Những người mặc đồng phục

21/07/2014 - 09:21

PNO - PNO - Ngay sau khi Phụ Nữ Online đăng bài “CSGT Hàng Xanh 'bỏ rơi' cô gái tại chân cầu Sài Gòn lúc nửa đêm?” (18/7), đã có trên 8.500 bạn đọc like bài, trên 130 bình luận, trong đó có những ý kiến bày tỏ sự bất bình đối với cách...

edf40wrjww2tblPage:Content

"Khi con cần giúp đỡ, hãy tìm những người mặc đồng phục". Đó là nội dung nhiều bậc phụ huynh ở các nước văn minh trên thế giới dạy trẻ em xứ họ. Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều hơn các bậc phụ huynh dạy con điều tương tự.

"Khi con cần giúp đỡ, hãy tìm những người mặc đồng phục". Mỗi ngày, trẻ em khắp nơi luôn phải đối diện với biết bao nhiêu nguy cơ. Từ những chuyện đơn giản như vấp té khi đùa giỡn, ngã xe đạp, bị bạn lớn bắt nạt... đến những chuyện lớn như đi lạc, bị bắt cóc, bị trấn lột, cướp, té sông... Với sức vóc và trí tuệ của các em, không phải lúc nào các em cũng có thể tự bảo vệ mình và người lớn chúng ta sẽ phải là những người dang tay chăm sóc, bảo vệ các em.

Nhưng không phải người lớn nào cũng là đối tượng để các em đề nghị trợ giúp. Sẽ là cực kỳ nguy hiểm nếu một em bé đi lạc cầu cứu sự giúp đỡ từ một tên cướp hoặc một kẻ buôn người, buôn nội tạng. Sẽ là vô cùng nguy hiểm nếu một bé gái nhờ một người bất kỳ chở giúp về nhà. Ai biết được người đó là ai và sẽ đưa con em mình đi đâu, sẽ làm những gì với trẻ.

Cho nên không có gì phải bàn cãi về việc trẻ em nên được chỉ dẫn tìm đến những người mặc đồng phục để nhờ giúp đỡ. Người mặc đồng phục ấy có thể là một quân nhân, một chiến sĩ cảnh sát, một thanh niên xung phong, một Đoàn viên, thành viên tổ bảo vệ dân phố, bảo vệ siêu thị, nhân viên bến xe... Những người mặc đồng phục là người thuộc một đơn vị, tổ chức và kể cả khi đơn vị ấy không có chức năng giúp trẻ điều trẻ cần, những người mặc đồng phục luôn có thể báo cáo với cấp trên, hướng dẫn và/hoặc trợ giúp trẻ giải quyết tình huống.

Những người mặc đồng phục, dù thuộc bất cứ lực lượng nào, đều có thể giúp các em, ít nhất là một cuộc điện thoại cho người thân.

Thế nhưng...

Nhung nguoi mac dong phuc
Chị Lý Nguyễn Minh Nhị trình bày về việc bị CSGT Hàng Xanh bỏ rơi giữa đêm

Thật buồn khi thi thoảng lại tiếp nhận đó đây những thông tin không hay về những người mặc đồng phục. Mới đây nhất, rất nhiều người đã bày tỏ sự bất bình khi biết chị Lý Nguyễn Minh Nhị bị CSGT Hàng Xanh bỏ rơi tại chân cầu Sài Gòn lúc nửa đêm dù chị đã lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ. Sự giúp đỡ ấy rõ ràng không nhiều và không quá sức - cho phép chị đi nhờ xe (Xe của chị bị tổ công tác CSGT Hàng Xanh lập biên bản tạm giữ) đến một địa điểm khác để chị đón xe ôm hoặc taxi về nhà. Bị từ chối, chị Nhị tiếp tục nhờ cậy các chiến sĩ CSGT nán lại khoảng năm, mười phút đợi chị đón xe bởi khu vực chân cầu Sài Gòn vào thời điểm gần một giờ sáng không thể xem là nơi an toàn cho một phụ nữ đứng đợi đón xe. Một lần nữa, những người mặc đồng phục đã từ chối chị.

Trong vụ em S. - học sinh Trường THCS Chu Văn An (Huyện Chư Sê - Gia Lai) lấy trộm hai cuốn sách ở siêu thị Vĩ Yên hồi tháng 4, em đã bị những người mặc đồng phục bắt trói bằng băng dính vào lan can sắt và đeo vào cổ em tờ giấy in nội dung "Tôi là người ăn trộm". Chưa hết, những người mặc đồng phục còn chụp ảnh em S. post lên mạng. Dù sau đó đại diện siêu thị đã đến xin lỗi gia đình em S., dù những người tham gia bạo hành em đã bị khởi tố nhưng chắc chắn hình ảnh những người mặc đồng phục trong mắt em S. đã biến dạng ít nhiều. Chắc chắn hình ảnh của những người mặc đồng phục trong mắt người dân cũng đã ít nhiều biến dạng.

Phải làm sao để những người mặc đồng phục, bất kể là đồng phục của lực lượng nào, thực sự là chỗ dựa của người dân trong mọi vấn đề an ninh, trật tự? Phải làm sao để hình ảnh của những người mặc đồng phục trở nên đẹp hơn, đáng tin cậy hơn trong mắt người dân? 

Câu trả lời trước hết phải đến từ các ngành, các lực lượng đang khoác những bộ đồng phục đó. Để khi các bậc phụ huynh dạy con em tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người mặc đồng phục, họ không phải băn khoăn mở ngoặc dạy thêm xem đó là đồng phục nào.

YẾN LINH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI