Những người phụ nữ vượt lên số phận

23/04/2024 - 20:48

PNO - Ngày 23/4, Hội LHPN quận 1, TPHCM tổ chức chương trình “Thắp sáng vầng trăng khuyết” tại số 39 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao.

Chương trình là dịp cho cán bộ hội gặp gỡ, giao lưu cùng chị em phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, nhưng luôn lạc quan và không ngừng nỗ lực vươn lên khẳng định mình trong học tập, lao động.

Bà Lâm Thi Ngọc Hoa (bìa phải) – Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM – và bà Hoàng Thị Thu Liên (thứ 2, từ trái qua) – Chủ tịch Hội LHPN quận 1 – cùng tặng hoa, động viên 2 chị khuyết tật là gương “Phụ nữ vượt khó” giao lưu với đại biểu tham dự chương trình.
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa (bìa phải) – Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM – và bà Hoàng Thị Thu Liên (thứ 2, từ trái qua) – Chủ tịch Hội LHPN quận 1 – cùng tặng hoa, động viên 2 chị khuyết tật là gương “Phụ nữ vượt khó”

Bà Hoàng Thị Thu Liên – Chủ tịch Hội LHPN quận 1 – thông tin, hiện quận 1 có 1.181 người khuyết tật (368 nữ), trong đó, 252 người khuyết tật đặc biệt nặng. 100% người khuyết tật trên địa bàn quận được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và thẻ bảo hiểm y tế.

Hàng năm, các cấp hội phối hợp ban ngành, đoàn thể từ quận đến phường thường xuyên chăm lo 311 người khuyết tật đặc biệt nặng, khuyết tật nặng có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều hình thức, như tặng nhu yếu phẩm, sổ tiết kiệm, xe lăn, phương tiện làm ăn…

Ngoài ra, hội cũng chủ động kết nối chị em tham gia các lớp đào tạo nghề, hỗ trợ vốn để các chị có điều kiện phát huy năng lực, tạo nguồn thu nhập ổn định cho cuộc sống tốt hơn từng ngày.

Bà Lâm Thi Ngọc Hoa – Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM – tặng quà, biểu dương các gương phụ nữ khuyết tật của quận 1.
Bà Lâm Thi Ngọc Hoa – Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM – tặng quà, biểu dương các gương phụ nữ khuyết tật của quận 1.

Trong chương trình, Hội LHPN quận 1 giới thiệu và biểu dương 6 gương “Phụ nữ vượt khó” tiêu biểu năm 2024.

Chị Lâm Thị Kim Thảo (giữa)
Chị Lâm Thị Kim Thảo (giữa)

Chị Lâm Thị Kim Thảo từng là giáo viên mầm non. Năm 2003, chị mất thị lực do bệnh thoái hóa võng mạc. Thời điểm đó, chị đã lập gia đình và có con gái đầu lòng hơn 1 tuổi.

“Ban đầu, tôi hoang mang và uất ức, không biết nên bắt đầu lại từ đâu. May mắn là gia đình luôn làm chỗ dựa vững chắc cho tôi. Sau một thời gian khủng hoảng, tôi quyết định học chữ nổi và tìm kiếm cơ hội việc làm tại Hội Người mù TPHCM”, chị Kim Thảo kể.

Giai đoạn 2004 – 2014, chị dạy trẻ em tại Trung tâm bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng. Trong hành trình tìm cơ hội cho mình, biết quận 1 chưa có hội người mù như các địa bàn khác nên chị đã đề xuất Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận rà soát, lên danh sách những người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống tại quận để vận động thành lập chi hội người mù quận 1 vào năm 2012.

Đến năm 2014, chi hội phát triển lên một bước mới, được công nhận là Hội Người mù quận 1, và chị đảm nhận vai trò chủ tịch hội cho đến nay.

Chị Phạm Thị Thu Thủy
Chị Phạm Thị Thu Thủy

Là trẻ mồ côi, sinh sống tại làng Hòa Bình – Bệnh viện Từ Dũ từ năm 2009, chị Phạm Thị Thu Thủy đã từng bước hiện thực hóa ước mơ trở thành giáo viên dạy ngôn ngữ ký hiệu cho học trò khiếm thính.

Nói về ước mơ này, chị Thu Thủy cho biết, thấy các bạn khiếm thính gặp khó trong giao tiếp, chị muốn làm gì đó hỗ trợ để các bạn có thêm cơ hội bước ra ngoài cảm nhận thế giới rộng lớn và tìm được công việc phù hợp tự nuôi sống bản thân.

Tháng 7/2022, chị Thu Thủy tốt nghiệp ngành Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm TPHCM và nhanh chóng có việc làm tại Trung tâm Ứng dụng tâm lý giáo dục An Nhiên. Bên cạnh dạy học, hiện chị Thu Thủy còn là chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngôn ngữ ký hiệu, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, tham gia phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu và lan tỏa loại hình ngôn ngữ này đến mọi người.

Còn chị Nguyễn Thị Yến, ở phường Đa Kao quận 1, bị khuyết tật nặng 2 chân. Dù vậy, chị vẫn luôn chăm chỉ làm việc, tự mở tiệm bánh mì bán, đồng thời rất tích cực tham gia các hoạt động, phong trào hội địa phương.

Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Ngọc Linh cũng lớn lên tại làng Hòa Bình. Dù bản thân bị chậm phát triển thể chất, nhưng chị vẫn đang góp sức chăm sóc, hỗ trợ các em nhỏ khuyết tật nặng.

Chị Lê Thị Khánh Hồng là người mẹ đơn thân, đang ở phường Cầu Kho, quận 1. Khuyết tật chân, đi lại khó khăn, chị Khánh Hồng vẫn chăm chỉ làm tạp vụ, đồng thời tích cóp ủng hộ địa phương trong các hoạt động an sinh.

Bị khiếm thính, giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, chị Trần Thị Ngọc Lan vẫn luôn lạc quan, nỗ lực vươn lên, vun vén hạnh phúc gia đình. Chị làm phục vụ nhà hàng, gia công giấy. Chồng chị cũng là người khuyết tật. Vợ chồng trẻ vừa có cô con gái đầu lòng kháu khỉnh.

Nhân chương trình, Hội LHPN và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc quận 1 cũng tặng 21 phần quà động viên chị em phụ nữ khuyết tật.
Hội LHPN và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc quận 1 tặng 21 phần quà động viên chị em phụ nữ khuyết tật.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI