Những người mua nhà dự án của Vũ ‘nhôm’ sẽ gặp phải nguy cơ nào?

03/01/2020 - 16:30

PNO - Hàng trăm người dân đã mua nhà ở tại các dự án liên quan đến sai phạm của Vũ nhôm đang lo lắng trước số phận của các dự án này.

Tuy nhiên, 2 dự án này đã bị chuyển dịch trái pháp luật với tổng giá trị được định giá hơn 15.700 tỷ đồng cần phải thu hồi để bảo vệ tài sản của nhà nước.

Theo kết luận điều tra, tại dự án 29ha khu đô thị mới quốc tế Đa Phước hiện do chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước triển khai xây dựng nhà liền kề thương mại và chung cư cao tầng kết hợp thương mại - dịch vụ. Hiện nay, doanh nghiệp đã chuyển nhượng 189 lô đất biệt thự cho 189 khách hàng với tổng giá trị giao dịch khoảng 1.280 tỷ đồng.

Vậy, nếu dự án bị Tòa án tuyên buộc thu hồi, tài sản buộc phải thi hành án để thu hồi tài sản cho nhà nước, số phận của những người dân mua nhà ở các dự án này sẽ được định đoạt như thế nào vẫn là nỗi băn khoăn của những người dân ở đây.

Giải đáp về thắc mắc này, luật sư Lê Cao, Công ty Luật FDVN- Đoàn luật sư Đà Nẵng cho biết, theo quy định, hiện nay các Dự án liên quan đến quyền sử dụng đất mà bị thu hồi do vi phạm pháp luật đất đai thì thực hiện theo các quy định tại Điều 64 Luật đất đai 2013.

Theo đó, nếu thuộc vào các trường hợp đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền, đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho … và các trường hợp khác người sử dụng đất vi phạm pháp luật đất đai, nếu có cơ sở theo quy định thì bị thu hồi đất. Do đó, Tòa án có thể căn cứ các quy định tại Điều 64 Luật đất đai 2013 để xác định cơ sở thu hồi đất, từ đó căn cứ Điều 48 Luật Đầu tư 2014 và các quy định của pháp luật đầu tư để thu hồi, chấm dứt dự án đầu tư.

Dự án đô thị Đa Phước đang đầu tư dang dở
Dự án đô thị Đa Phước đang đầu tư dang dở

Luật sư Lê Cao cho biết, trong trường hợp có các kiến nghị, yêu cầu về việc thu hồi quyền sử dụng đất thuộc các dự án đã huy động vốn của người dân mà được Tòa án tuyên xử hoặc bị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thu hồi các dự án đó thì người dân dễ rơi vào tình trạng mất mát  về tài sản. Khi đó, doanh nghiệp trước đây được giao đất không còn được xem là chủ sở hữu tài sản hợp pháp để thực hiện các giao dịch chuyển nhượng hợp pháp sản phẩm bất động sản mà họ đầu tư cho những người dân đã chuyển tiền đặt cọc, giữ chỗ, tiền huy động mua nhà đất cho họ.

Trên thực tế các dự án bất động sản với sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, việc chuyển nhượng chưa được phép nhưng các doanh nghiệp thường lách luật để chuyển nhượng bằng cách đặt cọc, ký hợp đồng nguyên tắc hứa hẹn chuyển nhượng để huy động vốn đến 95%, có trường hợp huy động đến 100% giá trị nhà ở hình thành trong tương lai.

Việc giao dịch này chưa được thực hiện chính thức, chưa đăng ký quyền sở hữu, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất. Do đó, khi dự án và quyền sử dụng đất bị thu hồi, các giao dịch giữa doanh nghiệp huy động vốn của người dân không tiếp tục được thực hiện trên thực tế. Khi đó, doanh nghiệp đã nhận tiền không thể tiếp tục thực hiện cam kết chuyển nhượng nhà đất cho người mua.

Lúc này, người dân muốn bảo vệ quyền lợi của mình chỉ có thể yêu cầu doanh nghiệp trả lại tiền, nhưng hầu như tiền huy động của người dân các doanh nghiệp đã chi cho việc đầu tư dự án, chi cho các chi phí liên quan và có nhiều trường hợp đã bị sử dụng cho các mục đích khác nên không còn lại bao nhiêu, hoặc có doanh nghiệp nhiều trường hợp không tự nguyện hoàn trả. Do vậy, chỉ có con đường yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi của họ.

Cách thức mà người dân bảo vệ quyền lợi của mình như thế nào?

Theo luật sư Lê Cao, hiện nay, các vụ án hình sự đang diễn ra, chỉ có một số vấn đề dân sự liên quan cụ thể đối với các bị cáo, bị hại của vụ án Tòa án có xem xét, giải quyết luôn trong quá trình giải quyết.

Đối với các giao dịch mua nhà đất của người dân thuộc các giao dịch dân sự liên quan muốn được Tòa án giải quyết cần phải có các yêu cầu cụ thể của mình. Khi đó, người mua nhà đất có thể có yêu cầu độc lập của mình trong vụ án hình sự đang xét xử để yêu cầu tòa án xem xét, giải quyết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Trường hợp, đến nay chưa kịp đưa ra các yêu cầu thì phải khởi kiện vụ án độc lập để yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết. 

Trả lời việc nhiều người mua nhà đất đã vào ở trong các căn nhà của dự án, nếu họ quyết tâm bảo vệ tài sản đến cùng thì có được không; luật sư Lê Cao cho hay: Xét tính chất của những vụ việc như thế này, dù người dân đã bỏ tiền ra rất nhiều để ký các giao dịch mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, nhưng nếu Tòa án có bản án buộc thu hồi lại đất, thì dù đã vào ở trong các căn hộ của dự án người mua cũng buộc phải chấp hành các quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, chấp hành quyết định về thi hành án, nếu người dân không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành án.

Nếu không thực hiện theo các quyết định của bản án đã có hiệu lực, không thực hiện theo quyết định thi hành án người dân bị xem là không chấp hành bản án, quyết định của của Tòa án và có thể bị xử lý trách nhiệm nặng nề. Do vậy, rõ ràng việc bảo vệ đến cùng chỉ dựa vào việc người dân đã sinh sống thực tế trong các căn nhà này rất khó thực hiện nếu bị thu hồi.

Nhiều người dân đã mua nhà ở tại các dự án của Vũ nhôm đang rất lo lắng
Nhiều người dân đã mua nhà ở tại các dự án của Vũ "nhôm" đang rất lo lắng

Cũng theo luật sư Lê Cao đánh giá: Đây là những rủi ro pháp lý rất đáng tiếc, là ví dụ thực chứng rằng các rủi ro rất nặng nề có thể phát sinh khi người dân nhận chuyển nhượng theo hình thức mua “lúa non” các dự án bất động sản

Thêm một lần nữa, đối với các giao dịch bất động sản, người dân cần tỉnh táo lựa chọn thực hiện các giao dịch hợp pháp, đúng luật thì khi xảy ra bất trắc mới được pháp luật bảo vệ. 

Hoàng Thanh Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI