Những người sửa lỗi của tạo hoá

25/02/2024 - 06:08

PNO - Sinh ra với hình hài khỏe mạnh, lành lặn là điều vô cùng may mắn. Thế nhưng, không phải ai cũng được hưởng điều may mắn đó. Đối với những em bé bị dị tật, để được sống tiếp và hòa nhập, các em đã phải trải qua nhiều ca phẫu thuật.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ, bác sĩ Cao Đằng Khang (Trưởng khoa Phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện Đại học y dược TPHCM) và bác sĩ chuyên khoa 1 Ngô Hồng Phúc (quyền điều hành Khoa Bỏng - Chỉnh trực Bệnh viện Nhi Đồng 2). Chúng tôi mong rằng qua bài viết này, mọi người thấu hiểu hơn những đóng góp, trăn trở của những thiên thần áo trắng trên hành trình miệt mài sửa lỗi của tạo hóa để các bệnh nhi có thể sinh hoạt, đi đứng, cầm nắm và sống cuộc đời bình thường như bao trẻ em khác. 

Cố gắng trả lại nụ cười cho các bé

Phóng viên: Xin các bác sĩ chia sẻ về cơ duyên đã đưa mình gắn bó với lĩnh vực phẫu thuật chỉnh sửa dị tật cho trẻ em...

Bác sĩ Cao Đằng Khang: Tôi gắn bó với lĩnh vực phẫu thuật tim mạch tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM từ những ngày đầu tiên, cách nay 18 năm. Khi đó, bệnh viện chưa có khoa phẫu thuật tim trẻ em như bây giờ mà tiến hành phẫu thuật chung cho cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, trong quá trình đó, tôi nhận thấy số trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh có nhu cầu được mổ rất nhiều. Năm 2006, dù được cử đi Pháp để học về phẫu thuật tim cho người lớn nhưng khi về nước, tôi vẫn đau đáu về việc những đứa trẻ bị tim bẩm sinh chưa được điều trị tốt. Trăn trở mãi, cuối cùng tôi quyết định quay lại Pháp lần nữa vào năm 2009 để học về phẫu thuật tim trẻ em. Trước nhu cầu được điều trị của các bệnh nhi tim bẩm sinh, bệnh viện cũng từng bước lên kế hoạch để chuẩn bị về nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở hạ tầng. Đến năm 2020, mọi thứ chín muồi, Khoa Phẫu thuật tim trẻ em của Bệnh viện Đại học y dược TPHCM chính thức ra đời. 

Bác sĩ Cao Đằng Khang - Trưởng khoa Phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện Đại học y dược TPHCM
Bác sĩ Cao Đằng Khang - Trưởng khoa Phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện Đại học y dược TPHCM

Bác sĩ Ngô Hồng Phúc: Gia đình tôi có truyền thống làm nghề y. Vì thế, từ khi còn là học sinh, tâm niệm được trở thành bác sĩ cứu người đã canh cánh trong lòng tôi. Tôi chọn trở thành bác sĩ ngoại nhi vì tôi rất thích trẻ con, tôi luôn mong muốn mình có thể làm gì đó giúp cho các bệnh nhi. Vào Bệnh viện Nhi Đồng 2, tôi được làm ở nhiều khoa liên quan tới phẫu thuật nhi. Vậy nhưng khi chuyển đến Khoa Bỏng - Chỉnh trực, chứng kiến nhiều bé phải chịu các dị tật, thương tật, di chứng vô cùng đau đớn, thậm chí có bé mất đi cơ hội hòa nhập cuộc sống, tôi nhận thức được một điều: muốn gắn bó ở đây để sửa chữa những thương tổn ấy, cố gắng trả lại nụ cười cho các bé.

Rơi nước mắt khi thấy bệnh nhi lành lặn trở lại

* Điều gì đã giữ chân cũng như tiếp thêm động lực để các bác sĩ tin rằng mình đã chọn đúng?

Bác sĩ Cao Đằng Khang: Đã gần 16 năm trôi qua nhưng tôi có cảm giác mọi thứ như mới xảy ra. Tôi chẳng thể quên được trường hợp của bé gái P.T.C.V. (6 tuổi, ngụ Gia Lai). V. bị dị tật thân trung động mạch, áp lực động mạch phổi cao. Khi bé đến với chúng tôi thì phổi tổn thương nhiều rồi. Nền y học của ta lúc đó còn nhiều hạn chế. Chỉ có ra nước ngoài phẫu thuật may ra bé mới còn đường sống nhưng điều đó là không thể bởi gia đình V. rất nghèo. Hôm gặp tôi, mẹ bé cứ khóc mãi. Chị ấy hỏi bác sĩ có cách nào cầm cự, kéo dài sự sống cho con gái, chờ xong vụ mùa cà phê, chị sẽ gom tiền cho con phẫu thuật. Dị tật thân trung động mạch vô cùng phức tạp, tính mạng bệnh nhi như ngọn đèn treo trước gió, tôi làm cách nào để kéo dài được sự sống cho bé gái ấy? Tôi biết chắc rằng kể cả xong vụ mùa cà phê, có gom hết tiền, thậm chí bán nhà cũng chẳng đủ chi phí điều trị cho bé. Sợ bé không chờ nổi, tôi chạy ngược xuôi vận động các mạnh thường quân, đề xuất với phòng công tác xã hội của bệnh viện, tìm kiếm bệnh viện ở nước ngoài hỗ trợ. Cuối cùng, V. cũng được đưa sang nước ngoài phẫu thuật. Tưởng vậy là cứu được bé nhưng bệnh tình V. quá nặng nên phía bệnh viện bạn không mổ được. V. mất sau đó không lâu. Chúng tôi đã cố gắng tìm mọi cách mà đành bất lực nhìn bé ra đi. Kể từ đó, tôi tự nhủ, phải bằng cách nào đó góp sức cho ngành phẫu thuật tim trẻ em của nước nhà. Tôi mong ước những ca phẫu thuật tim trẻ em phức tạp không cần phải sang nước ngoài điều trị, có vậy thì cơ hội tiếp cận mới rộng mở cho tất cả bệnh nhi.

Bác sĩ Ngô Hồng Phúc: Tôi nhớ mãi trường hợp bé trai 8 tháng tuổi ở Đắk Lắk bị dị tật chân khoèo. Bé là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Trong quá trình mang thai, mẹ bé không có điều kiện đi khám thai sản. Khi sinh ra, chân bé bị khoèo nhưng gia đình nghĩ không nghiêm trọng. Đến lúc bé chập chững tập đi thì vô cùng khó khăn. Bé không đi lại bình thường được. Phần trước bàn chân bị nghiêng, xoay trong và bị kéo xuống dưới. Không chỉ thế, phần gót chân bé bị kéo vào trong, một số cơ và dây chằng ngắn lại, co rút. Tôi đã tư vấn cho người mẹ rằng bé cần được bó bột và tái khám, điều chỉnh mỗi tuần. Mẹ bé tâm sự gia đình không có tiền và điều kiện di chuyển từ nhà đến TPHCM liên tục mỗi tuần như thế. Tôi quyết định hỗ trợ điều trị cho bệnh nhi này. Tôi bảo mẹ bé rằng chỉ cần gia đình lo được tiền xe tới bệnh viện, tất cả chi phí điều trị và tiền vé xe chiều về, tôi và phòng công tác xã hội của bệnh viện sẽ lo. Tôi không nỡ để đứa trẻ đánh mất cơ hội vàng điều trị bệnh. Đối với dị tật chân khoèo, nếu can thiệp khi trẻ dưới 6 tháng tuổi, cơ hội hồi phục lên tới trên 95%. Thậm chí để đạt hiệu quả cao, trẻ bị dị tật chân khoèo còn được chỉ định xử trí ngay từ lúc mới sinh ra. Trải qua không ít khó khăn, cuối cùng, em bé đã được chỉnh sửa dị tật thành công sau 3 năm kiên trì điều trị. Nhìn bé phục hồi chức năng đi đứng, hòa nhập cuộc sống, tôi như được tiếp thêm động lực để bước tiếp con đường mình đã chọn.

Bác sĩ Ngô Hồng Phúc - Quyền điều hành Khoa Bỏng - Chỉnh trực Bệnh viện Nhi Đồng 2
Bác sĩ Ngô Hồng Phúc - Quyền điều hành Khoa Bỏng - Chỉnh trực Bệnh viện Nhi Đồng 2

* Thưa bác sĩ Ngô Hồng Phúc, được biết bên cạnh những dị tật bẩm sinh, Khoa Bỏng - Chỉnh trực Bệnh viện Nhi Đồng 2 còn thường xuyên tiếp nhận điều trị cho các bé bị tàn tật, thương tổn do tai nạn; cố gắng phục hồi chức năng sinh lý, thẩm mỹ của cơ thể, giúp bệnh nhi trở lại với đời sống bình thường. Bác sĩ có thể kể về ca phẫu thuật chỉnh sửa tổn thương sau tai nạn mà mình ấn tượng nhất?

Bác sĩ Ngô Hồng Phúc: Đó là bé gái tên N.T.B. (6 tuổi, ngụ Đắk Lắk). Bé trèo cây chơi, chẳng may bị té, gãy xương rất phức tạp. Chân trái bé gãy xương cẳng chân hở. Gia đình không đưa con đi bệnh viện mà tự bó lá gây nhiễm trùng, viêm xương. Khi tới Bệnh viện Nhi Đồng 2, bé đã bị viêm xương 3 tháng. Chúng tôi đã động viên và hỗ trợ rất nhiều để mẹ bé có điều kiện đưa con đi tái khám, điều trị. Bé nằm viện khoảng 1 tháng, sau đó đi lại tái khám thêm 8 tháng. Khi xem phim chụp, thấy xương của bé lành ngoạn mục, tôi mừng rơi nước mắt. Nếu không được can thiệp, nhiều khả năng bé bị mất chân, không thể sinh hoạt, đi lại như bình thường nữa.

* Xin bác sĩ Cao Đằng Khang chia sẻ về thành tựu mà Khoa Phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện Đại học y dược TPHCM đã đạt được cho tới thời điểm này.

Bác sĩ Cao Đằng Khang: Ban đầu thành lập khoa, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về mặt nhân sự. Điều trị tim mạch trẻ em cần có đội ngũ bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, chuyên gia tư vấn tâm lý nhi. Không chỉ vậy, đa phần bệnh nhi dị tật tim đang điều trị tại bệnh viện vốn ở vùng sâu vùng xa nên điều kiện kinh tế rất khó khăn. Họ gần như không có khả năng chi trả tiền phẫu thuật cho con mình bởi trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh cần chi phí rất lớn. Do đó, gia đình trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh dễ bỏ cuộc giữa chừng. Hiện nay, khoa chúng tôi có 10 bác sĩ, 10 điều dưỡng và 2 chuyên gia phụ trách tìm nguồn tài trợ cho các bệnh nhi nghèo…

Cụ thể, mới đây chúng tôi đã vận động các nguồn để hỗ trợ số tiền điều trị khoảng 600 triệu đồng cho bé B.N.Q.C. (8 tuổi, ngụ thị trấn Ea Drăng, huyện Ea Hleo, Đắk Lắk). Cháu bé được chẩn đoán bị dị tật tim một thất. Đây là một dị tật tim bẩm sinh rất phức tạp, bé sẽ phải trải qua nhiều cuộc mổ và đối diện với không ít nguy cơ. Gia đình bệnh nhi vô cùng khó khăn, không đủ điều kiện kinh tế để chạy chữa cho con. Bé C. đã trải qua 3 lần phẫu thuật kể từ năm 2018 tới nay. Lần phẫu thuật thứ 3 diễn ra ngày 30/12/2023. Ngay sau ca phẫu thuật, bé C. hồi phục rõ rệt qua từng ngày. Bé đã ăn uống được bình thường, sức khỏe ổn định và kịp xuất viện về quê đón tết cùng gia đình. Chúng tôi đánh giá với tình trạng sức khỏe hiện nay, bé có thể đi học, tham gia các hoạt động sinh hoạt thường nhật, lớn lên vẫn có thể làm các công việc vận động nhẹ nhàng, tự lo cho bản thân.

Tỉ lệ trẻ bị dị tật tim một thất chiếm 7 - 8% trong các dị tật tim bẩm sinh nói chung. Nếu không được can thiệp phẫu thuật, hầu hết trẻ không sống được qua 6 tuổi. Ca tim một thất trước đây gần như không can thiệp phẫu thuật được bởi rất nhiều rủi ro. 
 

Chỉ riêng năm 2023, Khoa Phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện Đại học y dược TPHCM đã phẫu thuật và can thiệp cho 659 trường hợp dị tật tim bẩm sinh nói chung. Không chỉ thế, chúng tôi còn thường xuyên đến các tỉnh để tầm soát dị tật tim bẩm sinh cho trẻ em. Những trường hợp nặng, hoàn cảnh khó khăn đã được chuyển về Bệnh viện Đại học y dược TPHCM điều trị. Bên cạnh đó, tới thời điểm này, chúng tôi đã phẫu thuật, can thiệp đem lại hiệu quả cao hầu hết các trường hợp tim bẩm sinh phức tạp. Can thiệp tim bẩm sinh ít xâm lấn cũng là thế mạnh của bệnh viện chúng tôi.

Bác sĩ Cao Đằng Khang đang tiến hành can thiệp một trường hợp dị tật tim bẩm sinh
Bác sĩ Cao Đằng Khang đang tiến hành can thiệp một trường hợp dị tật tim bẩm sinh

* Thưa bác sĩ Ngô Hồng Phúc, Khoa Bỏng - Chỉnh trực Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang chủ yếu điều trị chỉnh sửa các dị tật nào cho trẻ? Hiệu quả thành công sau phẫu thuật chỉnh sửa ra sao?

Bác sĩ Ngô Hồng Phúc: Chúng tôi cố gắng đưa các chức năng cơ thể về với thẩm mỹ và sinh lý gần giống như bình thường. Đối với dị tật bẩm sinh, chúng tôi nắn chỉnh, sửa chữa các bệnh lý bàn chân khoèo, tay khoèo, tay chân dư ngón, dính ngón, biến dạng chi, vẹo cột sống. Đây là những dị tật có thể can thiệp sửa chữa được, hiệu quả hồi phục cao nếu đi khám sớm. Mỗi tuần, chúng tôi phẫu thuật cho 3-4 trường hợp bị các dị tật bẩm sinh như kể trên.

Ngoài ra, chúng tôi còn can thiệp cho cả những trẻ bị thương tổn, tàn tật do tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông. Có những đứa bé chào đời với cơ thể lành lặn nhưng vì tai nạn bất ngờ mà trở nên khiếm khuyết, tương lai không còn màu sắc tươi sáng. Có những khiếm khuyết nếu được can thiệp sẽ giúp trẻ phục hồi và hòa nhập cuộc sống trở lại. Đó là các ca gãy xương phức tạp, mất đoạn xương khiến xương không lành được, vết thương gãy hở xương, viêm xương, vẹo trục chi, biến dạng chi.

Đa số bệnh nhi đến bệnh viện khi đã viêm xương nghiêm trọng, khớp giãn, biến dạng xương. Lúc này, chúng tôi phải đục xương để điều trị, các trường hợp khuyết xương thì sẽ ghép xương. Dù thế, không phải khiếm khuyết nào cũng có thể sửa chữa được. Chẳng hạn những bé bị tai nạn pháo làm cụt mất ngón tay, bàn tay, hư nhãn cầu. Các bé đó được cứu sống nhưng các di chứng tàn tật thì không cách nào thay đổi được. 

Bác sĩ Cao Đằng Khang tái khám cho bệnh nhi tim mạch
Bác sĩ Cao Đằng Khang tái khám cho bệnh nhi tim mạch

 

Mong các bệnh nhi tim bẩm sinh không chỉ được phẫu thuật điều trị...

* Thưa bác sĩ Cao Đằng Khang, hiện nay, những bệnh lý dị tật tim trẻ em nào có thể can thiệp chỉnh sửa được?
Bác sĩ Cao Đằng Khang: Có rất nhiều loại dị tật tim bẩm sinh. Điều trị tim bẩm sinh thường phải phối hợp cả điều trị nội khoa và can thiệp ngoại khoa. Có thể trước tiên bệnh nhi phải dùng thuốc để bệnh ổn định, sau đó mới can thiệp hoặc phẫu thuật sửa chữa các dị tật. Nhiều trường hợp phải trải qua vài cuộc mổ chứ không thể một lần phẫu thuật là chỉnh sửa xong. Những dị tật bẩm sinh có thể điều trị được là hẹp eo động mạch chủ, hẹp van động mạch phổi, còn ống động mạch, tứ chứng Fallot, thông liên nhĩ, thông liên thất…

Yếu tố di truyền có thể liên quan tới một số dị tật tim. Cha hoặc mẹ bị dị tật tim bẩm sinh có nhiều khả năng sinh con mắc bệnh này hơn những người khác. Trẻ bị rối loạn di truyền như hội chứng Down cũng thường mắc các dị tật tim bẩm sinh. Ngoài ra, hút thuốc trong thai kỳ có liên quan đến một số dị tật tim bẩm sinh như thông liên thất và thông liên nhĩ. 

Tóm lại, khi mang thai, người mẹ cần khám thai định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của thai nhi nhằm có kế hoạch điều trị sớm. Dị tật tim bẩm sinh nặng thường được phát hiện trong thời kỳ mang thai hoặc ngay sau khi sinh. Một số dị tật ít nghiêm trọng thường được chẩn đoán khi trẻ lớn hơn. Nếu thấy trẻ có các triệu chứng như thở nhanh, hụt hơi, mệt mỏi khi hoạt động gắng sức, phụ huynh hãy đưa con đi khám sớm để được phát hiện và can thiệp kịp thời.

* Và nếu anh có một mong ước trong những ngày đầu năm mới, đó sẽ là gì?

Bác sĩ Cao Đằng Khang: Tôi kỳ vọng vào năm 2024 này, nền y học nước nhà nói chung và chuyên ngành phẫu thuật, can thiệp tim trẻ em sẽ có nhiều đổi mới, tiến bộ, từ đó ta có thể thực hiện được các kỹ thuật tiên tiến hiệu quả như các nước phát triển. Ngoài ra, tôi mong rằng các bệnh nhi tim bẩm sinh không chỉ đơn thuần là được phẫu thuật điều trị mà còn được chăm sóc về tâm lý, theo dõi và hỗ trợ lâu dài để có được cuộc sống hòa nhập bình thường như bao người khác.

Tập thể khoa Phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện Đại học y dược TPHCM
Tập thể khoa Phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện Đại học y dược TPHCM

 

Bác sĩ Ngô Hồng Phúc: Chúc cho các bệnh nhi kém may mắn bị dị tật cần phẫu thuật chỉnh sửa có nhiều nghị lực, lạc quan vượt qua nỗi đau bệnh tật và mặc cảm về thẩm mỹ, có niềm tin và hy vọng vào tương lai phục hồi được chức năng, cải thiện được thẩm mỹ, hòa nhập với cộng đồng. Hãy luôn nhớ rằng các con không đơn độc trong hành trình này. Các y bác sĩ và gia đình luôn bên cạnh, hỗ trợ các con khắc phục khiếm khuyết, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.
* Cảm ơn các bác sĩ đã chia sẻ. 

Thanh Huyền (thực hiện) 

Nguồn ảnh: Bệnh viện cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI