Những người mẹ “mới”

27/06/2022 - 07:25

PNO - Cách đây không lâu, sau khi phát hiện Facebook con trai có hình 18+, một người mẹ đã công khai đoạn tin nhắn nhạy cảm này để cảnh báo các bậc phụ huynh khác.

Trong lúc dư luận chia thành hai luồng trái chiều thì con trai của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp hỏi mẹ: “Thế đã có ai báo công an về việc này chưa hả mẹ? Đây là xâm phạm đời tư”. Nghe con nói, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp giật mình. Bởi lẽ, dù không ủng hộ việc làm của người mẹ kia cho lắm, nhưng phản ứng của chị không rõ ràng, rành mạch và quyết liệt như con trai chị - một học sinh lớp 9.

Con gái của bạn tôi kể, ở lớp, có một cặp đôi đồng tính. Bạn tôi vốn là một người mẹ truyền thống, không chấp nhận chuyện này. Trái ngược với thái độ của mẹ, con gái chị hỏi: “Bố mẹ người ta không phản đối, sao mẹ lại phản đối?”. 

Trên đây là hai phản ứng văn minh của hai người con thuộc “thế hệ Z” đối với các bậc phụ huynh của mình. Các em được giáo dục và lớn lên, phát triển trong một thời đại khác với thời bố mẹ chúng. Cách nhìn các hiện tượng, sự việc xảy ra trong xã hội cũng khác. Khi kể chuyện con mình, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tự nhận: “Các con mình ngày càng hay ho hơn, tiến bộ hơn, văn minh hơn mình. Nếu mình không chịu thay đổi nhận thức, không chịu khác đi thì làm sao có thể nói chuyện được với chúng”. 

Giờ đây, thế giới phát triển và phức tạp, muôn hình vạn trạng, với đầy hiện tượng, trào lưu, xu hướng mới. Một cánh cổng của gia đình đóng chặt lại không ngăn nổi những cánh cửa khác mở ra trong căn phòng đóng kín của những đứa con thuộc thế hệ Y, Z, Alpha… đang nhoay nhoáy chiếc điện thoại thông minh kết nối internet. 

Thế giới mở với đầy biến số, đầy tích cực lẫn tiêu cực. Nếu trước đây, phạm vi cuộc trò chuyện giữa con cái và bố mẹ quẩn quanh trong trường lớp, ăn uống, quần áo thì giờ đây, có thêm những câu chuyện khác thuộc về thời đại này như giới tính thứ ba (LGBT), nữ quyền, rác thải nhựa, biến đổi khí hậu, thậm chí những cuộc chiến tranh trên thế giới.

Yêu thương con cái thôi, chưa đủ. Phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ, cũng phải tự học hỏi để nâng cấp chính mình, để trở thành một người mẹ hiểu biết hơn, để có thể đối thoại được với những đứa con thuộc thế hệ mới và đặc biệt là để hiểu con mình hơn. 

Còn nhớ, chủ đề của ngày Quốc tế Gia đình (15/5) năm 2009 là “Bà mẹ và gia đình: Những thách thức trong một thế giới đang thay đổi” (Mothers and Families: Challenges in a Changing World). Khi đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon từng nói một ý quan trọng: “Chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức trong thế giới đang thay đổi này, nhưng có một điều vẫn không đổi, đó là tầm quan trọng vượt thời gian của những người mẹ và sự đóng góp vô giá của họ trong việc nuôi dạy thế hệ tiếp theo”. 

Câu nói của ông Ban Ki-moon một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của các bà mẹ đối với gia đình và những cộng đồng trên toàn thế giới. Để thấy, người mẹ và việc làm mẹ có một mối liên hệ trực tiếp, lâu dài như thế nào đối với việc kiến tạo thế giới. 

Đầu năm 1931, bất chấp những cấm đoán của chính phủ thuộc địa, nhà trí thức tân học, nhà tư tưởng, nhà báo nổi tiếng đầu thế kỷ XX Nguyễn Văn Vĩnh đã đứng ra thành lập tờ báo L’Annam nouveau (Nước Nam Mới) bằng tiếng Pháp. Trên số báo 304 ngày 4/1/1934, trong bài Phong trào phụ nữ An Nam, có đoạn: “Phụ nữ An Nam ngày nay không còn như xưa nữa. Phụ nữ An Nam ngày nay đã đúng khi họ muốn thay đổi, bởi cuộc sống không hề bất động và cần phải vận động như chính nó”. Tác giả bài báo viết: “Người phụ nữ An Nam cần thiết phải nhận ra rằng, mình đang ở đâu trong tất cả những đổi thay, vận động đó và họ phải chuẩn bị để sống với xu thế không thể đảo ngược”.

Xã hội luôn vận động. Dạy con, tâm tình với con cũng theo đó mà vận động, thay đổi và khác đi. Không có lý do gì mà những người làm mẹ tự phủ trùm mãi trong “chiếc áo” tư tưởng đã lỗi thời, lạc hậu, trừ phi họ không muốn tham gia vào đời sống xã hội mới, đời sống của con cái mình. 

Đậu Dung

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI