Kỷ niệm 62 năm ngày Thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2024)

Những người mẹ Việt của sinh viên Lào

05/09/2024 - 06:30

PNO - “Những năm qua, nhờ có má Hằng mà cuộc sống tại Việt Nam của em có ý nghĩa và rất đáng nhớ. Tình thương, sự quan tâm và dạy bảo của má đã khiến em - một du học sinh Lào - cảm thấy Việt Nam trở nên thân thuộc” - Sipaseuth Keo bày tỏ.

Coi như con ruột của mình

Vào con hẻm nhỏ ở đường Đoàn Như Hài (phường 13, quận 4), từ xa chúng tôi đã nghe tiếng cười rôm rả của má con bà Nguyễn Thị Hằng (58 tuổi). Trong nhà, bà Hằng đang hướng dẫn 2 bạn sinh viên Lào gọt và bài trí củ quả cho đẹp mắt, các bạn khác đang sắp xếp bàn ghế.

Xong việc, Sipaseuth Keo - sinh viên năm thứ tư, chuyên ngành y đa khoa Trường đại học Nguyễn Tất Thành - chạy đến ôm má Hằng và thủ thỉ chuyện ở trường, ở lớp và nơi thực tập. Bạn cho biết, khi có chuyện vui, lúc có khó khăn buồn phiền, người đầu tiên bạn chia sẻ là má Hằng. Má Hằng sẽ lắng nghe, sau đó sẽ giải đáp và cho Sipaseuth Keo lời khuyên.

“Má Hằng gần gũi và tốt bụng lắm, giống như mẹ em vậy. Có thời gian rảnh là em về nhà cùng ăn cơm, trò chuyện, và xem ti vi với má. Dù có buồn phiền gì đi nữa, nhưng hễ gặp má là hết buồn” - Sipaseuth Keo tâm sự.

Sipaseuth Keo được má Hằng nhận nuôi từ năm 2023. Những ngày đầu về nhà, do tiếng Việt chưa thành thạo nên bạn còn ngại ngùng và lúng túng. Nhưng chỉ sau 1 tuần, bạn dần thích nghi, học được cách nấu những món ăn Việt, hiểu thêm về các nghi lễ, phong tục Việt Nam, tiếng Việt cũng ngày càng được cải thiện.

“Những năm qua, nhờ có má Hằng mà cuộc sống tại Việt Nam của em có ý nghĩa và rất đáng nhớ. Tình thương, sự quan tâm và dạy bảo của má đã khiến em - một du học sinh Lào - cảm thấy Việt Nam trở nên thân thuộc” - Sipaseuth Keo bày tỏ.

Cũng là con của má Hằng, Xaiyavong Duangmany - sinh viên ngành y đa khoa Trường đại học Nguyễn Tất Thành - không giấu được hạnh phúc. Em kể, vào ngày em tròn 23 tuổi, em đã tự tay nấu món ăn Việt theo sự hướng dẫn của má Hằng để phục vụ cho buổi phát cơm từ thiện.

“Là con của má Hằng, em không chỉ nhận được tình thương mà còn biết học cách cho đi, chia sẻ với mọi người xung quanh. Những nét đẹp trong tâm hồn người Việt có ấn tượng sâu đậm trong em” - Xaiyavong Duangmany chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hằng (thứ ba từ phải sang) cùng các con nuôi là sinh viên Lào tham gia hội thi nấu ăn do Hội LHPN quận 4 tổ chức - ẢNH: NGỌC TRĂM
Bà Nguyễn Thị Hằng (thứ ba từ phải sang) cùng các con nuôi là sinh viên Lào tham gia hội thi nấu ăn do Hội LHPN quận 4 tổ chức - ẢNH: NGỌC TRĂM

Ngoài giờ học và đi thực tập ở bệnh viện, thời gian rảnh, Duangmany cùng các bạn sinh viên Lào lại theo má Hằng tham gia các hoạt động cộng đồng. Được giao lưu, tiếp xúc với nhiều người, nhiều hoàn cảnh, các bạn thêm hiểu biết, tự tin, dạn dĩ và có thêm nhiều mối quan hệ tại nơi mình đang sinh sống.

Bà Hằng là hội viên phụ nữ nòng cốt của Hội Phụ nữ địa phương, luôn tích cực trong mọi hoạt động. Năm 2019, bà tham gia chương trình “Tàu thanh niên Đông Nam Á”, bén duyên nên nhận nuôi và gắn bó với các bạn sinh viên quốc tế. Kể từ đó, bà tiếp tục tham gia chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM”. Từ năm 2022 đến nay, gia đình bà đã nhận nuôi 6 bạn sinh viên Lào trong nhiều năm liền.

Bà Hằng kể, ban đầu bà tham gia với tâm thế muốn trải nghiệm. Nhưng nhận thấy các bạn sinh viên rất ngoan, chịu học hỏi; các bạn cũng giúp bà có cơ hội kết nối, giao lưu, hiểu biết hơn về phong tục, văn hóa của nước bạn, nên bà đã gắn bó.

Nhìn các bạn sinh viên Lào, bà Hằng bộc bạch: “Chồng tôi mất cách đây 20 năm. Tôi có 2 con, nay đã lớn, sinh sống và làm việc ở xa, nên từ lúc có 6 đứa nhóc này, tôi vui lắm. Tôi coi chúng như con mình, có chúng là có tiếng cười”.

Bà Hằng cho biết thêm, bà luôn dành thời gian để đưa các con đi du lịch, tham quan các bảo tàng và di tích lịch sử để giúp các con hiểu hơn về truyền thống, văn hóa, lịch sử của đất nước và con người Việt Nam. Ngược lại, các bạn sinh viên Lào cũng dạy bà về ngôn ngữ, văn hóa, những bài hát, điệu múa và các món ăn đặc sản của quê hương các bạn.

Bà Nguyễn Thị Hằng (hàng đầu, ngồi giữa) luôn quan tâm, chăm lo và yêu thương các bạn sinh viên Lào như con ruột ẢNH: NGỌC TRĂM
Bà Nguyễn Thị Hằng (hàng đầu, ngồi giữa) luôn quan tâm, chăm lo và yêu thương các bạn sinh viên Lào như con ruột ẢNH: NGỌC TRĂM

Các con về rộn tiếng cười vui

Từ năm 2022 đến nay, bà Trần Thị Châu Em (khu phố 3, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức) cũng nhận nuôi 6 nữ sinh viên Lào đang theo học tại Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật và Trường đại học Nguyễn Tất Thành. Bà Châu Em thổ lộ: “Gia đình tôi được hội giúp đỡ rất nhiều. Với tâm nguyện sẽ góp sức cho hội, cho địa phương khi có thể, năm 2022, nghe có chương trình Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia, tôi tham gia ngay”.

Nhà bà Châu Em nằm trong một con hẻm trên đường Dương Đình Hội, rộng rãi và nhiều cây xanh. Ngày thường, nhà rất vắng, nhưng cứ đến tối thứ Sáu thì lại rộn tiếng cười nói của những nữ sinh vừa rời ký túc xá về thăm mẹ. “Tôi có 2 con trai, đều đã lập gia đình ra riêng. Ông nhà tôi bị tai biến, sức khỏe đã yếu, lại trầm lặng, nên nhà vắng lắm. Từ ngày có các con gái, không khí vui hẳn. Mẹ con tôi cùng đi siêu thị mua đồ, quây quần trong bếp nấu nướng, rảnh thì ra quán nhâm nhi ly cà phê” - bà Châu Em phấn khởi.

Bà Châu Em xởi lởi, nhưng tinh ý. Trước các con, bà luôn nói thật chậm và kiên trì lắng nghe từng câu tiếng Việt ngắn, có khi còn sửa lỗi phát âm cho các con. Bà cũng dành phòng riêng, dọn dẹp sạch sẽ cho các con nghỉ ngơi mỗi khi về. Bún bò, bò kho, lẩu cá thát lát là những món bà hay nấu vì các con đều thích. Riêng những ngày mưa, bà đổ bánh xèo đãi cả nhà. Các con gái lại thường chủ động vào bếp làm những món ăn đặc trưng của quê hương mình như nộm đu đủ, lạp, cá hấp… mời ba mẹ.

Bà Trần Thị Châu Em (giữa) cùng 2 con gái nuôi là Souphaphone và Mailorkham Khengkham - ẢNH: MẪN NHI
Bà Trần Thị Châu Em (giữa) cùng 2 con gái nuôi là Souphaphone và Mailorkham Khengkham - ẢNH: MẪN NHI

Biết các con được học bổng qua Việt Nam du học, gia đình đều khó khăn, nhưng cho tiền thì không đứa nào chịu nhận, vì thế cuối tuần bà lại gói ghém đồ ăn, trái cây để các con mang vào ký túc xá. Bà còn sắm áo dài, áo thun in logo Hội Phụ nữ tặng các con để thỉnh thoảng mấy mẹ con cùng đi tham quan đây đó. Vì vậy mà sợi dây kết nối mẹ - con ngày càng bền chặt.

Suntiphap Souphaphone - 22 tuổi, đến từ thủ đô Viêng Chăn (Lào), hiện đang học ngành công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, 1 trong 6 cô con gái của bà Châu Em - tâm tình: “Em qua Việt Nam năm 2021, sống trong ký túc xá. Năm 2022, em được mẹ Châu Em nhận đỡ đầu nên mỗi cuối tuần em lại cảm giác như được về nhà. Mẹ rất gần gũi. Mấy mẹ con có thể thủ thỉ cả ngày không chán. Em đặc biệt thích món bún bò, mẹ nấu ngon lắm”.

Gia đình bà Châu Em từng rất chật vật. Năm 2012, bà được hội tạo điều kiện tham gia học nghề nấu ăn, hỗ trợ vốn để mở tổ dịch vụ nấu đám tiệc và kết nối với khách hàng. Trung bình mỗi tháng bà nhận 4-5 tiệc, cao điểm cưới hỏi có khi lên tới 20 tiệc. Nhờ chăm chỉ, tiết kiệm, bà xây được nhà mới, phát triển 12 phòng trọ cho sinh viên và người lao động thuê ở.

Cuối tuần về nhà, thấy mẹ tất bật, các con lại ào vô phụ mỗi đứa một tay. Tết Nguyên đán, bà “chơi lớn” nấu 10 bàn tiệc chiêu đãi con cháu cùng người thuê trọ. Với bà, đó là những ngày đoàn viên ấm áp và xúc động. Trong số 6 người con Lào có 2 bạn đã tốt nghiệp về nước, tìm được việc làm và vẫn giữ liên lạc với bà.

“Lãnh tháng lương đầu tiên, tụi nhỏ mừng khoe rối rít, hẹn sẽ sớm trở lại Việt Nam thăm tôi. Gia đình tôi sẽ luôn rộng cửa đón nhận sinh viên Lào, Campuchia đang theo học tại thành phố mình. Tôi thương các con như con cháu trong nhà nên ở đây các con cứ thoải mái, không phải e ngại gì hết” - bà Châu Em khẳng định.

Ngọc Trăm - Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI