Tại P.10, Q.Tân Bình, có khoảng 40 cán bộ làm công tác chăm lo, đảm bảo an sinh cho hơn 40.000 dân, trong đó có 10.000 người diện khó khăn và 489 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Để người dân yên tâm ở nhà trong những ngày giãn cách xã hội, các cán bộ này thường làm việc từ 6g sáng đến khuya, có khi đến 1g sáng hôm sau.
“Chạy đua” trong ngày giãn cách
Một ngày cuối tháng Tám, chúng tôi nhắn tin vào điện thoại của anh Huỳnh Thanh Hiếu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam P.10, Q.Tân Bình - và nhận được hồi âm: “Tôi đang trên đường xuống khu phố 1 để trao túi an sinh cho bà con. Đang mưa lớn quá, không nghe máy được. Tôi sẽ liên lạc lại khi xong việc”. 21g, anh mới liên lạc lại: “May quá, hôm nay xong việc sớm. Mọi hôm, có khi hơn 1g sáng tôi mới hết việc”.
|
Cán bộ ở phường 10, quận Tân Bình, TPHCM đội mưa đi đưa thực phẩm cho những trường hợp nhiễm COVID-19 đang cách ly tại nhà - Ả nh: H.C |
P.10 có hơn 40.000 dân, trong đó có 489 hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và khoảng 10.000 người thuộc diện khó khăn do ảnh hưởng dịch cần hỗ trợ. Trong thời gian giãn cách xã hội, “ai ở nhà nấy”, cán bộ chính quyền, đoàn thể địa phương phải “chạy đua” chống dịch và đảm bảo an sinh cho người dân. Toàn bộ 40 cán bộ ở phường chia nhau liên tục chuyển túi an sinh, lương thực đến hỗ trợ người dân, đi mua giúp lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu.
Anh Hiếu cho hay: “Điện thoại của tôi liên tục réo chuông. Nếu nghe hết điện thoại, chắc chắn mình sẽ không làm được việc gì. Tôi dặn bà con, khi có việc thật cần mới gọi điện, còn khi cần mua thuốc, thức ăn thì cứ nhắn tin, tôi sẽ tổng hợp nhu cầu trong tin nhắn để đáp ứng. Tuy vậy, mỗi ngày, tôi cũng mất khoảng hai giờ để nghe điện thoại”.
6g, cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam P.10 bắt đầu công việc tại Trung tâm Tiếp nhận và phân phối hàng hóa phục vụ công tác an sinh xã hội và phòng, chống dịch bệnh (Trung tâm ASXH) Q.Tân Bình để bốc dỡ hàng hóa, nắm số lượng hàng sẽ phân về P.10 trong ngày. Có hôm lượng hàng giao về phường để hỗ trợ các hộ dân khó khăn khá lớn nên các anh phải gọi về phường xin hỗ trợ phương tiện và lực lượng.
|
Trong đêm, các cán bộ đoàn thể P.10, Q.Tân Bình và bộ đội vẫn miệt mài chia các túi quà để sáng hôm sau kịp chuyển đến tay người dân |
Hơn một giờ sau, hàng hóa đã được tập kết về UBND phường. Mọi người tranh thủ vào ăn mì tôm vừa được nấu xong. Vừa ăn, anh Hiếu vừa tranh thủ “chốt đơn” và phân loại đơn hàng đã chốt buổi tối. Cán bộ phường sẽ đảm nhiệm việc trao tặng túi an sinh xã hội, đi chợ giùm, mua thuốc men và các đồ dùng thiết yếu.
Ở khu vực tập kết hàng hóa của UBND P.10, nhiều người cùng nhau phân chia số thực phẩm vừa được chuyển về để kịp trao cho các hộ khó khăn vào buổi chiều, đồng thời chất các túi thực phẩm đã chuẩn bị từ đêm trước lên xe, chuẩn bị mang đến trao cho các hộ khó khăn trong buổi sáng. “Hôm nay, mình có tổng cộng 17 đơn hàng đi chợ giùm, phải thật tranh thủ mới xong kịp trong buổi sáng. Trong lúc chờ nhà cung cấp hoàn thiện đơn hàng, anh em sẽ đi trao mấy túi thực phẩm cho bà con khó khăn” - anh Huỳnh Thanh Hiếu nói với các cán bộ phường.
8g, xe của phường ghé qua cửa hàng thực phẩm để nhắc các nhân viên ở đây chuẩn bị đơn hàng. “30 phút nữa, tụi em xong đơn” - nữ nhân viên cửa hàng thực phẩm nói. Anh Hiếu chạy xe qua hiệu thuốc gửi đơn hàng mua thuốc, rồi tranh thủ chạy đến xóm trọ phát quà cho những người khó khăn. Các túi quà gồm rau củ, gạo, mì, trứng… được chuyển đến các xóm trọ nghèo ngay trước giờ nấu cơm trưa. Trao quà xong, các cán bộ của phường vội quay xe lại cửa hàng thực phẩm lấy hàng. Giao xong 17 đơn hàng thì đã quá trưa.
13g, tại trụ sở UBND P.10, số hàng chuyển về buổi sáng đã được phân chia thành từng phần để phát cho từng hộ dân. Các cán bộ phường tiếp tục đi phát quà cho các khu trọ, khu dân cư nghèo. Ở nhiều khu, cán bộ phường phải chất hàng lên xe máy, chạy vào các hẻm nhỏ ngoằn ngoèo để phát quà.
“Nhà mình hôm nay có cần rau củ không?” - anh Huỳnh Thanh Hiếu hỏi. “Nhà tôi hết rau từ hôm qua. Mừng quá, cảm ơn mấy anh” - người đàn ông lớn tuổi từ phòng trọ bước ra nhận túi quà với khuôn mặt rạng rỡ. Đến nhà nào cũng vậy, sau khi đặt túi quà trước cửa, anh Hiếu lùi ra xa khoảng 10m, đứng hỏi thăm, động viên bà con. Với những gia đình khó khăn, có người già, trẻ em, cán bộ phường phải thật lưu ý để lần sau “ưu ái” hơn.
|
Anh Huỳnh Thanh Hiếu chở thực phẩm đến hỗ trợ các gia đình khó khăn ở P.10, Q.Tân Bình |
16g, khi những túi thực phẩm cuối cùng sắp được chia xong cũng là lúc anh Hiếu nhận được tin Trung tâm ASXH Q.Tân Bình tiếp tục phân phối hàng hóa về P.10. Mọi người vội vàng lên xe đi tiếp nhận hàng về phường để phân chia. Việc này diễn ra ngay trong đêm. Sáng hôm sau, trong lúc chờ lấy đơn hàng “đi chợ giùm”, cán bộ phường sẽ đi phát số thực phẩm này. Vị chủ tịch MTTQ phường tâm sự: “Có khi, chúng tôi ngồi chia quà đến 21 - 22g mới xong. Giờ đó về nhà, tôi còn tiếp tục ngồi tổng hợp đơn hàng do bà con đăng ký qua tin nhắn nên có khi 1g sáng hôm sau mới xong việc”.
Chị Mộng Trinh - tạm trú P.10, Q.Tân Bình - kể: “Em từ Phú Yên vô đây bán vé số. Mấy tháng nay không đi bán được nên rất khó khăn. Cũng may, mấy cán bộ phường hay ghé cho quà, gạo, phát tiền hỗ trợ nên em mới đỡ phần nào. Nhiều hôm trưa nắng, trong lúc mọi người đang nghỉ ngơi, mấy anh vẫn lặn lội đến từng phòng trọ trao quà”.
“Mong san sẻ khó khăn với bà con”
Mấy tháng nay, người dân ở P.10, Q.Tân Bình đã quen với hình ảnh anh cán bộ phường chạy xe Dream cũ đến phát quà. Có khi, người dân thấy anh Huỳnh Thanh Hiếu lặng lẽ đặt từng bó rau, túi gạo trước các phòng trọ, có khi họ lại thấy anh chở một giỏ quà toàn sữa đến chia cho các trẻ nghèo.
Anh Hiếu kể, có hôm, nhận được thông tin từ tổng đài 1022 về một trường hợp người dân đang cần hỗ trợ thực phẩm, anh liền chạy xe máy chở túi an sinh đến nhà dân. Đến nơi, chủ nhà cho biết, chưa cần hỗ trợ thực phẩm và không phải là người gọi đến tổng đài 1022. Loay hoay hỏi thăm hàng xóm xung quanh một hồi lâu, không có kết quả, vị chủ tịch MTTQ phường định quay xe trở về thì một phụ nữ chạy đến hỏi thăm. Chị cho biết, nhà mình ở khu trọ đối diện. Chị lấy địa chỉ nhà hàng xóm để cán bộ phường dễ tìm.
Nhận túi an sinh từ cán bộ phường, chị cho hay, hiện cả gia đình chị đang thuê trọ, chị đang nuôi một đứa cháu bị não úng thủy. Mấy tháng qua, gia đình mất việc nên phải gọi điện xin hỗ trợ từ chính quyền. Theo lời kể của anh Hiếu, qua hỏi thăm, anh biết đứa cháu của chị ấy bị bệnh nên chỉ uống được sữa. Cũng trùng hợp, khi trở về, trên quận báo sẽ có hỗ trợ sữa cho trẻ em khó khăn nên anh đăng ký cho cháu một phần. Hôm sau, mang thùng sữa đến, nhìn nụ cười của cháu bé và gia đình, tôi rất hạnh phúc. Mình làm được gì đó giúp người dân lúc này cũng đều cảm thấy mãn nguyện”, anh Hiếu bộc bạch.
Theo anh, chuyện người dân cho sai địa chỉ thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Cũng có trường hợp người dân gọi điện cầu cứu chỉ để thử xem cán bộ có nhiệt tình giúp đỡ không. Tuy nhiên, đa số các cuộc gọi là trường hợp đang cần giúp đỡ thật sự. “Mong san sẻ khó khăn với bà con” là động lực để các cán bộ ở P.10, Q.Tân Bình, cũng như các anh chị cán bộ MTTQ và các đoàn thể, khu phố của 312 phường, xã của thành phố miệt mài làm việc từ sáng sớm đến tận khuya trong đợt dịch này.
Chiều tối tuần trước, mưa tầm tã, anh Hiếu cùng các cán bộ khu phố 1 đội mưa, đi vào từng con hẻm nhỏ phát quà cho các hộ có người nhiễm COVID-19 đang điều trị, cách ly tại nhà. Nhiều người hỏi: “Sao không chờ tạnh mưa, đến sáng mai hãy đi”, anh Hiếu nói: “Các hộ có F0 phải ở yên trong nhà, không ra ngoài mua thực phẩm được. Mình phải giao ngay lúc này để họ còn nấu bữa tối, bữa sáng. Nếu chờ đến sáng mai, họ biết lấy gì ăn?”.
Trong “cuộc chiến” chống COVID-19, ở “tuyến sau”, một cán bộ phường phải đồng thời kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Như anh Huỳnh Thanh Hiếu, hiện tại, đang kiêm nhiệm Tổ phó An sinh - Xã hội phường, đi chợ giùm, tiếp nhận hàng hóa, tiếp xúc mạnh thường quân, phụ trách chăm lo cho người đã khuất (liên hệ gửi tro cốt vào các chùa). Trong đợt dịch đầu tiên, cán bộ MTTQ phường còn lo suất ăn cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch.
Anh Thanh Hiếu chia sẻ: “Tôi vừa báo cáo với Đảng ủy, sắp tới sẽ chuyển nhiệm vụ đi chợ giùm lại cho Hội Phụ nữ. Tôi không tránh bớt việc mà muốn tập trung làm tốt công tác an sinh - xã hội. Chúng tôi muốn đẩy mạnh hơn nữa việc chăm lo để bà con bớt khó khăn”.
754 công chức xuống xã, phường giúp dân
UBND TP.HCM vừa có quyết định cử 754 cán bộ của sở, ngành xuống 312 phường, xã của TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện để tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19; mỗi phường, xã sẽ có thêm 2-3 người.
754 công chức này sẽ hỗ trợ UBND phường, xã thực hiện công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; nắm chắc số hộ, số người cần chăm lo và duy trì việc chăm lo cho thật tốt, không để sót hay trùng lặp trong việc chăm lo các đối tượng khó khăn; thực hiện nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND xã, phường phân công.
|
Sơn Vinh
(Còn nữa)