Những người thầy dạy mầm non bám bản

15/11/2022 - 05:58

PNO - Làm thầy giáo mầm non bám bản, những khó khăn càng nhân lên. Nơi những bản làng xa xôi, từng ngày, các thầy đang cần mẫn uốn nắn các cháu từ những bước đi đầu đời.

Làm cha của gần 30 đứa trẻ

Điểm Trường mầm non Chuyên Gia 3 (thuộc Trường mầm non Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) cách trung tâm gần 20km. Như rất nhiều điểm trường lẻ vùng cao, điểm trường Chuyên Gia 3 cũng có lớp ghép. Một tay thầy Bàn Văn Đức vừa dạy dỗ vừa chăm sóc gần 30 đứa trẻ của lớp ghép 4-5 tuổi này.

Cô Phạm Thị Hương - Hiệu trưởng Trường mầm non Nậm Kè - cảm kích: “Cả trường, cả xã đều thấy may mắn khi có thầy Đức xung phong vào điểm trường Chuyên Gia 3. Bởi trong 12 điểm trường lẻ ở các bản, Chuyên Gia 3 là điểm xa xôi nhất, khó khăn nhất”. Khi sương sớm còn dày, đàn gà vẫn lục cục trong chuồng, thầy Đức đã thức dậy, đi chợ mua thực phẩm rồi vượt đường mòn vắt qua những đèo dốc quanh co lên điểm trường Chuyên Gia 3. Ngày nào thầy cũng tới trường trước khi mặt trời rót những tia nắng đầu tiên xuống bản. Thầy Đức xếp thực phẩm vào gian bếp đơn sơ xong cũng là lúc những cháu bé đầu tiên đến lớp.

11 năm qua, một tay thầy Bàn Văn Đức chăm lo từng bữa cơm, rèn nếp sinh hoạt cho nhiều trẻ em bản Chuyên Gia 3 - ẢNH: V.Đ.
11 năm qua, một tay thầy Bàn Văn Đức chăm lo từng bữa cơm, rèn nếp sinh hoạt cho nhiều trẻ em bản Chuyên Gia 3 - Ảnh: V.Đ.

Đầu giờ sáng, gần 30 đứa trẻ xếp hàng líu ríu theo thầy ra sân tập thể dục. Những bước chân hòa cùng ban mai, khẽ khàng xua tan hơi sương khắp khoảng sân tươi màu hoa nắng. Bọn trẻ học đến khoảng 9g rồi tự chơi để thầy Đức xuống bếp nấu cơm. Một tay thầy nấu cơm, canh, rau, thịt rồi sắp bữa cho mấy chục đứa trẻ. Giờ ăn, thầy luôn tay luôn chân, hết bón cơm cho đứa nhỏ lại lấy canh, san thức ăn cho đứa lớn. Ăn xong, bọn trẻ chơi trong lúc thầy dọn dẹp bát đũa, bàn ghế. Đến giờ ngủ, thầy phải nằm cùng thì bọn trẻ mới ngủ yên. Khi cả phòng chỉ còn những hơi thở đều đều, thầy mới xuống bếp lùa vội bát cơm rồi chuẩn bị cho giờ học buổi chiều…

Thầy Đức đã có 11 năm gắn bó với bản Chuyên Gia 3 và thời gian biểu ấy. Ngày thầy Đức rời quê Sơn La lên Mường Nhé xin việc, vị hiệu trưởng trường Nậm Kè bấy giờ tủm tỉm: “Đàn ông lại dạy mầm non”. Anh thanh niên người Dao Bàn Văn Đức chỉ gãi đầu gãi tai cười hiền. Chọn nơi khó, lại xung phong đến điểm trường xa nhất, thế mà lúc đứng trước khu gọi là lớp học, nhìn nhà ghép gỗ, mái lợp lá, thầy Đức vẫn không khỏi xót xa. 7 năm, 7 mùa đông thầy quây bạt ngăn những cơn gió rít để các cháu đỡ lạnh. Từ năm 2018 đến nay, thầy và trò mới có được phòng học kiên cố. 

Cả ngày bên đàn con, tối dành thời gian ít ỏi cho gia đình nhỏ, bao năm, thầy Đức vẫn tận tụy với đàn con thơ lứa này qua lứa khác. Những học sinh đầu tiên của thầy giờ đã rời bản xuống trung tâm xã học lớp Chín. Các em đã nhờ biết bao câu chuyện được thầy kể trong lúc rửa mặt, tết tóc mà biết ước mơ đặt bước chân non đến những nơi xa hơn bản Chuyên Gia.

Bán hàng, học làm MC để nuôi nghề dạy trẻ

Nhìn chàng trai Tày Ma Đình Hiểu (xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) năng nổ, hoạt bát trong lớp học dẫn chương trình; hay nhìn cách anh tư vấn chăm sóc da, sử dụng mỹ phẩm cho khách - không ai nghĩ rằng nghề chính của anh là giáo viên mầm non. Sinh năm 1989, sau khi tốt nghiệp THPT, vì bố ốm nặng mà Hiểu phải gác giấc mơ làm thầy. Anh tham gia công tác đoàn tại địa phương, xây dựng gia đình và lo làm kinh tế. Mấy năm sau, đời sống ổn định, lại đúng lúc Trường cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên tuyển sinh ngành sư phạm mầm non, anh liền nộp hồ sơ để thực hiện ước mơ dang dở.

Làm quản lý đã gần 2 năm, song thầy Hiểu vẫn trực tiếp đứng lớp dạy các cháu múa hát - ẢNH: Đ.H.
Làm quản lý đã gần 2 năm, song thầy Hiểu vẫn trực tiếp đứng lớp dạy các cháu múa hát - Ảnh: Đ.H.

26 tuổi, lần đầu tiên được phân công đứng lớp - dạy dỗ những đứa trẻ trạc tuổi con mình, thầy Hiểu vẫn chưa đủ tự tin. Lý do: Phụ huynh cũng chính là xóm giềng cùng thôn, cùng xã. Có khi, là những người bạn học năm xưa - nay gửi con cho “bạn Hiểu” cũng ái ngại “đàn ông sao dạy múa hát cho trẻ mầm non được”. “Tôi chỉ biết tự nhủ “mình chăm con thế nào thì chăm bọn trẻ như vậy” - thầy Hiểu kể. Chẳng ngờ chỉ sau một năm, thầy Hiểu làm “thầy nuôi dạy trẻ” còn có phần khéo hơn cả các cô.

Sau 2 năm dạy trẻ trong xã hát hay, múa dẻo; thầy Hiểu chuyển đến Trường mầm non Sảng Mộc, cách huyện lỵ Võ Nhai gần 50km núi đồi, cũng là xã xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên. Cô Ma Thị Nở - Hiệu trưởng Trường mầm non Sảng Mộc - kể: “Khi nghe tin trường có thầy giáo về, chúng tôi rất bất ngờ, vì cả huyện Võ Nhai chưa bao giờ có thầy giáo dạy mầm non. Nhưng chỉ một tháng nhận công tác, các cháu đã rất quấn thầy, vì cháu nào cũng khen thầy hiền, dạy hát hay, buộc tóc đẹp”. Bền bỉ gần 5 năm, mỗi ngày thầy đi 20km đến trường trung tâm, hoặc 30km đến điểm trường lẻ để uốn nắn con em dân tộc Tày, Nùng… từng nết ăn, từng câu thưa gửi.

Gần hai năm nay, thầy Hiểu được phân công làm Phó hiệu trưởng Trường mầm non Nghinh Tường, nhưng thầy vẫn thường xuyên đứng lớp. Thầy mở video, hình ảnh Bác Hồ tập thể dục cho các cháu lớp 4 tuổi xem rồi hỏi: “Các con có nhận ra ai không”. Bọn trẻ đồng thanh: “Bác Hồ, Bác Hồ”. Thầy nói tiếp: “Sinh thời, Bác Hồ rất chăm chỉ tập thể dục. Bây giờ, chúng mình học tập Bác, chúng mình sẽ làm gì nào?”. Bọn trẻ lũn cũn đứng dậy, đứa vặn người, đứa vươn vai: “Thường xuyên tập thể dục để khỏe mạnh”. Và tiết học phát triển thể chất của thầy trò bắt đầu.

Hỏi thu nhập từ nghề giáo, thầy cười: “Tất cả khoảng 8 triệu đồng”. Nuôi con ăn học giữa đời sống bộn bề, thầy Hiểu tranh thủ cuối tuần phụ vợ bán mỹ phẩm; đi học làm MC để tăng hiệu quả tương tác với học sinh, và để dẫn chương trình - kiếm thêm thu nhập. Thầy tâm sự: “Vợ chồng tôi bảo nhau chi tiêu tiết kiệm, đủ nuôi các con ăn học và cố gắng có một chút tích cóp, vậy là tốt lắm rồi”. 

Ngọc Minh Tâm
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI