Yêu cái tết Việt “vừa lạ vừa quen”
Trên bức tường đối diện lối ra vào của phòng khám đông y Minh ở khu phố Hưng Vượng 3, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TPHCM, không khí tết đã thấp thoáng bởi tấm liễn màu đỏ ghi chữ “phúc” cùng những dây trang trí hình tràng pháo. Đó là phòng khám do tiến sĩ, bác sĩ Lee Byung Geun - người Hàn Quốc - làm chủ.
Có khoảng 10 năm sống ở Việt Nam và làm nghề khám chữa bệnh ở đây khoảng 7 năm, tiến sĩ Lee Byung Geun nói đây sẽ là nơi ông chọn gắn bó cho đến khi nào sức khỏe còn cho phép. Trước đó, để theo đuổi việc học và nghiên cứu đông y, ông đã ở Trung Quốc 10 năm nhưng không cảm thấy thích hợp. Sau khi hoàn thành việc học, ông rời Trung Quốc, đi du lịch nhiều nước nhưng cuối cùng chọn sinh sống lâu dài ở TPHCM bởi nhận thấy giữa 2 nền văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, nhịp sống, con người ở TPHCM gần gũi với mình.
|
Các du khách Ba Lan tìm hiểu về bánh chưng, bánh tét và văn hóa truyền thống trong tour du lịch đặc biệt mang tên "Tây ăn tết ta" ở TPHCM tối 20/1 - Ảnh: Quốc Thái |
Những ngày cuối năm, như bao nhiêu người làm ăn xa quê khác, tiến sĩ Lee Byung Geun cũng rất nhớ quê bởi Hàn Quốc vẫn giữ cái tết truyền thống giống người Việt Nam. Ở độ tuổi thất thập, ông càng có cảm giác xốn xang mỗi khi tết gần kề. Hiện nay, tiến sĩ Lee Byung Geun đã quen với việc ăn tết xa quê. Trong ngày đầu năm, ông và vợ sẽ dành thời gian để hướng về tổ tiên, đất nước. Họ cũng cùng nhau ăn canh bánh gạo rồi hòa cùng dòng người đi chùa vào ngày đầu năm mới để cầu bình an, sức khỏe, công việc hanh thông. Có những năm, ông còn đến nhà những người bạn Việt Nam để xông đất ngay thời khắc giao thừa.
Chia sẻ ấn tượng về cái tết Việt Nam, ông Lee Byung Geun cho biết, thời gian đầu đến TPHCM, ông rất bất ngờ khi sáng mùng Một, bước ra đường, tất cả hàng quán đều đóng cửa im lìm, trái ngược với không khí nhộn nhịp thường ngày. Ông nói: “Khi đó, tôi mới hiểu rằng, người Việt Nam cũng ăn tết truyền thống khá đặc biệt. Mọi người đều muốn dành thời gian cho gia đình, dành thời gian để nghỉ ngơi sau 1 năm làm việc vất vả. Điều đó thật sự thú vị”.
Còn bà Bak Gi Suk - vợ ông - thì ấn tượng với cảnh đường phố nhộn nhịp trong những ngày cuối năm, khi những dòng người, dòng xe lũ lượt về quê vui tết cùng gia đình, người thân. Bà cho biết, đất nước Hàn Quốc không rộng nên chỉ mất khoảng 4 giờ để di chuyển giữa 2 đầu đất nước bằng ô tô. Điều đó khiến không khí những ngày cuối năm không khác biệt nhiều so với thường ngày.
Giới thiệu văn hóa Việt với thế giới
Một chiếc xe đạp hoa, bàn trà với ấm nước còn nóng, liễn thư pháp, những tấm mành tre trang trí cành mai, cành đào, giá treo những bộ áo dài truyền thống Việt Nam nhiều màu sắc… là khung cảnh trong ngày hội Tết Việt vừa diễn ra tại chung cư De Capella, phường An Khánh, TP Thủ Đức, TPHCM.
|
Tiến sĩ Lee Byung Geun (bìa phải) và vợ (giữa) trang trí nhà cửa chuẩn bị đón tết - Ảnh: Thu Lê |
Ngồi bên bàn trà, anh Park Jeon - người Hàn Quốc - chăm chú nghe chị Trần Thị Hiệp - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 10, phường An Khánh - giới thiệu về ý nghĩa và cách làm nên những lát bánh tét dẻo thơm. Anh Goldaev Pavel - họa sĩ đến từ liên bang Nga - thì cùng vợ là chị Cao Thị Thu, 3 cô con gái nhỏ và mẹ vợ chụp tấm hình kỷ niệm. Trong khi đó, anh Josepb Wiles - đến từ Mỹ - thì khuyến khích vợ là chị Trần Kim Phụng thử một bộ áo dài mới rồi liên tục khen đẹp.
Lúc sau, khi các dì, các chị người Việt bày biện mâm cơm tết, các anh cũng xắn tay phụ kê bàn ghế, trầm trồ vì những chiếc bánh chưng xanh, những lát bánh tét ngũ sắc bắt mắt và dĩa dưa hành, củ kiệu trắng giòn. Bên cạnh phở bò và các món ăn ngày tết của người Việt, các cán bộ, hội viên phụ nữ phường An Khánh còn chuẩn bị thêm cơm cuộn và kim chi, cơm chiên mắm ruốc kiểu Thái, salad rau mầm…
Khoảnh khắc cùng mọi người ngồi bên mâm cơm tết đầm ấm, anh Park Jeon nói rất xúc động và nhớ quê hương bởi anh một mình đến Việt Nam làm việc, không có người thân ở đây. Anh kể, vào dịp tết, người Hàn Quốc cũng có phong tục trang trí nhà cửa, chuẩn bị mâm cúng dâng lên bàn thờ tổ tiên, cả nhà sum họp và đi thăm người quen thân, hàng xóm, chúc nhau gặp nhiều phúc lành trong năm mới. Anh cho rằng, ngày hội này là hoạt động ý nghĩa, đẹp và thiêng liêng.
Ngày hội Tết Việt được Hội LHPN phường An Khánh tổ chức tại chung cư De Capella lần đầu vào dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong 2 lần mở hội, anh Goldaev Pavel đều góp mặt cùng gia đình nhỏ. Nghe hỏi ấn tượng về ngày tết cổ truyền của người Việt, anh bật mí mấy năm nay, bạn bè thân quen ở TPHCM thường nhờ mình đến nhà xông đất vào sáng mùng Một. Ban đầu, anh cảm thấy lạ lẫm. Khi được giải thích đây là phong tục lâu đời, là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt, người đến xông đất tượng trưng cho ước nguyện năm mới bình an, tài lộc của chủ nhà, anh càng hãnh diện và thích đi xông đất hơn. Anh cũng đặc biệt thích nhìn người khác gói bánh chưng, bánh tét, thích tục lì xì và hái cành lộc về nhà trong đêm giao thừa.
“Tôi đã đón 13 cái tết cổ truyền Việt Nam ở TPHCM. Mấy năm đầu, tôi rất ngạc nhiên khi thấy hễ gần tết, mọi người lại kéo nhau tụ ở bến xe cùng với cả gia đình, hành lý, quà bánh. Hóa ra, họ đang trên đường về quê ăn tết. TPHCM ngày thường đông đúc nhưng mấy ngày tết thì phố xá vắng người. Không khí đó khiến tôi ấn tượng về sự kết nối với quê hương của người Việt trong những ngày tết, đó là điều khác biệt so với quê hương tôi. Tôi thích đưa vợ đến các chợ hoa, các khu hội chợ xuân để ngắm không khí chuẩn bị tết, chụp hình lưu niệm và chọn mua những chậu hoa đẹp cho gia đình” - anh Goldaev Pavel tâm sự.
Bà Ngô Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội LHPN phường An Khánh - là người có sáng kiến tổ chức ngày hội Tết Việt này. Đây là một phần của mô hình Không gian văn hóa Việt Nam được tổ chức ở khu lưu trú người nước ngoài từ đầu năm 2024. Hội LHPN phường đã cùng đoàn thể các khu phố khảo sát 11 chung cư, 127 hộ cho thuê căn hộ, khu lưu trú, qua đó chọn 5 nơi có đông cư dân nước ngoài nhất để triển khai mô hình. Chung cư De Capella là 1 trong 3 địa chỉ (2 chung cư, 1 khu lưu trú) lập Không gian văn hóa Việt Nam. Tại đây, hội thiết kế các bảng infographic có mã QR song ngữ Việt - Anh giới thiệu về áo dài Việt Nam, món phở, bánh chưng, bánh giầy, các điểm du lịch ngày tết, lịch sử Sài Gòn - TPHCM.
Riêng với ngày hội Tết Việt, hội thí điểm tổ chức ở chung cư De Capella để lắng nghe nguyện vọng của cư dân trước khi nhân rộng. Qua 2 lần tổ chức, hội nhận nhiều phản hồi tích cực, những góp ý có giá trị về việc mở thêm tiểu cảnh tết, mời các cô chú lớn tuổi đến hướng dẫn cách gói bánh, cho chữ, tổ chức đờn ca tài tử…
|
Ông Sinel Pierre thích diện áo dài cùng người thân, bạn bè trong những dịp lễ hội ở TPHCM - Ảnh: T.L. |
Ông Tây thích mặc áo dài, đội khăn đóng
Tháng 3/2009, ông Sinel Pierre - người New Zealand - đến TPHCM du lịch. Tham quan một nhà thờ Do Thái, ông tình cờ gặp và trò chuyện nhiều với bà Kim Hoàng - bếp trưởng của nhà thờ. Sự thân thiện, hiếu khách của bà Kim Hoàng khiến ông Pierre sau đó nhiều lần quay trở lại nhà thờ. Từ tình yêu dành cho bà Kim Hoàng, sự trân trọng với những giá trị văn hóa và cộng đồng TPHCM, ông Pierre quyết định gắn bó với TPHCM.
Vốn là một diễn viên hài và chuyên thiết kế trang phục cho các sự kiện, những ngày này, ông Pierre trở nên đắt sô do được mời hóa thân ông Táo, Thần tài trong các hoạt động vui xuân. “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi sự góp mặt của mình giúp mọi người có những phút giây tươi vui trong không khí đầu xuân mới” - ông Pierre nói.
Chia sẻ về lần đầu tiên đón tết ở Việt Nam vào năm 2010, ông Pierre cho biết, ông rất ngạc nhiên khi thấy người Việt chuẩn bị rất nhiều món ăn để cúng ông bà, tổ tiên và ngày tết của người Việt luôn đầm ấm không khí gia đình. Cảm giác lạ lẫm ban đầu nhanh chóng chuyển thành niềm yêu thích. Ông nhanh chóng làm quen với những nghi lễ, những món ăn truyền thống trong dịp tết. Đặc biệt, ông rất thích chở vợ đi chợ tết, chọn mua hoa, chuẩn bị lễ cúng đầu năm, đi lễ chùa cũng như đổi tiền mới để lì xì.
Bà Kim Hoàng - vợ ông Pierre - tiết lộ, trong tủ quần áo của ông Pierrie có hơn chục bộ áo dài đủ kiểu dáng, màu sắc bởi ông rất thích mặc áo dài, khăn đóng trong những dịp lễ, tết. Mỗi khi có lễ hội áo dài, bạn bè ông thường đến mượn áo dài của ông bởi kiểu nào ông cũng có.
Sinh viên Lào vui tết cùng gia đình Việt Nhận lời mời tham dự ngày hội “Xuân gắn kết - Tết sum vầy” do Hội LHPN phường 14, quận 10, TPHCM tổ chức vào đầu tháng 1/2025, các sinh viên Lào không giấu được sự háo hức. Đây không chỉ là dịp trải nghiệm tết Việt mà còn là cơ hội để họ gắn bó hơn với những người mẹ, người dì Việt Nam. Sau khi hoàn thành xong việc ở trường, 6 sinh viên Lào được má Lê Thị Minh Huệ nhận nuôi nhiều năm qua cùng 3 người bạn khác xúng xính váy áo truyền thống của Lào đến dự ngày hội. Vừa bước chân vào hội trường, Phommavong Phouthasone - sinh viên năm thứ tư Trường đại học Văn Lang - liền chạy đi tìm má Huệ - người nhận nuôi mình từ năm 2024 trong chương trình “Gia đình Việt cùng sinh viên Lào, Campuchia”. Phouthasone lễ phép chào má rồi vui vẻ chào từng dì, chị hội viên phụ nữ đang đứng gần đó. Bà Huệ vui mừng ôm chầm con vào lòng. Bà kể, từ khi nhận Phouthasone làm con nuôi, bà có thêm một người để bầu bạn, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn. Không chỉ hỗ trợ chỗ ở, bà còn thường xuyên giới thiệu phong tục của người Việt, hướng dẫn Phouthasone và những đứa con khác nấu các món ăn Việt. | Các sinh viên Lào cùng má Huệ (đứng, thứ ba từ trái sang) trao quà tết cho phụ nữ khó khăn Ngày hội bắt đầu với không khí rộn ràng. Các sinh viên Lào hăng hái tham gia hội thi trang trí bánh mứt tết, trang trí cành mai, cành đào. Mỗi sinh viên được ghép đôi cùng các dì, chị trong các khu phố dự thi, trang trí nên những bàn tiệc đậm hương vị tết Việt. Phommavong Phouthasone cho biết, sau hơn 4 năm học tập ở TPHCM, đây là lần đầu tiên cô tham gia chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào”. Trước đây, do tính rụt rè và chưa thông thạo tiếng Việt, cô không dám tham gia. Cô nói: “Tôi cảm thấy mình như một phần của gia đình Việt Nam, được hòa mình vào những nét đẹp truyền thống của con người nơi đây. Các mẹ rất thân thiện và luôn quan tâm, chăm sóc chúng tôi. Tết này thực sự đặc biệt đối với tôi, vì không chỉ hiểu thêm về văn hóa Việt mà còn cảm nhận sâu sắc sự ấm áp và tình cảm chân thành mà con người Việt Nam luôn dành cho nhau”. Kế bên, bàn trưng bày sản phẩm tết của bà Tống Thị Hồng - 70 tuổi, ở khu phố 14, phường 14 - cũng rộn ràng tiếng cười nói. Bà cùng con gái nuôi là Chandavong Moukdalin - sinh viên năm thứ sáu, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cũng tất bật trang trí những món bánh mứt truyền thống. Thấy mẹ làm việc hăng say, Moukdalin tò mò hỏi: “Mẹ ơi, sao ngày tết, mọi nhà phải có bánh mứt, trang trí hoa mai, hoa đào và có cả mâm ngũ quả vậy?”. Bà Hồng vừa làm vừa nhẹ nhàng giải thích các thắc mắc của cô con nuôi. Nghe xong, Chandavong Moukdalin liền lấy điện thoại chụp lại mọi thứ trên bàn rồi nói với má Hồng: “Con sẽ gửi những hình ảnh này về cho gia đình ở Lào, để họ hiểu thêm về những món bánh mứt, hoa quả truyền thống của người Việt. Đây thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời và ý nghĩa với con”. Sau những hoạt động sôi nổi, các gia đình Việt và sinh viên Lào cùng quây quần bên bàn tiệc, thưởng thức những món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, mứt dừa, trà rồi cùng giao lưu văn hóa, văn nghệ. Các sinh viên Lào biểu diễn điệu nhảy Lamvong truyền thống, còn các má, dì, chị người Việt hát dân ca Nam Bộ và múa. Bà Trần Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Hội LHPN phường 14, quận 10 - chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn tổ chức một ngày hội xuân để tạo cơ hội gắn kết nhau giữa cán bộ, hội viên, phụ nữ khó khăn, trẻ mồ côi, đồng thời qua đây, giới thiệu những nét đặc trưng của tết Việt đến các sinh viên Lào, giúp họ hiểu thêm về văn hóa và con người Việt Nam”. Ngọc TrămNgọc Trăm |
|
Nhân An - Mẫn Nhi