Bài 1: Một ngày của "ông mặt trận" cấp phường
Bị vu oan giấu gạo
“Nhiều khi anh em làm ngày làm đêm, các chị em Hội Phụ nữ cũng phụ phân chia quà để kịp hỗ trợ bà con, vậy mà nhiều người vô nhà chụp hình gạo, ai hỏi thì họ nói “chưa thấy phát cho ai hết”. Nhiều khi mình rớt nước mắt, buồn ghê” - ông Nguyễn Thanh Bình, Tổ trưởng Tổ nhân dân 229, ấp 5, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TPHCM, người bị vu oan “giấu gạo”, trải lòng sau nhiều ngày khóa điện thoại.
|
Ông Nguyễn Hữu Linh - Trưởng ban Điều hành khu phố 3, thị trấn Tân Túc, H.Bình Chánh, TPHCM - phát quà cho những người thuê trọ có hoàn cảnh khó khăn trong khu phố |
Trong mùa dịch, ông Bình làm tổ trưởng hai tổ 229 và 234 với tổng cộng 600 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu. Ông phải quán xuyến việc đi chợ hộ, mua thuốc, vận động mạnh thường quân, phân phát quà, chi tiền từ gói hỗ trợ của Chính phủ và UBND TPHCM, vận động hỗ trợ hộ khó khăn có người thân mất do COVID-19. Tổ 229 và 234 có năm điểm phong tỏa với nhiều ca F0 cách ly tại nhà nên nhiều hộ cần được hỗ trợ lương thực, sữa, thuốc tây.
Tối 2/9, đang ngồi trực chốt, ông tổ trưởng nhận được tin nhắn của một phụ nữ tên L.T.T.T. trong tổ 229 báo gia đình có năm người mắc COVID-19 đang cách ly tại nhà, trong nhà đã hết lương thực, hai con chị đang cần sữa uống và lâu nay chưa nhận được sự hỗ trợ nào. Không chút ngần ngại, ông Bình quay trở vào kho tay xách túi gạo, tay còn lại bấm điện thoại gọi chi hội phụ nữ nhờ chi viện sữa để đem đến hỗ trợ gia đình chị T. Khi đi, ông cũng không quên mang theo năm túi thuốc cho các F0. Về lại nơi trực lúc hơn 21g, ông cùng với anh em trong tổ tiếp tục ngồi phân chia gạo, mì gói và rau, củ, quả thành 200 phần để sáng hôm sau sẽ phát cho người dân trong tổ.
Sáng 3/9, ông Bình cùng anh em trong tổ lần lượt chở 200 phần quà tới các hộ khó khăn của các tổ 229, 234, 233 và 230. Nhiều hộ có nhà nằm trong ruộng sâu, đường vào nhà có đoạn chỉ vừa lọt một chiếc xe máy. Ông cùng các anh em lần lượt chở quà trên đường đê ngoằn ngoèo giữa trưa nắng. Đang phát quà, ông nhận cuộc gọi từ một phụ nữ tên L.X.Đ. nhờ đưa đi điều trị COVID-19. Nhận thông tin, ông gọi điện về ban nhân dân ấp xin đăng ký đưa F0 đi điều trị và chạy xe thẳng đến đầu con hẻm sâu thuộc tổ 234 chờ đưa chị Đ. đi cách ly tập trung.
Không chỉ ban ngày, những cuộc gọi vào ban đêm thường khiến "ông vác tù và hàng tổng" mất ngủ vì ông phải bật dậy lật sổ, liên lạc với nhà xe nhờ chở bệnh nhân COVID-19 trở nặng đi cấp cứu, gọi tới đường dây nóng của nhiều bệnh viện. Ông tổ trưởng nhớ lại, vào lúc 23g ngày 29/7, một người đàn ông trong tổ 229 báo tin vợ mình vừa mới mất vì COVID-19 và cần sự trợ giúp. Sau khi hướng dẫn làm các thủ tục pháp lý cho gia đình, ông Bình gọi hàng chục cuộc điện thoại đến các cơ sở mai táng quen biết nhờ tẫn liệm. Gọi điện liên tục trong hai giờ, ông mới được người quen xin dùm chiếc hòm và được đội mai táng bệnh nhân COVID-19 đến hỗ trợ. Hơn 4g sáng, ông mới xong việc, quay về chỗ trực. Cũng chính ông đã kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ 24 triệu đồng, giúp gia đình trên lo hậu sự.
Từ ngày 29/7 - 13/8, ông Bình đã vận động được khoảng 50 triệu đồng hỗ trợ ba hộ khó khăn có người thân mất vì COVID-19. Có ngày, ông nhận khoảng 70 cuộc điện thoại, chưa kể tin nhắn. Có người gọi đến xin gạo, xin quà, có người thắc mắc việc chưa có tiền hỗ trợ, cán bộ cấp trên thì yêu cầu báo cáo công việc.
Chỉ tay về chỗ để gạo, ông Bình cho biết, đó là điểm tập kết gạo mà nhiều người từng kéo tới đây quay phim, đăng lên mạng xã hội, nói ông giấu gạo, không phát cho dân. Ông kể:
“2 tấn gạo đó là do tôi và ban công tác mặt trận ấp vận động mạnh thường quân đóng góp. Để bảo quản gạo, địa phương đã bỏ tiền ra thuê chỗ chứa. Không chỉ có gạo mà mì gói, rau củ quả cũng do tôi và các anh em vận động được. Nếu muốn “ăn” thì đem giấu chứ đâu có để trơ trơ ở đó, không khóa cửa”.
Kể từ đợt bùng phát dịch thứ tư, ông Nguyễn Thanh Bình bàn với vợ con và quyết định mỗi người sống một nơi để đảm bảo an toàn sức khỏe. Ông dọn tới điểm trực để ở, vợ ông thì ở nhà, còn đứa con trai đang học đại học phải về nhà bên nội ở.
Ngủ ở hiên đình để chống dịch
Từ giữa tháng 7/2021, ông Nguyễn Hữu Linh - Trưởng ban Điều hành khu phố 3, thị trấn Tân Túc, H.Bình Chánh - quyết định dọn đến ở ngôi đình gần văn phòng ban điều hành khu phố. Nhiều đêm mưa gió tạt ướt hiên đình, ông phải ngồi dậy rít một điếu thuốc cho đỡ lạnh, chờ mưa tạnh mới ngủ. Cùng với lực lượng tuyến đầu, những người được gọi là “tuyến sau” như ông đang phải “đầu tắt mặt tối” lo phòng, chống dịch COVID-19 và chăm lo an sinh xã hội ở
địa phương.
|
Nhiều người dân địa phương viết facebook minh oan cho ông Nguyễn Thanh Bình |
Trưa 1/8, đang phát nhu yếu phẩm cho các hộ thuê trọ gần trụ sở ban điều hành khu phố, ông Linh nhận cuộc điện thoại phản ánh chủ trọ chưa giảm tiền thuê trọ. Phát quà xong, ông ghé tới nơi phản ánh, tìm chủ trọ để vận động. Ông cũng tìm gặp, vận động nhiều chủ trọ khác giảm, miễn tiền thuê phòng, được 42/60 chủ trọ chấp nhận miễn tiền thuê trọ và chín chủ trọ đồng ý giảm 50% giá thuê. Một số chủ nhà trọ còn hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm cho người thuê trọ có hoàn cảnh khó khăn.
Cứ cách vài ngày, ông trưởng ban điều hành khu phố vận động mạnh thường quân chuyển rau, củ, quả đến các hộ đang thuê trọ hoặc nằm trong khu phong tỏa. Tính đến cuối tháng Tám, cá nhân ông Linh đã tiếp nhận 10 tấn gạo, 4 tấn rau củ quả từ các nhà hảo tâm để hỗ trợ người trong khu phố, thậm chí còn chia cho dân ở khu phố khác.
Chỉ chiếc ghế bố đặt cạnh chỗ làm việc, ông Linh nói: “Các chốt phong tỏa ít có mái che, cũng không có dù. Anh em trực những ngày này gian nan lắm. Lúc trước ít điểm (điểm phong tỏa), địa phương còn trang bị dù, bạt, còn bây giờ dịch bùng nhanh quá, đành phải chịu. Gặp chỗ nhà có mái hiên thì đỡ, không có thì anh em phải ngủ ngồi, co ro trên ghế bố vậy đó”.
Những ngày không trực chốt phong tỏa, ông Linh cũng không dám về nhà vì sợ lây nhiễm vi-rút cho vợ con. Ông quyết định ở lại văn phòng khu phố để làm việc, ngủ nghỉ nhưng do văn phòng khu phố được trưng dụng làm trạm sơ cấp cứu nên ông cùng một số anh em bảo vệ khu phố dọn qua ở và làm việc trong khuôn viên ngôi đình gần đó. Những ngày cuối tháng Tám, mưa tầm tã vào chiều tối, nước mưa tạt sâu vào trong hiên, sân đình sũng nước, ông Linh cùng các anh em mỗi người một góc, ngồi xổm trên ghế bố chờ mưa tạnh mới ngả lưng nghỉ ngơi. Đêm 26/8, do cả ngày làm việc mệt quá, ông Linh ngủ ngồi trên ghế mà mưa tạnh khi nào chẳng hay.
Thấy chồng bận bịu với công việc, điều kiện sinh hoạt, ngủ nghỉ thiếu thốn, nhiều lần, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa phải chạy ra đình tiếp tế cơm, nước gừng, nước cam và vài bộ quần áo cho chồng. Nhưng lần nào, ông Linh cũng ngăn không cho bà gửi vì sợ vợ bị nhiễm bệnh. Bà Hoa nói: “Cũng xót ruột, lo cho sức khỏe của ổng lắm chứ. Nhiều khi nói ổng muốn về nhà ngủ thì về, mình sẽ nấu nước lá để tắm nhưng lần nào ổng cũng từ chối. Lớp lo an toàn cho người thân, lớp sợ việc ùn ứ không ai xử lý. Tính ổng lúc nào cũng vậy, việc nước phải trước việc nhà. Bởi vậy, có xót cũng phải chịu”.
Ông Nguyễn Hoàng Lân - ở khu phố 3, thị trấn Tân Túc - bộc bạch: “Tôi sống ở đây nhiều năm, không thấy ai phàn nàn hay điều tiếng gì về ông Linh. Ổng nhiệt tình, chịu lo cho dân lắm. Bởi vậy, ổng lúc nào cũng được bà con tin cậy”. n
(Còn nữa)
Phan Tuyền