Những người phụ nữ làm việc ở nơi “tận cùng trái đất”

21/06/2023 - 19:00

PNO - Họ phải kiêm nhiệm nhiều vai trò, bao gồm việc quản lý “bưu điện chim cánh cụt”, ở nơi xa xôi và lạnh lẽo nhất trái đất - châu Nam Cực.

 

Nhóm 4 người phụ nữ làm việc ở bưu điện của “nơi tận cùng thế giới” – Ảnh: UK Antarctic Heritage Trust
Nhóm 4 người phụ nữ làm việc ở bưu điện của “nơi tận cùng thế giới” - Ảnh: UK Antarctic Heritage Trust

“Bưu điện chim cánh cụt” là biệt danh của công trình đa năng Port Lockroy, nơi sinh sống và làm việc của một nhóm 4 phụ nữ ở đảo Goudier của Nam Cực, theo bản tin của đài CNN ngày 20/6.

Port Lockroy vốn là cơ sở nghiên cứu khoa học, nhưng kiêm nhiệm cả chức năng bưu điện, bảo tàng và cửa hàng quà lưu niệm. Cụm công trình tọa lạc trên hòn đảo nhỏ có diện tích xấp xỉ một sân bóng đá, thuộc khu vực do nước Anh quản lý ở phía tây bán đảo Nam Cực, một trong những vùng khô và lạnh nhất trên trái đất, cũng là nơi sinh sống của hơn 1.000 con chim cánh cụt Gentoo.

Cơ sở được xây dựng từ năm 1944, chính là căn cứ cố định đầu tiên của Vương quốc Anh tại “lục địa băng”. Port Lockroy đã trở thành điểm hẹn cho các nhà thám hiểm, nhà khoa học, và gần đây còn có cả khách du lịch. Chỉ trong mùa du lịch 2022 - 2023, đã có gần 16.000 du khách từ hơn 200 con tàu đi qua khu vực, biến nơi đây thành một trong những điểm nhộn nhịp nhất ở châu Nam Cực.

Mỗi năm, một nhóm được chọn để đảm nhiệm việc điều hành và bảo trì cơ sở từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, cũng chính là mùa hè ở Nam bán cầu. Sau đại dịch COVID-19, có khoảng 4.000 người đã đăng ký tham gia ứng tuyển, nhưng chỉ có 4 phụ nữ được chọn.

Nhóm 4 người được chọn vào công việc đặc biệt gồm: Lucy Bruzzone, quản lý cơ sở, Mairi Hilton, chuyên viên giám sát động vật hoang dã, Natalie Corbett, quản lý cửa hàng quà lưu niệm và “cô em út” 23 tuổi Clare Ballantyne, quản lý bưu điện.

Vượt qua vòng tuyển chọn với tỉ lệ chọi 1 trên 1.000, nhóm 4 người còn phải tiếp tục trải qua khóa huấn luyện ở Anh, rồi vượt qua hành trình 8.000 dặm bằng máy bay và thuyền, từ Bắc tới Nam Bán cầu. Hải quân Hoàng gia Anh không chỉ hỗ trợ họ vượt biển, mà còn giúp dọn lớp tuyết dày 4m bao phủ cơ sở Port Lockroy.

Ballantyne cho biết: “Chim cánh cụt có ở khắp mọi nơi”, và một trong những nhiệm vụ chính của họ là đếm số lượng chim cánh cụt: dữ liệu khoa học mà họ thu thập được về mô hình sinh sản của loài Gentoo là phần tiếp nối của nghiên cứu đã kéo dài hàng thập niên.

Đây không phải là công việc dễ dàng. Trong vòng 5 tháng, 4 người phụ nữ ở chung một phòng ngủ, không có nước máy, không có internet và rất ít thời gian rảnh rỗi: 2 tuần mới có 1 ngày nghỉ.

Vicky Inglis, điều phối viên hoạt động thực địa của Ủy ban Di sản Nam Cực (AHT) thuộc Vương quốc Anh cho biết: “Đó là một trải nghiệm rất thử thách”. Nữ chuyên gia giải thích, nhóm 4 người ở Port Lockroy phải “sống chồng lên nhau, không có nơi nào riêng tư”, hầu hết thực phẩm được đóng hộp hoặc sấy khô.

Nhóm phụ nữ ở Port Lockroy chia sẻ trên blog: “Chúng tôi dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ, sau đó đi dạo quanh đảo, thật chậm rãi để quan sát mọi thứ, đặc biệt là những thứ nhỏ ít được chú ý, như sên biển, sao biển, rêu và các loài nhuyễn thể”.

Camilla Nichol - Giám đốc điều hành của AHT - cho biết: “Về việc lựa chọn ứng viên, chúng tôi không thể tuân theo công thức nào. Đó là về khả năng làm việc cùng nhau như một đội. Đó còn là khả năng giữ thái độ tích cực trên chặng đường dài, nhìn thấy được ánh sáng trong cuộc sống và giải quyết vấn đề nhanh chóng”.

Nữ quản lý chia sẻ: “Nam Cực không giống bất kỳ nơi nào khác trên trái đất. Quy mô nơi này quá rộng lớn, lại rất nguyên sơ, không khí rất trong lành. Đột nhiên bạn cảm thấy mình thật nhỏ bé giữa thế giới”. Theo đó, các tour du lịch đến Nam Cực đã tăng nhanh trong thập niên vừa qua.

Khu vực bán đảo Nam Cực chính là “nơi sản sinh ra khoa học nghiên cứu khí hậu Nam Cực”, lỗ thủng tầng ozon được phát hiện ở vùng này vào năm 1985 bởi Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS) - theo bà Nichol. Đến nay, BAS vẫn tiếp tục phát đi những lời cảnh báo về khí hậu, qua sự biến đổi của Nam Cực.

Trường An (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI