Những người mẹ trẻ, hãy tự cứu lấy mình

10/05/2023 - 16:55

PNO - Ẩn sau sự lựa chọn của những “bà mẹ” đó đã cho thấy đầu tiên là thiếu dũng khí để thừa nhận sự thật, sau đó là sự liều lĩnh do thiếu hiểu biết, suy nghĩ nông cạn, chưa đủ ý thức về sự tôn nghiêm của sinh mạng.

Vào tháng trước, từ một mẩu tin trên báo Nhật về phiên tòa phán xử một cựu thực tập sinh người Việt đã khiến tôi tò mò tìm hiểu vụ việc và không khỏi bàng hoàng, xót xa trước những gì được biết.

Phiên tòa cấp tối cao đã ra phán quyết ngược lại với 2 lần phán quyết trước đó.

Thi thể đứa trẻ được phát hiện vào ngày 18/4. Ảnh: Mainichi Shimbun.
Thi thể đứa trẻ được phát hiện vào ngày 18/4 - Ảnh: Mainichi Shimbun.

Sự việc bắt đầu vào tháng 11/2020 khi cô gái (lúc ấy 21 tuổi) đã bí mật tự sinh con tại phòng riêng. Khi phát hiện 2 bé đã mất, cô dùng khăn quấn 2 bé đặt vào thùng các-tông đặt lên kệ như một kiểu thờ.

Tâm điểm tranh luận là liệu hành vi nói trên có đủ điều kiện để bị coi là "vứt xác" và khép tội hay không.

Dư luận Nhật Bản có nhiều ý kiến phê phán chế độ thực tập sinh còn nhiều bất cập với lao động nữ và có đến 9.500 người đã ký tên thỉnh nguyện xử lại vụ án.

Sau khi xem xét các chi tiết bao gồm hoàn cảnh sinh con trong cô độc, tòa án đã kết luận rằng không có đủ bằng chứng để xác định rằng cựu nữ thực tập sinh đã vi phạm luật.

Như vậy “vô tội” chỉ là không thành lập tội danh liên quan đến việc xử lý thi hài.

Khi nghĩ đến 2 sinh linh bé bỏng bất hạnh, rồi đến nỗi đau mà người mẹ mới ngoài 20 tuổi phải chịu đựng khi âm thầm giấu việc mang thai, sinh nở, rồi sau đó là hơn 2 năm bị giam chờ tòa xét xử, chịu sự đánh giá của xã hội, tôi thấy nước mắt mình rưng rưng.

Vậy mà cách đây 2 tuần, truyền hình lại tiếp tục đưa tin về một nữ lao động người Việt bị bắt vì bỏ rơi thi hài (?) của trẻ sơ sinh.

Tôi chợt bừng tỉnh, nhận thấy chúng ta cần làm nhiều hơn là chỉ tỏ lòng xót thương, cảm thông.

Đầu tiên, hãy nhìn nhận căn nguyên của vấn đề: những cô gái trẻ đã không có đủ kỹ năng sống tự lập và có nhận thức đúng về việc sinh nở, làm mẹ.

Vừa rời khỏi trường phổ thông, họ đã chọn hoặc được gia đình hướng đến con đường ra nước ngoài làm việc. Và đất nước tiếp nhận họ với tư cách người lao động tập sự trong thời gian 2-3 năm, cho họ tham gia bảo hiểm sức khoẻ chứ không giả định cho trường hợp những lao động nữ mang thai và sinh nở nên rủi ro bị mất việc làm, đưa về nước là có thật.

Khi rơi vào hoàn cảnh lỡ mang thai, có thể kể ra rất nhiều lo lắng, sợ hãi và lí do vì hoàn cảnh đã khiến cô gái chọn giấu kín việc sinh nở, bất chấp sự an toàn của con và chính sinh mệnh của mình. Nói lên điều này có thể là khắt khe, nhưng không thể nói những người mẹ trẻ kia hoàn toàn không hề có lỗi trong vụ việc này.

Ẩn sau sự lựa chọn của những “bà mẹ” đó đã cho thấy đầu tiên là thiếu dũng khí để thừa nhận sự thật, sau đó là sự liều lĩnh do thiếu hiểu biết, suy nghĩ nông cạn, chưa đủ ý thức về sự tôn nghiêm của sinh mạng.

Thật thông thường và hợp lẽ để kết luận rằng công ty này, tổ chức kia hay chính phủ nọ cần phải định hướng, phổ biến thông tin, hay có chính sách bảo hộ cho lao động nữ nước ngoài. Song điểm cốt yếu là nếu bản thân các bạn nữ trẻ kia, nếu không tự bổ sung hiểu biết về cách chăm sóc - bảo vệ mình và nâng cao ý thức sống có trách nhiệm, trung thực thì dù ở nơi nào, vẫn có thể gây ra những vụ “bỏ rơi con” mà kết cuộc không bao giờ là có hậu kia.

Các cơ quan truyền thông dành cho cho giới trẻ, các bậc cha mẹ, thầy cô,… cần cung cấp cho tất cả những cháu gái, em gái của chúng ta thật nhiều kiến thức về giới tính, về cuộc sống tự lập và cả những thông tin về những “bài học đau lòng”.

Trong khi một xã hội lí tưởng là nơi mà mọi phụ nữ - kể cả lao động nước ngoài ngắn hạn có thể tự do mang thai và sinh nở - với đầy đủ sự hỗ trợ tài chính và phúc lợi xã hội - vẫn còn vô số thách thức để trở thành hiện thực thì tôi tha thiết mong mỏi: Những người mẹ trẻ, hãy tự cứu lấy mình!

Ái Tâm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI