Những người mẹ hiền của học trò vùng biên

17/11/2023 - 06:34

PNO - Dạy học ở những nơi phần lớn phụ huynh phải đi làm ăn xa, nhiều cô giáo cắm bản ở các điểm trường vùng biên giới tỉnh Nghệ An - nơi cư ngụ của đồng bào người Thái, Khơ Mú, Mông - như người mẹ hiền, chăm lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ.

 

Cô Lương Thủy Trang chăm sóc tận tình từng bữa ăn cho các em học sinh người Khơ Mú ở điểm trường Đỉnh Sơn 2
Cô Lương Thủy Trang chăm sóc tận tình từng bữa ăn cho các em học sinh người Khơ Mú ở điểm trường Đỉnh Sơn 2

Chăm trò như chăm con

Khi mặt trời còn đang lấp ló bên kia núi, cô Lương Thủy Trang đã có mặt ở điểm trường Đỉnh Sơn 2, Trường mầm non xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) để đón học trò. “Con rửa mặt chưa? Sao vẫn mặc bộ quần áo ngày hôm qua?” - cô Trang hỏi bé gái 3 tuổi mặt mũi còn lấm lem bước vào cổng trường. Có lẽ đã quen, cô Trang vội quay vào bếp lấy ít nước ấm, vò khăn ướt lau mặt mũi, chân tay cô học trò nhỏ. Vừa lau, cô vừa căn dặn “lần sau tắm xong con phải thay bộ quần áo khác, để quần áo bẩn cho bà giặt xong mới mặc lại, sẽ không bị bệnh nhé!”. 

Cô giáo đưa em về nhà thay quần áo rồi tranh thủ đi đến nhà một số học sinh chưa đến trường để tìm hiểu. Thấy các em còn ngủ say, cô đánh thức dậy hỏi thăm thì mới biết ông bà lên rẫy từ sớm, không có người đánh thức. Rồi cô lại sửa sang quần áo, buộc tóc, rửa mặt, chân tay… cho các em đến trường. Điểm trường Đỉnh Sơn 2 có 21 học sinh là người dân tộc Khơ Mú, phần lớn đang ở với ông bà hoặc người thân, cha mẹ các em đi làm ăn xa. “Phần lớn học sinh tự đi học nên việc quên mang cả dép, quần áo… là bình thường” - cô Trang nói.

Cũng ở điểm trường này, cô Lữ Thị Vân kể gian nan nhất là việc liên lạc với phụ huynh. Không có sóng điện thoại, những lúc muốn trao đổi, hay đơn giản chỉ là tìm hiểu lý do học sinh vắng học…, các cô đều phải tìm đến nhà học sinh. “Nhiều lúc các em nghỉ học, cô đến nhà không thấy đâu, phải đi tìm trưởng bản hỏi, rồi hỏi xung quanh mới biết các em theo ông bà lên rẫy. Lên được rẫy để vận động cho các em về học thì cũng mất mấy ngày” - cô Vân tâm sự.

Dạy học ở nơi phần lớn học sinh ở với ông bà, cô Lương Thị Hoa - giáo viên điểm trường Nhọt Kho, Trường mầm non xã Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn) - nói rằng, do điều kiện ăn ở, phần lớn các cháu ở lớp học đều bị bệnh ngoài da, có khi kéo dài nhiều tháng không khỏi. “Nhiều lúc các em bị lở loét khắp người, mấy ngày không tắm nên bốc mùi, cũng không đi khám, mua thuốc uống nên bệnh không khỏi được” - cô Hoa kể.

Những trường hợp nhẹ, cô Hoa lên rừng tìm hái lá cây về nấu nước tắm cho các em. Với những em bị nặng, cô phải gọi điện thoại cầu cứu bạn bè, lực lượng biên phòng xin thuốc bôi. Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, cô đều đặn tắm cho các em 2-3 lần mỗi tuần. 

Sinh ra trong gia đình khó khăn, lại có con nhỏ nên cô Hoa thấu hiểu những thiếu thốn của đám trẻ vùng biên giới. Mỗi lần có dịp về quê, cô tranh thủ hỏi xin đồ cũ từ bạn bè, hàng xóm để đem lên cho trò của mình. 

Ai cũng tránh khó khăn, học trò biết làm sao 

Cô Lầu Y Pay trong giờ đọc sách với học sinh
Cô Lầu Y Pay trong giờ đọc sách với học sinh

Ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, phần lớn người trẻ rời quê đi làm ăn xa. Nhiều đứa trẻ ở độ tuổi mầm non, tiểu học ở xã biên giới này được giao lại cho ông bà, người thân trông nom. Bà Võ Thị Như - Hiệu phó Trường mầm non xã Tri Lễ (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) - cho biết, hơn 30% học sinh của trường từng bị suy dinh dưỡng do ăn uống thiếu chất, hiện tỉ lệ này đã giảm chỉ còn 13%. Đây là cả một quá trình nỗ lực vận động phụ huynh cho con em ăn bán trú tại trường của các cô. 

“Nhiều hôm thấy các em mang cặp lồng đựng cơm trưa mà xót lắm. Có khi chỉ có 1 quả trứng luộc, hoặc ít rau xào” - cô Lầu Y Pay - điểm trường Huồi Mới, Trường mầm non xã Tri Lễ - tâm sự. Cô Pay đành san sẻ đồ ăn của mình để các em đỡ đói. Được ăn ngon, có bạn chơi cùng, thế nên nhiều em nhỏ không đăng ký ăn bán trú tại trường vẫn nằng nặc đòi ở lại, không về nhà ăn cùng ông bà. Điểm trường Huồi Mới có 68 học sinh dân tộc Mông nhưng có tới hơn 30 em thiếu sự chăm sóc của cha mẹ hằng ngày. Sau giờ dạy, cô Pay phải đến tận nhà hỏi thăm sức khỏe, hướng dẫn ông bà cách tắm rửa, vệ sinh, nấu ăn làm sao để các cháu đủ chất…

“Ông bà lớn tuổi, nhiều người không biết chữ nên cũng khó lắm. Thấy không thay đổi, tôi đành xin số cha mẹ các em gọi điện thoại để nói chuyện, bảo họ cố gắng gửi thêm tiền về cho ông bà mua đồ ăn cho các cháu” - cô Pay kể.

Hơn 10 năm công tác tại Trường mầm non xã Tri Lễ, dù nhiều lần được nhà trường tạo điều kiện cho chuyển công tác về dạy gần nhà, song cô Pay đều lắc đầu. “Nếu ai cũng tránh nơi khó khăn thì học trò biết làm sao” - cô Pay nói về lý do tự nguyện đến cắm bản dạy học ở những điểm lẻ khó khăn nhất tại xã Tri Lễ. Cô nói rằng, là một người Mông, nên cô hiểu rõ tính cách, phong tục tập quán… vì thế thuận lợi hơn trong việc vận động học sinh, phụ huynh. 

Cô Lầu Y Pay là 1 trong 3 giáo viên của tỉnh Nghệ An được Bộ GD-ĐT vinh danh Nhà giáo tiêu biểu năm 2023. Ngoài làm tốt công tác chuyên môn, cô còn rất tích cực vận động trẻ đến lớp, kêu gọi được các nhà hảo tâm hỗ trợ trẻ tiếp bước đến trường. “Cô Pay còn đưa ra nhiều sáng kiến trong việc vận động học sinh đến trường. Nhờ vậy, tỉ lệ học sinh đến trường ở xã Tri Lễ ngày một cao hơn” - vị hiệu phó nhà trường cho hay. 

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI