Những người mẹ trên truyền hình Việt: Đã thôi cam chịu!

05/03/2021 - 07:38

PNO - Có thời gian, những người mẹ trên các bộ phim truyền hình Việt Nam bị “đóng đinh” vào hình ảnh cam chịu, hy sinh đến tận cùng. Gần đây, nhiều kịch bản đã thay đổi, xây dựng hình ảnh người mẹ có lối sống hiện đại, hành động quyết liệt và tiếng nói có trọng lượng hơn.

 Những người mẹ hữu hình nhưng vô thanh trong quá khứ

Nhiều phim truyền hình Việt từng khắc họa hình ảnh phụ nữ, đặc biệt là người mẹ rập khuôn trong sự kham khổ, hy sinh vì chồng con. Vì từng có nhiều người mẹ cùng một khuôn mẫu như thế, nên suốt thời gian dài, phim Việt nhìn đâu cũng thấy khổ ải, nhọc nhằn, và phụ nữ luôn yếu thế trong gia đình.

Còn nhớ trong Của để dành, cố NSƯT Hoàng Yến vào vai bà Vi, một người mẹ chịu thương, chịu khó, chỉ biết nuốt nước mắt vào trong để gia đình êm ấm. Ngoài vai bà Vi, cố nghệ sĩ được xem là người “chuyên trị” dạng vai này trong nhiều phim khác như vai mẹ Liên phim Bông sen, vai bà Cẩm phim Hoa xuyến chi…

NSND Thu Hà (trái) và diễn viên Thanh Hương trên phim Hướng dương ngược nắng
NSND Thu Hà (trái) và diễn viên Thanh Hương trên phim Hướng dương ngược nắng

Danh sách những người mẹ đáng thương, hy sinh đến mức khó tin trên phim còn có cố nghệ sĩ Ánh Hoa với hàng loạt vai diễn khắc khổ. Đáng nhớ nhất phải kể đến vai mẹ của Hạnh trong Giã từ dĩ vãng. Một số nữ nghệ sĩ khác cũng từng kinh qua vai diễn người mẹ lấy nhiều nước mắt như NSND Kim Xuân, NSND Như Quỳnh, diễn viên Hoài An…

Gần đây, truyền hình Việt “đãi” khán giả bằng những kịch bản có phần mới mẻ, hiện đại hơn. Trong đó, nhân vật người mẹ có nhiều thay đổi phù hợp với thời cuộc, và yếu tố nữ quyền phần nào được tô đậm. Cũng chính những người mẹ từng nhịn nhục, khóc vì số phận trớ trêu như NSND Kim Xuân, NSND Thu Hà, diễn viên Hoài An… tái xuất trong hình ảnh mới. Họ vào vai nhân vật sống quyết đoán, làm chủ cuộc đời, thậm chí có phần độc đoán, cực đoan.

NSND Kim Xuân vai bà Lan, phim Trói buộc yêu thương là một trong những vai diễn khác biệt của chị. Bà Lan có chức vụ cao trong ngành giáo dục, sở hữu cơ ngơi khang trang và có tiếng nói trong gia đình. Nhân vật này tham vọng quyền lực, địa vị và muốn các con duy trì thanh danh gia đình, nên ép con mình sống theo kịch bản mà bà định sẵn. 

Sau khi Trói buộc yêu thương kết thúc, Hướng dương ngược nắng tiếp sóng khung giờ vàng trên VTV3. Trong Hướng dương ngược nắng, nhân vật Bạch Cúc do NSND Thu Hà đảm vai tiếp tục đưa đến hình ảnh khác về người mẹ Việt Nam trên phim truyền hình.

Bà Bạch Cúc là người giỏi giang, nắm giữ vị trí quan trọng trong công ty của gia đình chồng. Dù bị nhiều người muốn triệt hạ, nhưng bà không hề e ngại.

Ở phim Bánh mì ông Màu, bà Vân là nhân vật phản diện hiếm hoi trong sự nghiệp diễn xuất của diễn viên Hoài An. Là vợ của một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản, quen sống trong nhung lụa và mang định kiến giàu - nghèo, bà luôn dặn các con phải yêu người môn đăng hộ đối. Diễn viên Hoài An cho biết, nhân vật bà Vân không có những cảnh khóc lóc, cam chịu như nhiều dự án chị từng tham gia. Thậm chí trước đây, chị từng bị khô tuyến lệ vì đảm nhận quá nhiều vai có cảnh khóc, nhân vật bi lụy.

Sự thay đổi tiệm cận cuộc sống

Đạo diễn - NSƯT Công Ninh cho biết, sự thay đổi hình ảnh người mẹ trong các kịch bản truyền hình gần đây là tiến bộ và phù hợp với cuộc sống hiện đại. “Nếu nhiều năm trước, người phụ nữ bị gắn chặt vào những định kiến công, dung, ngôn, hạnh, thì giờ đây, họ làm chủ cuộc sống của mình. Ngoài đời, họ đảm nhận chức vụ cao, trở thành trụ cột gia đình, sống chủ động, quyết đoán hơn, thì trên phim, các biên kịch cũng phải phản ánh tiệm cận hơi thở cuộc sống hiện đại. Nếu làm khác đi, khán giả sẽ thấy nội dung phim chưa phù hợp, không thuyết phục” - đạo diễn Công Ninh chia sẻ thêm.

NSND Kim Xuân phím Trói buộc yêu thương
NSND Kim Xuân phím Trói buộc yêu thương

Đạo diễn Công Ninh cho rằng, điện ảnh, truyền hình của nhiều quốc gia trên thế giới đã nói đến sự tiến bộ về vai trò của phụ nữ từ lâu. Đó là đưa phụ nữ về đúng vị thế của họ, bình đẳng với nam giới, không bị đẩy vào các tình huống bi kịch, khổ đau. “Tôi ủng hộ hình ảnh người phụ nữ, đặc biệt là người mẹ được khai thác rộng hơn, thay vì chỉ toàn nếm trải đau thương. Và hình ảnh về nam giới hiện tại, nếu vẫn luôn cho mình ở thế thượng phong là sai lầm” - nam đạo diễn nói thêm.

Cùng ý kiến với NSƯT Công Ninh, đạo diễn Hùng Phương của phim Trói buộc yêu thương khẳng định: “Trong khoảng 10 năm, cụ thể hơn là trong vòng 5 năm trở lại, những người mẹ độ tuổi từ 45-60, đều được tiếp cận với công nghệ thông tin, thậm chí cập nhật xu hướng thời trang quốc tế rất nhanh chóng. Do đó, phim ảnh phải có sự thay đổi tất yếu để phù hợp”.

Nói về nhân vật bà Lan do NSND Kim Xuân đảm nhận, đạo diễn Hùng Phương cho biết, nhân vật học thức cao, có vị trí quan trọng trong ngành giáo dục, nên dù đau khổ, họ cũng chọn giải quyết theo cách của một người phụ nữ hiện đại - dùng trí lực nhiều hơn. Nam đạo diễn cho biết theo quan sát của anh, hiện nhiều bộ phim đã thay đổi kịch bản về hình ảnh người phụ nữ Việt nói chung và người mẹ nói riêng. 
“Người phụ nữ không còn cam chịu số phận, hay để người khác quyết định cuộc đời mình. Đương nhiên, không phải bao giờ lựa chọn của họ cũng đúng, họ cũng phải chịu trách nhiệm cho lỗi lầm. Nhưng trên phim, các biên kịch đã dần để họ được quyết định, không chăm chăm đẩy họ vào bi kịch và buộc họ phải cam chịu như trước. Tôi hoàn toàn hoan nghênh điều đó” - đạo diễn Hùng Phương nói thêm.

Hiện tại, ở các phim truyền hình Việt đang lên sóng, không hẳn tất cả phụ nữ đều làm chủ số phận. Ngay trong Hướng dương ngược nắng, khi NSND Thu Hà vào vai người mẹ quyết đoán thì diễn viên Hồng Diễm trong vai Châu - con gái - lại bị cuộc đời đẩy vào bi kịch. Tuy nhiên, xét ở tuyến nhân vật đảm vai người mẹ ở các phim, dễ thấy biên kịch đã có động thái “cởi trói” cho nhân vật, thoát khỏi các cách khai thác xưa nay thường thấy. Điều này mang đến cho khán giả những câu chuyện mới mẻ, hợp thời, bớt đi sự nhàm chán. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI