Những người nhọc nhằn kiếm miếng cơm hàng ngày trong đại dịch

07/06/2021 - 17:19

PNO - Nỗi sợ hãi mất việc đã khiến họ - những người lao động công nhật – phải bám lấy công việc của mình, bất chấp nắng nóng và tai nạn.

Người lao động tại một công trường ở Khu công nghiệp Mayapuri - Ảnh: The Hindu/Shiv Kumar Pushpakar
Người lao động tại một công trường ở Khu công nghiệp Mayapuri - Ảnh: The Hindu/Shiv Kumar Pushpakar

Trên một con đường ở Raghubir Nagar, phía tây Delhi (Ấn Độ), Inder Yadav, một công nhân xây dựng 49 tuổi, người ướt đẫm mồ hôi dưới cái nắng chói chang. Tay phải của Inder bị thương, anh xoay sở chỉ bằng một nửa số tiền lương mà anh từng nhận trước khi đại dịch, nhưng anh vẫn phải cắn răng bám trụ để có thể nuôi gia đình.

Xuất thân từ thành phố Samastipur ở bang Bihar (Ấn Độ), nay Inder sống nhờ vào thu nhập hàng ngày ở Vikas Nagar cùng vợ và bốn đứa con. Các con của anh có miếng ăn trong hai ngày tới hay không phụ thuộc vào số tiền anh kiếm được một ngày trước đó. Hơn một tháng nay, vợ chồng anh thường “lừa” con cái rằng thức ăn các con đang ăn không chỉ là bột mì trần.

“Có những ngày, khi vợ tôi làm bánh chapati và để cho bọn trẻ thấy rằng có thứ gì đó để ăn cùng với bánh chapati, cô ấy hòa nước vào bột mì và nói với chúng rằng đó là bột đậu chickpea và chúng đang ăn món kadhi”, anh nói và rơm rớm nước mắt. Nhiều ngày nay họ chỉ ăn bánh chapati chấm muối, hôm nay có bánh chapati và khoai tây cho bữa trưa.

Inder từng nhận được 800 rupee (11 USD) khi còn làm thợ hồ, nhưng nay anh chỉ được trả 400 rupee cho 10 giờ làm việc một ngày. Những người khác làm việc cùng anh cũng chỉ nhận được mức lương công nhật 300 rupee.

Việc ít người nhiều

“Nếu chúng tôi không đồng ý làm việc, người chủ sẽ tìm người khác, vì việc ít người nhiều. Ít nhất với số tiền kiếm được mỗi ngày, tôi có thể đảm bảo rằng các con tôi không bị đói hoặc đứt bữa”, Inder nói và cho biết ngày nay sữa, pho mai tươi và rau là những thứ xa xỉ.

Inder bị thương khi làm việc, anh bị kẹp tay dưới một tảng đá lớn. Mặc dù vậy, anh không dám nghĩ đến xin nghỉ việc vài ngày, vì sợ sẽ mất việc khi có nhiều người sẵn sàng thế chỗ.

Tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 không chỉ giới hạn ở ăn uống. Gia đình anh sở hữu một điện thoại thông minh, được mua trong thời gian áp dụng lớp học trực tuyến của trẻ năm ngoái. Nay thì Inder không có tiền để nạp tiền cho điện thoại.

Cùng làm việc với Inder là Jagdish Kumar (28 tuổi) và Bablu Kumar (28 tuổi), cả hai đều đến từ Uttar Pradesh. Họ đang làm việc với mức lương 300 rupee mỗi ngày, bằng một nửa số lương công nhật họ từng nhận. Lý do của họ cũng giống như Inder: sợ mất việc.

Tai ương chồng chất

Thêm vào nỗi khổ vì miếng ăn, Jagdish mới mất mẹ cách đây 15 ngày mà anh không có tiền để ma chay cho đàng hoàng. Nhưng may mắn, anh được người chủ ra tay giúp đỡ. Ông chủ không chỉ cho người làm công ăn hai bữa một ngày, ông ta còn trợ giúp để Jagdish lo đám tang cho mẹ.

Dharampal (23 tuổi) vừa cùng vợ và một cô con gái 10 tháng tuổi trở về một công trường xây dựng ở Khu công nghiệp Mayapuri từ làng của họ ở Uttar Pradesh. Trước đó, họ buộc phải rời công trường về quê vì không có công việc, chủ thầu đã trừ tiền ăn vào lương công nhật của họ. Cũng như trước khi giãn cách COVID-19, nay Dharampal có mức lương 400 rupee, còn những phụ nữ cùng làm chỉ nhận được 350 rupee.

Chờ đợi trong hy vọng

Chờ đợi người thuê ở chợ việc làm Tilak Nagar - Ảnh: Getty Images
Chờ đợi người thuê ở chợ việc làm Tilak Nagar - Ảnh: Getty Images

Tại chợ việc làm Tilak Nagar, một đám đông người làm công nhật ngày ngày chờ đợi và quan sát mọi chiếc xe chạy qua với ánh mắt đầy hy vọng. Những người tìm việc đến “chợ” lúc 8 giờ sáng và rời đi lúc 4 giờ chiều, sau khi không có ai thuê họ làm việc. Mặc dù họ thỏa thận với nhau về số lương công nhật tối thiểu là 500 rupee, nhưng thực tế có trường hợp một nửa số tiền trên họ cũng nhận làm.

Hầu hết người lao động cho biết chủ nhà của họ vẫn tiếp tục tính tiền thuê nhà. Trong hai ngày, Ravi, 24 tuổi, cho biết, anh đã dọn dẹp các mảnh vỡ trên công trường xây dựng để kiếm tiền. Anh từng làm nhân viên hỗ trợ tại một showroom tư nhân ở Subhash Nagar, nhưng năm ngoái phòng trưng bày đóng cửa vì dịch bệnh, đến nay chưa mở cửa trở lại. “Tôi từng nhận lương tháng 10.000 rupee và đó là một công việc riêng tư. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải quay trở lại lao động công nhật”, Ravi nói.

Hoàng Diệu (theo The Hindu)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI