Những người phụ nữ trong cuộc đời GS Trần Văn Khê

27/06/2015 - 16:04

PNO - PN - Trong căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai, Q.Bình Thạnh, TP.HCM lúc giáo sư Trần Văn Khê mới tiếp nhận (tháng 12/2005), chưa kịp bày ra hết những kỷ vật, nhưng một bức chân dung phụ nữ trong trang phục xưa đã được đặt ở một góc trang...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhắc đến mẹ, đôi mắt ông chợt trào lệ. Ông kể: “Má tôi là một trong những phụ nữ hiếm hoi thời ấy tham gia làm “quốc sự”. Má tôi giữ vai trò bí thư chi bộ xã Vĩnh Kim, bán cả ruộng vườn nuôi cách mạng. Biết má tổ chức rải truyền đơn, tôi chẳng hở môi, dù không ai dặn. Má đã gieo vào lòng tôi tình yêu quê hương đất nước bằng chính những việc bà làm, dù lúc đó tôi vẫn còn là một cậu bé…

Mỗi lần đi họp, má cho tôi tiền bánh nhiều hơn thường lệ, như để an ủi khi tôi phải xa má. Một hôm, má cho tôi rất nhiều tiền. Con nít được cho tiền ăn bánh đứa nào chẳng ham. Má còn cho tôi bộ đồ vải trắng viền đen tập thể thao mà tôi rất thích. Nhưng tiền bánh lên tới một đồng khiến tôi nhận ra điều gì đó không bình thường. Hồi đó, một đồng mua được 50 cái bánh bao lớn.

Sau phút vui sướng được tiền, được áo, tôi hốt hoảng khi biết má phải xa tôi bốn hôm, bèn ôm má òa khóc: “Con không cần tiền, không cần quần áo, chỉ muốn má ở nhà với con thôi!”. Má ôm tôi vào lòng, dường như bà cũng khóc. Vậy mà má cũng đi”.

Ông ghi lại trong hồi ký những dòng đẫm nước mắt: “Sáng sớm hôm ấy má mặc bộ đồ thể thao mới may cho tôi rồi đưa tôi vào trường. Đang học, có linh tính là má tôi ra đi, tôi bèn chạy một mạch về nhà thì thấy má tôi đã ngồi trên xe ngựa và xe bắt đầu chuyển bánh. Tôi lao theo, vừa chạy vừa khóc: “Má ơi đừng đi, đừng bỏ con ở nhà!”.

Nhưng chân trẻ làm sao chạy kịp chân ngựa, tôi nhào trong vũng bùn trên đường, la to: “Con trả má đồng bạc đây”. Tôi quăng đồng bạc xuống đường, khóc nức nở (...) Sau này tôi mới biết lần đó má tôi được lịnh đi biểu tình tại quận Cao Lãnh để chống chính phủ thuộc địa Pháp”…

Nhung nguoi phu nu trong cuoc doi GS Tran Van Khe

Mẹ của Giáo sư Trần Văn Khê

Giáo sư Trần Văn Khê nghẹn ngào nói: “Tôi đâu ngờ chuyến đi đó dẫn đến định mệnh chia ly. Má tôi bị cảnh sát đàn áp, phải chui vô đống rơm. Cảnh sát lấy lưỡi lê đâm loạn xạ vào đống rơm. Má tôi bị đâm hai vết vào người, cố chịu đau, lấy rơm vuốt lưỡi lê chùi máu để bọn chúng không phát hiện.

Lúc đó, má có mang được hơn ba tháng. Má chạy trốn, té nhiều lần nên bị sẩy thai. Má được đưa vào nhà thương Chợ Rẫy, được một người quen của gia đình tận tình chăm sóc. Nhưng vì má sức yếu, trở bệnh nặng. Hai tuần sau, cô Ba tôi chở má về làng…

Một hôm, cô Ba dẫn cả ba anh em vào thăm, má tôi nói với cô: “Con đứa lớn, đứa nhỏ, chưa đứa nào đủ khôn để lo cho em. Em lạy chị Ba, em gửi các con cho chị thay em nuôi chúng nó nên người”. Má tôi chắp hai tay xá, gương mặt đau khổ mà không còn nước mắt để khóc. Cô Ba tôi khuyên má yên lòng dưỡng bệnh, “có bề gì chị Ba hứa sẽ thay em nuôi cháu…”. Má tôi trút hơi thở cuối cùng. Năm ấy, tôi mới chín tuổi…”.

Giữ lời hứa với người em dâu, bà Trần Ngọc Viện - cô ruột giáo sư Trần Văn Khê dọn về chợ Giữa nuôi đàn cháu dại. Với lòng thành kính, ông nói: “Người phụ nữ tạo dấu ấn tiếp theo trong cuộc đời tôi là cô Ba - Trần Ngọc Viện, mà người Vĩnh Kim quen gọi là cô Ba Viện. Đó là người mẹ thứ hai đã chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tôi đến khi trưởng thành. Công lao to lớn của cô Ba đối với anh em tôi như trời biển…”.

Cô Ba Viện sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, cô đàn tranh, đàn tỳ bà rất hay. Với tài may vá thêu thùa khéo léo, cô nuôi cả gia đình bằng nghề may, lên Sài Gòn, trở thành giáo viên dạy nữ công gia chánh trong trường Áo Tím (trường trung học Gia Long, nay là trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai). Sau khi ông nội mất, cậu bé Trần Văn Khê buồn rầu, bỏ ăn, ngồi khóc suốt ngày.

Thương cháu, cô Ba đưa cậu bé lên Sài Gòn. Mỗi khi đi dạy ở trường Áo Tím, sợ cháu buồn, không ai chăm sóc, cô mang cháu đi theo. Đó là khoảng thời gian ghi đậm trong ký ức ông: “Nhờ vậy mà tôi được mấy chị nữ sinh trường Áo Tím thay phiên nhau ẵm và chọc cho tôi “nói lẽ”. Trước kia, ông nội tôi dạy hễ ai hỏi “Em đi học sau này lớn lên làm gì?” thì tôi trả lời “Em học để lớn lên giúp nhơn quần xã hội”.

Các chị cười to thích thú trong khi tôi cứ tiếp tục trả lời như con két. Có lẽ những lời nói ấy cũng phần nào thấm vào tiềm thức, nên đến khi khôn lớn, trong việc chọn môn học hay công việc làm, tôi luôn nghĩ đến lợi ích chung hơn là lợi ích cho riêng mình”.

Nhung nguoi phu nu trong cuoc doi GS Tran Van Khe

Cô Ba-Trần Ngọc Viện (người thứ tư từ trái sang hàng đầu) sáng lập gánh hát Đồng Nữ Ban, người cô đã hy sinh cả cuộc đời để nuôi dạy ba anh em Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch, Trần Ngọc Sương

Cô Ba Viện vì tham gia đám tang Phan Chu Trinh năm 1926 nên không được tiếp tục dạy học ở trường Áo Tím. Do giỏi nữ công gia chánh, lại am hiểu âm nhạc dân tộc, cô được tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội giao nhiệm vụ lập đoàn hát Đồng Nữ Ban, vừa làm tài chính cho đoàn thể cách mạng, vừa tuyên truyền yêu nước và vận động phụ nữ.

Đoàn hát mang tên Đồng Nữ Ban vì đào, kép đều là con gái. Các vở tuồng của đoàn như Giọt lệ chung tình, Hồng y hiệp nữ, Bên tình bên nghĩa… đều có nội dung tiến bộ. Tuy nhiên, nội dung tuyên truyền cách mạng trong các vở tuồng đoàn không qua mắt được thực dân Pháp. Chúng cố tình phá tan đoàn hát bằng cách cho côn đồ giựt tiền, làm ma nhát, xông vào phòng hóa trang trêu chọc diễn viên, ném đá vào rạp, la ó trong khi đoàn đang biểu diễn, bắt còng người quản trị, truy tố đoàn phá rối trật tự trị an…

Đoàn hát chỉ tồn tại hai năm (1927-1928) nhưng để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong ký ức tuổi thơ Trần Văn Khê.

Nhờ hồi ức của ông, người đời sau hiểu thêm về một gánh hát huyền thoại trong bầu trời đêm trước cuộc cách mạng: “Cô Ba tuyển đào kép trong những gia đình nông dân trong làng và vùng lân cận. Tuy nói là đào kép chớ thật ra gồm toàn nữ. Cô tôi vừa là bầu gánh, vừa đạo diễn, lại tự thiết kế và may tất cả xiêm y. Cậu Năm tôi - ông Nguyễn Tri Khương, và một người tên là thầy Hai vừa đặt tuồng, vừa dạy võ cho các chị...

Tuy lúc ấy mới được bảy tuổi ta nhưng tôi ca rất đúng giọng. Cô Ba cho tôi tập các chị diễn viên ca bản Madelon để mở màn, ngoài ra tôi còn thuộc nhiều bản khác, chơi được cả đờn kìm, đờn cò. Đến kỳ bãi trường, tôi được theo gánh hát. Tất cả mấy chị đào kép và cô Ba tôi đi trên ghe chài, một loại ghe lớn dùng để chở lúa, còn thầy đờn, thầy võ ở trong một ghe con. Cậu mợ Năm tôi ở trong một chiếc ghe nhỏ khác.

Tôi được cô Ba cho ở chung với mấy chị, mọi người thừa dịp này nhờ tôi tập ca cho trúng giọng, trúng nhịp. Nhiều chị cố tình ca trật để tôi sửa cho vui. Trong hai năm liền tôi được sống trong không khí của một gánh hát cải lương… Gánh hát lưu diễn khoảng hơn một năm từ làng đến tỉnh, từ tỉnh đến Sài Gòn, được khán giả rất ưa thích.

Nhưng mật thám luôn theo dõi và đến năm 1929, chính quyền thuộc địa ra lệnh cấm gánh Đồng Nữ Ban hoạt động. Gánh hát rã, cô Ba tôi chia xiêm y, dụng cụ cho diễn viên và về tạm trú tại nhà ba má tôi tại Vĩnh Kim”.

Sau khi nhận lời hứa sẽ nuôi dưỡng “mấy đứa nhỏ” nên người trước giờ lâm chung của cô em dâu, cô Ba Viện viết thư, xin phép tổ chức ngừng hoạt động, để tập trung nuôi đàn cháu mồ côi. Bà dạy cháu rất nghiêm: tự sắp xếp đồ đạc, tự giặt quần áo, dạy bơi lội, cho cháu học võ để tự vệ và tự tin…

Giáo sư Trần Văn Khê nhớ rõ từng chi tiết nhỏ: “Tôi bị cận thị nặng không nhìn rõ được nên đóng đinh thường bị cong. Cô tôi chê “có cây đinh mà đóng cũng không ngay. Con cố tập cho khéo tay một chút”. Tôi lý sự, tuy tay đóng đinh không ngay nhưng biết nhấn chữ đàn đúng hơi, đúng giọng… Cô tôi chấp nhận nhưng nói thêm: “Con nói nghe có lý. Nhưng nếu tay đàn được mà đóng đinh cũng ngay, có phải hơn không?”…

Tuy mồ côi cha mẹ sớm nhưng anh em chúng tôi được hưởng sự giáo dục tuyệt vời mà sau này, trong nhiều giai đoạn của cuộc đời, tôi thấy rõ nhờ cô mà tôi mới nên người…”.

Nhung nguoi phu nu trong cuoc doi GS Tran Van Khe

Trần Văn Khê cùng vợ ngày thành hôn năm 1942

Ông lớn lên, lên tàu ra Vĩnh Long học sơ học, lên Sài Gòn học trường Trung học Trương Vĩnh Ký, ra Hà Nội học Đại học Y khoa. Năm 1943 ông về Nam, tham gia phong trào cách mạng tháng Tám… Dòng đời xô đẩy ông rời Tổ quốc, phiêu bạt khắp nhiều vùng đất trên thế giới. Trong hành trình xa xứ, ông mang theo hồn âm nhạc dân tộc truyền bá muôn phương… Nhiều người dân trên thế giới ngưỡng mộ, yêu mến ông, trong đó có không ít phụ nữ.

Ông tâm sự: “Tôi chịu ơn nhiều người phụ nữ. Vẻ đẹp của họ, phần nữ tính cao quý của họ đã cứu rỗi tôi. Nếu không có người mẹ sớm gieo vào lòng tôi tình yêu quê hương đất nước; không có người cô nghiêm khắc, tài năng như cô Ba Viện; không có người vợ sinh cho tôi những đứa con ngoan; không có người em gái Mộng Trung đã chăm sóc miếng ăn giấc ngủ, cùng tôi đi khắp nơi biểu diễn âm nhạc trên đất Pháp; không có tình bạn cao lớn, biết vượt lên dư luận, biết hy sinh như Tường Vân; không có Tôn Nữ Hỷ Khương - người bạn xướng họa thơ, tri kỷ, tri âm…; tôi nghĩ sẽ không có giáo sư Trần Văn Khê ngày hôm nay.

Dù tôi và nhà tôi đã chia tay mấy mươi năm nhưng chúng tôi vẫn giữ lại những kỷ niệm đẹp về nhau. Chúng tôi vẫn đối xử với nhau như bạn. Nhiều bạn thắc mắc, một người trông có vẻ đa tình như tôi sao vẫn sống độc thân từ khi chia tay nhà tôi.

Biết nói thế nào, một người đam mê công việc như tôi dễ gây sốc cho phụ nữ. Một bà bạn nói rằng bà dù rất yêu quý tôi nhưng bà vẫn muốn ở xa chiêm ngưỡng tôi hơn là đến gần để mãi mãi giữ lại cái đẹp về nhau. Tôi rất biết ơn sự thông hiểu đó”.

Nhung nguoi phu nu trong cuoc doi GS Tran Van Khe

Giáo sư Trần Văn Khê và nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương năm 2005

Khi tôi gặp ông, ở tuổi 90, ông trở về Tổ quốc. Ông mở từng kiện hàng, nâng niu từng kỷ vật trưng bày. Đây là nơi chốn đi về cuối cùng của ông. Giờ giáo sư Trần Văn Khê không còn, nơi đây vẫn lưu giữ hình bóng ông, bằng những hình ảnh, hiện vật ghi dấu một cuộc đời hoạt động âm nhạc không mệt mỏi.

 TRẦM HƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI