hai huyện cực Bắc của tỉnh Lào Cai, xã vùng biên Tả Ngài Chồ nghe tên thôi đã thấy xa lơ xa lắc. Trường mầm non Tả Ngài Chồ tựa lưng vào núi, nằm ngay Quốc lộ 4D nhưng mỗi tuần cô giáo Nguyễn Thị Duyên mới đến “trụ sở cơ quan” đôi lần. Bởi đơn giản, cô là giáo viên cắm bản. Địa bàn rộng, việc sáp nhập các điểm trường là bất khả thi, nên nhiều năm nay cô Duyên vẫn một mình một điểm trường Xà Khái Tủng.
Cô Duyên dắt mấy đứa trẻ lơ ngơ như khoai sắn ra rửa mặt mũi, chân tay trước khi ông bà, bố mẹ các cháu đến đón. Lúc đôi tay bé xíu của Giàng A Lao vòng qua cổ cô Duyên, cô đưa tay áo gạt nước mắt: “Con tôi cũng đang ốm mà tôi không về được, từ đây về nhà là 70km”.
|
Những hình ảnh giản dị mà ấm áp của thầy Nguyễn Đức Thành được phụ huynh ghi lại |
Mười lăm năm trước, cô Duyên cùng hai người bạn xung phong lên H. Mường Khương địa đầu này. Cô vẫn nhớ ngày lên đây, đường nhỏ, xấu, xe khách chưa chạy dọc huyện được như bây giờ, “ba chị em đi bộ mấy chục cây số đường rừng, hai ngày mới lên đến nơi”. Rồi cô Duyên xây dựng gia đình, chồng và hai đứa con sống ở TP. Lào Cai. Thứ Hai đến thứ Sáu, cô giáo Duyên đón, dạy dỗ, chăm sóc những cháu bé tuổi mầm non của bản Xà Khái Tủng. Chỉ có thứ Bảy và Chủ nhật là thời gian cô dành cho gia đình.
Trong nước mắt, nụ cười của cô Duyên vừa hạnh phúc, vừa có chút xót xa: “Tôi thực sự may mắn khi được nhận sự san sẻ, gánh vác từ chồng. Anh đã thay tôi làm bổn phận, thiên chức của người phụ nữ. Nếu không có sự chia sẻ ấy, có lẽ tôi đã phải bỏ nghề từ lâu”.
Ở H.Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, thầy giáo Nguyễn Đức Thành cũng “bỏ” con ở nhà để chăm con người như nhiều đồng nghiệp ở khắp các trường bán trú vùng cao. Từng có mấy năm trong quân ngũ trước khi theo nghề giáo, nên hầu hết học sinh từ tiểu học đến trung học cơ sở ở xã Nậm Búng đều được thầy Thành rèn giờ giấc, giăng mùng, gấp mền theo đúng phong cách nhà binh. Trẻ vùng cao lớn lên như cây cỏ, việc đầu tiên thầy Thành phải dạy bọn trẻ lớp Một - không phải chữ cái, con số, mà là dạy tiếng phổ thông và hướng dẫn cách đánh răng, rửa mặt, vệ sinh thân thể. Trẻ học bán trú, người đứng đầu cơ sở giáo dục như thầy Thành cũng phải bán trú theo, “để giám sát, đảm bảo các cháu tuổi mới lớn không yêu đương quá sớm”.
Chúng tôi nhớ mãi giọng thuyết minh ồi ồi của ông Vàng A Lử (ông nội Vàng A Chư) về cái gầm cầu thang của Trường Nậm Búng: “Chỗ của thầy hiệu trưởng ở tầng trên kia kìa, nhưng nó cứ ngủ chỗ gầm cầu thang này. Lúc đầu, ông đến thăm thằng Chư, thấy nó ngủ ở đấy, ông hỏi: “Thằng thầy Thành, sao mày lại ngủ ở đây?”. Nó bảo: “Tôi ngủ ở đây để trông cháu cho ông đấy”. Thầy Thành vốn là hiệu trưởng của một trường vùng thấp gần nhà, nhưng thầy lại xin chuyển đến Trường Nậm Búng cách nhà đến 60km, chỉ với một lý do: Nậm Búng khi đó là điểm “tối” nhất về giáo dục của H. Văn Chấn.
Chọn nơi gian khó
Cũng xung phong đến nơi khó khăn như thầy Thành, thầy giáo quê Thái Bình Nguyễn Quang Diện bao năm nay gắn bó với địa hình khó khăn bậc nhất của H. Văn Chấn là xã An Lương. Thầy Diện sống ở thị xã Nghĩa Lộ, lên An Lương mất ba chục cây số đường rừng - một bên là núi, một bên là vực sâu, nắng ráo đi mất 3-4 tiếng đồng hồ từ huyện lỵ Văn Chấn, ngày mưa gió đường lầy như ruộng, bùn ngập lưng vòng bánh xe, phải đi từ sáng đến chiều mới tới.
|
Hầu hết các trường bán trú vùng cao đều có những vườn rau do chính các em học sinh trồng, chăm sóc |
Trường bán trú An Lương của thầy Diện có vườn rau rộng đến 3.000m2. “Chủ nhân” của vườn rau mênh mông ấy chính là bọn trẻ. Ngoài giờ học, thầy Diện cùng các giáo viên trong trường hướng dẫn học sinh trồng, chăm sóc từng loại rau, mùa nào thức nấy. Rau đó, các lớp bán lại cho nhà bếp của trường. Học sinh của các thầy được ăn rau sạch, được học cách trồng trọt bài bản, được hiểu giá trị của sức lao động và đặc biệt lại có một khoản quỹ lớp từ công sức lao động của mình. Mỗi mùa hè cũng là mỗi mùa bão lũ, sạt lở. Có những năm, trước khi học sinh trở lại trường, thầy Diện cùng các thầy cô giáo trong trường thậm chí phải cõng gạo, thực phẩm vào trường theo đúng nghĩa đen.
Cùng công tác ở xã Tả Ngài Chồ (H. Mường Khương, tỉnh Lào Cai), cô giáo Hà Thị Hoa ba mươi tuổi, gương mặt tròn, trẻ măng như sơn nữ mới lớn. Ngày mới ra trường, bố mẹ, anh chị cô đã chạy vạy khắp nơi để xin việc cho cô. Chờ việc, cô Hoa ra ruộng thu hoạch lạc với mẹ. Cầm khóm lạc trên tay mà nghĩ đến “tiền đồ”, cô thảng thốt: “Mỗi vụ lạc thu được hai triệu đồng, để xin được việc cho con, mẹ phải mất đến bốn mươi mùa lạc ư? Nghề giáo, lẽ nào chỉ dừng ở giá trị tầm thường đó?”. Thế là cô gái trẻ quày quả khăn gói rời quê Vĩnh Phúc bắt xe khách lên Lào Cai khi biết tin tỉnh này đang tuyển giáo viên.
Ngày về Tả Ngài Chồ nhận công tác, nhìn tứ bề là núi, lại cảnh mùa khô, cả ngày chỉ có đúng một gáo nước cho mọi sinh hoạt, cô giáo trẻ đã nước mắt ngắn dài. Đã mấy lần dợm đặt chân lên xe khách bỏ về xuôi, mà lần nào cô cũng bị mềm lòng trước tiếng gọi ríu rít, những cái níu áo và ánh mắt khẩn khoản của đám học trò.
Học để làm người
Hôm chúng tôi đến Trường trung học cơ sở Tả Ngài Chồ, mười mấy học sinh đang đi về phía cổng trường bỗng đứng lại, khoanh tay nghiêm ngắn: “Chúng em chào cô ạ”. Chỉ một khoảnh khắc đó thôi đã đủ để hiểu quả ngọt mà cô Duyên, cô Hoa đã gieo trên đất này giá trị đến thế nào. Hôm trường kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, mấy cậu choai choai ương bướng nhất trường bỗng chạy vù lên núi, nửa tiếng sau hổn hển thập thò tìm cô giáo Hoa: “Cô ơi, chúng em tặng cô ạ”. Cô Hoa tròn mắt: “Sao lại tặng cô?”. Những mái đầu khét lẹt mùi nắng gió ra vẻ chững chạc lắm: “Nhân ngày 26/3 cô ạ”. Bó hoa rừng giản dị ấy khiến cô giáo trẻ lặng người, đó là món quà cô thấy giá trị hơn bất kỳ món quà bám màu “thị trường” nào.
Ở đây, bà con nghèo, nhưng tình cảm của cô - trò, rồi của phụ huynh với thầy cô giáo của con mình vẫn thuần khiết, thiêng liêng. Có lần, cô giáo Hoa lặng lẽ quan sát thấy một học trò cứ mân mê cây kẹo mút suốt mấy ngày trời. “Tôi thấy rõ sự hồi hộp, run rẩy trong ánh mắt, đôi tay của em và lấy làm lạ lắm. Chẳng ngờ ngày 20/11, cô bé đã dành cây kẹo mút - món đồ giá trị nhất của mình để tặng tôi” - cô Hoa kể mà đôi mắt loang loáng nước vì xúc động. Hay cô giáo Duyên, thỉnh thoảng phụ huynh lại mang theo rổ ngô, chục quả trứng gà đến tặng, “cho cô giáo đấy, cảm ơn cô giáo đã trông con suốt cả ngày cho vợ chồng tao đi nương”.
Cô Hoa, cô Duyên cùng bảo, những cô giáo vùng cao như các cô nỗ lực từng ngày, không phải để mong các em thành ông nọ bà kia như bọn trẻ miền xuôi. Các cô chỉ mong thay đổi nhận thức cho bọn trẻ, từ cách cư xử, sinh hoạt, đến việc cho các em thấy được niềm vui khi đến trường. “Chúng tôi như người đi xây móng, mong các em sau này có thể định hướng, dạy dỗ căn bản được cho con cái mình như cách chúng tôi đã định hướng, dạy dỗ các em”.
Thầy Thành và thầy Diện thì đang khấp khởi, vì sau những năm phụ huynh thờ ơ với việc học của con, nay đã có không ít ông bố bà mẹ chân trần xuống núi nhờ các thầy hướng dẫn làm hồ sơ, với hy vọng con cái mình sẽ có cơ hội được về trường nội trú - nơi ươm mầm tri thức của huyện nhà.
Uông Ngọc